Lắng nghe “KHÚC TỰ TÌNH ” của Trần Ngọc Ước.

“Khúc Tự Tình” là tập thơ riêng thứ 3 của Trần Ngọc Ước, (NXB Hội Nhà Văn  2018). Tập thơ dày dặn gồm 68 bài thơ, chan chứa tình cảm của người thơ với quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè, đau đáu nỗi niềm, thâm trầm triết lý nhân sinh.

Xin cùng lắng nghe tiếng lòng của anh. Ngay trong bài mở đầu anh đã nói đến quê hương Tuyên Quang của mình “Tôi chạy tung tăng trong hạnh phúc trẻ thơ/ Vài cái pháo tép tung lên trời cái đùng, cái xịt/ Lũ con gái chạy theo vui cười thỏa thích/ Để đến giờ nghĩ lại còn ngượng đỏ tai”(Bến nước quê tôi). Bài thứ hai là viết tặng quê hương thứ hai, nơi anh đang sống (Khu 1, Bắc Sơn, Uông Bí) “Nhưng mỗi lần tìm cảm xúc làm thơ/ Hình bóng em lại về theo từng con chữ” (Có một mối tình như thế). Đến bài thứ ba lại dành cho Quảng Ninh “bốn mươi xuân rồi đón nhận tình em/ Ta không hát nhưng tim ta vẫn hát” (Tình em Quảng Ninh).

Tâm sự với con người anh cũng có sự sắp xếp, bắt đầu từ “Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ” rồi đến “Đón bạn về” (hài cốt liệt sĩ), tiếp theo là “Hát cùng lính đảo” rồi “Mẹ Việt nam”… tác giả rất cẩn thận sắp xếp các bài thơ từ xa đến gần, từ xưa đến nay, từ trừu tượng đến cụ thể, từ trên xuống dưới, từ người đến ta.

Tự sự với mìnhGiầu ư? Nghèo ư? À cũng thế thôi/ Làm chủ là đi tìm hạnh phúc / Bằng những gì do chính mình làm được/Rồi ngửa mặt nhìn trời...

Cười một chuỗi LÀ XONG.../."(Làm chủ) . “Thư gửi con gái” anh viết “Tết về con cố dành dụm/ Để mua tặng mẹ tí quà/ Nhớ sắm cho bố cái díp/ Nhổ râu kẻo mẹ chê già”, giọng thơ thật giản dị mà xúc động biết bao. Tình thương yêu với người bạn đời cũng được anh thổ lộ thật tự nhiên “Chiếc nhẫn này anh trao cho em/ Để tiếp sức thêm quãng tuổi già duyên nợ" (Nhẫn cưới), “Sau ngày hội lớp” anh rưng rưng cảm xúc “Để con tim bùng cháy tình bè bạn/ Nghe tiếng trống khai trường nháo nhác gọi tìm nhau"”.

Một chùm thơ khóc mẹ, chị cả, chị dâu, em trai được tác giả sắp xếp liền nhau, nhắc về những kỷ niệm riêng của từng người khi còn sống, lời thơ ấm áp, gần gũi và da diết nhớ thương. "Bãi ngô bến nước còn kia/ Chuyện xưa vẫn kể...Người về thị không" (Về với mẹ)

Anh dành khá nhiều câu thơ cho người bạn đời của mình, bên cạnh đó cũng phảng phất bóng dáng những mối tình đẹp đi qua cuộc đời anh.

Bài thơ “Khúc Tự Tình” mà tiêu đề được anh lấy làm tên của tập, anh viết “Rưng rưng một khúc tự tình/ Rơi rơi theo nhịp thậm thình trái tim”. Bài thơ này được đặt ở gần cuối tập, khởi đầu cho những bài thơ mang đậm trải nghiệm, triết lý, xin trích vài câu: “Bước ra sân khấu là ta/ Khoác thêm mũ áo thành ra thánh thần”, “Bỗng nhiên ta thấy giận đời ta/ Hết say mới biết tuổi đã già/ Quá khứ chôn vùi trong kiếp rượu/ Tương lai ngắn ngủi sắp đi qua.”(Men rượu kiếp người), “Đột nhiên ta bật khóc/ Đôi cánh mỏi rã rời/ Nghe mông lung đâu đó/ lao xao tiếng ai cười (Mộng mị) , “Câu thơ lặng thầm tôi viết/ Chỉ dành riêng cho tôi thôi/ Nỗi đời lạnh như sương muối/ Biết đâu!... Động đến lòng trời” (Lòng Trời)...

