Vị đắng bờ môi và sự nồng nàn của người đàn bà cũ trong thơ của Sinh Ngọc

Sinh Ngọc tên đầy đủ là Trần Sinh Ngọc, sinh năm 1977, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Chị viết thơ từ khi còn đi học. Trước đó Sinh Ngọc chỉ viết cho riêng mình những khi rảnh rỗi. Rồi chị gửi bài tham gia một số sân chơi văn chương. Tháng 6 này, Sinh Ngọc giới thiệu đến bạn đọc tập thơ đầu tay “Mùa về ngang phố”, nhận được khá nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng mạng.

TPM net trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Huyền về tập thơ của Sinh Ngọc.

Tác giả trẻ Sinh Ngọc

… thơ là hơi thở cuộc sống, thơ như tấm gương phản chiếu đời trần, đời trần có đau nhức có khóc than, hay hân hoan, hồ hởi thì thơ cũng đau đáu gỉ máu hay nhộn nhịp tươi vui “reo réo, rắt reo” theo trong ngôn ngữ. Ở tập thơ “ Mùa về ngang phố” của tác giả Trần Sinh Ngọc (Sinh Ngọc), sách Nxb. Hội Nhà văn ấn hành năm 2017, tôi thấy VỊ ĐẮNG BỜ MÔI VÀ NỒNG NÀN TÌNH CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CŨ. Có phải chăng đời trần cũng buồn vương như vậy, hay đơn giản: “Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”.

… “ Mùa về ngang phố” mang triết lý nhân sinh quan có vị muối mặn và cái tình rất đau của cuộc sống thường nhật. Vết thương nào rồi cũng bong chỉ, kín miệng và lành, chỉ có vết thương nơi tim, nơi khởi thủy của cái tình thì mãi mãi đau và “ngứa” khi “dở gió” bởi vết sẹo đó không một viện thẩm mĩ nào có thể xóa mờ hay “hô biến” vĩnh viễn… Người ta nói “ đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai” – đây là một sự so sánh, ví von sát thực và phũ phàng: giữa một bên tiếp nhận, xét duyệt là lí trí với một bên là cảm giác, linh cảm, cảm tính: giữa đôi mắt mở to thao láo, nhìn tường tận mọi chi tiết, góc cạnh, độ dày mỏng, sắc màu, nhìn thấu nhan sắc, khí sắc và tâm hồn trước nhãn quan thì “bên kia” nhìn bằng lăng kính của trí tưởng tượng, mơ hồ, cái tôi tự huyễn hoặc, tự khuyếch đại, tự tô son chát phấn cho sản phẩm hiện thân hình dung của mình, cái nhìn tưởng tượng đó bị thôi miên nên khâu kiểm duyệt rất hời hợt, kiểm định thì “liêu trai” hoang đường với một viễn cảnh đong, đếm, “vẽ vời” khi “khát nghe” những ngôn từ tựa mật ngọt rót tai mà đâu biết đó là “mật lậu, mật không đánh thuế”… để rồi “ngôn ngữ mật lậu” đó được chứng thực, được đi qua, được “vác” hai nắng một sương ở cõi tình đời, ở cuộc sống không phải là thiên đường, rồi: không hề “ngã ngửa” khi biết chắc “mật lậu” đó đã bị “lên váng, ủng”, cái tình đó bị “chết yểu” vì không đặng, gánh được những lo toan, toan tính, những lúc bù đầu, tối mặt với thực trạng “cơm, áo, gạo, tiền” của cuộc sống thường nhật, cũng có thể: cuộc sống không hẳn là hà khắc ở thế chủ quan vật chất,  nhưng vì một lí do nào đó khi cái tôi chủ thể bị tác động, bị lung lay, bị xao nhãng  và không làm chủ được bản thân, không thể giữ lời hứa khi xưa, mà có giữ thì “chất, vị” sẵn lòng, toàn tâm đã bị giảm chất, biến chất hay nói quá là “mất chất”, “mất hồn, rỗng tâm” từ lâu, chỉ còn “cái xác”, cái khung hình nhàn nhạt đơn điệu như “ manocanh vận mẫu”…Tĩnh tâm, nhìn thẳng vào tác phẩm “Mùa về ngang phố” của tác giả Sinh Ngọc có những “lát cắt sắc nét” về độ tương phản của cái tình, mà cụ thể là cái tình giữa người đàn ông với người đàn bà, giữa người chồng với người vợ và ngược lại rất buồn và đau:

Khi yêu nhau anh cũng đã hứa thật nhiều
Mãi mãi yêu em bằng trái tim nguyên vẹn
Thế nhưng cuộc đời chẳng thể nào nói trước
Anh có tiền rồi anh đánh mất lời hứa khi xưa
...
Anh cứ dối cứ lừa cứ phụ bạc
Cứ mang tình mình đi ban phát nhân gian
Để niềm tin trong em như chiếc lá ứa tàn rách nát
Vá víu thế nào cũng không thể vẹn nguyên. ( trong: Em sẽ không níu tay anh )
Hay trong bài: “Chẳng phôi pha” tác giả viết
Rồi một chiều hoa gạo đỏ mặt sông
Cánh hoa tím cũng úa tàn và rơi rụng
Anh có biết trái tim em nức nở
Trọn đời này ai hứa… chẳng phôi phai?

