Người giữ lửa cho tình yêu còn mãi

Ngọn lửa trong Thần thoại  nói về sự đủ đầy của thức ăn trong bữa cơm.  “Ngọn lửa” đời thường bước đầu đơn giản phản chiếu lên người “khơi, giữ lửa” và người ngồi cạnh lửa sẽ ấm áp, khuôn mặt cơ thể sẽ hồng hào, rạng ngời hơn. Đó là “lửa” của củi đốt than hoa, của rơm rạ bếp ga. Còn “lửa” cháy cho tình yêu đẹp mãi, để nơi yêu thương luôn đượm hương vị “rượu tình nhân”, “sánh” trong màu vang đỏ cuốn hút, ngất ngây trong nhịp điệu ân ái, bồng phiêu … chỉ có thể là cái tình thơm hương. Cái tình hôi hổi là ngọn lửa “cầm không chết”, “ăn sẽ hạnh phúc” và cho đi sẽ nhận về yêu thương… Đọc “Nơi yêu thương còn mãi” của tác giả Lê Kim Phượng  để trân trọng tin yêu, hoán dụ để thấy “ngọn lửa đáng yêu trên là có thật” và “người giữ lửa cho nơi yêu thương còn mãi là có thật hơn cả”.

Người đời bảo “chơi với lửa có ngày chết cháy, trong tình yêu đâu biết trước chữ ngờ”. Và “chêm”, bổ sung thêm “không có lửa thì trời đất là địa ngục và tình yêu đâu là thiên đường”. Hóa ra tình yêu là thứ “mô phạm” không theo một trật tự, thứ tự, logic hay kiến trúc thượng tầng nào, mà “người đẹp trong mắt ai” và mũi tên tẩm độc dược tình ái bắt trúng tim ai thì người đó sẽ “say”, xin “chết” đối phương… để “chuyện tình” được đơm hoa, kết trái, rộng dài hay hãn hữu trên hoan lộ tình ái.

“Ánh mắt nhìn thiêu cháy cả trần gian..

Lời yêu em phiêu lãng giữa mây ngàn

Thủ thỉ rót vào tai anh từng câu hát…

Cho tình yêu vang động cả đất trời..” ( trong bài Dạ khúc yêu )

Tình yêu trong “Nơi yêu thương còn mãi” như ngọn gió lành hừng đông mang theo vị ngọt mát của sương sớm, của “cái nôi đêm” nồng say ấm êm, cái tình đằm thắm rực hồng… và như mưa xuân mùa mới, cho trỗi bật những lần tái sinh, hồi sinh phồn thực nhất, được bung nở khai hoa nhất, rạo rực nhất và “công khai” nhất  chỉ vì “cho yêu thương vang động cả đất trời”.

Yêu đắm say nhưng không cho mình “đắm chìm”. Ở đời sống “hạnh phúc là đấu tranh”, hãy cười và khóc đi cho những “tranh đấu” dù nụ cười hay giọt nước mắt đó buồn vui đến mức nào. “Đôi khi cười chưa hẳn đã vui và khóc chưa hẳn đau tột cùng. Sẽ có lúc, câm lặng tồn tại mới gọi là đau. Đau đến nỗi, chạm nơi nào cũng thấy nhói, thấy gỉ máu, bưng mủ”… và hối lỗi, đắm say, hồ nghi, rằn vặt, đầy đọa là những cung bậc của tình yêu. Những cung bậc này như những nấc thang “lên thiên đường, hoặc xuống địa ngục” trong giới hạn tình, nó phù thuộc vào người “khởi xướng”, “người tháo nút, cởi nút” trong yêu. Tập thơ “Nơi yêu thương còn mãi” bị khế ước vào cung bậc tình này nhưng ở mức khát khao, mong mỏi cho “yêu thương” song hành với “thương yêu” được thẫm đẫm trong ngôn từ bài thơ “Đừng hỏi tuổi xuân em về đâu”

