Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn "Nuôi vịt giời" của nhà văn Lưu Quốc Hòa

Năm 2015, tôi và Nhà văn Lưu Quốc Hòa cùng là học viên khóa 2 lớp Lý luận và phê bình văn học. Anh cho tôi mượn tờ Văn nghệ Công an trong đó có tác phẩm "Nuôi vịt giời" vừa được báo giới thiệu trong chuyên mục sáng tác mới.

Qua làm quen và tìm hiểu thì Lưu Quốc Hòa là người sáng tác văn xuôi HNT tỉnh Hà Nam. Anh tâm sự:

Viết nhiều thể loại, nhưng với anh,viết truyện ngắn là thú vị và khó viết nhất, đó là thể loại mà người cầm bút, ngoài khiếu văn còn  một số yếu tố phụ trợ khác để xây nên: Một gian phòng trong một cao ốc nhưng căn phòng đó phải đầy đủ nội thất, ngoại thất"...Những chi tiết đời sống phải tự nhiên với logich vốn có.

Anh tâm sự:

Ngoài cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện, phải đặc biệt quan tâm đến những chi tiết nghệ thuật (bởi theo anh, người ta có thể quên tên truyện, quên tác giả, nhưng không quên chi tiết đắt giá)

*

Đọc truyện đã lâu, nhưng tác phẩm truyện ngắn "Nuôi vịt Giời" của Lưu Quốc Hòa, tôi cứ bị thông điệp câu chuyện ám ảnh. Ngay đề truyện cũng thật thà như toàn bộ câu truyện đã xuyên suốt. Nó là lời bàn nhẹ nhàng thông qua cốt truyện về hạnh phúc vợ chồng chứ không ồn ào to tát. Dung lượng  chữ nghĩa cũng vừa phải để chuyên trở nội dung. Hai tuyến nhân vật (Người và vịt) đặt trong bối cảnh đời sống rất tự nhiên làm ta liên tưởng so sánh nhưng không bị lâm vào sắp đặt. Không "sáo" và "gượng". Theo tôi, đấy cũng là một thành công khi anh xây dựng tác phẩm nuôi vịt giời.

Truyện ngắn Nuôi vịt giời của anh, là một sự tìm tòi về chi tiết nghệ thuật, anh đã tạo ra những “nhãn tự” cho truyện ngắn, từ đó, anh giúp bạn đọc nhìn thấy những thân phận con người, và nhận ra những quy luật cuộc đời.

  1. Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn

Truyện ngắn là một tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, chủ yếu viết theo lối truyền thống là "Dựng chuyện" và "kể chuyện". Ngôn ngữ mang nhiều ẩn ý, tạo ra chiều sâu về nội dung và nghệ thuật.

Theo Từ điển Thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997: “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng gọi là chi tiết nghệ thuật”. Maxim Gorky cũng cho rằng “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Như vậy, chi tiết nghệ thuật là chi tiết có sức biểu hiện, sức gợi, có vai trò lớn để xây dựng tư tưởng tác phẩm, để tạo nên tính truyền cảm, hấp dẫn, lôi cuốn của nhân vật, hình tượng, bộc lộ tầm tư tưởng, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn.

Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật, tìm những ý nghĩa được gợi ra từ chi tiết đó, chính là cách mở cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, hiểu được những thông điệp mà nhà văn gửi gắm, đồng thời thấy được sức sáng tạo, sự suy tưởng phong phú của người cầm bút.

  1. Hai chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn Nuôi vịt giời

Trước hết phải kể đến chi tiết “vịt đực ấp trứng”. Đây là một phát hiện của nhà văn khi quan sát thực tế, là chi tiết đặc sắc nhất kể về vịt trời, mang nhiều thông điệp nghệ thuật. Cái tinh tế của tác giả ở chỗ chuyện không kể về vịt nhà, vịt nuôi không biết ấp trứng, dù được thuần hoá từ lâu, mà kể về vịt trời, nuôi ở ao nhà ông Đạm, một chi tiết của đời sống diễn ra rất tự nhiên, hợp lý.

