Nhà thơ Băng Việt viết về thơ của Vạn Lộc

NỖI ĐAU ĐỜI CHÍN CÙNG SẮC TÍM THƠ

Nhà thơ Bằng Việt

(Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam)

Có những cảm nhận thơ dễ đọc và có những cảm nhận thơ không dễ đem phô bày ra trước mọi người. Tôi nghĩ thơ của tác giả Vạn Lộc, nhất là các sáng tác những năm gần đây, đặc biệt là ở tập Chín chín nhịp, có hướng thiên về dạng thứ hai, lặng lẽ rơi vào đó và ổn định nằm lại đó, như một định mệnh vô ngã của Thiền. Mà đâu chỉ muốn phô ra trước mọi người, ngay cả trước chính mình, nhà thơ cũng có phút lặng lẽ tự hoài nghi, tự nhủ thầm, không biết mình có hay là không, “tồn tại hay không tồn tại”, ngay với cả những nỗi buồn đau, những cảm nhận nhân tình, thế thái đã in hằn sâu trong khóe mắt:

Trước gương mình lại gặp mình

Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi

Nếu mai gương vỡ mất rồi

Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình.

(Soi)

Càng khám phá sâu vào thơ của Vạn Lộc, tôi càng đồng cảm với những chiêm nghiệm và từng trải, mà phải ở một người vào tuổi của chị mới dần dần vỡ ra, vỡ ra như một nỗi đau đời đã đến thời chín tới, như một bọc tâm tư kín bưng, đoán chừng chỉ chứa đầy bản ngã vô vi, sẽ tới lúc cũng được bung ra cùng với vị đắng ngọt siêu thoát; hoặc cũng còn có thể ví như một loại quả rừng, lúc chưa chín thường chua, nhưng càng chín thì màu quả càng tím sẫm lại, để kết tụ vào thành một vị ngọt dịu thật lạ lùng, vị ngọt lắng đọng lại rất lâu, không dễ đã có vị ngọt nào sánh nổi.

Vạn Lộc tự ý thức được điều sâu thẳm đó khi chị viết:

Vắn dài, thấm giọt ba sinh,

Lan từ sâu thẳm tim mình, lan ra.

(Tơ lòng)

Ngay cả khi tự ví mình như một trái cam trải qua các trạng thái từ chua đến ngọt, chị cũng thấy chất chứa trong mình nỗi khát khao dâng hiến cho Đời:

Hè qua lủng lẳng quả tròn

Vàng Thu nhạt nắng nên còn vị chua,

Xuân thì chưa gội gió mưa

Để em sẫm chín trước mùa giá Đông!

(Cam)

Nhưng thế chưa phải là tất cả. Vạn Lộc đã dám vượt qua tâm trạng ấy rất xa, xa nữa, để thấm sâu vào tới cõi sắc không, tới nơi vô ngã, mà ở đó, mọi sự vật, mọi tâm thế vui buồn hầu như chỉ còn bóng dáng phù du, đến mức trái tim dâng hiến của chị cũng chẳng cần đem theo nữa làm gì, chỉ còn như một di ảnh của hư vô, thản nhiên và kiêu bạc gửi lại lay lứt bên đàng - trên con đường bước về “cõi Ngộ”:

Bởi lòng còn vướng si mê

Cõi tình dắt díu đi, về đa đoan,

Trái tim rối nhịp muộn màng

Ngộ lần vô ngã, thắm tràn sắc không .

(Tâm)

Ở cõi nhân gian bé tí này, có nhiều cái tưởng chừng luôn ồn ã, day dứt, làm khổ con người gớm ghê, nhưng khi đứng trước nỗi giao hòa rộng lớn với thiên nhiên, với vũ trụ, với cái tĩnh tại đến vô biên - tưởng vô thanh trong cái mình vô ngã, con người sẽ trở nên thanh thoát biết bao, hầu như dễ chừng tan biến vào với sự tĩnh lặng của Vô Cùng:

Còn đây bảng lảng mây ngàn

Cỏ cây ủ mộng  phủ tràn sắc không

Thôi về ngủ với ngàn thông

Giữa trời cô quạnh bềnh bồng vô thanh.