… không hề mâu thuẫn hay thiên vị hoặc phiến diện khi nói: Người phụ tình hay tình phụ người ở vế nào cũng đau, nhưng cái đau hơn cả là “tình và người đều phụ người”. “Mùa về ngang phố” tổng chọn, tinh lọc ( 55 ) bài thơ là (55) bông hoa trong vườn tình ngát hương mà tác giả có duyên trồng, chăm sóc và thành quả được ngắt hái, rồi tác giả tự chiêm ngưỡng kín đáo trong việc “khai sinh, trưng bày” người con tinh thần của mình, nhưng tác giả “không ngờ” rằng “người con tinh thần” ấy lại đẹp, hợp, và ý nghĩa trước bao đôi mắt của “bàn dân thiên hạ”, của độc giả, của những người yêu thơ, viết thơ đến vậy, bởi tập thơ “Mùa về ngang phố” không đơn hẳn chỉ là tác phẩm khai sinh độc đoán cho mình tác giả. Tác phẩm có ý nghĩa mô phạm, vĩ mô hơn hẳn bởi mang sứ mệnh vượt tầm của một tác phẩm tự sự, cá nhân do hàm lượng dụng ý và ngôn ngữ tình trong những bài thơ rất tình… mặc dù cái tình trong tác phẩm nhiều lúc bị phụ bạc, hắt hủi và cá thể người được đẩy đưa ám chỉ nói đến trong tác phẩm cũng phụ người, phụ tình được dâng tặng…

“Nhưng sao em chỉ nhận được về phần mình
Những trái đắng trên bờ môi run rẩy.
Anh đã từng cho em nhiều hạnh phúc
Cho em nụ cười ở những buổi sớm mai
Nhưng sao anh lại gieo thêm vào lòng em
Cả những nỗi khổ đau, tủi hờn, bão tố.
Giá như anh biết gỡ chiếc gai nhọn sắc
Khi tặng em đóa hồng nhung thắm đỏ
Thì trái tim em đâu có bị gỉ máu tổn thương
Và tình mình cũng sẽ không đớn đau nhức nhối”

(trong: Nuối tiếc làm chi khi chiếc lá đã lìa cành)
Hay trong bài: “Có một mùa hoa cải” tác giả viết
Anh như ngọn gió chiều
Xô đời em nghiêng ngả
Xô tình em vấp ngã
Con tim em nghẹn lời

… Ở người đàn ông, người chồng thì: người vợ, người phụ nữ đã lấy chồng chẳng khác nào là một món cơm trong bữa ăn thường nhật của người Việt Nam, dù có nhào nặn thay đổi, chuyển thể, thêm bớt các gia vị, các thành phần phụ để chuyển hóa từ: cơm nấu thành cơm chiên, thành cơm rang thập cẩm, ninh nhừ thành cháo, cháo hành, cháo thịt… đi chăng nữa cũng “tiền thân” từ hạt cơm trắng trong thuần túy, đâu phải là bufet mà người đàn ông ham chơi, lãng quên, lãng trân trọng, phụ bạc ham muốn… 
Xác bên em nhưng hồn anh bên người khác
Anh cứ ham đuổi bướm với hái hoa
Anh về nhà khi đêm buông, gối mỏi
Hỏi như thế hạnh phúc có ở đâu.