Để nhã mãn thực tế đời trần ái ố, những dục cảm trần tục khát thèm và bản ngã muốn hạnh phúc của người đời được tác giả khéo léo hơn một nghệ nhân trong việc tạo hình, dựng hình, phân bối cảnh và những lát cắt ngang, thẳng xoáy sâu, khắc họa tâm lý nhân vật. Nghệ thuật tương phản và khúc xạ cảm xúc, nghệ thuật “thợ cả” “ủ men, dậy mùi” được vận hóa thành công từ kỹ xảo điện ảnh để nhân vật trữ tình được thỏa sức “cởi trần” cảm xúc, cái tôi được tận cùng “trẻ hóa” thể hiện trong bài “Em yêu đơn phương” hay trong “Canh bài tình ái” tác giả viết:

“Em thua trắng tay chẳng tính thiệt hơn

Trong trò chơi anh là người thắng cuộc”

Nhà tâm lý học, triết gia Erich Fromm từng đưa luận điểm “Thế gian này, mọi thứ sẽ già nua, duy chỉ có tình yêu là trẻ mãi. Thế giới này, bao điều xảo trá, duy chỉ có tình yêu vẫn mãi sáng trong. Chỉ cần có tình yêu, sẽ như cá quẫy đuôi dưới nước, chim tung cánh trên trời, đêm cũng như ngày. Nhưng mất đi tình yêu, chẳng khác nào đàn đứt dây, đèn không dầu, hạ rét như đông”. Đấy là luận điểm “đã có tình yêu” còn lúc hình thành, xây dựng mối tương quan, kết dính của tình yêu thì sao?! Nhân vật trữ tình trong tập thơ “Nơi yêu thương còn mãi” của tác giả Lê Kim Phượng đã có những lập luận, nhãn quan mang màu sắc cái “tôi” rất riêng, ấn tượng, bất ngờ, táo bạo và dữ dội.

“Anh đừng quá chừng mực trong tình yêu

…Đã yêu nhau thì cứ cháy hết mình đi

…Đã yêu thì yêu tựa dòng sông

…Đã yêu thì phải yêu như điên

…Đã yêu nhau thì yêu như trong mơ” (trong bài Hãy yêu như chưa yêu lần nào)

Nhà thơ Xuân Diệu viết “Yêu là chết trong lòng một ít” hay đơn giản “Yêu là một động từ mà ở đó có cảm xúc và hành động yêu”. “Yêu phải cháy hết mình, phải tựa dòng sông, phải như trong mơ và phải yêu như điên”. Đọc đến câu “Đã yêu thì phải yêu như điên”  Tôi giật mình, băn khoăn và bất giác “cười tủm”. Nụ cười của Tôi rất “vĩ hòa”, “khoan hồng” và mang “màu sắc bênh vực”... bởi: Trong tình yêu giới hạn đúng, sai dường như chỉ là một màng chắn mỏng lọt nước và ánh sáng xuyên thấu, nên mọi lý lẽ biện hộ đều phản tác dụng và ngôn từ “có cánh” vô giá trong tình yêu đều không bao giờ đứng trên bàn cân “ngã giá” khi cá nhân yêu “khế ước” vào vùng cảm thấu. Từ “điên” trong biểu hiện “điên” là một tình trạng về bệnh lí, về tâm thần khi đã mất năng lực kiềm chế hành vi, thường có những hành động quá kích, mất kiểm soát. Vậy “yêu như điên” thì yêu như nào?! Đây là lỗi văn bản của tác giả hay là chủ định có ý đồ, “mưu mô, cao kiến” chi?!... có lẽ cách biện minh đúng đắn nhất rằng: đã yêu là phải quên hết, gạt hết những “vướng, phiền” chỉ còn ngợp trong mắt là men nồng “nguyên chất yêu” thì khi đó “yêu mới đích thực là yêu” chẳng?!...Và nữa, yêu đã khó, duy trì, giữ tình yêu luôn mới mẻ, đẹp cuốn hút, hấp dẫn nhau lại càng khó... Nhân vật trữ tình trong “Nơi yêu thương còn mãi” đã làm gì, đã giữ “lửa tình” ra sao cho ngọn lửa luôn rực, cho “nơi yêu thương còn mãi” được thể hiện qua bài “Khát vọng”, “Đi qua tờ lịch cũ”

