Sống vội
(Tặng Chị em nhân ngày 20/10)
“Reng, reng, reng” tiếng chuông điện thoại đáng ghét cứ dồn dập vào tai, đành phải mở mắt. Trời vẫn còn tối, một bên chồng đang cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng ngù khì khì, một bên cún bé đang thở đều, hai cánh mũi phập phồng theo nhịp xinh xinh. Đôi mắt nhắm nghiền, hai hàng mi bé cong vút đáng yêu. Đôi má đỏ ửng mọng một màu mới yêu làm sao! Hai bàn tay nắm hờ thỉnh thoảng lại giựt giựt một ngón như muốn nắm như muốn cầm. Bờ môi trái tim xinh xắn, mềm cong kích thích như chỉ muốn cắn, lại thêm mùi sữa nồng thật kích thích. Nhìn yêu quá nhưng mà phải dậy thôi.
Những cơn gió se lạnh cuối thu như muốn níu giữ từng bước chân người. Sao lại ngại dậy thế không biết, ngại phải bắt đầu một ngày mới, ngại phải làm những công việc như rô bốt, chả còn mấy thời gian phải nhanh thôi. Súc miệng, đánh răng, rửa mặt vèo một cái, thay vội cái áo, lao ra ngoài chợ xép. Những người bán hàng bên những sạp nhỏ dường như cũng đang co ro, lời chào mời không còn tươi như trước. Nhanh chọn một vài nguyên liệu mà cũng chả hiểu tại sao mình lại chọn một chút sạch sạch, một chút tươi tươi, nấu được vài ba món cho mấy cái miệng sành ăn mà chả sành làm. Gần mười năm làm vợ, nấu chả biết bao lần mà hình như chả được nhận một lời khen, lời động viên bé tý. Lao vội về nhà, bắc nồi nước nấu món miến thịt băm. Cất vội những đồ thừa vào tủ lạnh để nấu bữa tối. Bắc loa gọi ới ời mấy câu mà chả ma nào dậy, bực mình trèo lên lay bên phải lay bên trái, mấy sếp dậy nhanh cho em còn đi làm, muộn rồi. Sếp lớn uể oải trở dậy nhưng sếp bé lại là cả một vấn đề, các chiêu các trò nói ngang nói dọc mãi mới chịu dậy. Vệ sinh tưởng dễ mà tốn một mớ thời gian. Cả nhà vội ăn sáng, sếp lớn ăn miến, sếp bé uống sữa, ăn thêm tí miến. Ăn chả kịp nhai hết bát miến, chạy vội lên thay đồ, trang điểm, soạn đồ. Đèo nhanh đứa nhỏ ra trường, mấy cô giáo đón bé với vẻ mặt tươi cười nhưng không biết trong lòng cười hay khóc vì lần nào mình cũng gửi con sớm hơn tất cả mọi người. Cũng chả dám nghĩ, thôi thì thấy các cô vẫn cười, vẫn yêu, vẫn nịnh nọt, chiều chuộng tình yêu bé bỏng thì cũng có chút yên tâm rồi. Chiếc xe máy lao vun vút trên con đường nhỏ, hòa mình vào con đường lớn, trời ơi toàn người là người, toàn xe là xe, người đi trước nhích từng centimet, người đi sau chỉ chực chờ có khe nhỏ hở ra là lao lên. Tiếng còi xe inh ỏi, bực dọc chan chát áp vào tai, những tiếng động cơ gầm rú thỉnh thoảng lại rít lên những âm thanh tê tái làm hầu hết những người xung quanh phải giật mình quay lại ném kèm những ánh mắt chả còn mấy thiện cảm nào. Ô tô chèn ô tô, ô tô chèn xe máy, xe máy chèn lên vỉa hè, chèn lên tất cả những gì còn có thể đi được. Mọi người đều chăm chăm hướng về phía trước, chả ai nhường ai. Chắc trong đầu chỉ còn một suy nghĩ về công việc, về nỗi sợ muộn làm, lỡ việc được giao… Cuối cùng, với tốc độ rùa bò cùng với tài đánh võng, lạng lách, cướp đường, chả bao giờ nhường cũng đến được cơ quan sau 40 phút với tổng quãng đường đo vội cũng chỉ khoảng 3km.
Ngồi vào bàn làm việc thật nhanh cũng chỉ liếc vội được chị em người đến trước, người đến sau đều vội vã chả kịp nói, chả kịp cười, trên gương mặt vẫn còn những nỗi thảng thốt, ưu tư, lo toan, những trĩu nặng của áp lực gia đình, công việc. Vèo một cái đã hết giờ sáng, nhìn trộm chồng cơm hộp xem thử hôm nay có món gì và chợt nhận ra bụng đang sôi ùng ục, cồn cào, họng khô vì thiếu nước, mắt mỏi vì nhìn lâu, tay thì có lẽ bị liệt rung rồi. Lấy vội hộp cơm nhai ngấu nghiến, uống một cốc nước thật to là vừa thấy no bụng. Chợp mắt một tý đã hết buổi trưa. Việc vào, việc ra một tý đã gần hết giờ. Chị em nhốn nháo bàn tán với những chủ đề muôn thuở: nào chồng, nào con, nào món gì ngon, nào đồ gì đẹp, nào việc nào dễ, việc nào khó, những nỗi phân vân mà đôi khi chỉ là thốt ra trong vô thức hoặc là trong những thói quen thường trực.
