Nỗi niềm của Nguyễn Mình Hiền qua bài thơ “lệch”
LỆCH
Nguyễn Minh Hiền
Sợ rằng đêm vẫn khoác đen
Sợ ngày nắng rát, để duyên cạn mùa
Sợ mưa bong bóng cứ đùa
Sợ hồn giông bão cứ ùa vào tôi
Lệch mùa trăng sẻ làm đôi
Lệch anh em thả thơ trôi cho bằng.
LỜI BÌNH CỦA NGHIÊM THẢN
Trong dân gian mọi người thường nói “Thế gian được vợ hỏng chồng”. Đó là sự triết lý của ông cha ta từ bao đời nay, tất cả mọi việc trên đời, ít có sự hoàn hảo, mà hoàn hảo đến tuyệt đối lại càng khó. Chỉ sáu câu lục bát nhà thơ Minh Hiền đã khắc họa nên điều đó. Cũng giống như câu ca dao:“Bây giờ chồng thấp vợ cao / Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Đó chính là cái lệch nhau trong cuộc sống. Cũng chính vì thế nên tác giả sợ nhiều điều:
“Sợ rằng đêm vẫn khoác đen
Sợ ngày bỏng rát, để duyên cạn mùa”
Nhà thơ sợ “đêm vẫn khoác đen” hay sợ cái bóng tối cứ bao trùm mãi cuộc đời. Những đau thương, mất mát khổ đau, những dằn vặt, cô đơn... Cứ đeo đẳng theo suốt cuộc đời. Ở đây ta thấy tác giả dùng phép tu từ thật độc đáo, từ “đêm” có nghĩa là tối, mà đã tối thì phải “đen”. Từ “đen” đồng nghĩa với tối, mà đã tối tức là “đêm”. Đọc câu thơ ta thấy cái thi vị của thơ, ta thấy giá trị của ngôn ngữ trong thơ, ta thấy yêu thơ hơn. Câu thơ nó hay ở chỗ “đêm vẫn khoác đen”. Đã đêm rồi, đã tối tăm rồi, đã đen rồi còn khoác thêm đen. Thử hỏi cuộc đời đen tối, khổ hạnh đến bao giờ mới nhìn ra ánh sáng. Từ “khoác” ở đây thật thú vị, “khoác” gần đồng nghĩa với trùm, cuộc đời đã tăm tối còn trùm thêm đen bạc thì khổ sở biết chừng nào. Đấy là Minh Hiền sợ cái bóng đêm dài dằng dặc. Còn ngày thì sao, ta hãy xem sự lo lắng của chị:“Sợ ngày nắng rát, để duyên cạn mùa”. Cái sợ “Ngày nắng rát” của chị cũng như Tố Hữu đã viết:
“Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”
(Khi con tu hú).
Tiếng chim tu hú kêu hay tiếng than vãn của con người. Đêm thì sợ kéo dài lê thê, ngày thì sợ nắng chói trang bỏng rát như quất vào da thịt. Hoàn cảnh thật trớ trêu, nó ngột ngạt u uất,“để duyên cạn mùa”. Từ “duyên” đã lý giải cho câu thơ. Không phải cuộc sống éo le vất vả, mà là một cuộc tình trái ngang, chật chội. “Duyên cạn mùa” hay tình yêu đã dần dần héo hon thui chột. Bát nước đầy lỡ đổ vớt lại không? Chưa hết tác giả vẫn còn:
“Sợ mưa bong bóng cứ đùa
Sợ hồn giông bão cứ ùa vào tôi”.
Nói đến hình ảnh “mưa bong bóng” người ta thường liên tưởng đến sự đổ vỡ chia ly, cách trở:
“Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”
(Ca dao).
