Nữ sĩ Xuân Hương – một tấm lòng, một tâm hồn thơ nhạy cảm

Tôi trở thành người may mắn khi lại có dịp được cùng đồng hành với thơ Xuân Hương, một thi sỹ có tâm hồn thơ nhạy cảm. Điều đáng nói là, gia đình, người thân của chị không có ai chuyên về thơ phú. Bố chị là một chiến binh vệ quốc. Những người khác chí thú làm ăn với bao bộn bề của việc mưu sinh. Cả chị cũng vậy, công việc mưu sinh cũng vất vả không kém. Nhưng sự rung động, sự nhạy cảm của một tâm hồn có sẵn tiềm năng đã thôi thúc chị đến với thơ như một điều không thể khác. Cùng với đó, tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng yêu thương cứ bùng lên, bùng lên, cháy bỏng trong tâm hồn chị đã làm cho thơ chị đầy chất nữ tính, đượm chất trữ tình và ngày càng mượt mà đằm thắm, mang theo bao điều muốn gửi gắm của sự thương yêu.


 

 

Thêm vào đó, cùng với tâm hồn nhạy cảm là sự làm việc cần mẫn, chăm chỉ của một con ong. Chị làm đẹp cho đời bằng những việc làm đậm tính nhân văn, như chính từ cuộc đời của chị đã mách bảo. Đó là làm cô giáo - một nghề cao quý; giỏi nghề thuốc – để cứu giúp mọi người khi ốm đau; làm từ thiện giúp đỡ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn; và… làm thơ – giúp cho tâm hồn ta thăng hoa và càng thêm trong sáng. Liệu có phải vì vậy mà thơ chị rất gần gũi? Vừa mang hơi thở của cuộc sống mà lại cũng rất đỗi tinh tế, hết mực thương yêu?.
Tập thơ Lục bát tháng giêng, một trong những tập thơ chị công phu chuẩn bị và cho ra mắt lần này là một minh chứng; trong đó sự thương yêu vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập thơ.
Tình yêu mà chị mang đến cho độc giả là tình yêu muôn thuở về quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình thuận hòa; tình cảm bạn bè tri kỷ. Đó cũng là nguồn cảm hứng, nguồn tiềm năng vô tận cho sự nghiệp đầy khổ ải nhưng cũng đầy thi vị trên con đường sáng tạo nghệ thuật – nghệ thuật của những con chữ. Tất cả cứ đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, bền lâu.
Là người con xa xứ, sống cách xa Tổ quốc, xa quê hương nhưng sự nhớ nhung vẫn luôn hiện hữu. Có một dòng sông quê, được chị nhắc tới không chỉ trong một bài mà có tới mấy bài.
Đó là:
Con về tắm mát dòng sông
Đắm mình tưởng ngọn gió đông thổi vào
Ôi hay vị mặn ngập trào
Đã bao năm tháng biết nào bao nhiêu
Người đi xuôi ngược nửa chiều
Thỏa lòng mới thấy bao điều yêu thương
Dẫu đời lặn lội gió sương
Nơi đây mới thật quê hương của mình

(Dòng Sông)
Cũng vẫn là dòng sông ở một trạng thái cảm xúc khác, khi nói về lịch sử hào hùng của một thời cha ông dựng nước và giữ nước, tác giả viết:

Một vùng sông nước Đằng Giang
Âm vang cửa biển, dội sang quân thù
Trời Nam khua động sương mù
Đại Vương Hưng Đạo ngàn thu vẫn còn
Bao nhiêu ngọn núi chon von
Bao nhiêu hồn khí cờ son vững vàng

(Bạch Đằng Giang)

Đôi dòng sông nước Đằng Giang
Xanh trong như tiếng sáo vang lòng trời
Người xưa ơi! Hỡi muôn đời!
Anh hùng dân tộc rạng ngời chiến công
Sóng xô cao ngất vừng Đông
Thẳm sâu bờ cõi mênh mông Bạch Đằng