(Trước đồi thông hai mộ)

Với những câu thơ như thế, có phút ta tưởng như Vạn Lộc đã đắm mình vào cõi hư vô, quên hẳn những vui buồn trần thế, bỏ qua những hoài niệm dù trong trẻo vô tư đến mấy đi nữa của cõi đời thường cát bụi này. Nhưng không! Ta lại phải thật sự bất ngờ, vì ngay sau cái phút bềnh bồng giữa cõi Mộng, cõi Ảo kia, cũng trong khung cảnh những đồi thông ma mị của Đà Lạt ấy, một câu thơ bỗng rực sáng lên vì vẻ đẹp hồn nhiên trong trẻo của nó, vẻ đẹp vô tội và quyến rũ, khiến mỗi chúng ta đều nhói đau khi nhớ lại từng tháng ngày trong vắt, đẹp mà cũng chưa biết là mình đẹp vì cái gì, tự thuở hoa niên còn “chanh cốm” xa xưa:

Ta thẩn thơ với ngàn thông

Nắng thêu triền gió, chiều lồng phố mây

Hoàng hôn, trời thắp sương đầy,

Tình xưa bỗng hoá một ngày trong veo!

(Thắp sương)

Chính cái chỗ “lòng xưa bỗng hoá” ấy làm chị cho dù có tự thấy mình vất vả, chịu va đập trong cõi trần biết bao lần đi chăng nữa, hay ngóng lên phía trước có còn đi mãi tới cõi “Ngộ” tận bên“ dốc đời tỉnh thức” đi chăng nữa, thì quay trở lại, vẫn còn có được niềm vui, khi biết vẫn có thể hy vọng tìm ra được những người tri kỷ, những tấm lòng đồng điệu, tri âm, ở đâu đó trong đời:

Trên đồi ký ức mây vương gió

Đau đáu cõi buồn sương khói giăng

Hư thực bên dốc đời lặng lẽ

Tiếng kinh huyền nhiệm chạm vầng trăng.

(Vấp)

Tìm được tấm lòng ai đây, từ “đau đáu nỗi buồn” khi phải ngồi độc ẩm? Nỗi buồn cô đơn với mảnh trăng thơ và với đáy cốc cạn trơ của đời thật đau đớn. Nhưng nhà thơ không né tránh, mà dám bình thản nhìn thẳng vào nỗi buồn mà mình đã lựa chọn ấy, như số kiếp thiên mệnh của mình:

Nào ai trăng gió bên đời

Ngày riêng em, rả rích trời mưa tuôn

Tuổi xuân đau đáu nỗi buồn

Đường chiều gót lạnh chạm hồn thương đau.

(Gót thương)

Chính vì đã ý thức được như vậy từ quan điểm triết luận, nên dù có phải thốt lên những lời rất đắng đót khi nói về thân phận bị quăng quật lên thác, xuống ghềnh của những người sáng tạo chân chính, không phút nào chịu thỏa mãn với mình, Vạn Lộc vẫn tạo nên một hình ảnh đáng ngưỡng mộ, khi ví tiếng thơ mình như một tiếng chim da diết, biết trong trẻo bay lượn qua suốt cả một thời lãng du, lăn lóc, sống chết với đời:

Xác thân trôi dạt thác ghềnh

Khổ đau cam chịu, nghĩa tình đãi bôi

Ước chi được nói một lời

Như con chim hót một thời lãng quên…

Phận người)

Để cho tiếng hót ấy còn lại mãi, người thơ từ chỗ chịu bị va đập như những câu thơ vừa dẫn, rồi lại chịu quăng quật vô hồi khi bị những khổ đau không dứt xô xuống ngọn thác, chân ghềnh ở nơi đây, rồi cuối cùng, còn có cơ bị vỡ vụn ra tan tành trước mọi trở ngại trần tục bất khả kháng ở đời; thế nhưng, câu thơ thì vẫn không thể bị mất, không thể bị tiêu hủy, mà cùng lắm, nó chỉ bị đày đọa đến mức chỉ bị buông trôi “rớt lại” ở bên trời mà thôi:

Ta vụn vỡ  thời lận đận

Câu thơ rớt phía chân trời.

