Thơ hay: Lĩnh lương của Đỗ Xuân Thành

LĨNH LƯƠNG

Đỗ Xuân Thành

(Thương binh, giáo viên toán Trường THPT).


Tác giả Đỗ Xuân Thành

 

Mỗi tháng một lần

Bố ra phường lĩnh lương

Ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật

Ở nhà cu Tí đợi chờ

- Bố có lĩnh được nhiều tiền không hả bố?

- Nhiều lắm con ạ!

Ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật cơ mà.

Cu Tí ước:

- Giá mà bố lĩnh được ba triệu rưỡi,

mua cho con chiếc xe đạp ASAMA

Con chị giật mình mắng em xối xả:

- Em ước thế thì để bố chết luôn à?!

Các con ơi

Nhiều, ít không thể tính được bằng tiền

tiền không thể mua được máu xương của bố và đồng đội

Bố còn có may mắn được trở về

Để mỗi tháng lĩnh  ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật cho con

Chiến tranh lấy đi tuổi thanh xuân của hàng vạn con người

có hàng vạn con người không đến được tuổi già như bố

Họ không còn phần trăm nào trên cơ thể

cơ thể cũng không còn phần trăm nào sau những cánh rừng kia

Họ không cần lĩnh lương

chỉ ao ước được trở về

nở nụ cười lặng im trên bàn thờ tiên tổ

Lớn lên các con sẽ hiểu

vì sao bố im lặng cả chiều

vì sao bố thao thức cả đêm

vì sao mỗi lần lĩnh lương là một lần bố rơi nước mắt

Giá có điều ước

Bố ước cuộc đời này không ai phải lĩnh lương

Ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật...

Rồi con sẽ có xe

không phải xe đạp mà có thể còn xe máy và ô tô nữa

bằng tài năng và sức lực của mình

chứ không phải bằng sự hy sinh như bố và đồng đội...

Rất nhiều phần trăm cộng lại

đã dựng lên cơ nghiệp nước non này

Bởi thế, các con ơi !

Bố thấy cũng là nhiều:

ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật”.

LỜI BÌNH CỦA TRỊNH THU TUYẾT

Có lẽ sẽ không nhiều người đọc coi bài viết này là thơ, càng khó nói đây là bài thơ hay, nhưng nó là những tâm tư khiến ai đã đọc một lần, khó dửng dưng lướt qua giữa bạt ngàn thông tin thời nhiều chấm như bây giờ! Mà cần gì là thơ hay không thơ, ít nhất, đây là một tâm tư có thể gợi thức!

Điểm nhấn của tâm tư ấy là khúc điệp day dứt, cắt vào lòng người: “Ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật” – con số lạnh lùng, con số biết nói, con số thức tỉnh, con số báo động… “Ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật” – lương tri nào có thể dửng dưng khi đọc câu này, con số này?

Từ con số ấy, cả tiền và số phần trăm lạnh lùng, người thầy giáo thương binh – cựu chiến binh đưa chúng ta lần lượt tới những suy nghĩ, liên tưởng, đối sánh không thể không gợi bất nhẫn, đau đớn.

Đầu tiên là nỗi sợ hãi trước lời ước ngây thơ của cậu con trai nhỏ với con số “ba triệu rưỡi”: đó là giá chiếc xe đạp Osma, cũng là số tiền cao nhất mà người cha có thể mang về cho con theo qui đổi: “ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật”!

Cậu bé vô tâm không kịp luận ra đáp số thứ hai nghiệt ngã của phép tính từ hai đại lượng tỉ lệ thuận: số tiền nhận được từ 1% tới 100% phần trăm thương tật, đáp số cuối cùng gắn với chiếc xe đạp bé mong ước cũng chính là mạng sống của người cha yêu quí – sự vô tâm con trẻ được trợ giúp bởi kĩ năng tính toán nhanh và nhạy hơn cả việc nhấn một nút enter có lẽ đã khiến người cha đau đớn nhức nhối hơn cả những vết thương được qui đổi theo tỉ giá “Ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật” trên cơ thể anh!