(trong: Em sẽ không níu tay anh )

… Việc yêu một người chồng vô tâm chẳng khác nào đem muối đổ biển hay gió vào nhà trống, bởi có đổ muối bao nhiêu chăng nữa, độ mặn của biển vẫn vậy, hàng “trăm, tấn gió” thả vào “nhà trống, thủng” tứ phương thì gió cũng bay đi đâu đứng, quẩn lại được... Xét cho cùng thì “Không có người đàn ông vô tâm  mà cái TÂM của người đàn ông không để ở nơi bạn mà thôi”, để khi nhìn thấu đáo, nhìn thẳng vào sự thật: việc phải sống, ăn, nằm, môi kề môi má kề má với một người không coi vợ con là ngôi nhà ấm áp nhất, là chốn dừng chân cuối cùng nhất, thương yêu nhất, “nâng trứng, hứng hoa” nhất thì chẳng khác nào sống với một robot biết nói, biết “ ăn, nạp năng lượng” nhưng không cảm xúc, không tâm hồn, chai lì xúc cảm yêu, và được yêu ... ngày qua ngày thấy cuộc sống tù túng, ngạt thở, người thân đó mà lạ lẫm, xa lạ... “cách nhau chỉ một gang tay, chỉ một nàn hơi thở thôi sao như xa vời vợi, cách hàng ngàn cây số, tỉ tỉ năm ánh sáng”... Người vợ loanh quanh ngập đầu với bao việc nơi công sở, tối ngày với con cái, tất bật với việc nội trợ, đối nội, đối ngoại, nhiều khi không còn thời gian để nhìn lại bản thân qua “tấm gương thật mặt”, không có thời gian để chăm sóc, để chải chuốt, để làm đẹp, làm mới cho chính bản thân, nhưng “ĐỜI” mà và bản ngã của đàn ông muôn đời thường vậy, luôn biết hưởng thụ và đòi hỏi hưởng thụ thêm mà không biết vun xới, chăm sóc cho cây hoa tích sức, tái sinh lực cho vụ sau... cái buồn và đau trong tập thơ “ Mùa về ngang phố” của tác giả Sinh Ngọc là vậy.

Khi nước mắt đàn bà không còn rơi nữa
Là khi nước mắt họ đã lăn dài nhiều ngày trước đó
Và khi họ cô đơn trong chính ngôi nhà họ đã đắp xây
Vì người đàn ông vô tâm
.

(trong: Khi nước mắt đàn bà không còn rơi ).

… Tôi rất thích hoa sen, loài hoa mà người Việt Nam tôn vinh là một trong những loài hoa ý nghĩa và đẹp nhất “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” ... giữa cuộc sống hiện đại, của ánh sáng văn minh đương đại thì cuộc sống cũng tân tiến ngang tầm, nhưng những hệ lụy và một số mặt tiêu cực của đời sống không phải là không có: Sống gấp, sống ảo, nhốn nháo, xô bồ, thật và giả nhiều lúc cách nhau rất mong manh... Thơ trong “Mùa về ngang phố” không bị nhuốm màu “ yểm hóa”, không bị cuốn theo cái guồng quay chóng mặt bát nháo đó mà cuộc sống, con người trong thời kì đương đại được tác giả chuyển hóa thành thơ bằng lời thơ rất đỗi bình dị, nhẹ nhàng mang hơi hướng của sự “hối khứ”, “trân khứ” cộng với vẻ đẹp “nghệ thuật mộc ngôn ngữ” rất tự nhiên, tác giả đã nhanh ý và tinh ý khi biết tránh xa cái dòng thơ “na ná” của số đông cây bút trẻ hiện tại như đang bị “mốt sính chữ” nhiều khi nói quá bị “ngộ chữ”... nên nhiều tác phẩm thơ của họ giống như những sản phẩm của những “chú gà công nghiệp” cứ “sòn sòn” những quả trứng đều đều, giống nhau đến ngỡ ngàng... Yêu thơ Sinh Ngọc nhưng không hề thiên vị, không lệch khách quan và quan điểm duy luận khi trân trọng mà nói: “Tác phẩm thơ “ Mùa về ngang phố” ĐẸP như người đàn bà cũ, có tâm hồn nhẹ nhàng, tinh tế, sắc son, sâu sắc, sự ngọt ngào, thơm thảo của người đàn bà giống như hương thơm nồng nàn của loài hoa Sen kia, đẹp kín đáo, thầm kín, vẻ đẹp của “chữ duyên thầm” khi nhú chồi phôi nụ, tăng tiến, tịnh tiến, triển khai, phát rộ đến khi vẻ đẹp “phát tiết” khai lộ quyến rũ, bung nở ngát hương rồi đến khi “luống thì” vẻ đẹp đó vẫn làm người đối diện xuyến xao, nao lòng mà luôn trân quý… hơn nữa quan niệm, “màn bạc, dung hình, nhất chỉ, tôn chỉ” bị khắc mòn vào tư duy sống, tâm hồn sống của người phụ nữ, của người đàn bà nói chung và người vợ ẩn hiện trong ngôn ngữ sống của tác phẩm “Mùa về ngang phố” nói riêng, tư tưởng “Phu tử tòng tử” của người Việt Nam đã “nhập xuất, nhập xuất” một cách “chai lì” ăn mòn vào xương tủy, bám riết vào tâm hồn con người, tư tưởng này tác giả Mùa về qua phố cũng như bị “yểm bùa, thôi miên” trong mạch ngôn ngữ thơ, thế mới nói “nồng nàn tình của người đàn bà cũ” như khúc vũ say trong bối cảnh những “giọt đau” rơi ngấm vào nhân vật chính người phụ nữ trong tác phẩm và rưng rức truyền sang sự cảm thông đau đáu tới độc giả bằng tấm lòng nao nao, xót xa

