Đọc Trường ca Đá cháy của nhà thơ Trần Nhuận Minh
“ĐÁ CHÁY”, BIỂU TRƯNG NGỜI SÁNG
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI THỢ MỎ
(Đọc Trường ca Đá cháy của nhà thơ Trần Nhuận Minh , Nxb Văn học, 2020)
*Bài của THI SẢNH
Nhà thơ Trần Nhuận Minh
1.Mấy lời mở đầu
Đôi lần trong các cuộc gặp gỡ bên bàn trà tại Hội Văn Nghệ Quảng Ninh hay Chi hội Nhà Văn Việt Nam tại Quảng Ninh, tôi có nghe nhà thơ Trần Nhuận Minh nhắc đến Trường ca Đá cháy của mình. Và ở đâu đó tôi có đọc được những đoạn trích đăng báo từ Trường ca Đá cháy. Những thông tin ban đầu ấy khiến tôi nóng lòng được đọc trọn vẹn trường ca này.
Và điều mong đợi của tôi đã đến, khi tôi cầm trên tay Tạp chí Thơ số 5 & 6 – 2020, dỡ trang 4 thì thấy Trường ca Đá cháy của nhà thơ Trần Nhuận Minh được đăng trang trọng đến trang 26, chiếm 22 trang với 1000 câu thơ. Tôi không khỏi “à” thầm lên một tiếng khi cái mình mong đã đến tay mình đột ngột. Và bản Trường ca Đá cháy đã lôi cuốn tôi, thôi miên tôi, tâm hồn tôi như chìm vào từng trang, từng dòng, từng chữ của bản trường ca.
Thật hiếm thấy có một nhà thơ nào khác viết bản trường ca kéo dài trong suốt 23 năm, gần một phần tư đời người như nhà thơ Trần Nhuận Minh. Khởi thảo từ khi bắt đầu dạy cấp 2, nghĩa là từ khi bắt đầu mới làm thơ đến khi trở thành nhà thơ chững chạc, quả thật tác giả đã dồn nhiều tâm lực và thời gian công phu xây dựng nên bản Trường Đá cháy. Hãy đọc những lời phi lộ của tác giả đăng mở đầu bản trường ca thì rõ:
“Tôi (tác giả) khởi thảo bản trường ca này từ những năm 1962 – 1969 khi tôi dạy học cấp 2 và tự nguyện “vô sản hóa” tại mỏ than Mạo Khê rồi hoàn thành 23 năm sau tại mỏ than Hà Lầm, mùa thu năm 1985… Bản thảo ban đầu gần 5.000 dòng thơ, viết về 150 năm ra đời và phát triển, những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đội ngũ Công nhân mỏ và giai cấp Công nhân Việt Nam…” (Dòng chữ nghiêng do người viết bài này nhấn mạnh}.
2. “ĐÁ CHÁY” biểu trưng hình tượng người thợ mỏ
Bản trường ca mở đầu từ khi người đi rừng phát hiện ngẫu nhiên ra hòn than đầu tiên, cũng là thời điểm đánh dấu sự phôi thai đội ngũ công nhân mỏ cho đến hiện nay kéo dài suốt 150 năm.Không như nhà chép sử ghi chép lịch sử theo sự kiện và thời gian, thỉnh thoảng lại chen vào một đoạn lời bình theo ý chủ quan, nhà thơ Trần Nhuận Minh phác thảo và khắc họa hình tượng người thợ mỏ không miêu tả trực diện, cụ thể, mà bằng suy tưởng, gợi mở, so sánh, có khi trừu tượng, “mơ hồ” khiến người đọc ngỡ ngàng, phải suy nghĩ, tự mình giảng giải mới hiểu được tác giả muốn nói gì. Vì vậy, đọc thơ Trần Nhuận Minh như trong trường ca Đá Cháy phải tốn nhiều thời gian, nhưng đem lại cho người đọc nhiều điều mới lạ, thú vị, có tác dụng mở rộng cảm quan của họ.