Đôi vịt trời đầu tiên, cả con cái và con đực cùng ấp, lúc vịt cái ấp thì vịt đực đi kiếm mồi mang về chuồng mớm cho vịt cái, lúc vịt đực ấp thì vịt cái kiếm mồi ngon cho mình và mặc nhiên hưởng thụ. Đôi vịt coi đó là tự nhiên giống loài không ta thán để duy trì đời sống hoang dã tự nhiên. Cái không bình thường chỉ xảy ra cảnh huống lẻ đôi của một đôi vợ chồng nhà vịt khi vịt đực không may bị chết. Theo suy nghĩ của giống người. "Giống cái bao giờ chẳng chu đáo hơn giống đực”. Nhưng  đã nhầm. Vịt cái chẳng ngó ngàng gì đến những quả trứng do chính nó đẻ ra, nó “nhởn nhơ bơi lội và đi gạ gẫm một con vịt đực khác”nên mới sinh ra Lão Đạm chép miệng:  “Tưởng vậy hóa ra không phải vậy” và cuối cùng là ổ trứng bị bỏ đi.

Đến cặp vịt cuối cùng, tình huống trớ trêu xảy ra ngược lại, không phải vịt đực chết, mà vịt cái chết. Lão Đạm nghĩ rằng “lũ trứng sẽ ung thối ra”. Nhưng không, vịt trời đực lại làm cái việc trái tự nhiên, nó vẫn ấp trứng, để cho ra đời một đàn vịt con bơi “thung thăng” trên mặt ao, biết gắng sức hơn, biết kỉ luật…

Việc vịt đực làm được điều phi thường được đặt trong sự đối chiếu đồng nhất với hoàn cảnh của người đàn ông trong truyện. Anh Tài rơi vào tình thế bị buộc phải nuôi con một mình. Lúc đầu gia đình anh cũng yên ấm. Hai vợ chồng với ba đứa con. Cuộc sống bình yên đã thay đổi khi Tài chấp nhận làm gà trống nuôi đàn con, cho vợ xuất khẩu lao động trong ba năm. Kha trở về rực rỡ, sang trọng, cuộc sống phương Tây đã kiến cô lạc nhịp với chồng, những cuộc trò chuyện thưa dần, để rồi cuối cùng Kha tiếp tục ra đi, và những cuộc gặp của vợ chồng qua điện thoại chỉ là sự “sáo mép, nhạt nhẽo và phù phiếm”…

Tình huống truyện diễn ra đòi hỏi nhân vật phải có sự lựa chọn đường đi cho chính mình. Chi tiết vịt đực ấp trứng chính là để dự báo về quyết định, tương lai, số phận của nhân vật Tài, qua đó thể hiện quan niệm của nhà văn về đời sống.

Tư tưởng của nhà văn còn thể hiện ở chi tiết cuối truyện ông Đạm luận đời bên bờ ao. Nhân vật Tài và ông Đạm nhìn đàn vịt con bơi và nhận thấy chúng lớn nhanh như thổi, sắp sửa phải cắt cánh để chúng khỏi bay đi, rồi ông Đạm nói với Tài “có những việc ở đời chả muốn làm nhưng muốn tồn tại vẫn bắt buộc phải làm. Vịt giời là giống hoang dã, để giữ được nó là của mình thì đừng tạo cơ hội để nó bay đi”.

