“Dựng nhà” – Bài thơ hay của Nguyễn Thúy Quỳnh qua lời bình của Nguyễn Xuân Dương

Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh sinh ngày 9 tháng 10 năm 1968, quê quán Nghĩa Hưng, Nam Định. Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc. Hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ Thái Nguyên.Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Giá mà em từ chối (Tập thơ-Nxb.Văn hóa dân tộc, 2002).

- Mưa mùa đông (Tập thơ-Nxb.Hội Nhà văn, 2004).

- Những tích tắc quanh tôi (NXB Hội Nhà văn, 2011).

-Hai nửa phù sinh (Tập thơ-Nxb.Hội Nhà văn, 2017)

Giải thưởng:

- Giải B Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, tập thơ Mưa mùa đông, năm 2004.

- Giải C tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, cuộc thi thơ 2003-2004.

DỰNG NHÀ

Nguyễn Thuý Quỳnh

Trông trời trông đất trông người trông ta
Dựng một cái nhà mở ra năm cửa
Cửa quay hướng núi
bốn mùa tốt tươi
theo đời trôi dài cùng mây khói
có lúc về bên núi ta ngồi

Cửa trông ra biển
rười rượi gió lành
lỡ có ngày ta lấm láp
biển gột dùm cho tới trong xanh

Cửa mở sang láng giềng
ta mang hết thiện chân ra đổi
mong nhận về đôi kẻ tri âm
khi tối đèn tắt lửa

Cửa vọng ông bà
nơi ta bước vào cúi đầu,bước ra dài rộng
gập ghềnh đường xa,quanh co lối hẹp
những chân nhang dọi theo
nhắc lối thơm về

Cửa trổ lên trời
mai ngày
không nợ nần chi nữa
thuận đường mà rong chơi.

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

DỰNG NHÀ là bài thơ chở đầy khát vọng-Khát vọng vươn tới sự toàn thiện, toàn mỹ về nhân cách bản ngã của một con người-nhà thơ.Tôi vẫn nghĩ khát vọng của những nhà thơ đích thực thường đại diện cho khát vọng của nhân loại. Tất cả chúng ta đều có cùng khát vọng như họ nhưng chúng ta không có năng lực để thể hiện khát vọng của mình bằng thứ ngôn ngữ có sức mạnh truyền cảm lan toả và thẩm thấu như các nhà thơ.
DỰNG NHÀ ở đây là dựng cách sống cho đời mình chứ không đơn thuần là căn nhà để che nắng che mưa. Hai câu mở đầu đã cho ta biết sự cẩn trọng của nhà thơ khi xây dựng ngôi nhà của mình phải hội tụ đủ đầy yếu tố về thiên thời địa lợi và nhân hoà. Điều khác lạ đó là ngôi nhà của Nguyễn Thuý Quỳnh lại có năm cửa-Một điều ta chưa gặp bao giờ:

“Cửa quay hướng núi”

Đó là cái cửa đầu tiên một cái cửa trái nghịch với phong thuỷ vì nó được “Quay hướng núi” một hướng luôn gây áp lực cho mưu sinh và danh vọng. Nhưng Nhà thơ không nghĩ thế mà để có thể dễ dàng thuận tiện”Có lúc về bên núi ta ngồi” Vâng NTQ chỉ về bên núi để được tĩnh lặng mà suy ngẫm về nhân thế về cuộc đời chứ không phải đi ở ẩn trốn người trốn đời dù cõi người còn lắm đen bạc.
Cửa thứ hai:

“Cửa trông ra biển”

Ở đây lại dùng chữ “Trông” Vâng vì biển mênh mông dài rộng. Nhà thơ đã lo toan đã dự định cho mình một sự gột rửa vì chẳng ai có thể đoan chắc được tương lai của mình. Dù NTQ luôn có khát vọng vươn tới sự toàn thiện, toàn mỹ về nhân cách vẫn cứ sợ:

“lỡ có ngày ta lấm láp
biển gột dùm cho tới trong xanh”.

Vẫn là bản chất luôn hướng thiện để phục hồi nhân phẩm. Cổ nhân đã dạy:”Trăm dơ lấy nước làm sạch. Nước dơ lấy gươm làm sạch” NTQ mong muốn được tẩy rửa bằng nước biển mặn chát cho đến sạch trong tâm hồn. Ta vẫn chưa thể đoan chắc biển có thể gột sạch cái vết nhơ trong tâm hồn con người. Nhưng nhà thơ cứ khát vọng như thế.
Cửa thứ ba:

“Cửa mở sang láng giềng”.

Dù đã có lúc như trong bài IM LẶNG Nguyễn Thuý Quỳnh đã viết:

“Bây giờ
bầy người điên nhảy múa trong ngôi nhà của tôi
giật bốn bề tung toé
dẫm lên cái tên mẹ cha cho tôi
và cười nhạo
Tôi một mình đứng ngoài bờ dậu
mới biết là mình câm”

Ta phải hiểu ngôi nhà đây là ngôi nhà cuộc sống. Dẫu vậy khi dựng lại ngôi nhà cuộc sống NTQ không thể không có láng giềng. Nhà thơ không thể và không bao giờ sống cô độc giữa cõi nhân gian buồn này. Mở sang láng giềng để:

“ta mang hết thiện chân ra đổi”

. Mặc dù cụ Bùi Kỷ đã viết: “Cõi đời được một tri âm đã nhiều”. Còn NTQ thì khát vọng nhiều hơn thế:

mong nhận về đôi kẻ tri âm /khi tối đèn tắt lửa”

Cửa thứ tư:

“Cửa vọng về ông bà” .

Con người sinh ra phải có tổ tông ông bà cha mẹ-Những bậc sinh thành. Cha mẹ không những cho ta hinh hài mà còn dạy dỗ ta về nhân cách. Vì thế ta sống phải luôn biết hướng về ông bà tổ tiên vì ở đó:

nơi ta bước vào cúi đầu, bước ra dài rộng”

Cửa thứ năm:

“Cửa trổ lên trời”

Giờ thì nhà thơ lại dùng chữ “trổ”. Từ trổ ấy cho ta hiểu cửa thứ năm này là để giải thoát hay là một lối thoát. Một sự giải thoát an lành ngoạn mục khi:

“mai ngày
không nợ nần chi nữa
thuận đường mà rong chơi”

Nói vậy thôi những con người như nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh thì không bao giờ hết nợ nần với cõi người này vì nó mãi mãi là dâu bể đa đoan, trái ngang nghiệt ngã. Bao nhiêu thân phận bao nhiêu kiếp người bị đoã đầy lầm than. Biết bao cái chết tức tưởi đang cần sự sẽ chia của nhà thơ. Chỉ một con mèo con chết trên đường rồi bị con người dày xéo nhà thơ đã viết nên những dòng thơ đẫm đầy nước mắt. Vâng Nhà thơ không thể “không nợ nần chi nữa” tất nhiên cõi người là cõi tạm, với khát vọng mình đã làm được điều gì đó có ích cho cuộc đời này dù muốn hay không thì rồi cũng đến ngày “thuận đường mà rong chơi”.
Cửa trổ lên trời tưởng thừa nhưng vẫn không với những người như nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh luôn có khát vọng mạnh mẽ vươn tới sự toàn thiện toàn mỹ về nhân cách về bản ngã./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Dương