(Hồn sông núi)

Ví như, sau cơn mưa trời lại sáng. Ở một bài khác, nữ sỹ Xuân Hương lại có cảm nhận về giá trị của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, vì ấm no hòa bình:

Một trời non nước xanh xanh
Bồng bềnh đảo nhỏ uốn quanh Bạch Đằng
Thanh bình chìm bóng xâm lăng
Ru hồn quân tử dưới trăng Bồ Đề
(Non nước Đằng Giang)

Đằng Giang dữ dội với quân thù, nhưng lại cũng rất thơ mộng trong tâm hồn thi sỹ:
Cảnh Đằng Giang phủ sương mờ
Chèo khua lấp lửng câu hò cố nhân
Đôi bờ sóng biếc còn xuân
Tri ân một bóng tần ngần với trăng
(Cảnh Đằng Giang)
Hoặc: 
Trên sông ai thả hạt vàng
Để cho lóng lánh mắt nàng sầu vương

(Sợi chỉ hồng)

Với sự quan sát tinh tế, tác giả còn cho ta thấy một nét đẹp văn hóa của những người dân giữa hai bờ sông nước, thông qua những điệu hò:

Đêm nay văng vẳng điệu hò
Của người đánh cá bên bờ sông Chanh

(Điệu hò trên sông)

Quê hương là những hình ảnh vốn rất thân thuộc với mỗi người, nhưng đối với chị đó còn là một bức tranh:

… Vụ chiêm nặng trĩu thóc vàng
Mùa màng tấp nập bên đàng nghé kêu
Ruộng đồng như bức tranh thêu
Ban mai nắng tỏa túp lều lứa đôi
(Bức tranh quê)

Màu nắng trong Lục bát tháng giêng được thi sĩ khắc họa khá thành công. 
Như: 
Tôi yêu màu nắng quê hương 
Vương trên áo mẹ sớm trưa cuộc đời
Vàng đong nên hạt thóc trời
Cho quê tôi nở nụ cười thương yêu

(Màu nắng quê hương)

Hoặc quê hương với những cảnh tấp nập ngày mùa:

Rộn ràng cùng chị cùng em
Nhịp nhàng mùa gặt lúa đem về làng
… Tháng mười hạnh phúc chứa chan
Bước chân cũng vội qua đàng tìm nhau
(Mùa gặt)

Là người dân Việt Nam, quê hương và đất nước là không tách rời. Điều đó đã được người đời khẳng định từ lâu “nước mất nhà tan”. Những đôi trai gái tha thiết yêu nhau, nhưng chấp nhận gác lại tình riêng sẵn sàng lên đường tòng quân làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

… Đôi mươi lồng ngực buốt đau
Trường Sơn lá đổ bước chân quân hành
… Khi nào đất nước yên bình
Quê hương chim hót bình minh chúng mình
(Lụa ơi)

Trong thơ của nữ sỹ Xuân Hương tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc… cũng là mạch nguồn cảm hứng cho những sáng tác thi ca của chị.

… Nhân tài kinh sử văn chương
Anh hùng dân tộc giây cương lộng trời
Giang sơn nước Việt đời đời
Cờ bay phấp phới vọng lời quốc ca

(Giang sơn)
Hoặc như:
Tự do, độc lập về ta
Mồng hai tháng chín cờ hoa tưng bừng
Niềm vui chiến thắng lẫy lừng
Việt Nam đất nước hòa bình dựng xây
(Ngày quốc khánh)

Cùng với đất nước là hình ảnh Người Cha già dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới, với lòng thương yêu kính trọng vô hạn:

Hồ Chí Minh sáng ngời ngời
Non sông đất nước đời đời vẻ vang
Lá cờ Tổ quốc hiên ngang
Mang hình bóng Bác muôn năm lời thề
(Ngày quốc khánh)