3.Những thông điệp mà nhà văn gửi gắm:

Chi tiết vịt đực có thể làm điều phi tự nhiên, ấp cho trứng nở và chi tiết luận đời bên bờ ao ở cuối truyện ngắn có thể coi là hai chi tiết đắt giá thể hiện tư tưởng của tác phẩm:

Trên đời luôn tồn tại những nghịch lý, có những việc ta không muốn làm mà vẫn phải làm

Vịt đực đâu muốn ấp trứng một mình, đâu muốn tất tả nuôi con, nó cũng muốn được san sẻ, muốn bạn đời cùng tạo hơi ấm, cùng đảo trứng cho ấm đều, cùng vun vén tổ cho tròn trịa. Nó không bao giờ muốn mất đi người bạn đời, để phải kêu lên những tiếng kêu thảm thiết, khắc khoải, rồi “lũi cũi bơi trên mặt ao”… Anh Tài cũng thế, một người đàn ông đẹp trai và tài hoa, có nghề, có vợ đẹp, con khôn, gia đình yên ấm, anh chỉ muốn “vợ chồng sum vầy tối sớm làm ăn nuôi con học hành” anh chẳng mơ có cái nhà to như nhà ông Hinh, chẳng muốn đối diện với cảnh nhà thiếu đi bàn tay phụ nữ, chẳng muốn rơi vào cảnh gà trống nuôi con…

Nhưng trên đời này vẫn luôn tồn tại những nghịch lý. Vịt đực phải làm nhiệm vụ của vịt cái, vịt đực phải ấp trứng. Là  giống đực lẽ ra nó phải “kiêu kiêu một tí cho oai”, nhưng rốt cục chú ta lại “nhếch nhác tranh phần đàn bà mà cần mẫn quá thể” để ấp trứng. Cũng như Tài vừa đẹp trai lại vừa giỏi nghề, không mơ ước cuộc sống cao sang, lẽ ra rất dễ sống, rất dễ hạnh phúc. Vậy mà anh phải sống đơn chiếc, một mình đối diện với những nhạy cảm của đời sống

Vì sao lại có nghịch lý ấy, và vì sao con người lại bắt buộc phải chọn điều mình không muốn? Ấy là bởi trên cõi đời này, con người còn bị buộc phải sống cạnh những người có những lựa chọn sai, khiến mình bị ảnh hưởng xấu. Tài rơi vào tình trớ trêu, bởi có cô vợ như Kha. Cô muốn xây nhà to như ông Hinh, nhưng lại để lòng yêu trở nên bé nhỏ với chồng. Cô ra nước ngoài với tầm nhìn phóng khoáng, rộng mở, nhưng lại thu hẹp cái nhìn vốn cần bao dung với gia đình. Cô nhạt tình với chồng, nhạt tình với Tổ quốc, nhạt tình với tiếng mẹ đẻ. Cô học được cách kiếm tiền chứ không học được cách sống. Cô có tiền tặng hàng xóm một chai “Chivats 21” bọc trong cái túi nhung xanh rất sang trọng, nhưng lại làm người ta lạc lõng trong chính ngôi nhà của cô. Cô giàu hơn, nhưng nhân cách nhỏ đi; tài sản nhiều lên mà tình thương lại cạn đi.

Cuộc đời là thế đấy! Đầy rẫy những nghịch lý, tai ương, nó bắt người ta phải lựa chọn, thậm chí phải chọn con đường chông gai nhất, vì không còn đường nào khác, vịt đực buộc phải ấp trứng vì người bạn đời của nó chết. Tài buộc phải một mình nuôi con vì tham vọng làm giàu của vợ.

Nghịch lý đó cũng là một chân lý! Thông qua đó, nhà văn còn có thêm một nhận định về cuộc đời:

Làm cái gì không khó! Quyết định làm hay không mới khó!

Cùng là việc người bạn đời bị chết. Có hai lựa chọn cho vịt. Một là đi đưa tình với vịt khác, xây tổ ấm mới. Hai là ở vậy ấp trứng nuôi con. Làm việc nào trong hai việc ấy cũng đều không khó. Cái khó là vịt quyết định làm việc nào. (Chuyện này giống như tình huống khi chúng ta nhìn thấy một bà bán rong bị đổ xe, cam văng hết ra đường. Việc nhặt cam thực chất không khó. Cái khó là chúng ta quyết định xuống xe, cởi cà vạt, ngồi xuống nhặt giúp mà không sợ bị đánh giá). Tình huống với vịt giời cũng thế!