Khi nhắc đến chuyện người đi rừng phát hiện ra than đá mà sử sách không ghi lại, nhà thơ phê phán nhẹ nhàng với sự liên tưởng có phần trừu tượng khiến người đọc phải bối rối, suy tư (?):
Lịch sử sai lầm
Không ghi tên
người đi rừng kia
…
Như ta vẫn thường quên
những điều lớn lao
Để nhớ mãi một vui buồn vặt vãnh
(Trường ca Đá cháy)
Phát hiện ra than đá và công trường khai thác than đầu tiên của một ông quan tri huyện địa phương mở ra ở xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, một địa điểm thuộc Vùng Mỏ, là sự mở đầu có ý nghĩa lịch sử đối với ngành Than và người thợ mỏ cũng như nền kinh tế đất nước. Chã thế mà vua triều Nguyễn đã sai Bộ Công cho chở 10 vạn cân than bằng thuyền về kinh. Tuy rằng vua triều Nguyễn do chính sách “bế quan tỏa cảng” tụt hậu so với thế giới, đã không nhìn thấy tác dụng “thần kỳ” của nhiên liệu than đá, song cũng từ đó các nước tư bản có vai vế trên thế giới thời bấy giờ như Tây - Ban - Nha , Bồ - Đào - Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và cả “Thiên triều” nhà Thanh mà đại diện là tập đoàn tư sản mại bản Trung Quốc Lý Hồng Chương thi nhau chạy đua gây ảnh hưởng với vua triều Nguyễn để được khai thác than ở vùng mỏ Hòn Gấc, tức Hòn Gai, tức một phần thành phố Hạ Long bây giờ. Trong cuộc chạy đua không khoan nhượng ấy thì tư bản Pháp có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đội quân thực dân hùng hậu, đã bắt ép vua triều Nguyễn là Tự Đức, ngày 26 tháng 8 năm 1884, làm văn tự “bán” vùng mỏ Hòn Gấc (chứ không phải toàn bộ Vùng Mỏ) với diện tích 21.932 ha, với số tiền 40 ngàn Mẽ - Tây - Cơ, tương đương 10 vạn quan tiền Đông Dương. Ngay sau đó, một công ty khai thác than của tư bản Pháp được thành lập, công ty Société Franse des Charbonnages du Ton – kin (SFCT), công ty Pháp mỏ than Bắc kỳ. Người Pháp bắt đầu xác định chủ quyền của mình trên vùng đất “nhượng địa” bằng những hàng cọc bê tông có đục bốn chữ “SFCT”:
Cọc cây số bê tông
Cắm xuống ven bờ vịnh Hạ Long
Và sau đó
Cọc sắt nhà tù
Cắm xuống ngực người thợ mỏ…
Hòn than đen
thành hòn than đỏ
( Trường ca Đá cháy)
Chỉ bằng hai câu thơ ngắn, súc tích nhưng lại chứa đựng một nội dung lớn, sâu xa Hòn than đen thành hòn than đỏ, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã đề cập đến sự thay đổi chính trị ở vùng mỏ Hòn Gấc hết sức tài tình, từ đất đai bình yên của vua triều Nguyễn trở thành nơi xác lập chế độ thống trị tàn bạo của tư bản Pháp.
Với sự thành lập SFCT, công ty khai thác than đầu tiên ở Vung Mỏ, người lao động đào than ở đây chính thức trở thành Người công nhân mỏ. Cũng từ đó người công nhân mỏ chịu ba tầng áp bức bóc lột đè nặng lên vai, mang thân phận anh nô lệ làm thuê vừa là người dân mất nước đắng cay tủi nhục trăm bề.
Họ phải chui rúc trong những lán trại tạm bợ do chủ thầu bắt họ dựng lên nhưng lại buộc họ phải trả tiền thuê nhà:
Tôi mong
Ngọn gió đêm đêm lên từ vịnh Hạ Long
Thổi mát gian nhà Người, thường ngột ngạt
Những đêm hè nóng thiêu …
Trẻ con hàng phố khóc như ri
(Trường ca Đá cháy)
Ngày ngày, người thợ phải mặc quần áo bằng bao tải vá chằng vá đụp, dậy khi gà chưa gáy, đốt đuốc vượt đồi băng suối đến công trường đúng giờ để anh “Tây coi” điểm mặt, ghi sổ chấm công. Nếu chậm, họ bị đánh bị đuổi, và ngày đó người thợ không có công. Bằng những nét chấm phá, gợi mở với những hình ảnh ấn tượng và sự chia sẻ, cảm thông, nhà thơ Trần Nhuận Minh làm cho người đọc vừa thấy cái vất vả gian nan của người thợ mỏ đi đến công trường đào than vừa cảm được vẻ đẹp nhẹ nhàng của thiên nhiên:
Tôi mong
Ngôi sao trên trời khuya
Soi tỏ lối mòn Người leo núi
….