(Chân trời tím)

Ở trên có một lần tôi dùng từ “kiêu bạc” để chỉ trái tim của người thơ bỏ lại bên đàng trong cõi người vô ngã, mà Niết Bàn thì “sắc sắc không không”. Ở đây, tôi lại muốn lặp lại từ “kiêu bạc” để chỉ thái độ của nhà thơ đối với giá trị tinh thần của mình, khi chính mình có thể vụn vỡ ra thành cát bụi, nhưng câu thơ thì vẫn phải gắng sức ném nó về tận phía chân trời, nơi mãi xa tít tắp, dù có thể suốt cả đời mình chưa có cách gì với tới. Khẩu khí đáng nể trọng đó chỉ có thể có ở một người biết say mê thơ hết mình, dám sống với thơ hết mình và cũng có thể dám chết với thơ hết mình!

Trong tập thơ “Chín chín nhịp” này có nhiều bài thơ tình yêu chân thành và da diết, thứ tình yêu không biết đến tuổi tác và không vơi cạn cùng năm tháng:

Anh hãy đến vầng trăng khuyết bóng

Trăm năm thương nhớ chẳng già nua.

(Nhóm lửa)

Nhưng còn bất ngờ hơn là ở chỗ, cảm quan về sự vô thủy, vô chung ấy còn gắn luôn tình yêu vào làm một với vũ trụ và tự nhiên, nó nối dài tình yêu từ một kiếp người hữu hạn lan tỏa vào với sự bất tử và vô hạn của thiên nhiên, đất trời, mây nước, từ chỗ coi cõi trần là cõi tạm, cần phải vượt qua nhanh mà tìm cách hòa đồng vào với những giá trị bền vững của Vĩnh Cửu:

Này đôi mắt biếc ngày xưa

Cùng ai tắm nắng gội mưa một thời,

Bềnh bồng năm tháng rong chơi

Mắt xưa nay đã đầy trời sương mây.

(Mắt xưa)

Với những câu thơ này, có thể nói, trong thơ tình yêu cũng như thơ chiêm nghiệm về thân phận con người và thế sự, nhà thơ Vạn Lộc đã đạt đến sự đồng bộ và nhất thể hóa giữa cái hữu hạn và vô hạn trong nhận thức và nói rộng ra là cả trong thế giới quan, nhân sinh quan. Chị có tâm trạng song song và luôn sẵn sàng của một người vừa xuất thế vừa nhập thế, không mong đắc đạo hay thoát tục, mà mong sao ngay trong dặm đường trần này, mình luôn luôn giữ được mình, tránh khỏi mọi cám dỗ tầm thường, để tâm hồn không bị hoen ố vì bất cứ tì vết xấu xa nào, để thoát tục theo cách tự nhiên như của một cánh sen, dù có phải ngâm lâu trong bùn thì vẫn cứ là cánh sen nở hoa, tỏa hương thơm ngát:

Khó mà  đắc đạo đường tu

Làm sao thoát tục cho dù quy y

Chỉ mong nhẹ mỗi bước đi

Cõi trần lánh được vết tì bùn đen!

