“Chuyện tình người Hà Nội” của một phụ nữ người Hà Nội

 

LỜI TỰA CỦA NHÀ VĂN CAO THÂM CHO CUỐN SÁCH “CHUYỆN TÌNH NGƯỜI HÀ NỘI”

CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN THỊ HƯƠNG SẮP RA MẮT BẠN ĐỌC.

 

Từ năm 2013, tôi đã đọc một số tản văn, truyện ngắn của tác giả Nguyễn Thị Hương đăng trên TÁC PHẨM MỚI (TPM) và trên trang Blog cá nhân của chị. Khi đó, tôi chưa gặp chị. Nhưng qua tác phẩm và thư điện tử, tôi biết, chị là người Hà Nội, đang sinh sống tại Tp. Hồ Chí Minh, có nhiều mối quan hệ với bạn bè yêu văn chương trong đó, nên tôi đề nghị chị làm cộng tác viên cho TPM. Chị Hương nhận lời. Từ đó, qua chị, TPM có thêm nhiều tác phẩm của các tác giả ở Tp. Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, mối quan hệ giữa chúng tôi thân thiết hơn. Chị chia sẻ với tôi về gia đình hạnh phúc; về những người thân trong gia đình mà chị hết mực thương yêu; về công việc bận rộn ở quán Bún Chả Tô của gia đình chị tại Tp. Hồ Chí Minh... Dù chưa được vào thăm nhà chị, nhưng tôi đã hình dung về cuộc sống viên mãn của chị.

Nhưng tôi đã nhầm! Sau này tôi mới biết, chị đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo - Bệnh ung thư! Điều này càng khiến tôi ngạc nhiên. Vì sao, người phụ nữ đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo mà văn chương lại trong trẻo, tràn ngập niềm vui tươi, lạc quan; tràn ngập tình thương yêu cuộc sống như vậy? Thì đây, chị đã chia sẻ: “...Tôi muốn những ngày cuối của đời mình sẽ là những ngày đẹp nhất, vui nhất, làm những điều tuyệt vời nhất cho những người thân yêu của tôi”. Và chị cũng chia sẻ, lí do chị đến văn chương là thế này: “Ở Thành phố Hồ Chí Minh, điều duy nhất làm tôi buồn là sự nhớ thương Hà Nội, mảnh đất tôi đã sống hơn 50 năm da diết. Để vượt qua những nỗi đau riêng của bản thân, tôi tìm đến với thơ văn. Và lần nữa, thơ văn lại đem hạnh phúc đến cho tôi. Tôi tin những ngày cuối của đời tôi là những ngày đẹp nhất”.

Đó là hai đoạn trích dẫn trong tự truyện “Tôi chiến đấu chống bệnh ung thư” in trong phần I của tập sách này.

Phần I của tập sách bao gồm tự truyện và tản văn; chị viết về những người thân trong gia đình với niềm kính trọng thân yêu nhất và những bài viết về Hà Nội mà nhiều người đã viết. Tuy viết về chủ đề quen thuộc nhưng mỗi bài viết của chị đều gắn với kỉ niệm nên đọc vẫn hấp dẫn. Chẳng hạn, trong Kí ức “Tàu điện” chị kể: “Cô bé 6 tuổi bước theo mẹ xuống tàu điện, trượt chân bé lăn vào gầm tàu khi tàu chuyển bánh, khóc thét lên, mẹ bé cuống quít cứng đờ cả chân tay, anh thanh niên nhẹ nhàng kéo bé ra. Chẳng có chuyện gì xảy ra cả, bởi tàu vừa chuyển bánh thì mất điện”; “Tàu điện có anh xẩm mù hay hát: Anh đi công tác đường xa/ trước là thăm mẹ, sau là thăm em; Có ông Ba Trê mắt kém, răng vàng bán thuốc diệt chuột, rao rất khéo: Chuột ăn chuột chết chuột hết một đời/ Chuột tây, chuột ta, chuột Nga, chuột Mỹ, chuột Tuydini, chuột Thổ Nhĩ Kì, chuột gì cũng chết”.

