Bay trong cảm xúc riêng ta
Nhà thơ trẻ Nguyễn Thanh Huyền làm thơ như một tay ngang. Đã cho xuất bản tập thơ “Vườn xuân”, có rất nhiều thơ in chung và trên báo, tạp chí nhưng công việc chính của chị lại gắn bó với nghề Kế toán. Điều đó không lạ, không quá khác biệt khi có hàng trăm người làm thơ ở mọi lứa tuổi cũng đến với thơ như vậy. Nhưng niềm đam mê thơ của Nguyễn Thanh Huyền có lẽ duyên nợ hơn, sâu sắc hơn bởi không chỉ sáng tác, nhà thơ này còn dành thời gian phẩm bình thơ, văn của rất nhiều tác giả.
Tôi được đọc bản thảo mới nhất của chị “Thơ và vũ điệu bình”. Một cái tên nghe là lạ. Tại sao là “Vũ điệu bình” mà không phải “lời bình” hay suy cảm, đồng điệu… gì đó với các bài thơ hay? Bỏ qua thắc mắc ấy tôi đọc và hiểu ra Nguyễn Thanh Huyền đã cố gắng làm mới hơn cách đọc và phẩm bình tác phẩm dường như đã quen quen lâu nay.
Các tác phẩm được phẩm bình trong tập sách là những bài thơ mà chị thích và đồng cảm. Tất nhiên rồi. Cách tiếp cận tác phẩm, dẫn dụ, bình phẩm… thể hiện rất rõ ý định của tác giả: Đây không phải đơn thuần là một nghiên cứu chuyên sâu mang tính lý luận – phê bình; cũng không tiếp cận tác phẩm như dạng “Đọc sách” thường thấy mà là một sự kết hợp cảm quan của lý luận bình và cảm nhận, ẩn thân, hòa nhập vào tác phẩm bỏ mặc cho cảm xúc bay lượn tự do trong cái không gian nghệ thuật tạo ra. Một kiểu vận đông, phá cách, nhập thân vào tác phẩm của riêng mình. Bởi thế nó không theo một quy luật hay thói quen nào cả. Tôi có cảm giác Nguyễn Thanh Huyền đầm mình vào với tác phẩm để cất giọng hát ca theo bản năng, theo sự hứng khởi mê đắm và cả giải tỏa, ẩn ức của tâm trạng. Âm hưởng chủ đạo là tôn vinh, ngợi ca cái đẹp, cái chiều sâu suy cảm, cái xúc động dễ lây, dễ lay động tâm trạng người cùng cảnh mà tác phẩm đem lại. Đọc xong “Thơ và vũ điệu bình” tôi cảm nhận tác giả này đang viết một bài thơ về các bài thơ dạt dào tâm trạng vậy.
Điểm nổi trội của Nguyễn Thanh Huyền ở chỗ tác giả có một cảm quan tinh tế khi tiếp cận tác phẩm. Am hiểu thơ còn là một thế mạnh khác. Phải có nó tác giả mới nhìn ra được nội dung trữ tình, ý nghĩa nhân bản và cả sự mới lạ phù hợp với cảm quan của thời đại mình sống mà không lạc ra ngoài khuôn khổ của sự cảm nhận cái đẹp của thi ca luôn được neo giữ bởi quy luật nhân bản và tính thiện mĩ mà thi ca đem lại.Tác giả cũng thể hiện sự cố gắng làm mới cách “bình”, cách tiếp cận tác phẩm trong một ngôn từ sáng giá, một cấu trúc tươi tắn tạo hiệu ứng ngạc nhiên. Ở đây không thể không nhắc tới là yếu tố đồng cảm mãnh liệt trong lòng mình. Nguyễn Thanh Huyền như gặp “tri âm tri kỷ”, chính vì thế chăng mà chị “Cùng khóc, cùng cười”, cùng bay cùng múa trong cái “vũ điệu” cảm xúc ấy. Cái tên tập sách “THƠ VÀ VŨ ĐIỆU BÌNH” là thế chăng?!
Tác gải bài viết: Nhà văn Nguyễn Trọng Tân