“DƯỚI MƯA”-Bài thơ hay của Trần Quang Quý
DƯỚI MƯA
Nàng đứng đọ thời gian dưới mưa
đứng như đợi người ngoài cõi đứng
thường đêm đêm vẫn vậy, dưới ngọn đèn phố tôi…
Mưa xuân lây phây bay
từ trong mưa tôi thấy bước ra những chờ đợi khác
một rừng chân viễn chinh vào những cuộc hẹn hò
nhón gót phím xuân
cây dương cầm thiên nhiên dạo khúc trầm
tôi biết có những đêm nàng đứng
như đợi một thói quen kỷ niệm không bao giờ còn đến?
Hay nàng đợi tôi mà tôi không hay
hay xuân đợi tôi run cơn mưa gầy
tôi liều xuống nhà bước đến ngọn đèn
lạ chưa, không bóng người
chỉ cây đèn và tôi đối mặt!
Hay chính bóng xưa đợi tôi trong mưa
hay chính tôi đã đợi tôi trong nàng
đợi một thế gian ánh sáng
rỗng chân cột đèn
*12/6/2018
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Có bài thơ mang vẻ đẹp của một cô gá hồng nhan. Rực rỡ nhưng chóng phai tàn. Có bài thơ mang vẻ đẹp nội tâm. Vẻ đẹp được dấu trong đôi mắt, dấu tận đáy tâm hồn. Vẻ đẹp lắng sâu và còn mãi.
Tôi nghĩ bài thơ DƯỚI MƯA của Trần Quang Quý mang vẻ đẹp thứ hai. Vẻ đẹp của thơ ông được ẩn kín sau từng con chữ. Đọc thơ ông cũng phải là cái đọc nội tâm nhiều suy ngẫm may ra ta mới có thể hiểu và rồi yêu thơ ông mãi mãi.
Mở đầu là một câu thơ dài đến ba dòng, độ dài câu thơ của Trần Quang Quý thường vẫn vậy nó tạo nên một hiệu ứng cảm xúc rất khác biệt khi ta đọc thơ ông. Ta cứ nín thở cứ lắng sâu dài hun hút. Câu thơ mang tính khẳng định nhưng lại là một sự khẳng định mang tính mơ hồ thiếu độ tin cậy:
“Nàng đứng đọ thời gian dưới mưa
đứng như đợi người ngoài cõi đứng
thường đêm đêm vẫn vậy, dưới ngọn đèn phố tôi”
Dưới ngọn đèn phố tôi chắc nó phải nằm trong tầm nhìn của nhà thơ, tầm nhìn thuộc về thị giác hay tầm nhìn của suy tưởng – một tầm nhìn thuộc về nội tâm.Thử hỏi trong cõi người mênh mông vô tận này có người thiếu phụ nào lại hoang tưởng đến thế.Cứ hằng đêm, hằng đêm trong mưa nàng đứng đó để đo chiều dài hay đo chiều sâu của thời gian đời người.Hay đo thời gian của sự đợi chờ và nỗi đau. Ở đây ta cảm nhận đươc rằng hình như đợi ai đợi điều gì nàng không thể biết. Nàng đứng đó đợi, đứng mà không còn biết đứng vào đâu. Đợi mà không biết đợi điều gì. Dù khẳng định nhưng rõ ràng đây chỉ là một bóng dáng của suy tưởng. Nàng không đứng trong không gian này, không thuộc vào không gian này mà không gian của nàng là không gian ngoài không gian. Đứng đợi ngoài cõi đợi. Chỉ một câu thơ thôi đã hiện hữu cho ta cái mơ hồ vô vọng của kiếp người và đây lại là kiếp đàn bà. Có thật không trong cõi người này bẫn tồn tại những kiếp người như thế ?
“Mưa xuân lây phây bay
từ trong mưa tôi thấy bước ra những chờ đợi khác
một rừng chân viễn chinh vào những cuộc hẹn hò
nhón gót phím xuân
cây dương cầm thiên nhiên dạo khúc trầm
tôi biết có những đêm nàng đứng
như đợi một thói quen kỷ niệm không bao giờ còn đến?”
Sự hoang tưởng của nhà thơ ở đây đã chồng lên hoang tưởng. Từ một bóng dáng được khẳng định – bóng dáng của nàng. Nhưng không sau bóng dáng của nàng dưới cơn mưa lây phâp còn rất nhiều bóng dáng khác nữa, cả một rừng chân đang viễn chinh vào thực tại hay vào cõi vô cùng. Tôi tự hỏi sao đất nước của nhà thơ lại nhiều, nhiều lắm những người đàn bà đứng đợi đến thế. Phải chăng đây là những hòn vọng phu mà không thể hóa đá. Những người chồng ra trận mãi mãi không về. Họ chỉ biết đợi vì họ không thể biết chồng họ giờ nơi đâu trong cõi nhân gian này !
Dù cây dương cầm của thiên nhiên vẫn ngân nga, ngân nga mãi những khúc trầm vẫn không thể ru ngủ những kiếp người và họ cứ thế đợi chờ những kỉ niệm không bao giờ trở về và rồi sự đợi chờ đã trở thành một thói quen cứ bám chặt không thể gỡ bỏ khỏi kiếp người !
“Hay nàng đợi tôi mà tôi không hay
hay xuân đợi tôi run cơn mưa gầy
tôi liều xuống nhà bước đến ngọn đèn
lạ chưa, không bóng người
chỉ cây đèn và tôi đối mặt!”
Từ sự hoang tưởng của nàng chuyển sang sự hoang tưởng vô thức của nhà thơ. Khi nhà thơ hiểu rằng nàng đợi chờ những điều không hiện hữu, những điều không thể đến và nhà thơ hy vọng nàng đang đợi mình. Như chính nàng nhà thơ cũng lạc vào một miền hy vọng và rồi đó chính là miền vô vọng. Nàng đã không còn, nàng đã tan loãng trong cơn mưa lây phây trong từng hạt mưa gầy run run chờ đợi. Nhà thơ đã hoàn toàn vô vọng khi phả đứng đối mặt với cái cột đèn đã trở nên mù lòa vô cảm.
“Hay chính bóng xưa đợi tôi trong mưa
hay chính tôi đã đợi tôi trong nàng
đợi một thế gian ánh sáng
rỗng chân cột đèn”
Nghi vấn chồng lên nghi vấn. Một rừng lời tự vấn ùa về. Qua đó ta đã hiểu được rằng tất cả những gì thuộc về sự chờ đợi vô vọng ở đây lại chính là nỗi đợi chờ của nhà thơ. Nỗi đợi chờ ở đây không của riêng ai mà là nỗi đợi chờ của cõi người vô tận. Những nỗi đợi chờ tương tác vào nhau lại không thể là một sự kết hợp để gụi gần mà chỉ để chia li chỉ để hao mòn rồi vô vọng. Những nỗi đợi chờ đã làm rỗng cả những cột đèn trong những con phố nhỏ của thi nhân. Những con phố của đợi chờ …cả một thế gian ánh sáng …