(Thầm ước)

Mỗi chúng ta, quả thực trong cuộc đời này, khi đã nguyện làm con người có tâm, biết hướng tới mọi giá trị phổ quát vì lý tưởng “Chân - Thiện - Mỹ”, thì quả thực, dù có thêm bao điều ước gì lớn lao hơn thế nữa, cũng không thể không bắt đầu ngay, như từ chính mong ước giản dị này thôi của tác giả Vạn Lộc. Và cùng với việc giữ cho mình luôn trong trẻo, không bị “ô nhiễm” vì những vết bùn đen, thì “cô đơn” cũng là một kẻ thù không đội trời chung nữa của người làm thơ - vốn cứ phải tháng tháng ngày ngày lận đận cày xới một mình trên trang giấy mà không hề ai chia sẻ. Sau giây phút muốn tìm ra bản ngã của mình, tưởng muốn đập vỡ gương ra mà phía sau cũng không thấy được mình, nhà thơ bèn thắp lên một ước nguyện thật tội nghiệp mà cũng thật giản dị:

Còn bao nhiêu nắng trong hồn

Em đem thắp ấm cô đơn tháng ngày!

(Ơn đời)

Thơ Vạn Lộc, đôi khi tưởng rất giản dị, nhưng soi kỹ, vẫn có một mạch tư duy – cảm xúc bàng bạc, mong manh xuyên suốt của triết luận và Phật pháp nối dài theo, dù tiềm ẩn rất sâu. Chị chỉ có một khát vọng muốn cho mình tĩnh tâm lại, bỏ qua hết thảy mọi gian truân, cực nhọc của đời. Và cứu cánh của chị, chính là Thơ! Chị đã nhiều lần tự thú về điều đó, điều mà ai đọc thơ chị cũng vô cùng dễ dàng đồng cảm:

Lữ hành rong ruổi chân xuôi ngược

Dẫu chút tình hờ vẫn thủy chung”

(Tiếc)

Hay:

Mai mốt trở về cùng cát bụi

Chút tình còm cõi mấy câu thơ

(Sao khuya)

Chín chín nhịp thơ của chị - chín mươi chín khúc ngâm - ngắn gọn, hàm súc, uyển chuyển, mang dáng vóc hình thái thơ kim cổ mà lại có rất nhiều suy nghĩ táo bạo, mới mẻ, riêng tư của tác giả Vạn Lộc, thể hiện một tâm hồn đã chín trong cảm xúc, trong chiêm nghiệm và là kết quả sáng tạo xứng đáng của một người làm thơ đã biết hội tụ đủ các yếu tố thời gian và thử thách, để đã đủ ngộ ra tinh tường với cái “nghề - chơi nghiên bút”, lại tiếp tục tu dưỡng, để đủ độ tỉnh thức chín muồi trong cả cái nghiệp“văn dĩ tải đạo” của mình.

Chín chín nhịp là đóng góp mới trong thơ của tác giả Vạn Lộc, là giỏ quả chín tím mọng cuối thu của một hồn thơ yêu đời trong nỗi đau đời, năng động ngay trong các suy nghĩ đậm chất Thiền, đầy kinh lịch và đầy chiêm nghiệm trong những cảm xúc thơ, tuy có dáng vẻ hồn nhiên, nhưng lại luôn đậm đà sắc thái “ý tại ngôn ngoại” của thể loại Thơ mang hồn cốt cổ kim giao hòa

Chiều gió lộng, mây trời ửng  tím,

Giọt thơ bay ngọt phía sương ngàn,

Gieo tứ tuyệt đơm mùa chín chín

Nhịp đa mang réo rắt cung đàn.

(Chín chín nhịp)

Xin cảm ơn tác giả vì “chút tình” thơ tuy khiêm tốn nhưng giàu ý nghĩa này, trong buổi trời thu cùng đang ngả sang màu chín tím với một hồn thơ đang chín, nhưng lại còn rất nhiều nội lực mạnh mẽ và tinh tế, dào dạt cảm xúc trữ tình, quyện chặt với những suy tư triết luận đậm màu Thiền.