Em chẳng cần có socola hay hoa hồng đỏ thắm
Chỉ cần được bên anh những tháng ngày êm ấm
Chỉ cần được bên anh thủ thỉ chuyện vui buồn
Để ngày nào mình cũng là tình nhân anh nhé

((trong: Ngày tình nhân )

… người đàn bà trong “ Mùa về ngang phố” rất đáng yêu, đáng thương và nhiều khi cũng đáng giận:
Trái tim đàn bà cũng rất đỗi can trường
Sau những chông chênh của dại khờ nông nổi
Sau những dối gian của người đàn ông phụ bạc
Trái tim đàn bà lại tự chữa lành vết tim đau
.

(trong bài: Trái tim đàn bà)

… cái đáng giận không phải vì không yêu, giận vì: đáng yêu vậy, mong manh vậy, chung thủy, nết na vậy đáng nhẽ cuộc sống và sự lựa chọn phải “chuẩn”, phải chọn đúng người để gửi gắm cái tình chứ nhưng rồi lại thương, thương bởi … đổ tại cho duyên số, cái số phận hẩm hiu đã làm cho người đàn bà trong thơ Sinh Ngọc khổ và buồn!

… hạnh phúc của người đàn bà đơn giản mà thân thương, ngọt ngào. Vật chất, và những giá trị ngang tiền đôi khi không mang lại hạnh phúc cho người phụ nữ, cái giá trị sâu sắc bảo vệ che chở họ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng để họ luôn thấy sự bình an, an nhiên.Ở nơi đó: có nụ cười, có tin yêu và những giọt nước mắt ấm áp vui…
Hạnh phúc nào có phải kiếm tìm ở đâu xa
Ngay trong nhà chúng ta thôi anh nhỉ
Mỗi sớm bình minh khi vừa tỉnh giấc
Cả nhà mình cứ ríu rít gọi tên nhau

(trong: Hạnh phúc ở đâu )

… “Mùa về Ngang phố” ăm ắp cái tình: Tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng và thiêng liêng hơn cả khi những bài thơ được viết cho con gái ( Cử nhân tí hon ), viết cho con trai ( Tốt nghiệp tiểu học ), viết cho những người thân yêu trong bài Mừng sinh nhật bố hay Gửi mẹ yêu… những bài thơ được chắt chiu, thăng hoa từ tấm lòng thơm thảo của một người phụ nữ nhẹ nhàng tinh tế, luôn kính yêu, tôn kính bậc sinh thành trong “ Tình nghĩa phu thê” – viết tặng ba mẹ đó mà như nỗi lòng và sự ngưỡng vọng cho cuộc sống đời trần luôn đẹp… viết cho những người con với cái tình bao la, bát ngát và niềm tin tươi sáng ở thế hệ trẻ mai sau…

… đặt nhan đề cho một tuyển tập thơ không hề đơn giản: bởi chân ý, dụ ý, mã thông điệp thẩm mỹ, hay mô hình nghệ thuật, hay cái cốt tủy của toàn tập… liệu nhan đề đó có bao hàm và nói hết hộ ý tác giả ngầm muốn biểu đạt. “ Mùa về ngang phố” một nhan đề tập thơ làm Tôi rất tò mò và bị ám ảnh, nó như một giấc mơ, một giấc mơ thực thực hư hư, một giấc mơ có giọt nước mắt thổn thức trên bờ môi mặn chát để bao nỗi niềm mong kín, thương yêu, hờn trách sẽ được bức phá hay “đền bù”, đền đáp, hối lỗi, hoan hỉ ở thế giới thực…
Mùa mong manh về ngang phố mưa bay
Nhớ những kỷ niệm xưa sắt se ngày tháng cũ
Nhớ nụ hôn, nhớ lời ai thủ thỉ
“ Mình yêu nhau, yêu mãi mãi chẳng rời”
?