Chi tiết vịt đực chọn ấp trứng nuôi con (trong khi vịt cái chọn tìm bạn đời mới), nhà văn đã cho thấy cuộc sống là một chuỗi những sự lựa chọn. Và hạnh phúc không phải ngẫu nhiên, cũng không phải là món quà từ trên trời rơi xuống, mà chính chúng ta, mới là người quyết định đâu là hạnh phúc cho bản thân mình.

Hạnh phúc sẽ đến với những ai dũng cảm vượt qua những giờ phút khó khăn của cuộc đời. Hạnh phúc là không được buông xuôi.

Khi vịt cái lâm nạn mà chết, vịt đực đau khổ và hoảng loạn “vỗ cánh cuống cuồng để bay lên rồi lại ngã quay đơ”, “lặn ngụp dưới nước liên hồi”, “hình như nó không tin cái sự chia lìa kia là có thật”, “nó lũi cũi bơi trên mặt ao như kẻ phát cuồng”... Đó là đau khổ khi mất người bạn đời. Đau khổ thì ai cũng phải trải qua, quan trọng là vịt đực đã vượt qua những giây phút khó khăn ấy. Nó không buông xuôi, cũng không sầu thảm mãi, nó quay về chuồng, rồi nhẹ nhàng xòe cánh ấp iu đống trứng vợ nó để lại.

Chính hành động ấy của vịt bố đã cho ra đời một bầy con lớn nhanh như thổi, “bơi thung thăng trên mặt ao. Con vịt bố loăng quăng bơi lội để bảo vệ con mình. Vắng vịt mẹ nên nó phải gắng sức gấp đôi. Những con vịt con hình như biết thương bố nên ăn dón đàn rất kỷ luật…”

Nhìn thấy con được sinh ra và lớn lên là hạnh phúc của vịt bố, hạnh phúc của sự lựa chọn, hạnh phúc sau khi vượt qua những giây phút khó khăn của cuộc đời. Nhà văn như muốn nói hãy biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, tình huống, thích nghi để phát triển, thích nghi là hạnh phúc! Chúng ta hãy trở thành người lạc quan luôn tìm thấy hi vọng trong khó khăn, dù gặp khó khăn như thế nào vẫn luôn nghĩ có một đường để thoát. Chúng ta hãy tự tạo hạnh phúc trong chính bản thân mình, và nên tích lũy một vài triết lý về cuộc sống để lạc quan, để hạnh phúc, để đối phó với những phiền muộn, để hiểu rõ và tin tưởng chính bản thân mình!

Bằng quan sát thực tế cùng những chiêm nghiệm của mình, nhà văn đã xây dựng thành công hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Nuôi vịt giời, qua đó tác phẩm đã đem đến cho bạn đọc những trăn trở về hạnh phúc. Hạnh phúc là bình yên hay sóng gió? Là buông xuôi hay thích nghi? Là giàu có bên ngoài hay sức mạnh bên trong? Là tài hoa, xinh đẹp hay nghị lực kiên cường?...

Từ đó nhà văn ngầm nhắn nhủ mỗi chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho những người ta yêu thương bởi vì không chắc họ sẽ ở bên ta mãi mãi. Hãy yêu thương người bạn đời của mình. Nhờ có họ, ta là số 9, số 10. Để mất họ, ta chỉ còn là số 0 tròn chĩnh. Hãy dành thời gian để trân trọng, nói chuyện và sẻ chia những điều quý giá trong tâm hồn.. Hãy lạc quan và vượt qua mọi thử thách của cuộc đời…Khi đó hạnh phúc sẽ hiện diện!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Minh Hà