Người bước ra từ huyền thoại

(Đọc Hoa Lòng - Tập thơ và tản văn của Nguyễn Thảo Hiền. NXB Công an nhân dân)

Thật bất ngờ trong một chuyến đi thực tế, tôi may mắn nhận được “Hoa lòng” - tập thơ và tản văn của Nguyễn Thảo Hiền. Ông nguyên là cán bộ khảo sát tổng hợp Bộ Giao thông - Vận tải. Chính từ cái nghề mà người đời cho là khô khan, ít tình cảm, thiếu hấp dẫn ấy, tác giả Nguyễn Thảo Hiền đã trân trọng nó, khai thác, tìm tòi và rồi ông đã tìm thấy nguồn cảm hứng mới để trong những phút nghỉ ngơi, ông đã cho ra đời những bài viết gọi là thơ, là tản văn mà tôi đang được cầm trên tay.

Đọc xong tập “Hoa lòng”, trong tôi cứ hiện lên hình ảnh một người đàn ông tuổi đã cao, không còn cái dáng vẻ mạnh mẽ, nhanh nhẹn của thời trai trẻ nữa nhưng đôi mắt ông vẫn ánh lên những tia sáng lạ thường, hừng hực khí thế, tràn ngập khao khát sống và khao khát cống hiến. Trải qua bao nhiêu sóng gió va đập, đèo dốc gập ghềnh trong cuộc đời một cán bộ khảo sát thời bao cấp với muôn ngàn khó khăn, gian khổ, ông đã phải nghỉ một cục, tiếp tục dấn thân vào đời sống cần lao, làm đủ mọi nghề để có tiền trang trải nợ nần, chăm sóc, nuôi sống cả gia đình. Những tháng năm gian khổ ấy, ông lưng cõng con còn nhỏ đi bộ bốn năm cây số để đưa con đến nhà thầy học đàn, học vẽ. Ông đã chịu nhiều khó khăn, hi sinh về vật chất vì ý thích của con, lại phải đương đầu với bao nhiêu sự cười chê ông viển vông, đem con đi học những môn học xa xỉ, không thiết thực của bà con lao động nghèo ở Quảng Ninh. Cuộc sống thời ấy, mưu sinh còn vất vả, một nắng hai sương, ăn bữa sáng lo bữa tối, ông lại còn lặn lội, ngày ngày cõng con đi học thêm, hướng con vào cái nghề chẳng ra nghề, viển vông, không đi đến đâu. Những lời chê bai nhưng lại đan xen với sự yêu thương, đùm bọc của bà con xóm nghèo lúc đó như sợi dây vướng víu, giằng níu vào những ước mơ cao đẹp của ông, cản trở và trói buộc nó. Vượt lên tất cả khó khăn, thiếu thốn, với một tình yêu thương con mãnh liệt, ông đã bỏ ngoài tai những tiếng xì xèo, những tiếng bấc tiếng chì, đưa cả ba con theo học thêm ở tư gia đều đặn bất kể thời tiết mưa bão rét mướt. Ông trở thành học trò lỏm trong khi chờ con học thật. Chính sự học tập tinh tiến của con đã thôi thúc ông hay chính sự vất vả gian nan của ông đã tự nhiên thúc đẩy lực học của các con để đền đáp ơn cha. Từ những kiến thức học lỏm được như thế, ông đã tranh luận, trao đổi với con những kiến thức từ thầy mà cha con đã nắm được.

 

 

Ngọn lửa về tình yêu thương, sự nhiệt huyết, kiên trì lặn lội, tìm kiếm những kiến thức ban đầu về hội họa, về âm nhạc của bố con dần dần cảm hóa được những người láng giềng, làng xóm. Rồi hình ảnh của ông đã thành biểu tượng cho bà con cần lao xóm láng khi khuyên nhủ, thúc giục con cái mình rèn chí học hành.