Những giọt mưa cuối thu
Nhấn chìm cơn lốc bụi
Như đám cháy cuộn lên …
(Trường ca Đá cháy)
Người thợ lam lũ quanh năm đi sớm về khuya đến nỗi con không biết mặt cha, chó không biết mặt chủ nhà (Ca dao thợ mỏ thời Tây), khiến họ thành người cô độc và đáng thương hại ngay trong gia đình của mình:
Tôi mong
Bằng việc làm và giọng nói
Vợ Người nhận ra chồng
Con Người nhận ra cha
(Trường ca Đá cháy)
Lao động nặng nhọc với cường độ như cái máy, còn bị chửi bới đánh đập, ăn đói, mặc rét, người thợ mỏ dưới bàn tay “khai hóa văn minh” của chủ tư bản Pháp không khác tù nhân. Họ thường xuyên đối diện với những tai nạn bất ngờ và bị bệnh tật hành hạ:
Tôi mong
Người không phải chữa lành bao bệnh tật
Máu nhiễm chì
sâu quảng
ho lao
(Trường ca Đá cháy)
Trong xã hội cũ, người thợ mỏ thuộc lớp người “hạ đẳng” theo cách nhìn của giai cấp thống trị. Họ bị đày đọa đến khốn cùng, thân phận bị chà đạp, khinh rẻ, cuộc sống tăm tối và vô cùng mong manh. Nhưng họ phải sống, sống không theo một trình tự nào, một quy luật nào, hơn thế là “ngược đời” mà vẫn phải sống. Nhà thơ Trần Nhuận Minh có sự phát hiện thật mới lạ, bất ngờ nhưng cũng hết sức đau đớn, phũ phàng về tình cảnh thợ mỏ:
Như con lươn
Nửa đầu đời là cái
Nửa đời sau là đực…
Như vịnh Hạ Long nước chảy bốn tầng ...
Như cái Thiện và Tình yêu
Trong mọi sắc màu và khoảnh khắc
(Trường ca Đá cháy)
Nhưng không phải ai trong xã hội cũ nhìn nhận tình cảnh của người thợ mỏ đúng sự thật, mà có khi lệch lạc, xa lánh họ, thậm chí đối lập với họ. Một giây, một phút yên bình và hạnh phúc đối với họ thật xa lạ, hầu như chẳng bao giờ đến. Nhà thơ Trần Nhuận Minh có thời gian dài “vô sản hóa” (từ ngữ dành chỉ những đảng viên do Đông Dương Cộng sản đảng cử đến Vùng Mỏ hoạt động những năm 1928 – 1929) thâm nhập sâu vào đời sống thợ mỏ mới hiểu hết tình cảnh của họ, mới viết được những câu thơ bóng bẩy mà sang trọng với sự cảm thông, chia sẻ đầy thương cảm về họ:
Tôi mong
Mọi ý nghĩ về Người đều tốt lành
Mọi ánh mắt nhìn Người đều thành thực
…
Quả vào tay Người thì chín
Nước đến miệng Người thì ngọt
Không khí ở quanh Người thì trong
(Trường ca Đá cháy)
Tôi đọc những dòng thơ trên tưởng như nhìn thấy tình cảm sâu nặng, chân thật của tác giả hiện lên trên trang giấy khiến tôi không khỏi rưng rưng.
*
Đối lập với hình tượng người thợ mỏ là nô lệ làm thuê sống khốn cùng dưới đáy xã hội, là hình tượng người thợ mỏ được giải phóng, được tự do làm chủ vận mệnh của mình, được sáng tạo và cống hiến hết mình cho phát triển của ngành Than và cho đất nước. Dưới ngòi bút phóng khoáng và táo bạo của nhà thơ Trần Nhuận Minh, hình tượng người thợ mỏ trong thời kỳ lịch sử này hiện lên thật khỏe khoắn, mạnh mẽ, cường tráng giữa công trường than sôi động tiếng máy ầm ào, tiếng đất đá rung chuyển:
Trong tôi
Người đi lò đá nhanh
Chân xoạc
tay dương bình khí ép
Vòm đá oang oang
Tiếng máy rú khê nồng
Mắt phồng căng
và ngực cuộn rung
Ra khỏi cửa lò
anh như đi trên sóng
(Trường ca Đá cháy)
Thật là những câu thơ hoành tráng, tràn ngập cảm xúc và tinh tế nếu không thâm nhập sâu vào đời sống thợ mỏ, quan sát kỹ lưỡng, am hiểu và thông cảm sâu sắc cuộc sống và công việc của họ như nhà thơ Trần Nhuận Minh thì khó mà có được những câu thơ đẹp, như biểu trưng ngời sáng hình tượng người thợ mỏ hiếm thấy trong thơ ca viết về Vùng Mỏ và thợ mỏ trước đó.