Tiếp theo là cảm giác bất nhẫn cay đắng trước sự hoảng hốt của con gái lớn: “- Em ước thế thì để bố chết luôn à?!”. Nghĩa là, bé gái cũng đã kịp nhẩm ra phép tính tỉ lệ thuận khủng khiếp ấy – và, với một gia đình nghèo, khi những đứa trẻ đã biết cùng lo toan với cha mẹ, liệu có bao giờ số tiền trợ cấp thương tật ít ỏi mỗi tháng từng hiện ra âm thầm trong một lời ước hãi hùng, tội lỗi, dù chỉ thoáng hiện như tia chớp giữa đáy sâu hút tăm tối của tiềm thức: “giá như…”! Bé gái xối xả mắng em hay đang tự mắng chính cái âm thầm tội lỗi trong lòng mình? Thực ra, ước muốn có thu nhập cao hơn cho cuộc sống hàng ngày luôn là chính đáng – sự tội nghiệp cho các bé chính là nghĩ xong nửa đầu chính đáng ấy mới chợt nhận ra cái giá phi nhân tính của ước mơ; để người đọc lại ước: nếu điều người cha mong: “cuộc đời này không ai phải lĩnh lương/ Ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật...” không thể thành sự thật - bởi chiến tranh đã tới, đã qua, và đã nằm lại vĩnh viễn trong những thân phận con người, thì ước cho con số trong khúc điệp cắt cứa: “ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật” được điều chỉnh sao cho những cuộc đời đỡ cơ cực, túng thiếu!

Sau đó là nỗi chua xót khi đọc tới những liên tưởng thật như máu, như thịt xương hòa cát bụi… trong tâm trí người cha: “Họ không còn phần trăm nào trên cơ thể/ cơ thể cũng không còn phần trăm nào sau những cánh rừng kia” – tâm hồn anh đang khóc cho những đồng đội yêu quí của mình, họ không còn phần trăm nào của sự sống đã đành, thậm chí xương cốt họ cũng không còn lại phần trăm nào sau những cánh rừng kia – họ mất 100% sự sống, và mất nốt 100% thân xác, họ tan hòa vào sông nước, khiến đồng đội họ khóc khi đi qua dòng Thạch Hãn: “Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm”; họ tan lẫn giữa thinh không, khiến người mẹ đau khổ trong truyện ngắn Ngàn năm mây trắng của Bảo Ninh phải nhờ vào tấm vé máy bay các đồng đội con quyên góp, lên giữa không trung thắp hương cho con! Và như người cha trong bài viết này xót xa nghĩ tới ước nguyện của những người đồng đội: “Họ không cần lĩnh lương/ chỉ ao ước được trở về/ nở nụ cười lặng im trên bàn thờ tiên tổ”! Tôi bỗng nghĩ tới những ngôi mộ gió không xương cốt, hình dung về những bàn thờ cũng chỉ có gió bay trong lay lắt khói hương, thậm chí không kịp có một tấm hình lặng lẽ - những ngọn gió mang hơi lạnh của bao linh hồn bơ vơ không còn xác thân nương náu, những ngọn gió heo hút thổi lạnh trên mọi miền đất nước của tôi!

Bài viết không câu nệ từ hay tu từ, không bận tâm vần hay thanh, hay luật, chỉ có nỗi đau của những vết thương nổi và chìm, đi thẳng vào xúc cảm và suy tư trăn trở người đọc, không qua tác động của ngôn từ. Đó là nỗi đau trước ước mơ chính đáng mà thành tàn nhẫn của con trai vô tâm, trước nỗi sợ hãi ngậm ngùi của con gái lớn, là nỗi đau của người cha “im lặng cả chiều.. thao thức cả đêm… mỗi lần lĩnh lương là một lần rơi nước mắt”, vì xót cho con khi bố mẹ nghèo để con phải ước ao những nhu cầu tối thiểu; vì xót cho đồng đội “không đến được tuổi già như bố”; là nỗi đau của người đọc trước cả niềm tin và sự biết điều tội nghiệp của người cha:

“…Rất nhiều phần trăm cộng lại

đã dựng lên cơ nghiệp nước non này

Bởi thế, con ơi

Bố thấy cũng là nhiều:

ba mươi lăm nghìn đồng một phần trăm thương tật”

Đúng là “nhiều” thật, so với bao nhiều phần trăm của những con người chẳng còn phần trăm nào trên đời, thậm chí trong những ngôi mộ gió, trên những ban thờ chỉ có khói hương chay!

Nhưng sẽ xót xa đắng ngắt khi nghĩ đến bao cảnh trên “cơ nghiệp nước non này”, khi chiến tranh chỉ còn là những chi tiết trang trí trong các quán Cộng / Trừ, và những người chưa hề biết mùi thuốc súng, họ dùng “ba mươi lăm nghìn đồng” ấy, trong một mệnh giá khác, vung trả cho một bữa ăn, một món quà sinh nhật, một chữ kí nháy trong một văn bản nào đó…

Đó là liên tưởng khiến tôi nhớ tới câu thơ của Phạm Tiến Duật trong bài Vòng trắng tai tiếng ngày nào: “Có mất mát nào lớn bằng cái chết / Khăn tang, vòng tròn như một số không” – có phải ý nghĩa lớn nhất của “số không” vốn là sự vô nghĩa?

Hà Nội, những ngày tháng Tư, 2021.