Trong "Khúc tự tình", tác giả viết khá nhiều thể loại thơ như lục bát, thất ngôn bát cú, năm chữ, tự do ... bài nào cũng cô đọng, tuân thủ khá nghiêm ngặt niêm luật với những nghệ thuật so sánh" Trong mắt mẹ con vẫn là thơ dại/ Mái chèo non xa bến vững vàng chưa…?" (Ngày con lên xe hoa), nghệ thuật ẩn dụ " Ngọn gió vỗ về con dế khóc/ Bóng mây hờ hững... ánh trăng vơi" (Sắc thu), nghệ thuật nhân cách hóa " Khi đất nước lên đèn/ Hoàng hôn xuống với không gian như đã hẹn/ Lạc Long Quân lại chơi đàn trên mặt biển/ Hòa với gió ngàn theo tiếng hát mẹ Âu Cơ" (Mẹ Việt Nam)...

Với bút pháp giản dị, mộc mạc, không ồn ào, không lên gân với những triết lý rườm rà sói mòn, thay vào đó là những lời tâm sự, tự sự rất người "Mỗi người phải gánh bao nhiêu cho tiềm năng quân sự...?/ Để rồi tự tay chúng ta...Người lại giết người...!" (Khát vọng hòa bình) Hoặc như: "Lắng vào khoảnh khắc thanh bình/ Dốc chai cạn với bóng  mình một ly" (Khoảnh khắc thanh bình). Cái bóng chứng kiến mọi thành công, thất bại, xấu tốt của cuộc đời mình. Anh can đảm dốc chai cạn với chính bóng mình để đi tiếp chặng đường còn lại thì quả là mạnh mẽ, nhân bản. Có những bài thơ với những câu chữ thật đến nao lòng " Đêm rùng mình nghe đồng hồ điểm nhip/ Một tích tắc thôi, mất thêm một phần đời/ Đôi chân già nua bước đồi bước vực/ Không thể dìu con được nữa con ơi..." (Nói với con). Tác giả đã để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng tốt về giá trị nhân văn, giá trị  giáo dục và tính cách riêng trong bút pháp của mình. Đọc thơ anh có cảm giác không nhàm chán, càng đọc càng thấm.

Thơ anh đã có nhiều trăn trở đến độ chín của câu chữ, viết như không có gì nhưng  lại thấy nhiều điều đáng suy ngẫm:

"Gió vẫn tổi, mây bay và hoa nở

Tiệc vui theo tiếng cốc cham tưng bừng

Chợt se sắt trong tôi ào ạt nhớ

Heo may về lành lạnh phía sau lưng" (Heo may).

Thơ anh có một số bài pha chút hài hước, châm biếm sâu cay, chút nheo nheo đuôi mắt hóm hỉnh như các bài: Oan cho Phật; Hàng xóm; Cảm thông; Truyện thơ: Cuộc phiêu du của hồn ma hàng thịt"...

Tôi có cảm giác phía sau mỗi tứ thơ trong tập thơ KHÚC TỰ TÌNH của Trần Ngọc Ước còn ẩn chứa nhiều điều mãnh liệt về nhân tình thế thái, khiến người đọc dò từng câu, từng chữ mới thấy hết được những trăn trở, những khát vọng, những trải nghiệm, những câu hỏi, những niềm tin... mà tác giả đặt ra.

Tuy nhiên, có lẽ do quá thiên về tứ của bài thơ, nghĩa của câu chữ, tác giả đôi khi còn bỏ qua sự  lãng mạn của thơ,  hoặc như dùng thán từ (ôi) chẳng hạn... Tôi cũng xin nêu một vài ý kiến, mấy điều mà tôi cho là chưa ổn cho lắm.

Xin chúc mừng Trần Ngọc Ước đã gửi tới bạn đọc nhiều tình cảm chân thành. Và tôi tin bạn đọc gần xa cũng đặt vào "KHÚC TỰ TÌNH" sự ngưỡng mộ nhất định cũng như  nhiều tình cảm tốt đẹp./.

Tác giả bài viết: Phan Thanh Vân