Nhiều nhà văn nổi tiếng viết rất hay về ẩm thực Hà Nội. Thế nhưng Nguyễn Thị Hương vẫn có cách viết khác, khiến người đọc không cảm thấy nhàm, không lặp lại người khác. Chị hồn nhiên kể về những chuyện thật, chi tiết thật diễn ra trong đời sống mà chị đã nếm trải, thế là miếng ngon Hà Nội bỗng thăng hoa. Chẳng hạn, chuyện về một người Sài Gòn lần đầu ăn món Bún Riêu: “…mới húp được vài muỗng nước đã đứng lên lớn tiếng gọi bảo vệ, cho rằng quán bán đồ cũ nên thức ăn có mùi thiu, còn dọa “cho lên báo”. Tôi phải giải thích hết lời, dẫn khách vào tận nơi xem qui trình và sự sạch sẽ của nhà bếp ông mới chịu. Người miền Nam chân thành và phóng khoáng, sau vài lần thử lại, ông trở thành khách hàng “dài hạn” của chúng tôi, và đương nhiên món ông ấy thích nhất là Bún Riêu. Làm sao có thể  trách được vị khách kia khi mới lần đầu dùng món Bún Riêu kiểu Bắc. Hương vị khác lạ nằm ở nguyên liệu “dấm bỗng” đặc trưng của Hà Nội mà gia đình tôi tự nấu rồi mang vào Nam”.

Phở Hà Nội trong tản văn của Nguyễn Thị Hương cũng gắn liền với những chuyện vui vui. Chị kể “Cả khu phố tôi ở chỉ có mình bà Thủ béo bán phở. Tôi chơi thân với cái Hoa con bà Thủ. Hoa hiền và xinh lắm. Tên thật của Hoa là Vằn. Bởi nhà Hoa có 4 anh em, Hoa là thứ ba, bà Thủ đặt tên con là “Chó – Vàng – Vằn – Vện”, sau này mới đổi thành “Chính – Trực – Hoa – Thơm”, bà Thủ cũng không phải tên là Thủ, mà là vì trước đây chồng bà làm Thủ quỹ nên gọi theo chức vị của chồng”. Qua tản văn về phở của Nguyễn Thị Hương, ta còn biết, có thời dân Hà Nội ăn phở trộn cơm nguội. Chị kể về quán phở của Công đoàn Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo: “Buổi tối, chúng tôi thường qua đấy mua phở, bảo cô bán hàng cho thêm tí nước, về nhà trộn cơm nguội. Đến bây giờ, tôi vẫn thích ăn phở trộn cơm nguội hơn là ăn phở với quẩy”.

Lâu nay, tôi cứ nghĩ, món cà pháo dân dã, ngon hay không do người muối, người chế biến. Nhưng qua Nguyễn Thị Hương, ta được biết thêm: Cà phải được hái đúng độ, quả tươi cuống xanh nõn phủ một một lớp lông tơ mỏng mảnh, thân quả là những đường chỉ rất khéo léo chia đều quả cà thành múi nhỏ, đáy cà ánh lên một ánh vàng nhẹ, chính cái màu vàng này quyết định độ ngon của cà; đáy cà còn trắng thì là cà non, ăn không giòn và ngái; đáy vàng hẳn thì thật vô duyên, vô duyên đến mức đã đi vào câu ca dao: “Trạng chết Chúa cũng băng hà/ Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”.

Đọc phần 2 - phần truyện ngắn của Nguyễn Thị Hương trong tập sách này tôi có cảm tưởng như đây cũng là tự truyện của chị hoặc những chuyện chị “mắt thấy tai nghe”. Xuyên suốt 10 truyện ngắn trong tập sách là hình ảnh người Hà Nội nhân hậu, bao dung, lặng lẽ lùi lại, lặng lẽ gìn giữ những tinh hoa văn hóa của người Hà Nội. “Chuyện tình người Hà Nội cổ” kể về mối tình đẹp của đôi trai gái Hà Nội, vì hoàn cảnh đất nước chia cắt, họ mất tin nhau. Khi về già, biết tin nhau thì bà đã qua đời. Em gái bà đang sống đủ đầy ở Mĩ mời ông sang bên đó để bà được thay chị chăm sóc ông. Tình huống thật khó xử, bởi ông không yêu người em và không thể xa Hà Nội. Khi ông mất, bức thư vẫn nằm trong máy vi tính của tác giả, thật ám ảnh, da diết.