Tình yêu mong manh, mơ hồ như những quả bong bóng trôi nổi dưới mặt đất giữa trời mưa, phập phồng to nhỏ rồi lại tan vỡ đi, cứ thế, cứ thế... Như giỡn đùa với số phận, nó cũng sẽ tan như bong bóng xà phòng. Và chẳng bao giờ phồng lên được, thế là hết. Điệp từ “sợ” được lập lại tới bốn lần, tác giả đã khái quát được nỗi lo lắng trăn trở trước cuộc đời. Lần cuối cùng tác giả “sợ hồn giông bão”, hay sợ sự vùi dập, sợ sự tàn phá, sợ cái gì sắp đổ vỡ, hoang tàn, cô đơn, hiu hắt. Bốn câu lục bát liên tục đối nhau: “Đêm” đối với “ngày”, “nắng” đối với “mưa”, “mưa” đối với “giông, gió” càng làm tăng sự lo lắng, dằn vặt, như những đợt sóng cứ nối tiếp nhau lớp lớp chồm lên nhấn chìm đi cái gọi là hạnh phúc. Đây cũng chính là thủ pháp độc đáo sử dụng cách tiểu đối trong thơ của Minh Hiền. Những cái “sợ” của tác giả, đã mô phỏng, chính là từ những cái “lệch” trong cuộc sống:
“Lệch mùa trăng sẻ làm đôi
Lệch anh em thả thơ trôi cho bằng”.
Một sự so sánh thật thú vị mà lãng mạn, cái “lệch” của tình yêu đôi lứa lại ví như “lệch mùa trăng”. Đành rằng ai cũng biết trăng thì khi tròn khi khuyết, dù có lệch mùa vẫn thế thôi. Nhưng hình ảnh vầng trăng sẻ nửa thì thật phũ phàng ngang trái. Ta vẫn biết mùa trăng là mùa thu, trời trong xanh leo lẻo, nên ánh trăng lại càng sáng như cụ Nguyễn Khuyến đã vịnh:
“ Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào”
(Thu vịnh)
Mùa trăng đẹp là vậy. Mùa trăng cũng là mùa cưới, mùa xây tổ ấm của những đôi uyên ương. “Hoa cúc vàng bắt đầu mùa cưới đó / Nắng hanh hanh cho má em ửng đỏ / Gió heo về mang hương vị tình yêu” (Chuyện chúng Mình của N.T), mà lệch mùa thì thật là buồn, nó tạo nên sự huyền ảo, ảm đạm, mơ hồ, nhạt nhẽo. cái “lệch mùa” ấy Hàn Mặc Tử cũng đã viết:
“Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ”
(Huyền ảo)
Trăng trong thơ của Minh Hiền đã “lệch mùa” lại bị sẻ làm đôi thì buồn quá. Có phải chăng đây là sự đổ vỡ của những cuộc tình ngang trái. Vậy nên chị sợ “ đêm vẫn khoác đen” là đúng thôi . Khi đã lệch, ai cũng muốn kê cho bằng. Sự tha thứ, lòng vị tha, tính nhân văn trong mỗi con người lại là điều cần thiết. Nhưng tác giả lại gửi hồn mình vào thơ, chị chắp cánh cho thơ bay trong gió, chị “ thả thơ trôi cho bằng” .Câu kết thật thú vị, chị viết rất ảo mà lại đúng. Bởi thơ đâu phải một vật gì mà đem kê cho khỏi lệch, Nhưng thơ lại làm được điều đó, và hơn thế nữa. Tính hiện thực trong thơ của Minh Hiền đã được lý giải, bởi không ít trong thực tế đã minh chứng. Những sân chơi đã ít nhiều kéo lại sự thăng bằng trong cuộc sống.
Với bốn mươi hai từ Minh Hiền ghép thành sáu câu lục bát, như đã giãi bày tình cảm, chia sẻ với độc giả bằng cách nén câu, nén chữ, ngắn gọn mà đầy đủ, súc tích. Giàu hình ảnh, trìu tượng mà cụ thể, ảo mà thật, dễ hiểu . Những thủ pháp tu từ, tiểu đối, so sánh, cách dùng điệp từ biểu cảm. Chị đã như dựng lại những màn tình cảm, của những cuộc tình có thật trong đời thường, như lời cảnh báo, răn đe. Có thể nói rằng: Sáu câu lục bát của chị, là sáu câu thơ tài hoa. Bởi nếu ta chỉ đọc riêng từng câu, bất kì ở dòng nào, một mình nó cũng đã tỏa sáng, đủ nghĩa, và chuyển tải được đầy đủ nội dung của câu thơ, như những lời triết lý (bốn cái “sợ” hai cái “lệch”). Tôi được biết gần đây Minh Hiền viết rất xung sức và chắc tay. Chúc chị khỏe mạnh, giàu cảm súc để có những tác phẩm hay hơn./.
Tác giả bài viết: Nghiêm Thản