Hầu như tất cả những người thợ mỏ làm bất cứ công việc kỹ thuật gì của ngành Than và phục vụ cho khai thác Than đều được nhà thơ “vẽ” chân dung dẫu chấm phá nhưng lại bằng những nét thật điển hình đã lầm nổi bật dáng dấp, đặc tính và phong cách của mỗi người. Đó là bác điều khiển máng cào, anh chống xén, chú gõ ghét va gông, cô vẫy đầu đường, anh nổ mìn khệnh khạng, cô cấp dưỡng công trường bơm, anh kỹ sư trắc địa, v.v. Nhà thơ không bỏ sót một ai. Công việc khai thác than đều là công việc nặng nhọc hàng đầu trong các ngành công nghiệp. Người thợ phải đem tất cả sức lực và trình độ hiểu biết về kỹ thuật mới mang lại hiệu quả. Nhưng người thợ mỏ vẫn yêu nghề đến say mê và gắn bó với công việc đến kỳ lạ, toàn tâm toàn ý với công việc, có khi còn tếu táo, cười đùa lạc quan. Nhà thơ Trần Nhuận Minh viết về họ với tất cả tấm lòng khâm phục sự cống hiến hết mình của họ mà cũng là thay mặt cho tất cả những người quan tâm đến ngành Than, để tri ân họ, những người luôn mang ngọn lửa cháy rừng rực như Đá Cháy trong tâm hồn mình. Thật thú vị khi được “ngắm nghía” chân dung của những người thợ mỏ do một “họa sĩ” đa tài “vẽ” bằng thơ với những nét sắc sảo và đầy ám ảnh.
Sau đây là một vài chân dung đại diện cho những người lao động làm việc hết mình, nhưng cũng hồn nhiên, vui tính:
- Thợ gõ ghét va gông:
Chú gõ ghét va gông
Tới tấp vung búa
Mắt bời bời nhòe nắng hoa bay
- Thợ nổ mìn:
Anh nổ mìn đi khệnh khạng
Tóc rối bù
áo phanh ngực
Đội lên đầu chiếc chậu men
Mỉm cười trước gương
Hớn hở ra khỏi nhà …
- Cô gái cấp dưỡng công trường bơm:
Xắn quần ngang gối
Dẫm bột làm bánh bao
Như dẫm nhảy trong cơn lốc nhạc cuống cuồng
- Người kỹ sư trắc địa:
… hốc hác
mệt phờ
mắt nheo nheo tìm mặt vỉa than
qua ống nhòm
Râu lâu ngày không cạo
vểnh lên
(Trường ca Đá cháy)
Về hình thức, họ mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính cách, không ai giống ai, nhưng họ đều chung một ý chí kiên cường, một tinh thần bất khuất, một tâm hồn cao đẹp của những người làm chủ vận mệnh của mình và đất nước. Họ được nhà thơ Trần Nhuận Minh khắc họa hình tượng bằng những câu thơ tưởng tượng đẹp đến mê hoặc:
Những người ấy
Cường tráng hay ho hen
Hiền lành hay ngang bướng
…
Đều ít nhiều để lại
Tâm hồn làm ánh sáng
Tiếng nói làm nhịp điệu
Buồn vui làm hình ảnh
(Trường ca Đá cháy)
Và hình tượng người thợ mỏ được nhà thơ Trần Nhuận Minh đúc kết, khắc họa như “đóng đinh” một biểu trưng hoành tráng giữa không gian mênh mông trong lòng người đọc bằng những câu thơ súc tích, khỏe khoắn, đẹp đến nao lòng và tạo nên hiệu ứng thật mạnh mẽ:
Với những hy sinh
Bền bỉ lặng thầm
Vít đầu xuống
những cơn bão đang sinh
bùng phát cuối chân trời
Để đất nước này
rạng rỡ tuổi tên
Để đất nước này
Vượt lên
Vượt lên
Vượt lên
trong bình yên
(Trường Đá cháy)
Đề tài về Vùng Mỏ và người Thợ mỏ là đề tài từ trước đến nay thu hút giới văn học nghệ thuật nước ta sáng tác và có nhiều tác phẩm hay, để đời trong nhiều lĩnh vực. Riêng thơ, trong đó có cả trường ca cũng có nhiều người sáng tác. Nhưng số tác phẩm thơ để lại ấn tượng không nhiều. Chỉ đến trường ca Đá Cháy của nhà thơ Trần Nhuận Minh, đề tài về Vùng Mỏ và người Thợ Mỏ mới có một tác phẩm thơ mới lạ, nhiều tìm tòi phát hiện bất ngờ, đầy sức thuyết phục với giọng điệu hào sảng nhưng tinh tế và sang trọng như là một dấu mốc của thơ ca viết về Vùng Mỏ và thợ mỏ.
Hình tượng người thợ mỏ trong trường ca Đá Cháy mà nhà thơ Trần Nhuận Minh khắc họa đã dẫn dắt người đọc đến với những rung cảm mới mẻ, bất ngờ, sâu sắc, làm cho họ hiểu hơn, yêu hơn và kính trọng hơn người thợ mỏ và triết lý sống suốt đời họ đeo đuổi : KHÔNG TỎA SÁNG THÌ KHÔNG TỒN TẠI.
Thành phố Hạ Long, 19/ 8/ 2020.
THI SẢNH