Về số lượng bài trong tập thơ này, có lẽ không ngoa, khi nói rằng, chủ đề về tình yêu lứa đôi mới thực sự là thế mạnh của thơ chị. Tình yêu trong thơ chị nở rộ như hoa mùa xuân. Ở tập thơ này cũng vậy. Diễn ra muôn hình muôn vẻ của cuộc sống quanh ta. Khi, thì mòn mỏi đợi chờ; khi, đó là tình yêu đơn phương; khi, thì chứa chan hy vọng; khi, phải sống trong chia ly cách trở; khi, dang dở; khi, nồng nhiệt dâng trào v. v..
Ví như khi nói về hạnh phúc:

Anh cho em một cuộc đời
Thơm như trái chín hương trời tinh khôi

Cơm canh chia ngọt sẻ bùi
Yêu thương chan chứa bồi hồi trong em
(Ngọt bùi) 
Hoặc như:
… Yếm đào thả lối anh vào
Bồng bềnh lên xuống dạt dào tình xuân
Ngọt ngào trắng nõn tấm thân
Đắm say trong mắt một vầng yêu thương
(Một đêm trăng)

Sẽ là thiếu sót khi không nói về thơ ngắn (chỉ có hai câu, gồm 14 bài), đó là những bài thơ được tinh gọn đến độ không thể gọn hơn. Nhưng, với thơ chỉ hai câu thôi, nếu đem phân tích kỹ càng bằng lời văn cũng tốn không ít giấy mực. 
Chẳng hạn:

Bút nghiêng thêu dệt cánh đồng
Trong khung cửa sổ mênh mông hạt vàng

Trong một trạng thái, mà ở đó người nghệ sỹ thì hướng tới vẻ đẹp của thiên nhiên, của thành quả lao động. Còn trong khung cửa sổ thì thành quả lao động đang ắp đầy - cái gốc cho mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Hai câu thơ đã khái quát rất tài tình về mối quan hệ gắn bó giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người; vừa gắn bó, vừa tác động qua lại với nhau không tách rời.
Điều thú vị ở đây là, ở mỗi bài thơ ngắn này, hoặc phản ánh một một cái gì đó mang tính triết lý, hoặc một nhận xét tinh tế, một sự khái quát được chắt ra từ trong cuộc sống như một điều hiển nhiên. Càng ngẫm càng thấy hay.

Bên cạnh bút pháp tả thực, tác giả cũng có những bài được coi là ảo như:

Ngọc ngà say một tấm thân
Gió lay hương thảo tần ngần bỏ quên
Có con bướm lượn sang bên
Ngỡ ngàng nên lỡ để thềm rêu phong
(Thềm rêu phong)

Hoặc như:
Cũng là một chút tình riêng
Mà như đó cả láng giềng của tôi
Hôm qua có mảng bèo trôi
Xé đau tím đỏ bờ đôi ráng chiều
(Chút tình riêng)

Về hình thức thể hiện, chị sử dụng hình thức thơ lục bát cho tập thơ. Rất nhiều câu thơ hay về nội dung và chuẩn về vần, về luật bằng trắc. Điều đó đã làm cho tập thơ uyển chuyển, mượt mà như bao tập thơ lục bát khác. Tuy nhiên do sự dồn nén nội dung, mà trong một vài bài cụ thể, hình thức lục bát tạm bị gác sang bên. Cũng dễ hiểu, bởi vì suy cho cùng, thì nội dung vẫn là cái quyết định.
Tin rằng, những người yêu thích thơ chị và các độc giả gần xa trong nước cũng như ngoài nước sẽ lại chờ đón và háo hức tìm đọc khi Lục bát tháng giêng ra mắt công chúng. Có thể không ít người sẽ tìm được những bông hoa vừa thơm vừa đẹp trong rừng hoa đó rồi đem cất đi như một thứ tài sản quý dành cho riêng mình?!