Thơ hay: BÀ RU CHÁU NGỦ GIỮA TRỜI của Chử Thu Hằng

BÀ RU CHÁU NGỦ GIỮA TRỜI

Nhà con treo tít lưng trời

Chim sâu mỏi cánh nên lười ghé thăm

Gió không lùa chỗ cháu nằm

Mây bay qua cửa kính ngăn mỗi nhà

Bà ru cháu ngủ… Ơi à…

Khu đô thị mới sáng lòa điện giăng

Bấm tay bà tính tuần rằm

Hôm nào giỗ Cụ về thăm làng mình

Giọt dầu công đức sang đình

Lên chùa dâng chút lòng thành đèn nhang

Buồng cau già khéo ngả vàng

Trầu không tốt lá, ai sang hái giùm?

Ông còn đan đó đan nơm

Đồng làng cạn, chợ phiên buồn, ai mua…

Quê mình giậu mỏng rào thưa

Rổ khoai luộc, gáo nước mưa mát lòng

Ra đây phố thị người đông

Câu chào rơi tõm khoảng không hút dài

Xung quanh cửa đóng khóa cài

Cọng hành dúm muối… nhờ ai được nào?

À ơi… Thương cháu biết bao

Bà ra cửa sổ khều sao trên trời

Hái chùm hoa nắng cháu chơi

Cháu ngoan, mai lớn thành người Thủ đô!

Thơ  của Chử Thu Hằng.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN LƯU QUỐC HÒA

Lâu rồi tôi không đọc thơ cũng vì mặc cảm mình là kẻ ngoại đạo thơ phú. Thấy người ta làm thơ mà sốt ruột. Mình a dua góp mặt có lẽ không nên không phải.

Ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại đậu mắt vào bài lục bát của nhà thơ Chử Thu Hằng với cái đề ngồ ngộ: "Bà ru cháu ngủ giữa trời"... Trong bụng nghĩ: Mẹ này chơi chữ đây, đánh võng với chữ đây. Ru thì phải trên cánh võng cánh nôi hay trên giường trên chõng chứ ru thế quái nào giữa trời. Ru như thế chỉ có Tôn Ngộ Không hay mấy con mẹ yêu ma phù thủy.

Đọc xong mới té ngửa ra, đấy là lời ru của bà giữa cái tầng thứ bao nhiêu của khu chung cư Hà Nội. Những khu chung cư như những bao diêm dựng ngược giữa trời xanh, mà trong cái bao diêm ấy chật ních là người, chật ních bao nhiêu cuộc đời, chật ních bao nỗi riêng khép mở. Cái bao diêm dựng ngược ấy nhiều người coi là thiên đường và nhiều người cũng coi đấy là nhà tạm giam, trong đó có bao ông bố bà mẹ ở quê bị dồn lên đây vì nhiều lí do nhưng lí do trông cháu là đông hơn cả.

Người nhà quê không mấy ai có tư tưởng xê dịch, nhất là lứa cha mẹ chúng ta vốn quen với lũy tre cánh cò, quen với đi chân đất, quen ăn to nói lớn, quen với tương cà dưa muối và quen sống giữa làng xóm láng giềng tối đèn tắt lửa có nhau. Phải lên chốn phồn hoa đô hội có thể họ coi đấy là cực hình. Phải ém mình trong phòng có điều hòa nhiệt độ và biệt lập, cô đơn giữa chốn đông người khác gì tù giam lỏng... Ấy vậy mà miễn cưỡng theo con lên thủ đô cũng chỉ vì thương con thương cháu. Người bà nhìn cái nơi sang trọng thơm tho nơi đang ở bằng con mắt của người nhà quê:

Nhà con treo tít lưng trời

Chim sâu mỏi cánh nên lười ghé thăm

Gió không lùa chỗ cháu nằm

Mây bay qua cửa kính ngăn mỗi nhà.

Hình tượng cửa kính ngăn cũng chứa ẩn dụ: Cái cửa kính lấp lóa hào nhoáng ấy đã tước bỏ sự hòa nhập với tự nhiên của con người, cắt đứt mọi quan hệ giữa người với người, không còn mối quan hệ.