( trong bài thơ cùng tên với nhan đề tập thơ: Mùa về ngang phố )

… Tôi khẳng định: Những người yêu thơ, viết thơ dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều có sự nhạy cảm và là người “đi vay” thành công nhất, sự vay mượn ở đây Tôi muốn nói đó là sự vay mượn cái tình nhân thế, khi họ dùng con mắt để nhìn mình, nhìn đời, dùng trí tưởng tượng và tâm tình của mình để viết, dàn trải ra sách bằng những ngôn từ vắt từ kiến thức chiết luận của chính mình… “Mùa về ngang phố” tác giả Sinh Ngọc viết về mình, cho mình hay viết hộ cảnh đời, tình đời ở cuộc sống khách quan đi chăng nữa thì sự thành công rộ hoa của tác phẩm là hoàn toàn có thật bởi một lẽ đơn giản “thơ là đời, đời là thơ” nó như hơi thở cuộc sống thường nhật vậy mà bất cứ độc giả nào có duyên đọc đều thấy dáng dấp một phần hoặc rất nhiều điểm có mình trong đó… đây là sự thành công, rất có ý nghĩa đối với người cầm bút.

Thơ Sinh Ngọc và tập thơ “ Mùa về ngang phố” phần lớn đều viết theo thể thơ tự do nên mạch thơ ngắt, ngừng giống như sự thổn thức của tâm hồn đang yêu, đã yêu và cũng như ngọn suối đổ từ nguồn qua thác ghềnh, đèo dốc, có lúc bình lặng như chưa từng gợn sóng chảy thác, có lúc hồn nhiên róc rách như vốn lẽ đời là vậy, phải vậy rồi có lúc xúm xít, vun ca như chim lạc tìm được về tổ… tuy vậy, trong tập thơ cũng có đôi chút sự kìm lòng vận hóa bị “đánh tháo” nên ngôn ngữ thơ chưa được chải chuốt, bóng bẩy, nó đang vấp phải sự trần trụi hóa ngôn ngữ … Tôi tin điều này sẽ được tiết chế ở những đứa con tinh thần sau của tác giả.

… với tập thơ “ Mùa về ngang phố” của tác giả Sinh Ngọc, Tôi không bàn sâu, thẩm định riêng về tấm áo nghệ thuật cú pháp và sự nhiệm màu tầng lớp các “phép thuật ngôn ngữ” bởi Tôi biết rõ giữa cái hư thực của kết cấu ngôn từ để tạo nên tác phẩm hay và ý nghĩa thì khi tác phẩm đã chạm tới tâm hồn người đọc, đọng lại trong tâm tưởng người nghe và thấy thì tác phẩm đó đã đạt ở những ngưỡng nghệ thuật nhất định rồi và “Mùa về ngang phố” đã nghiễm nhiên, tất yếu hưởng tọa trên giá trị nghệ thuật đi sâu vào lòng người đọc…

… Mùa qua mùa nối tiếp nhau như vòng quay của chiếc đồng hồ vô tình… điểm mốc của mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông trong tuần hoàn một năm luôn “nắm tay” nhau chặt chẽ và chẳng bao giờ bật ra khỏi quỹ đạo bất biến đó … nhưng Tôi thấy ngoài bốn mùa mà ai cũng biết đó thì có thêm một mùa nữa – chính mùa này làm cho sắc thái của bốn mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông” đã biết rực rỡ hơn, đáng yêu hơn, con người mong sống trường thọ hơn, yêu đời hơn – mùa đó có tên gọi “ Mùa yêu” trong tập thơ “ Mùa về ngang phố” của tác giả Sinh Ngọc 
Mùa đang về giọt nhớ vương rơi
Vương trên tóc, vương bờ mi nhoèn ướt
Những yếu mềm trong em xin anh đừng vội biết
Em giấu kín tim mình, anh có biết mùa yêu?

(trong bài thơ cùng tên với nhan đề tập thơ: Mùa về ngang phố)

… phải, chỉ có tình yêu mới khai sinh và làm sống tình yêu, chỉ có tình yêu trên mắt và trong tim hôi hổi, ấm áp mới truyền được sức mạnh cho đôi tay, đôi chân vững vàng… mùa đã qua và “mùa về ngang phố” phủ trên tường nhà hàng cây cánh áo mỏng thu tới, xuân sang để hoa nở, chim ca ríu rít… và mùa tình yêu cũng về, sẽ ngời sáng tươi rói, hân hoan, cánh buồm tình yêu căng mọng những giọt tình phấn khích, tươi mới để ánh sáng và sức mạnh của tình yêu sẽ làm nhạt đi vị đắng bờ môi, để cái tình nồng nàn hương sắc của người đàn bà cũ sẽ tươi mới, tái xuân, đẹp và hạnh phúc, ấm nồng trở lại… Tôi hi vọng và tin là vậy!

Bài của Nguyễn Thanh Huyền.