Về với các tình yêu thôi. Chào vội chị em, lao ra nhà xe, kiếm chiếc xe còm trong biển xe mênh mông đến nản. Phóng vội đến trường vừa kịp giờ tan lớp, cô giáo vẫn cười, bé vẫn tươi làm mình quên đi hết đám bụi đường còn đang vương trên áo chui vào kẽ mắt, bỏ lại luôn những tiếng còi xe, những kiểu giao tiếp hằn học, những ánh nhìn trách móc, giận dữ của cả đống người tan làm vội vã. Ôi bé yêu của mẹ, hôn một cái, hai cái, ba cái…Ôi đáng yêu quá! Chả có gì đáng yêu hơn. Đèo vội bé về nhà trong niềm vui râm ran. Chả kịp thay đồ, tẩy trang mà vẫn phải quay chong chóng, mệt nhoài vì những yêu cầu liên tục phát ra từ cái miệng nhỏ xinh xinh: mẹ ơi sữa, mẹ ơi bánh, mẹ ơi con khát, mẹ ơi con đói, mẹ ơi nấu gì cho con ăn, con muốn ăn món này, con muốn ăn món kia…Những yêu cầu hồn nhiên cũng chả kịp để ý nhiều vì còn tắm, vì còn chọn đồ. Lau được cái nhà cũng không yên thân vì cứ được một lúc lại bị réo, bị gọi: mẹ ơi, mẹ làm gì thế? Mẹ ơi, mẹ chơi với con. Thay đồ, tắm vội, giặt một đống đồ bẩn cũng chiếm kha khá thời gian. Mệt mỏi rã rời, ngẩng mặt lên thì trời đã tối, vừa lúc sếp lớn đã về, về với vợ với con mà còn nguyên bộ mặt đáng ghét đầy những nỗi ưu tư của công việc, gạt nó ra, bỏ nó xuống, cười tươi với hai tình yêu đây này. Nhìn sếp lớn, nhìn sếp bé ăn ngon lành mà sao chả cảm thấy tý đói nào cũng ăn, cũng nuốt mà sao không nhớ nổi dư vị nó làm sao. Bát bẩn, đũa dính cơm, mâm dính toàn mỡ, rửa mãi mới sạch. Cả nhà ngồi xem ti vi. Sếp lớn thì bật thời sự, phim kinh dị, hành động, đấm bốc, sếp bé thì cứ mè nheo: bà ơi bà, công chúa Elsa, Vương quốc thú…chả ai nhường ai…Đến mệt. Chả nhẽ lại mua mấy cái ti vi cho mỗi người một cái. Tranh thủ định nghỉ ngơi một tý cũng chả yên thân. Trốn vội lên phòng riêng làm việc, mới làm được một lúc, tình yêu bé lại lao vào mè nheo, lại phá sản kế hoạch làm việc. Thôi thì cho tình yêu đi chơi vậy. Hai mẹ con dắt nhau đi dưới những tán cây, ngọn đèn. Nhìn những bước chân con nhỏ nhắn, liêu xiêu - những bước đi bỡ ngỡ, vội vàng với tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên chả chút nghĩ suy làm cho mình cảm thấy thảnh thơi, thư thái làm sao. Một niềm hạnh phúc nho nhỏ của người mẹ có được từ những trải nghiệm đơn giản có lẽ sẽ là động lực thật lớn để chống chọi với những sóng gió của cuộc đời và xua tan đi những phiền muộn trong cuộc sống, trong công việc, trước những soi mói của xã hội đầy bon chen và ganh ghét.
Đến giờ ngủ rồi, tình yêu lớn thì vẫn đang say sưa lướt facebook, xem ti vi chả một lời hỏi han, động viên. Cũng chả thể hiểu được vì sao. Tình yêu bé lại đến lúc phải uống sữa, đánh răng, thay đồ. Mình cũng vậy. Thay được bộ đồ ngủ xong, cảm thấy thoải mái làm sao. Dỗ bé ngủ, tâm sự với bé vài câu là đầu đã ong ong rồi. Lúc còn bé thì mong bé lớn nhanh, lúc lớn thì có lẽ lại mong về thời còn bé ti, lúc như bây giờ đây không lo không nghĩ, hồn nhiên vô tư, dửng dưng trước mọi sự đời, đáng yêu biết nhường nào. Bé đi vào giấc ngủ, đôi khi nhanh lắm, nhanh đến mức chỉ sau một vài câu nói là đã ngủ khì khì, lay còn không dậy. Thế là hết một ngày, giật mình nhìn lại, mình đã làm gì, mình đã được gì, qua bao thời gian vẫn xoay trong cái vòng tròn quẩn quanh như thế thôi. Chả có mấy lúc tự chơi, tự nghĩ đến những thú vui của cuộc đời. Lạ thật, gia đình đã làm cho con người ta thay đổi, đảo lộn tất cả nhịp sống, nhịp yêu, nhịp thở mà người ta chả bao giờ có thể tự nhận ra. Nhưng sau tất cả, cái giá phải trả là vậy để có được một hạnh phúc nhỏ nhoi-nơi đó người ta thường hay gọi là “Gia đình”.
Người ta hay nói chăm lo cho gia đình, xây dựng hạnh phúc, nuôi dậy con cái là thiên chức của người phụ nữ. Nhưng nào phải vậy, đó chỉ là sự hy sinh vì những hạnh phúc giản đơn, vì những tình yêu bé bỏng hay vì những niềm vui nhỏ nhặt mà chúng ta chả có thể kiếm tìm ở một nơi nào khác trên trái đất này. Đó chỉ có thể là gia đình-nơi mà những người phụ nữ luôn sống vội với chính mình nhưng sống chậm, tận tâm vì con, vì chồng.
Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2018
TS. Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam