"Hạt sương và tia nắng" của Trần Chính

Nhà thơ nga E. Eptusenko có câu thơ nổi tiếng “Mỗi người là một vũ trụ riêng không lặp lại bao giờ”. Ông cha ta thì tổng kết “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Anh em cùng mẹ cha, cùng dòng máu mà tính khí đã khác nhau (đôi khi khác xa nhau), nói chi đến mỗi cá nhân riêng rẽ trong xã hội. Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu “vũ trụ”, bấy nhiêu tính cách. Và dĩ nhiên tình yêu, lĩnh vực tình cảm vốn dĩ đã riêng tư thì lại càng khác nhau. Không ai tổng kết được có bao nhiêu kiểu yêu, bao nhiêu cách yêu, bao nhiêu dạng yêu, bao nhiêu màu sắc, hương vị tình yêu. Không biết “Hạt sương và Tia nắng” của Trần Chính riêng đến mức nào, ở cung bậc nào. Vì vậy tên của tập thơ ít nhất cũng khơi gợi tò mò của bạn đọc.


Bìa tập thơ "Hạt sương và tia nắng"

 

 

"HẠT SƯƠNG VÀ TIA NẮNG" CỦA TRẦN CHÍNH

 

PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

Nhà thơ nga E. Eptusenko có câu thơ nổi tiếng “Mỗi người là một vũ trụ riêng không lặp lại bao giờ”. Ông cha ta thì tổng kết “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Anh em cùng mẹ cha, cùng dòng máu mà tính khí đã khác nhau (đôi khi khác xa nhau), nói chi đến mỗi cá nhân riêng rẽ trong xã hội. Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu “vũ trụ”, bấy nhiêu tính cách. Và dĩ nhiên tình yêu, lĩnh vực tình cảm vốn dĩ đã riêng tư thì lại càng khác nhau. Không ai tổng kết được có bao nhiêu kiểu yêu, bao nhiêu cách yêu, bao nhiêu dạng yêu, bao nhiêu màu sắc, hương vị tình yêu. Không biết “Hạt sương và Tia nắng” của Trần Chính riêng đến mức nào, ở cung bậc nào. Vì vậy tên của tập thơ ít nhất cũng khơi gợi tò mò của bạn đọc.

Thật ra, có một thời ở ta, thơ tình gần như là loại thơ không ai cấm, nhưng tự các nhà thơ thấy…không nên viết. Cả dân tộc đang gồng mình, chung sức đánh giặc, quyết hi sinh cả của cải, cả tính mạng cho độc lập tự do thì nói chuyện “yêu” chuyện riêng tư quả là…lạc lõng, nếu không muốn nói nặng hơn là xa xỉ, lạc hậu, là đáng phê phán. Cả tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1956 của Nhà Xuất bản Văn Nghệ, 1956 chỉ có nhõn một bài thơ tình ấy là bài “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi. Sở dĩ bài “Nhớ” lọt vào đây được là vì đấy không chỉ là tình yêu trai gái đơn thuần, mà là tình yêu đôi lứa lồng trong tình yêu đất nước: “Anh yêu em như anh yêu đất nước”, tình yêu gắn liền với cuộc chiến đấu “Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời”.

Sau khi đất nước được thống nhất và bước vào thời kì đổi mới thì thơ tình được “bung” ra mạnh mẽ. Thơ tình trên mặt báo, thơ tình in thành tập, thành tuyển tập. Thơ tình là một sản phẩm tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống.

Tập thơ tình “Hạt sương và Tia nắng” của Trần Chính xuất hiện trong dòng chảy thơ ca bắt đầu có sự cân bằng giữa chung và riêng, giữa hướng ngoại và hướng nội. Tình yêu ấy, không chỉ là tình yêu trai gái, mà rộng hơn, có thể thấy những dòng thơ về tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống:

Yêu tiếng ve ngân phượng hồng rực lửa

Yêu tiếng sáo diều vút tận trời xanh

Yêu cuộc sống hồn nhiên thanh bạch

Yêu mái ấm gia đình giản dị đơn sơ

(Tìm lại tuổi thanh xuân)

Đó còn là tình yêu quê hương của người xa quê luôn nhớ về, luôn khao khát tình quê:

Nghe gió lao xao gợi nhớ quê nhà

Nhớ đất Nghệ An, Quỳ Hợp quê ta

Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên trìu mến

Tên làng tên sông, tên bờ tên bến

Còn in sâu trong nỗi nhớ khát khao.

(Tìm lại tuổi thanh xuân)

Có mối tình đất nước thấp thoáng sau những câu thơ về miền sông rạch:

Qua miền sông nước đất miền Tây

Con gái Hậu Giang má hây hây

Áo bà ba lưng ong thắt đáy

Lướt con ghe như mũi tên bay.

(Chốn đồng quê)

“Có một tình yêu” là bài thơ tác giả tặng cho người vợ yêu dấu của mình và phần lớn trong tập thơ này đều viết về tình yêu đôi lứa. Bạn đọc có thể tìm thấy những khát vọng, những mộng mơ đẹp đẽ của người đang yêu:

Anh ơi em những ước ao

Làm sao trẻ lại hái sao trên trời.

(Tìm lại tuổi thanh xuân)

Có khi chỉ là một ước mơ giản dị theo tinh thần của người bình dân:

Một mái ấm bên cánh đồng lúa chín

Anh trồng dâu em ươm tơ dệt lụa

Tiếng trẻ thơ ca múa dưới trăng

Tình đắm say còn hạnh phúc nào bằng.

(Yêu anh mãi mãi)

Mạnh mẽ hơn là một tình yêu mãnh liệt của tuổi thanh xuân trong những vần thơ có khẩu khí hơi đại ngôn:

10 Đời người ta đẹp nhất tuổi đôi mươi

Yêu trong chờ đợi yêu trong sầu nhớ

Yêu cuồng điên yêu trong tuyệt vọng

Yêu si mê không cần biết ngày mai.

(Sao ta lại không yêu?)

Một tình yêu bền bỉ đến cố chấp:

Dâu bể đổi thay anh vẫn còn yêu em

Yêu em đến tan nát cõi lòng

Yêu em đến kiệt cùng hơi thở.

(Không thuộc về nhau)

Một quyết tâm không kém người xưa “tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”:

Dẫu rằng đáy biển tìm kim

Dò sông dò biển quyết tìm được em.

(Nói đi em)

Có thể nói rằng tác giả là một người đa tình, dễ yêu, dễ cảm. Một bạn thơ cùng chuyến du lịch Mũi Né, một cô gái miền Tây má hây hây ở Đảo Ngọc, một cô em trồng rau sạch, một cô “Gái thanh tân” miền sơn cước ngủ trưa (tựa như Thiếu nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương), một bạn thơ “trẻ mãi không già”, một thiếu nữ thả diều… Tất cả đều làm cho tác giả cảm động, thổn thức, say đắm, nhớ nhung… Ngoài tình yêu mang màu sắc cá nhân riêng, còn có một motip tình yêu trong thơ Trần Chính. Đó là chàng yêu nàng nhưng vì lí do nào đó, nàng rẽ ngang theo chồng về phương trời khác. Thế là chàng thổn thức, đau buồn, ôm sầu (rất chi là… mùi mẫn). Những câu thơ nghe như giọng điệu ca dao hay lời hát cải lương: Anh ở lại với mùa đông tàn tã/ Chôn tình yêu vào giữa tình yêu (Nỗi buồn không cắt nghĩa); Anh ngồi đây với mùa đông tàn tã/ Nhìn phía chân trời thầm gọi tên em (Thầm gọi tên em). Hoặc cũng là một cặp đôi, nhưng chàng lại bỏ ra đi (chẳng có lí do gì cụ thể), thế là nàng cô đơn, sầu muộn, khóc thầm: Người đi sương gió mịt mù/ Để em ở lại mù u khóc chàng (Người đi); Tình ơi sao lắm ê chề/ Ôm sầu vào dạ em về trong mưa (Ôm sầu); Người ơi xin hãy đừng quay lại/ Để lòng em được thấy bình yên/ Để trái tim dại khờ nức nở/ Để tình còn thoảng nhớ trong mơ (Xin đừng quay lại),...

Có thể thấy một số bài thơ còn nặng về kể lể, diễn giải. Một số từ ngữ cũ cũ như “nát tan”, “nức nở”, “âu sầu”, “não nề”, “cô phòng”, “lẻ bóng”, “đong đầy”. Nhưng tất cả những điều được và chưa được, hay và chưa hay đó là nét riêng, là vân tay nhận dạng thơ tình Trần Chính. Bạn đã có cảm tình, bạn đã tò mò, muốn tìm hiểu thì chắc cũng sẵn lòng để cảm thông.

Hà Nội, 6 tháng 11 năm 2017

V.Nh

Mọi tổ chức, cá nhân in ấn, xuất bản xin liên hệ

Điện thoại: 0912925874 – 0913841443

Email: doanhnghiepxanhdt@gmail.com