Đọc sách “Mùa hoa Trường Sơn” của Nguyễn Thu Mát

Nhận được sách tặng của tác giả Nguyễn Thu Mát, tôi không biết chị bao nhiêu tuổi, làm nghề gì. Sau khi đọc hết tập sách, tôi đoán chị là giáo viên. Một cô giáo trẻ lên vùng cao cắm bản, gieo con chữ giúp đồng bào các dân tộc thiểu số đổi mới trong cuộc sống. Những ngày đầu khó khăn, chân ướt chân ráo, thiếu thốn trăm bề, nhưng bằng nghị lực của mình cùng với tình cảm của bà con dân tộc vùng cao, đón nhận, giúp đỡ cưu mang chị đã vượt qua. Là giáo viên văn, nên văn của chị mộc mạc mà đằm thắm. Cốt chuyện không mới, tình tiết, kết cấu chưa đến mức làm ngạc nhiên người đọc nhưng những trang viết chân thật có sức lôi cuốn kỳ lạ. Với cách kể hồn nhiên, nhẹ nhàng mà duyên dáng. Lúc thì thủ thỉ giãi bày, khi thì nhấn nhá, thôi thúc giục giã, lúc lại thành thơi, ung dung, tạo hứng khởi cho người đọc. Chuyện của chị chủ yếu viết về giáo viên và những người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh, những học sinh tinh nghịch nhưng biết tự trọng, chan hòa cùng bạn bè. Những câu chuyện về tình yêu, tình người sâu lắng, gây xúc động, thấm đẫm tính nhân văn.

Tập truyện ngắn do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành với mười chín câu chuyện được tác giả kể với lòng thương yêu con người sâu sắc và sự cảm thông đối với những số phận éo le. Tập truyện mang chủ đề “Mùa hoa Trường Sơn”, và đây cũng là tựa đề của một trong mười chín câu chuyện ấy.

-“Mùa hoa Trường Sơn” kể về mối tình giữa Thành và Lan. Trong chiến tranh khốc liệt, mạng sống của mỗi người được mang ra thử thách. Ở nơi suốt ngày phải chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ ác liệt và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt giữa đại ngàn Trường Sơn, tình yêu của họ đã nảy nở. Chuyện tình của đôi trẻ được chứng minh như có một sức mạnh không gì có thể ngăn cản nổi, như một loài hoa mà chất độc DIOXIN có thể làm rụng hết các loại lá cây rừng mà không thể làm hại loài hoa ấy. Trong mưa bom, bão đạn, chất diệt cỏ hủy diệt hàng loạt thì cây hoa mái lại có sức sống mãnh liệt, vẫn cho ra những bông hoa tím thủy chung với chùm nhụy màu vàng óng mà Thành trước khi vào tuyến lửa đã hái tặng Lan. Thay cho lời nói hãy đợi anh, hòa bình anh sẽ đón em về trong ngôi nhà hạnh phúc.

Nhưng nỗi đau chiến tranh cứ dai dẳng bám theo họ. Đã về chung một nhà, đón nhận mầm hạnh phúc để xây dựng cho niềm tin yêu và hy vọng. Nhưng cái kết lại thật đắng lòng, hai người càng hy vọng bao nhiêu lại càng thất vọng bấy nhiêu. Hai đứa con ra đời bị ảnh hưởng chất độc da cam đều không qua khỏi, Hương Lan đau đớn, héo mòn, không trụ nổi cũng rời Thành mà trở về với đất. Đau đớn do vết thương cũ tái phát, trong mê man bất tỉnh, Thành đã mơ thấy một gia đình hạnh phúc, vợ cùng con chuẩn bị những thứ tốt đẹp nhất cho một chuyến đi về nơi mà hai người đã gặp nhau với đầy ắp kỷ niệm. Một gia đình đầm ấm nhưng cái kết mang lại cho bạn đọc cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối. Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau vẫn còn ở lại.

-“Có một mùa đông” là một câu chuyện hết sức cảm động. Một cô giáo trẻ, từ bỏ chốn phồn hoa đô hội, lên bản làng heo hút miền biên cương xa xôi để dạy học trong điều kiện vô cùng khó khăn. Trường học không có, thiếu thốn muôn phần. Mùa đông trời rét tới mức nước đóng băng trên cái máng dẫn nước, rồi phong tục tập quán của người dân bản địa không muốn cho con đi học. Mặc dù phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức bủa vây, dù bị ốm đau do không quen với khí hậu vùng cao, cộng thêm cái giá lạnh của mùa đông nhưng cô giáo Hà vẫn quyết tâm bám bản, chịu đựng khó khăn vất vả, vận động người dân cho con em đến trường với quyết tâm gieo con chữ cho con em đồng bào các dân tộc, góp phần xóa bỏ những hủ tục, những quan điểm sai lệch, bài trừ mê tín dị đoan. Câu chuyện kể về một mùa đông mà có lẽ chính tác giả đã phải trải qua, đã phải chịu đựng vì một thế hệ tương lai tươi sáng.

