Giọt mồ hôi Uông Bí và giọt mồ hôi trong thơ của Nguyễn Can
Nhà thơ Trần Ngọc Ước giới thiệu tập thơ "Giọt mồ hôi Uông Bí" của Nguyễn Can
Lật giở từng bản thảo thơ của tác giả Nguyễn Can, hội viên hội văn học nghệ thuật Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, một câu hỏi cứ xoáy vào tôi: phải chăng, con người nhỏ nhắn, gầy guộc cũng đồng nghĩa với sự khiêm tốn, giản dị của anh, để đến bây giờ, ở cái tuổi xưa nay hiếm (70), tác giả Nguyễn Can mới trình làng tập thơ đầu tay "GIỌT MỒ HÔI UÔNG BÍ. Tập thơ do Nhà xuất bạn Hội nhà văn ấn hành năm 2015
Cả tập thơ với 67 bài vừa đủ độ thấm cho người đọc, bài nào cũng mang văn phong rất riêng, rất sát với cuộc sồng, rất đằm, rất nhân bản, nhuần nhị và cũng thậtt lãng mạn. Với cách viết tôn trọng lối thơ truyền thống, tác giả thấu hiểu từng giọt mồ hôi của người Uông Bí
" Từng hòn than ướt đẫm mồ hôi...
Áo người thợ xanh rồi bạc trắng
ống khói vươn cao dầm mưa nắng
choãi chân, quận bắp đỡ mặt trời" ( Giọt mồ hôi Uông Bí), thấu hiểu cả những cơ cực gian nan phía sau những thành quả người Uông Bí làm nên:
"Choòng thợ mỏ
Gõ vào tầng nham thạch
Gọi than ra
Nhễ nhại mồ hôi
Và đôi khi cả máu nữa em ơi" ( Phía sau hòn than)
Điều khiến tôi ngạc nhiên và thầm phục là những câu chữ hồn nhiên, lãng mạn, có tính khái quát, chắt lọc, có hình ảnh, mầu sắc, nhạc điệu và rất thơ nữa:
"Chẳng thể nào níu kéo mùa thu
Dẫu tiếc lắm những giọt vàng của nắng" (Chiều thu Sóc Sơn)
hay như:
"Chiều hong ngọn gió cuối trời
Đầu sông con sóng góp lời tri ân" (Duyên nợ)
Và hình ảnh thấp thoáng bóng mẹ già giữa quê cũ đầy chất thơ:
"Tre mắc võng tiếng ầu ơ của mẹ
Xào xạc gió chiều quét nắng cuối sân" (Làng cũ)
Hình ảnh mẹ càng thêm sâu đậm khi anh viết bằng những giọt nước mắt nhớ thương:
"Bẫm chân vào nghèo đói
Dáng mẹ oằn lũy tre
Nắng nghiêng vàng gốc rạ
Mẹ gánh chiều qua đê" (Đời mẹ)
Những cảm xúc với nghề nghiêp, đồng đội, bè bạn cũng rất chân tình, đằm thắm:
"Tiếng máy chạy đều đều
Cây rừng say ngây ngất.
Tiếng gió reo, suối reo
Là lời ca địa chất" (Bài ca địa chất)
Về chủ đề tình yêu, trong thơ anh cũng rất duyên dáng, đằm thắm:
"Em đi
Sạt lở bờ kỷ niện.
Hoang vắng triền sông
Lạnh bãi bồi
Anh mài nỗi nhớ
Mòn lối cũ
Mòn cả hoàng hôn tím cuối trời" (Sạt lở).
Giọng thơ của tác giả có lúc nhẹ nhàng nhưng sâu cay khi viết về những thói hư tật xấu, những ngang trái trong cuộc sống, có lúc trầm hẳn xuống khi phải chia tay với người thân, lại có khi đằm thắm nhớ về quê hương, cha mẹ...
Viết về một thời, cuộc sống khó khăn, long đong với bát cơm manh áo tác giả có những câu thơ thật thấm thía, sâu sắc và rất đằm:
"Những mái tranh đìu hiu lụp xụp
Kệ xuân về, kệ nắng, kệ hoa
Đường vắn tiếng cười đàn con trẻ
Tết vào... ngơ ngẩn lại đi ra" (Tết nghèo)
Vào những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, Nguyễn Can đã làm thơ. Thơ anh rất đa dạng về đề tài, phong phú về hình ảnh, sâu sắc về ý tứ. Những trải nghiệm cuộc sống được tác giả đưa vào thơt tự nhien, giản dị nhưng thấm đẫm nước mắt, trăn trở về nỗi người, đầy ắp nụ cười tin tưởng và hy vọng tương lai. Đặc biệt, những bài thơ anh viết cho thiếu nhi hồn nhiên, chân thực và ngây thơ như chính tâm hồn trong sáng của trẻ thơ, khiến người lớn phải bật cười và rơi nước mắt:
" Bố em bảo thế
Chắc là đúng rồi...
...Mẹ em bảo thế
Chắc là đúng rồi...
...Cô giáo bảo thế
Chác là đúng rồi...
...Người lớn bảo thê
Chắc là đúng thôi...!" (Chắc là đúng rồi)
Sinh ngày 12 tháng 10 năm 1946, quê ở Thôn Thuận An, Xã Trạm Lộ, Huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh; tôt nghiệp Khoa địa chất mỏ, năm 1967 Nguyễn Can khoác ba lô ra nhận công tác tại Phòng Địa chất - Trắc địa Mỏ than Vàng Danh (Nay là Công ty than Vàng Danh). Từ đó, anh gắn bó với công tác cho đến khi về hưu (1990). Hiện nay anh đang sống tại Tổ 6, khu 4, Phường Thanh Sơn, Thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh.
Với khuôn khổ hạn chế về khả năng cũng như thời lượng, không thể giới thiệu trọn vẹn tập thơ GIỌT MỒ HÔI UÔNG BÍ của tác giả Nguyễn Can, chỉ xin trích sơ lược một số ý nổi bật để bạn đọc tiện tham khảo khi có tập thơ này trong tay. Xin chúc mừng tác giả dã có một tập thơ có độ chín chắn của ý tứ, trong sáng về chất thơ. Tất nhiên, trong tập cũng còn vài điều chưa thể vừa ý độc giả, nhưng, theo tôi, anh đã cô đúc câu chữ thành những mắt bão của cuộc sống đi qua đời mình, với cả những dâng hiến cho nền văn học của Thành phố Uông Bí nói riêng và bạn đọc gần xa nói chung.
Tác giả bài viết: Nhà thơ Trần Ngọc Ước