Đất – câu chuyện của muôn đời
* Bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà văn Hữu Đạt về tiểu thuyết ĐẤT VÀ MÁU của Nghệ sĩ Vùng Mỏ Đặng Huỳnh Thái. Sách dày 732 trang, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành Quý 4/2021. Phóng viên Nguyễn Trang Nhung, Giám đốc Công ty CP Sáng tạo IQ Việt Nam làm “bếp núc” cuốn sách.
Tác giả cùng phu nhân tặng phóng viên Nguyễn Trang Nhung bộ tiểu thuyết ĐẤT VÀ MÁU.
Từ thuở hồng hoang, khi con người mới hình thành trên trái đất, “đất” đã trở thành cội nguồn của sinh sôi và phát triển. Từ góc độ môi sinh, “đất” không chỉ là cảnh quan mà còn là điều kiện để cho con người tồn tại. Chính vì thế, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cuộc đấu tranh để giành giật và bảo vệ đất đai luôn là một cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu. Đây chính là chủ đề của tiểu thuyết “Đất và Máu” của Đặng Huỳnh Thái, một hội viên của Hội Nhà báo và Hội Văn Học Nghệ thuật Quảng Ninh.
Tôi muốn nhắc đến địa chỉ trên vì tôi được biết, anh Đặng Huỳnh Thái là người gắn bó gần như cả đời với vùng đất này. Đây là vùng đất giàu khoáng sản, cũng là nơi thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa quyết liệt ngay từ khi đặt chân đến miền Bắc Việt Nam. Đó cũng là cái nôi sinh ra nhiều phong trào cách mạng và tôi luyện ý chí đấu tranh cho nhiều thế hệ thanh niên yêu nước. Có lẽ, đây mới là cảm hứng lớn nhất thôi thúc nhà văn viết nên tiểu thuyết này.
Tuy nhiên, nếu câu chuyện chỉ xoay quanh ở vùng đất mỏ, tất hẳn nội dung của nó sẽ khó đạt được mục đích tác giả muốn hướng tới. Điều mong mỏi của tác giả có lẽ là ở một tầm lớn lao hơn. Đó là, thông qua cuốn tiểu thuyết, người viết muốn khái quát hóa một hiện tượng mang tính xã hội – lịch sử: Cuộc đấu tranh có ý nghĩa sinh tồn của nhiều thế hệ nông dân Việt Nam nhằm bảo vệ mảnh đất của cha ông. Cuộc đấu tranh ấy khi thì bột phát mang tính tự vệ bản năng, khi thì mang ý thức hệ. Con đường đấu tranh từ tự phát đến tự giác là cả một quá trình phát triển nội tại, vừa là nhu cầu khách quan lịch sử. Chính vì thế, dù câu chuyện được xoay quanh nhiều chủ đề với những sự kiện, tình tiết khác nhau, ở các phạm vi không gian và thời gian nghệ thuật khác nhau thì người đọc vẫn nhận thấy, bối cảnh lịch sử chính của tiểu thuyết vẫn là giai đoạn tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng tám. Đây là giai đoạn các mâu thuẫn xã hội ở Việt Nam diễn ra gay gắt, quyết liệt. Sau gần 80 năm chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, người nông dân nước Việt giờ đây lại phải chịu thêm một tầng áp bức bóc lột “một cổ hai tròng” của phát xít Nhật. “Đất” của cha ông nay không còn là nơi trồng lúa, ngô, khoai để nuôi sống con người nữa. “Đất” bị Nhật chiếm để trồng đay phục vụ cho cỗ máy chiến tranh, bất kể hàng triệu người đang lâm vào cảnh chết đói. Tức nước ắt phải vỡ bờ. Đây chính là thời điểm để toàn thế nhân dân đứng lên theo lời hiệu triệu của Việt Minh: Phá kho thóc của Nhật. Đó chính là nút thắt, là khâu nhà văn chọn làm điểm đột phá giải quyết mọi xung đột về số phận con người, về mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc. Tất cả mọi sự kiện, biến cố đều xoay quanh chủ đề chính “đất và máu” cũng như sự kiện lịch sử vĩ đại – việc hình thành ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước nhân dân kiểu mới. Nhưng khác với “Vùng Mỏ” của Võ Huy Tâm và nhiều tác phẩm văn xuôi khác viết về cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân vùng Mỏ, Đặng Huỳnh Thái không chọn người công nhân hay cán bộ cách mạng làm nhân vật chính để miêu tả. Trái lại, các nhân vật chính của tiểu thuyết này là những người đại diện cho các tầng lớp khác nhau của xã hội. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính cách, song ở họ lại có đầy đủ phẩm cách của một lớp người mà họ là đại diện. Không phải ngẫu nhiên, khi phát triển các tuyến nhân vật, Đặng Huỳnh Thái lại cố ý dùng thủ pháp song song để tạo ra các số phận vừa gắn kết vừa tương phản nhau nhằm bộc lộ ra bản chất sâu xa của một xã hội đầy rẫy những bất công, nhìn bên ngoài thì phẳng lặng, nhưng bên trong đang ẩn chứa những mâu thuẫn gay gắt, quyết liệt, một mất một còn. Đó là mâu thuẫn giữa những người nông dân tay không bị cướp mất đất và những ông chủ tham tàn ở các vùng quê, là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam và bọn thực dân đế quốc, mâu thuẫn về quyền lợi cá nhân ngay trong hàng ngũ của tầng lớp quan lại… Nhưng dù các mâu thuẫn được khai thác ở góc cạnh nào thì hình tượng bao quát của tác phẩm vẫn là vấn đề bảo vệ và giữ đất như là bảo vệ nguồn sống và sự tồn tại.