-“Rừng trăng” vẫn là câu chuyện cảm động về những người lính, về sự hy sinh anh dũng của các anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như sự hi sinh thầm lặng của họ sau chiến tranh. Ông Cương từ chiến trưởng trở về thì Dịu - người yêu ông - lại hy sinh ngoài chiến trường. Không về quê, ông quyết định ở lại quê Dịu, đơn thân một mình chăm sóc phần mộ cha, mẹ người yêu đồng thời cũng mang hài cốt của cô từ chiến trường trở về để tiện chăm sóc. Ông đã cải tạo khu đồi rừng hoang hóa thành một khu kinh tế phát triển, có thương hiệu. Một câu chuyện mang đầy tính nhân văn.

-Cũng là đề tài giáo viên cắm bản và những người lính, nhưng ở “Mùa hoa bưởi” cái nhìn của tác giả sâu sắc hơn. Cái tốt và cái xấu xen kẽ. Chịu thiệt thòi vẫn là những người trung hậu, thật thà, dễ tin người. Luôn cho rằng mình thật nên ai cũng giống mình, để rồi phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã như Ngọc, Thơm và Tuấn. Kết cục tất cả đều hiểu lầm, lỡ hẹn trước những gian dối và mưu mô xảo quyệt của Tiểu đoàn trưởng Cấn. Ông Tuấn ngồi trước mặt con đấy mà không dám nhận. Cố gắng nỗ lực bao nhiêu trong xây dựng cuộc sống mới, làm nên thương hiệu, ở không một mình chỉ để chờ tình yêu đầu tiên với cô giáo Thơm trở lại, hai người vẫn biền biệt ở hai phương trời. Trong khi đó mối ràng buộc, cái cầu nối giữa hai người đang ngồi trước mặt ông.

-Là một giáo viên, nên tác giả có lẽ đã nhận thấy trước một điều khó tránh khỏi là môn học Lịch sử thời nay không được học sinh đón nhận nhiệt tình. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cái chính là cách truyền dạy môn Lịch sử. Môn học này rồi sẽ bị dần phai mờ nếu cách dạy học chỉ có thế. Tìm ra cách dạy môn Lịch sử đó cũng là tâm nguyện, ý chí của những người tâm huyết với nghề, những nhà giáo chân chính khi thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta”.  “Tấm ảnh cũ” trong tập truyện là sáng kiến tìm ra phương pháp giảng dạy mới cho môn Lịch sử, vì thế đã thu hút được nhiều học sinh đến với môn học này.

Trong các chuyện mà tác giả Nguyễn Thu Mát đề cập đến còn nhiều, nhiều lắm những hoàn cảnh éo le, những tình yêu không có hồi kết…có những tác phẩm viết cho Thiếu nhi, vẫn là những câu chuyện trong Ngành Giáo dục nhưng nếu đọc kỹ, độc giả phải suy nghĩ về lứa tuổi mới lớn để mà cảm nhận, suy ngẫm về một thời đã cắp sách đến trường, để rồi lấy đó mà uốn nắn con em mình.

Đọc xong câu chuyện “Vượt biên” tôi thấy lòng bâng khuâng và tự hỏi: liệu có phải đây là một lời nguyền hay không mà số phận của con gái chị lại giống chị đến thế. Số phận nghịch cảnh giống như cuộc đời chị, cũng tầm tuổi con gái chị thì mẹ ra đi không trở về, chị mòn mỏi chờ mong. Con gái chị chưa đến tuổi đi học chị đã phải gửi lại ở nhà bà Dì để theo chị em đi làm ăn xa, nhưng chị đâu ngờ mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ người khác mà không thể nào trở về được.

Đọc xong tập truyện, gấp lại, tôi cứ có cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối cho những mối tình, vì chiến tranh mà lỡ hẹn, không đến được với nhau, những cuộc chia tay đầy nước mắt, để lại bao day dứt cho cả người đi xa lẫn người ở lại.

Cả tập sách nói lên lòng say mê với nghề, lòng nhiệt tình, sự nhẫn nại và hy sinh của một cô giáo trẻ cho các thế hệ học trò. Ngoài sự hy sinh cho ngành Giáo dục, còn có tình cảm thiêng liêng của người phụ nữ dành cho người yêu, cho gia đình mà nổi bật là câu chuyện tình yêu thời học trò đang trỗi dậy trong chị. Hình bóng người lính cũng là hình ảnh luôn đeo đuổi bên chị, cái đó tùy đọc giả phán xét. Đó là cái khéo của tác giả. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tập truyện ngắn “Mùa hoa Trường Sơn” của tác giả Nguyễn Thu Mát./.

Tháng 9/2022

Băng Sơn