Người đàn ông quê Hưng Yên ấy đã được vùng mỏ quê than nuôi dưỡng. Ông bà cho con cái cả vật chất lẫn tinh thần, khuyến khích con học tập, vươn lên, thương cảm, an ủi con trong những lúc cuộc sống gặp khó khăn, thất bại, không được như ý muốn. Ông đã cho con đầu theo học ngành âm nhạc, hai đứa con sau nối tiếp nhau tìm đến nhà cụ Trần Văn Cẩn – một danh họa của nước ta - nhờ cụ dạy dỗ, bảo ban, kèm cặp thêm để ôn thi vào trường Mĩ Thuật. Đứa con đầu sau ba năm mới đỗ, đứa con thứ cũng đỗ Đại học sau… mười ba năm.

Ông bà đã từ Quảng Ninh trở về sống ở Hà Nội trong căn nhà năm tầng khang trang của người con có được nhờ tiền bán tranh. Ngôi nhà từ những bức tranh chỉ nằm trong mơ ước nay đã trở thành hiện thực - một căn nhà khang trang rộng rãi, tràn đầy tình yêu thương.

Ông như là người bước ra từ huyền thoại với bao nhiêu cay đắng, khổ ải chông gai, với thành công mang lại chất chứa bao khó nhọc, lo toan. “Đất trời cũng nức nở theo em/ Xóm nhỏ chiều nay sương mù bạc trắng”. Giờ đây những điều ấy còn đọng lại, gìn giữ một phần nào trong những câu nói được gọi là thơ với câu từ mộc mạc, chân thành, những lời gan ruột toát ra từ chính tấm lòng mình, trong những cái gọi là tản văn thấm đẫm nỗi niềm thương cảm của ông. Những câu chữ không mượt mà, bay bướm nhưng chứa đựng tình cảm tha thiết với người vợ tay ấp má kề: “Từng đêm từng đêm trái tim em nức nở/ Nhớ thương anh đến tím cả ruột gan”; với con cái, với người thân, với bạn bè, với quê hương, ông đã : “Gánh sóng Hạ Long về Hà Nội” và “pha nỗi nhớ ra thành mực” để dâng đời, dâng người… ôm chứa những xúc cảm, những day dứt. Ở những bài được gọi là thơ, là tản văn ông cũng đã ít nhiều đã toát lên niềm kiêu hãnh, nỗi day dứt, sự yêu thương và niềm hạnh phúc về những người thân yêu của mình. “Cội gốc cốt ở cái tình người/ Nghĩa nhân cây đức nở đầy hoa”.

Rồi một lần nữa ông quay trở lại vùng mỏ. Hình như cuộc sống êm ả, lặng trầm và bình ổn không phù hợp với một con người năng nổ, ưa hành động như ông. Với ông, lao động là niềm vui. Tuổi đã cao, lao động còn giúp ông rèn luyện sức khỏe, góp phần làm ra kinh tế để vợ con không phải bận tâm lo lắng về mình. Ông về với căn nhà nhỏ đã từng vang lên những giai điệu mượt mà thân thuộc, những hình vẽ ngây thơ ngồ ngộ đầu tiên của các con mình. Nơi có cả những tiếng càu nhàu, tiếng gắt gỏng của bà khi ông gặp nước bí, phải lấy tiền bán cá của vợ trả tiền học phí cho con. Ông cũng chẳng nề hà, kéo xe bán từng chiếc bánh mì trên đường phố Hà Nội hay cân từng cân hành muối bán rao trên đất Móng Cái. Để lại hình ảnh một người chồng nghèo thủy chung son sắt dành cho vợ; một người cha tận tụy vì con, nuôi khát vọng tri thức, dành cho con tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Ông đã để lại một tập thơ và tản văn “Hoa lòng” mà ra đi khi cuộc đời đã trải qua chín mươi mùa xuân. Những đứa con ông đã trưởng thành. Người con trai thứ hai của ông đã tự thiết kế, phục dựng và biên tập lại từ bản thảo cha để lại, nhờ Nhà xuất bản in để trả nghĩa cha. Đây thực sự là một gia đình hạnh phúc.

Trước một con người đáng kính ấy, ta trân trọng đọc, cảm thụ ý nghĩa của những câu thơ, những dòng lưu bút được gọi là tản văn của ông để thấy được tấm lòng của một người cha, người chồng, người công dân tốt có ý chí vươn lên từ nghèo khó. Điều đó chẳng phải là đáng quý lắm sao!

Cẩm Phả. Ngày 04/10/2022.

Nhà thơ Trần Tâm