Có lẽ những trang viết có tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người đọc của tiểu thuyết này là những trang viết về số phận những con người bị mất đất, mất quê hương bản quán, trở thành kẻ phiêu dạt, lang thang. Những con người ấy, những số phận ấy được tác giả dành nhiều tâm huyết miêu tả qua một chuyến đò dọc. Đó là Tráng, là Xoa, Bùng, là những người không rõ tên tuổi ngồi trên một khoang thuyền chạy đi muôn ngả, khi cái đói cái khát ập đến và họ phải nhận lấy những cái chết đau lòng. Có thể nói, với dung lượng hơn 700 trang sách, các nhân vật được Đặng Huỳnh Thái dồn sức cho sự sáng tạo nhiều hơn cả là những con người thuộc lớp đáy cùng của xã hội như: Tráng, Na, Mận, chị Sẹo, thằng Còi, chị Sen, Bằng … và những con người bình dị của tầng lớp quần chúng nhân dân như vợ chồng thầy lang Tế, Bỗng, ông Tiên … Ở đây, toát lên từ mỗi trang sách là sự yêu thương con người và sự đồng cảm của người viết với những số phận không may. Bên cạnh đó, là sự tố cáo, vạch trần một cách mạnh mẽ những kẻ vô đạo đức, luôn chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân, sẵn sàng chà đạp lên quyền sống của con người. Đó là bọn hương lý, cường hào ở các thôn xã cùng bọn tri phủ, tri huyện ở khắp mọi nơi. Nhóm người này đại diện cho giai cấp thống trị, luôn bòn rút dân lành đến tận xương tủy, không từ bất kỳ thủ đoạn đê tiện nào. Khác với người dân lành, luôn coi đạo đức nhân nghĩa làm mục đích tối thượng của cuộc sống, nhóm người này luôn coi tiền bạc là trên hết. Với họ, mạng người cũng chẳng có giá trị gì. Chỉ bằng những nét chấm phá miêu tả cảnh các bà vợ của quan tri huyện Nguyễn Quan Trường (bà cả và Tuyết Hồng) tranh giành nhau khi ông ta ốm nặng sắp chết, Đặng Huỳnh Thái đã lột tả được bản chất sâu xa của cả một tầng lớp xã hội sống xa hoa, đài các, nhưng bên trong mục ruỗng đến tận cùng. Tuy nhiên, khi khai thác vỉa nhân vật này, Đặng Huỳnh Thái không cứng nhắc một chiều. Việc ông đầu tư cho các nhân vật cụ tiên Hách, Thomas cho thấy ông muốn gửi tới độc giả một thông điệp: Ngay trong bộ máy của thực dân phong kiến vẫn có những người tốt, đáng trân trọng. Vì vậy, có thể xem đây là một cách lý giải ở chiều sâu về con người: Dù ở cương vị nào, nhưng nếu sống vì dân, vì đạo nghĩa thì vẫn luôn được cuộc đời trân trọng.
Một vấn đề quan trọng khác, không thể không nhắc đến trong “Đất và máu” là sự đan cài các yếu tố văn hóa trong quá trình phân tích tâm lý nhân vật và tạo dựng tác phẩm của người viết. Có thể nói, Đặng Huỳnh Thái đã tận dụng gần như triệt để vốn sống của anh về vùng đất Quảng Ninh, một tỉnh có địa hình đa dạng về môi sinh, tín ngưỡng, tôn giáo và nhiều dân tộc cùng chung sống. Chính vì thế, các nhân vật người dân tộc Sán Dìu như Lục Á Pàu, Á Bung, Leo Á Lình … xuất hiện trong tiểu thuyết như là tuyến nhân vật hỗ trợ nhằm tô đậm thêm chủ đề “Đất và máu”. Đó là một vấn đề sinh tử không phải chỉ của riêng dân tộc nào mà là của chung tất cả. Đây được coi là chủ đề xuyên suốt tác phẩm, là sợi chỉ đỏ nối kết các sự kiện, biến cố được tác giả chọn lọc để đưa vào mỗi trang sách. Tuy nhiên, bạn đọc sẽ cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi nếu toàn bộ câu chuyện chỉ xoay quanh cuộc tranh đấu vì “đất”. Để làm cho chủ đề chính được bạn đọc tiếp nhận một cách thoái mái hơn, tác giả đã lồng ghép nhiều câu chuyện tình, lồng ghép giữa hiện tại và quá khứ (các trang nói về quan dinh điền Nguyễn Công Trứ), giữa tín ngưỡng dân gian và đức tin (của Phật giáo và Thiên Chúa giáo)… nhằm thuyết phục bạn đọc hướng về cái chân, thiện, mỹ. Ở góc độ này, có thể xem tác giả là người cố gắng phát huy tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” của ông cha ta từ thời Lý Trần để hướng các nhân vật vào một khối thống nhất theo tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Ở tuổi bát tuần mà Đặng Huỳnh Thái viết một cuốn tiểu thuyết dày tới hơn 700 trang, trong đó ngồn ngộn các sự kiện lịch sử, quả là một cố gắng lớn, rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm như vừa phân tích cũng có thể dễ nhận ra những hạn chế mang dấu ấn của một nhà báo khi viết văn. Đó là những câu bình luận không cần thiết sau mỗi đoạn miêu tả hoặc phân tích tâm lý nhân vật, là cách đặt tên đề, là sự cứng nhắc, thiếu lô gich khi viết một số đoạn đối thoại (đối thoại giữa Thomas và Mận)… Về khâu biên tập, lỗi morat và diễn đạt vẫn còn khá nhiều. Khi tái bản tác giả cần đầu tư, gia công nhiều hơn nữa./.
Hữu Đạt