“Nơi yêu thương còn mãi” với những vần thơ rất thật của nỗi lòng, của tình người trong nhìn nhận “sống ở đời phải biết mình là ai và trong tình yêu phải biết mình yêu ai, thương ai và vì ai” cái thật này như “dòng sông có khúc”, “ngọn đuốc tình cháy bập bùng” và con người có những thời điểm tự kiểm soát, nhìn nhận và đánh giá lại... nhìn nhận và đánh giá để như cây trồng được xới vun, ngọn lửa được gạt tàn và bổ sung nguyên liệu đốt, lòng tin yêu được bồi đắp thêm yêu tin. Như thế mọi mối quan hệ, đặc biệt trong tình yêu nam nữ mới lâu bền, viên mãn. Bởi đơn giản lắm, “chân lí” của tình yêu giống như một hành trình trên những lộ trình biết sẵn: “ Muốn đi nhanh phải đi một mình, nhưng muốn đi xa thì chúng ta phải cùng nhau đi”… Tình yêu không phức tạp nhưng cũng không hề đơn giản, đại khái qua loa vì “Yêu là một nghệ thuật, người đang yêu là một nghệ sĩ”…

“Yêu mỗi phút giây khi được sống trên đời…

Mở yêu thương rộng lượng với muôn người

Sống như thế mới là người hạnh phúc...” (trong bài  “Người hạnh phúc)

Đạo Phật có ý niệm “hạt giống hạnh phúc và hạt giống khổ đau”  Trong thơ của tác giả Lê Kim Phượng nói về quy luật sinh tồn khẳng định và tự khẳng định, sự an hưởng niêm yết của quy luật “nếu, thì” được thẳng thắn bộc bạch trong bài: “Hãy sống đời của mình” và “Đàn bà đi qua tuổi 30”

… Khuyết danh có câu “Với thế giới, bạn chỉ là một hạt cát nhỏ, nhưng với một người nào đó, bạn là cả thế giới của họ”. Nhà Lý luận Nga Christopher Hoare nói “Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn biết mạnh dạn cho đi, chứ không phải nắm giữ thật chặt”. Còn nhà thơ nước Áo Rainer Maria Rilke khẳng định “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương, họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”.  Nhân vật trữ tình trong “Nơi yêu thương còn mãi” không chỉ nghĩ, vun đắp hạnh phúc tình yêu cho riêng mình mà luôn nhắn nhủ, khuyên răn, dụ ý nhân đạo của ý niệm hãy vì người, hãy mở lòng đón nhận và cho đi “Mở yêu thương rộng lượng với muôn người” (trong bài Vườn yêu), cộng với những bài thơ, câu thơ trong “Vô thường”, “An nhiên giữa đời”, “Nơi bình yên”, “Hãy yêu cuộc sống” đã một phần phản chiếu mảng sáng của hệ “nhân quả” trong đạo Phật.