Chàng họa sĩ trẻ trong “Bức tranh khỏa thân” không phải người Hà Nội, nhưng chuyện tình ngây thơ bồng bột của cậu ta lại được hai phụ nữ Hà Nội không quen biết “tư vấn”, khuyên bảo với lòng thương yêu, độ lượng như ruột thịt. Nhờ đó mà cậu ta tránh được tai ương...

Truyện “Tha thứ cho em” kể về mối tình thầm kín của phụ nữ với người đàn ông tài giỏi, hào hoa nhưng bị vợ “cắm sừng”. Mặc dù yêu thương tha thiết người đàn ông tài hoa; mặc dù cô có thể chờ cơ hội để được chung sống với người đàn ông. Nhưng cô sợ gia đình họ đổ vỡ, sợ sự bất hạnh đến với những đứa trẻ thơ, cô muốn người cô yêu có cuộc sống gia đình hạnh phúc nên cô đã chạy trốn; chỉ được gặp anh trong mơ: “Tôi mơ thấy tôi đang thắp hương ở trong chùa và thấy vợ chồng anh đi vãn cảnh chùa cùng Bình An (con trai của họ), trông họ rất hạnh phúc. Tôi vội vã trốn vào sau bức tượng. Đi ngang qua chỗ tôi trốn, hình như anh cảm nhận thấy tôi, anh quay lại và ngơ ngẩn tìm tôi. Tôi định gọi anh nhưng tôi không thể gọi được. Tôi biết, nếu tôi gọi, anh sẽ nhìn thấy tôi và sẽ lạc mất vợ con anh. Tôi không đủ can đảm. Tìm một lúc không thấy tôi, anh lại đi cùng vợ và Bình An. Tôi tỉnh giấc, cảm giác rất thật, thật cả mùi hương và không khí thanh tịnh của chùa; thật cả cảm giác hơi thở của anh lúc anh đi sát qua tôi, lúc vạt áo của anh chạm vào tay tôi và tôi suýt lên tiếng gọi anh. Mồ hôi tôi vã ra”.

Người Hà Nội trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Hương nhân hậu đến mức thương cả... chuột. Chúng cắn phá đồ đạc, nhưng chủ nhà không dám nuôi mèo. Chủ nhà giải thích với bà chị lí do không nuôi mèo thế này: “Một hôm em thấy con mèo vồ được chuột, tưởng nó ăn ngay, nào ngờ nó hành hạ con chuột với một vẻ mặt độc ác và khoái cảm. Em sợ không dám nhìn. Vậy mà đã xong đâu, khoảng một giờ sau, hành hạ con chuột chán chê, nó ăn phần mình, còn cái đầu thì nó không ăn, đem vào khoe chủ. Con mèo nhà em nó ác như con tinh ấy, em cho nó đi rồi”. Khi lũ chuột phá phách quá mức chịu đựng, chủ nhà đành phải dùng bẫy. Nhưng khi thấy chú chuột tham lam trong lồng, chủ nhà hoảng sợ, không dám giết, bèn gọi cô cháu gái đến để xử lí. Tưởng cháu gái sẽ hành quyết kẻ phá hoại một cách dã man, ai ngờ cô cháu lại mang con chuột trong bẫy ra sông Tô Lịch... thả.

...Một số truyện ngắn của Nguyễn Thị Hương giản dị, gần gũi, đọc khá cảm động. Tuy nhiên, cấu trúc truyện còn lỏng lẻo, một số truyện hơi dài, dàn trải.

Giới thiệu với độc giả tác giả Nguyễn Thị Hương, tôi hy vọng mọi người sẽ có thêm được những kỷ niệm của quá khứ, những nét chấm phá của hiện tại, những niềm vui nhỏ của người phố Hà Nội, những giá trị sâu sắc của gia đình, bạn bè, xã hội. Cuốn sách là một đóng góp khiêm tốn nhưng quý giá cho sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Cao Thâm