Ra đây phố thị người đông

Câu chào rơi tõm khoảng không hút dài

Xung quanh cửa đóng khóa cài

Cọng hành dúm muối… nhờ ai được nào?

Phải là người “nhà quê” sống trong cộng đồng làng xã, nơi cửa nẻo rào dậu chỉ là ước lệ, nơi có thể ời ời réo gọi láng giềng xin dúm muối bát tương qua bờ rào mới hiểu cảm giác bất an, tù túng của người “nhà quê” khi nhìn dãy hành lang sáng lóa, im ỉm những cánh cửa khóa chặt như cự tuyệt mọi sự giao tiếp. Khi đó, cái mong mỏi tự do càng canh cánh trong lòng và muốn có một lí do chính đáng nào đấy mà về quê cho đỡ nhớ:

Bấm tay bà tính tuần rằm

Hôm nào giỗ Cụ về thăm làng mình.

Ca dao có câu: “Mình về thăm quán thăm quê/ Thăm cha thăm mẹ hay về thăm ai?”. Vâng, mục đích thật của bà ở đây cũng là để về thăm người bạn đời già cả phải ở nhà cặm cụi một mình khi thiếu tay bà vợ già chăm sóc trong sinh hoạt thường ngày:

Ông còn đan đó đan nơm

Đồng làng cạn, chợ phiên buồn, ai mua…

Những ngày cuối đời mà ông bà còn song toàn là diễm phúc, nhưng cái diễm phúc đơn sơ chân mộc ấy cũng bị con cháu xé lẻ ra… Xót quá và thương quá... Nhớ bà, ông lụi cụi đan đó đan nơm đem ra chợ bán cho đỡ buồn. Đồng làng cạn tôm cá, cái chợ phiên buồn nói điều gì nếu không phải là những ngày cuối đời ông bà cạn niềm vui. Cái niềm vui nhỏ nhoi mà lẽ ra ông bà được hưởng.

Cha mẹ ta hi sinh nhiều quá. Lúc trẻ hi sinh vì con và cuối đời lại hi sinh vì cháu. Cái câu "vì con vì cháu" đôi khi cũng cần nhìn nhận dưới góc độ đạo đức làm người. Sao con cháu bắt ông bà cha mẹ khổ vì mình mãi thế. Liệu có ích kỉ quá không?

Con cháu thời nay mắc bệnh "nghiện thủ đô". Cứ phải ở thủ đô mới sang nên thủ đô mới có cảnh "Nhà con treo tít lưng trời" và biến nơi đó thành một tổ ong vĩ đại trong một khu rừng ít có hoa làm mật...

À ơi… Thương cháu biết bao

Bà ra cửa sổ khều sao trên trời

Hái chùm hoa nắng cháu chơi

Cháu ngoan, mai lớn thành người Thủ đô!

Câu kết của bài thơ bộc lộ lí do vì sao ông bà và con cháu tự nguyện ly hương, lên tít lưng trời mà sống. Thay cho chùm hoa dâm bụt, bà hái chùm hoa nắng cháu chơi. Thay cho qủa ổi quả khế góc vườn, giờ bà ra cửa sổ cũng với được chùm sao trên trời. Nghe lãng mạn mà cũng xót xa quá thể. Chỉ với niềm an ủi duy nhất là “thành người Thủ đô” mà nhiều gia đình tự nguyện ly hương, nhiều thế hệ phải hi sinh những nhu cầu tối thiểu.

Cái hay của bài thơ còn ở tính thời đại, khi làn sóng di dân, dịch chuyển bởi chiến tranh, bởi mưu sinh bùng phát khắp thế giới, tạo ra những đô thị khổng lồ và những vùng nông thôn thiếu người, bỏ hoang đồng ruộng. Bài thơ chỉ viết về một hiện tượng giản dị nhưng chứa một nội hàm đa nghĩa trong đời sống con người và xã hội... Nó đặt ra một câu hỏi có sức gợi, nhẹ thảnh về câu chữ, chẳng lên án điều gì nhưng đọc mà thấy xót lòng và ám ảnh.

Chử Thu Hằng đã khẳng định đẳng cấp thơ của mình để thơ cất cánh bay vào nhân gian.

Nhà văn Lưu Quốc Hòa (Hà Nam)