Người hạnh phúc là người biết “thực nghiêm” đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu sâu sắc về họ, để hiểu họ cần và mong muốn điều gì từ ta, từ ngoại cảnh, rồi từ đó “bớt, bù, thêm, san” sao cho vừa vặn nhất, sao cho “yêu” nhất. Nhạc sĩ nổi tiếng rịnh Công Sơn đã từng nhắn nhủ “Hãy đau đớn đi. Biết đau nỗi đau của người khác và của chính mình là dấu hiệu của lòng nhân ái”. Ở đây, ở tập thơ “Nơi yêu thương còn mãi” nhân vật trữ tình đã làm được điều đó trên cương vị của “người giữ và khơi lửa” không để lửa thiêu cháy mình, người mình yêu, người yêu mình và người cạnh bên mà để  lửa đốt luôn ấm hồng, để lửa tình yêu, lửa tin yêu luôn tràn trề sức sống, để yêu thương dồi dào, đầy đặn, ấm đủ  và “Nơi yêu thương còn mãi”  là có thật như tiêu đề tập thơ mà tác giả biểu đạt, gửi gắm, mong muốn!

Với lời thơ chân thành, khẩn khoản và đong đầy yêu thương. Những bài thơ gieo vào lòng độc giả liên hoàn những đợt sóng dâng trào cảm xúc, xúc động.

Mẹ ơi!

Con sợ lúc nào đó khi về nơi bậc cửa

Bóng mẹ nhoà xen lá khóc mùa thu

Con sợ tim mình trăm ngàn vết nhói đau

Khi thế gian không tìm đâu thấy mẹ

Con sợ chiếc lá rơi chiều đơn lẻ

Sợ mùa đi trong tiếng gió hanh hao... ( trong Con sợ thế gian không còn mẹ )

Tập thơ có những bài thơ hay, giàu cảm xúc, chứa chan nỗi niềm và có những câu thơ thấm đẫm màu thi sĩ  “Ném yêu thương lên chín bậc thang trời…/ Qua Năm tháng trôi bạc phếch câu thề” (Trong bài Hẹn hò). Hay “Anh đừng nhặt nỗi buồn trên tóc em…/ Những đợi chờ ứa lệ một vầng trăng” (trong bài: Xin anh đừng trở lại). Và đây nữa “Vắng anh rồi em lấy nửa cơn đau/ Dệt vào con tim yêu thương rực lửa/ Nửa còn lại đợi anh về gõ cửa/ Cho hai khung trời không phải kiếm tìm nhau” (trong bài: Thành phố không màu)…

Tập thơ sử dụng chủ đạo thể thơ tự do, chính thể thơ này là thế mạnh của bộc bạch, diễn đạt ý đồ, chủ định của người viết thơ.

Cũng nói thêm, Tôi có duyên gặp chủ nhân của tập thơ “Nơi yêu thương còn mãi”, chị sâu sắc và tình cảm, đằm thắm và thông minh, chỉnh chu, thấu đáo. Chị gửi gắm lòng nhân ái, thương người, yêu người vào nhiều chương trình thiện nguyện tới những hoàn cảnh kém may mắn. Cố nhân thường bảo “Thơ người, người thơ”  là đúng?!  Và thơ chị như  bài hát dệt từ những nốt nhạc đời thường của riêng chị hay là phép “nhào nặn, biến hóa” của người phu chữ trước nhãn mãn để dựng xây lên nhân vật trữ tình trong thơ. Ở đó, có những tần sóng cảm của luyến tiếc, nhớ nhung, của  mất mát hối lỗi, của giận hờn trách cứ, của nồng say cuồng dại… nhưng tất cả đều chân thành, tha thiết và rất đáng trân trọng!

Tập thơ “Nơi yêu thương còn mãi” toát nên vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được tác giả “thổi hồn”  vào là người “giữ lửa cho Nơi yêu thương còn mãi. Không có cái gì là tồn tại vĩnh viễn nhưng với tập thơ in riêng thứ hai này của tác giả  Lê Kim Phương, tôi tin “Nơi yêu thương còn mãi” được “bủa vây” bằng cái tình “vuông tròn” chân thành là có thật và mãi mãi tồn tại  những thương yêu là thật hơn cả…Tôi chúc mừng thành công của tác phẩm, tác giả và mong ngóng những tác phẩm kế tiếp.

Nguyễn Thanh Huyền

Chiều đông Hà Nội, tháng 11 năm 2018