Ánh trăng của Xuân Hương
Ở tập thơ này, sự rung động con tim được tác giả phản ảnh ở rất nhiều khía cạnh. Đặc biệt là sự huyền ảo trong khá nhiều bài thơ. Tình cảm nam nữ, tình yêu lứa đôi, hạnh phúc vợ chồng là những tình cảm bạo liệt nhưng không sa vào dung tục. Như chị nói, đó là được cháy hết mình, được dâng hiến tất cả cho người mình yêu.
Bìa tập thơ ánh trăng
Ở tập thơ này, sự rung động con tim được tác giả phản ảnh ở rất nhiều khía cạnh. Đặc biệt là sự huyền ảo trong khá nhiều bài thơ. Tình cảm nam nữ, tình yêu lứa đôi, hạnh phúc vợ chồng là những tình cảm bạo liệt nhưng không sa vào dung tục. Như chị nói, đó là được cháy hết mình, được dâng hiến tất cả cho người mình yêu.
Âm hưởng chủ đạo của tập thơ này là tình yêu, nhưng tình cảm thiêng liêng về Tổ quốc, quê hương, cha mẹ, về người tri ân, tri kỷ, về thiên nhiên, về những miền đất linh thiêng giàu truyền thống và cả những triết lý của cuộc sống… cũng được chị khắc họa khá rõ nét và cũng được chị chuốt gọt một cách rất công phu.
Về cách thể hiện, chị không quá câu nệ về thể loại, điều này khiến cho thơ chị trở nên kiệm lời. Các bài thơ chị thường ngắn, nhưng lại giàu ý. Có tới 17 bài trong tập thơ, chị chỉ gói gọn trong có một đến hai câu.
Nếu khéo xâu chuỗi các bài thơ của Xuân Hương ở tập này lại, theo một trật tự nhất định, ta như thấy một dòng sông tình yêu đang cuộn chảy nồng nàn, thơ mộng, sục sôi. Trong đó có cái mơ hồ của buổi ban đầu; có sự khắc khoải chờ mong của những tháng ngày xa cách; có những giây phút êm đềm dịu ngọt, những mãnh liệt khát khao… khiến cho ở lứa tuổi yêu, ai cũng cảm thấy lâng lâng rạo rực.
+ Buổi đầu:
...
Dưới trời xanh xin là tri kỷ
Kiếp này ta hẹn đến kiếp sau
(Ân tình - tr70)
Hoặc như:
…
Ôi người ta ước hẹn
Cảnh trời nồng hơi men
(Giao cảm - tr132)
+ Sự khắc khoải chờ mong - một mảng không ít trong thơ chị, như:
Mùa thu tan tác lá vàng rơi
Buồn chan nước mắt giọt đàn bầu
Ai níu chân ai mà trắc trở
Víu hạt sương trời giữa đêm thâu
(Người tình mùa thu - tr 9)
Hoặc:
…
Em vẫn len qua gai góc dù xé nát bàn chân
Tìm anh dòng sông đã cạn mặt hồ đã vơi
Chim muông mỏi cánh
Em kiệt sức nhao qua bóng tối…
(Anh ở đâu? - tr13-14)
Hoặc như:
… Đèn khuya thiếp nhớ bóng lang quân
Gió hú qua song vọng từng hồi
Ôm đôi gối phượng đêm hiu quạnh
Thắt cả ruột gan vó ngựa dồn.
(Chàng ơi - tr84)
Hay là:
Mắt xô vách núi lệ tuôn trào
Giật mình tỉnh giấc thấy trăng sao
Chăn đơn gối chiếc đèn khuya lạnh
Cảnh vắng người đi bóng hư hao
(Đèn khuya)
+ Những phút giây êm đềm dịu ngọt:
Lời hôm qua còn đó
Tình hôm qua còn nồng
Bờ vai mền ngọn gió
Say đến ngày sang đông
(Tình)
Hoặc:
Một thoáng mây mưa ở Hà Thành
Gặp người quân tử lúc sang canh
Đợi cùng giây phút hoa nở nhụy
Tạ từ rạng sáng thiếp về giang.
(Tạ từ )
Hay như bài sau:
Hơi thở mùa xuân nồng nàn chan chứa
Ta tựa vào nhau khoảng trời còn lại
Đắm mình nụ hôn đỉnh cao đôi lứa
Tình yêu tràn đầy dịu ngọt sớm mai.
(Hơi thở mùa Xuân)
Hoặc như:
Môi ngọt môi nhau tự trái hồng
Cắn vào say đắm gửi gió Đông
Chiều xuân bồng bềnh trên đảo nhỏ
Soi bóng hai người dưới dòng sông
(Môi hồng)
+ Những cảm xúc mãnh liệt trong tình yêu:
Khép mắt môi hôn thành mật ngọt
Bầu trời thả gió thốc cơn say
Lung linh sao sáng soi mặt đất
Hai tấm thân trần siết vòng tay.
…
(Yêu)
Hoặc:
…
Nàng chưa tỉnh giấc nàng đằm thắm
Sợi hồng buông nút dưới ánh trăng
Đêm nay dâng hết tình ân ái
Sợ gió lùa ngang vội buông rèm.
(Nửa đêm)
Hoặc như:
Những phút bên nhau khát thèm da thịt
Ân ái tìm vào huyết mạch yêu thương
Cởi áo sau rèm nuột nà in vách
Hai tấm thân trần cuộn sóng Đại Dương.
(Phút yêu - tr26)
Thuộc dạng này còn có thể kể ra như: Hôn - tr46; Dệt mộng - tr66; Ước - tr73; Yêu tha thiết - tr74; Ân ái - tr101; Tơ hồng - tr120; Sóng tình -tr165…
Tác giả cũng đã khắc họa nên nhiều cảm xúc về sự khắc khoải, hoài vọng, những nốt trầm - khoảng lặng cháy lòng trong tình yêu, như:
Nói đi em anh vẫn nghe em nói
Và uống lời vàng ngọc của trái tim
Mà vô tận những khát khao đắm chìm
Chỉ có em điệp trùng anh mãi gọi
(Nói đi em)
Hoặc:
Sáng trông vách núi chiều trông mây
Đếm giọt sương trời người về đây
Đằng đẵng hai mươi xanh lồng ngực
Giờ mòn đôi gối lúc phong trần
(Người về đây)
Thuộc dạng này ta còn gặp các bài như: Người tình mùa thu - tr9; Giữa dòng đời - tr11; Anh ở đâu - tr13-14; Giọt nước nắt - tr15; Chàng ơi - tr84; Kẽo kẹt - tr86; Đèn khuya - tr88; Mưa - tr145…
Ngày nay, bên cạnh xu hướng tả thực, xu hướng ảo cũng đang được nhiều người hướng tới như một thứ trang sức hiện nay. Phải chăng đây cũng là cách để thoát ra khỏi sự mòn cũ trong cách thể hiện thơ (?). Ở chị, thuộc dạng này ta cũng có thể điểm thấy có những bài như:
Mênh mông trước mặt một dòng sông
Bờ vắng đêm khuya đứng ngóng chồng
Vòng tay siết chặt trong cơn lốc
Và tiếng ai reo gọi đằng đông.
(Cơn lốc - tr29)
Hoặc như:
Trôi nổi cuộc đời biết về đâu
Đổ nghiêng thành quách lúc qua cầu
Sém giận một lần trong mưa gió
Nhỏ lệ bên song lúc ban đầu
(Trôi nổi - tr 57)
Hay như bài:
Hương trong nhụy say bướm say ong
Say ân ái cho thỏa ước mong
Hương trong ta bức hình tuyệt tác
Đến ngàn năm mãi chẳng phai nhòa
(Hương - tr 62)
Ở một mảng thơ khác cũng gây được nhiều ấn tượng cho người đọc đó là mảng về đất nước, về thiên nhiên, về vùng miền; trong đó con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể, như đang đồng hành cùng ta theo năm tháng:
Đó là:
…
Ta dở sách sử giang sơn
Biển đảo Hoàng Sa ngàn đời cốt Việt
Chẳng gì thay đổi chớ kẻ nào xâm lăng
Dân tộc Việt Nam nước Việt Nam
Biển thẳm rừng sâu đời đời ghi dấu.
(Nước Việt giang san)
Hoặc:
Núi vọng hồn thiêng Bạch Đằng Giang
Ngàn năm còn đó dưới sương giăng
Có thuyền lướt nhẹ trong mờ khói
Tựa bút làm thơ lúc trăng ngà.
(Thi nhân)
Hoặc:
…
Đò đưa người du khách sang ngang
Chạnh lòng thương mến đất anh hùng
Tô nên sông núi thành màu thiếc
Bằng hữu anh em ở quê nhà…
(Lòng du khách)
Hoặc như:
Nước Tây Hồ xanh ngát
Cảnh với người yêu thương
Lời ta chưa nói cạn
Sao lòng càng vấn vương
(Tây Hồ)
Hoặc:
Hương đồng quê làm lòng người thánh thiện
Từ mảnh đất màu triết lọc tinh hoa
Hương thơm đến mà lòng người lưu luyến
Rót chén trà ngồi kể chuyện quê ta
…
(Hương đồng quê)
Cùng với mảng này ta có thể gặp ở những bài như: Nguyệt Xuân Hương - tr53+54; Trên sông - tr 126+127; Hoa đào - tr 1149; Na Hang - tr 47; Lòng khách - tr152 …
Tuy chiếm số lượng không nhiều, ta còn bắt gặp một số bài chị viết về sự trớ trêu, sự tiếc nuối:
Tháng qua tháng lại kể cũng vừa
Gói tròn một quý kể cũng thưa
Có thấu lòng này xuân phơi phới
Chi chàng hờ hững cảnh mây mưa.
(Xuân - tr63)
Hoặc:
Đêm mộng rèm thưa cả tứ tuần
Trăng tròn đổ bóng dưới làn xuân
Phập phồng ứa lệ nghe chan chứa
Hơi thở yêu thương đến tận sâu.
(Mộng - tr 64)
Hoặc như:
Chỉ còn đêm nay chút tình nồng
Người cùng ta đến trước dòng sông
Tha thiết bao nhiêu lời đã tỏ
Để lòng sâu đậm lúc rạng đông.
(Đêm xuân - tr 67)
Một lời nhắc khéo với ai đó:
…
Xuân độ đôi xuân đã gầy hao
Trách mình say đắm muôn lần chao
Tìm trong mộng ước lời lưu lạc
Nhỏ lệ cơn đau lúc dạt dào
(Má đào - tr49)
Hoặc như:
Vị ngọt tình yêu ở trên môi
Mênh mông trời đất để rã rời
Thân quấn lấy thân sau trận bão
Và làm hoang dã một cuộc đời.
(Vị Ngọt - tr 163)
Ở độ tuổi mà vần thơ đang chín, chị đã để lại trong ta những dấu ấn, những khoảnh khắc thời gian chất chứa nỗi niềm:
Ta đi một phần hai thế kỷ
Quá nửa đời người ước còn xuân
Bút nghiên nhả ngọc thành lộc biếc
Cởi áo phong trần níu bước chân
…
(Mộng ước - tr113)
Hoặc:
…
Nước mắt rơi thấm vào vách đá
Lay lòng trời con tuổi sáu mươi
…
Đường xa thăm thẳm tìm về cội
Quê nhà khuất bóng cả tri âm.
(Sáu mươi - tr 98)
Một điều thú vị nữa là bên cạnh bức tranh thắm màu của tình yêu, Xuân Hương còn cho chúng ta thưởng thức những vấn đề mang tính triết lý sâu xa như:…
Phù sa đọng ngấn rêu phong
Non cao tạc mẹ dặm trường tạc cha
Biển rộng vóc anh hùng non cao ngời ý chí
Cây già có tuổi vận mệnh gặp thời.
…
(Danh ngôn - tr 95)
Hoặc :
Ta cứ đi sức còn dang rộng
Trai phong trần ngẩng mặt rạng đông
Qua cơn giông biết mình đã trải
Một mai già ngơ ngẩn đứng trông.
(Phong trần - tr104)
Hoặc như:
…
Uy quyền thống lĩnh lòng thanh bạc
Đức độ trí tâm động non cao
Mai sau con cháu cùng dõi bước
Nhân tài đi giữa ngàn ánh sao.
(Quyền lực - tr125)
Một số bài thuộc dạng hiếm gặp, không chỉ ở thơ chị mà ở các tác giả khác cũng gần như vậy khi nói về sự khinh miệt, kẻ bội tình khiến cho ta động lòng trắc ẩn. Tuy chỉ như sao buổi sáng nhưng lại ám ảnh ghê gớm lòng người.
Đó là:
Người quên mộng cũ bên Hương Cảng
Thỏa lòng hoa bướm ở Nam Kỳ
….
Nước hồ trong suốt ta rửa sạch
Bụi bặm thế nhân kẻ không tròng.
(Mộng - tr 97)
Hoặc như:
Gối chăn đã quyện mùi da thịt
Vòng tay đã quấn mấy làn thu
Mắt môi đã uống vào tận cốt
Chi bằng thôi ví mộng phù du.
(Phấn đời - tr94)
Hay như:
Đi trong mưa gió mắt ta màu lửa
Ta thương em ta giận kẻ ngang tàng
Phủ bụi trần lên viên ngọc long lanh
Kẻ thấp hèn không xứng đấng anh hùng.
…
(Khúc đoạn trường - tr 111)
Ánh trăng của Xuân Hương cho ta một cảm nhận rằng, mỗi bài thơ của chị là một nét vẽ nghệ thuật giàu tính sáng tạo, mang đậm hơi thở của đời thường, dung dị, nữ tính nhưng lại cũng rất tinh tế. Cùng với tình yêu lứa đôi, thơ chị còn phản ánh chân thực tình người, tình cảm cha mẹ, quê hương đất nước; đôi khi còn là sự chia sẻ với những số phận kém may mắn v.v. qua đó như tạo ra những nét tô điểm đáng yêu cho tập thơ, vì thế nó rất đáng để cho chúng ta đón đọc và chiêm nghiệm. Tôi cũng chợt nhận ra rằng, càng ngày tôi càng thích thơ chị và tin rằng những vần thơ có cánh của chị ngày càng bay xa./.