Giới thiệu tập thơ “Về miền hoa lộc vừng” của Nguyễn Hữu Quyền (Nghệ An)

THƠ NGUYỄN HỮU QUYỀN - TIẾNG HÓT LẠ

TRÊN CÁNH ĐỒNG THƠ

(Vài cảm nhận khi đọc tập thơ “Về miền hoa lộc vừng”

của Nguyễn Hữu Quyền, 2020)

ThS. Đoàn Mạnh Tiến

Nguyên giảng viên khoa Văn Đại học Vinh

Thành viên Ban Lý luận phê bình Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An)

 

Sáng tác thơ ca là một nhu cầu tự biểu hiện, một sự thôi thúc mãnh liệt, dồn dập tự bên trong trái tim nhà thi sĩ. Trong hoạt động sáng tạo ấy, mỗi nhà thơ thường có những sở trường về năng lực tinh thần riêng của mình. Có nhà thơ thiên về cảm xúc, tâm hồn thơ dễ lay động với những đổi thay, những tác động từ bên ngoài. Có cây bút lại mạnh về mặt suy tưởng, từ những hiện tượng trong đời sống khách quan, họ đặt lại vấn đề, phát hiện ra mối quan hệ bản chất, cung cấp cho nó một ý nghĩa, biện giải một cách sâu sắc. Lại có những nhà thơ kết hợp được nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và suy tưởng, đồng thời có những điểm sáng của trí tuệ, triết lí. Thơ Nguyễn Hữu Quyền thuộc về dòng thứ ba này.

Trước hết, có thể nói, không phải đến bây giờ Nguyễn Hữu Quyền mới bắt đầu làm thơ. Sinh ra từ mảnh đất giàu truyền thống văn học nghệ thuật với những văn nghệ sĩ nổi tiếng (Nguyễn Tài Tuệ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Bùi Vợi…), tâm hồn thơ của Nguyễn Hữu Quyền  đã được ấp ủ ngay từ thuở ấu thơ. Những năm đầu thế kỷ 21, anh bắt đầu xuất hiện trong làng thơ và ngay từ những bài đầu tiên anh đã gây được sự chú ý của bạn đọc. Từ đó đến nay, gần hai thập kỷ đã trôi qua, bàn chân anh đã đi khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, từ Trà Cổ đến Vũng Tàu, từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ sông Hồng nắng rực bờ đê đến đồng bằng sông Cửu Long cuộn sóng… Và ở mỗi chặng đường của đất nước, hồn thơ anh nén lại rồi ào ạt tuôn trào. Tập thơ Về miền hoa lộc vừng vừa ra đời đã ghi lại những dòng cảm xúc mãnh liệt ấy.

Đọc thơ Nguyễn Hữu Quyền, cảm giác đầu tiên, bao trùm và xuyên suốt là tâm hồn Nguyễn Hữu Quyền rất giàu chất thơ. Chất thơ ấy, trước hết gắn liền với những cảm xúc trực tiếp trước thiên nhiên, trước cuộc đời, gắn liền với sự xúc động mãnh liệt trong trái tim nhà thi sĩ. Trong nhiều bài thơ của anh, yếu tố cảm xúc ở dạng trực tiếp của chủ thể là một trong những nhân tố cơ bản để tạo nên chất thơ. Nếu xem việc giàu cảm xúc là một năng lực tinh thần thuộc về tư chất của nhà thi sĩ, thì điều đó thể hiện rất rõ trong thơ Nguyễn Hữu Quyền:

Ta không kịp đến đó rồi

Hết mùa lau nở

Hoa tan vào giấc mơ

Đành gửi hồn vào sóng nước đêm ngày vỗ bờ

cho đỡ nhớ

Hoa lau trắng phau châu thổ

Ta ngơ ngẩn kiếm con đò sang bên đó

Tìm lại một trưa nắng đổ.

(Mùa hoa lau đi qua)

Trong thơ anh, cảm xúc không chỉ là cái gốc của hồn thơ mà còn là nhân tố chủ yếu để tạo nên hình tượng thơ:

Tháng giêng tây chồng lên tháng giêng ta

Đẩy thời gian lao tới tháng ba

Chạm vào hoa gạo

Đỏ ối tim người.

(Nụ cười trắng như hoa bưởi)

Với Nguyễn Hữu Quyền những cảm xúc bồi hồi, rạo rực đã tạo nên một trạng thái đặc biệt trong quá trình sáng tạo thơ ca, từ sự rung động thực sự ấy, những hình ảnh, cảm nghĩ cứ bay lượn, đi về, rồi nỗi xúc động bùng lên mãnh liệt. Nếu nhà thơ Gớt (Đức) đã từng nói: “Thơ phải làm cho người đọc không còn thấy câu thơ mà chỉ thấy tình người” thì điều đó thể hiện đậm nét trong thơ Nguyễn Hữu Quyền bởi trong thơ anh, nhiều câu được cấu tạo bằng thuần túy chất liệu của tâm hồn:

… Gặp người đứng trên bục giảng

tìm chi?

Hạnh phúc? Khổ đau? Cay đắng? Ngọt bùi?

Trôi nổi

Ôi! Nụ nười của người

Sao cứ lênh đênh trong hồn ta?

Hôm ấy đã là hạ cuối

Cánh sen rơi. Hương trời lả tả

Tiếng trống trường vang xa dội vào hồn ta làm vỡ phù sa

Ngã ba. Ngã bảy.

(Sao cứ lênh đênh trong hồn ta?)

Thơ Nguyễn Hữu Quyền thường gắn liền với trí tưởng tượng, với sự liên tưởng. Trí tưởng tượng trong thơ anh là một đường dây nối liền những hiện tượng tưởng như riêng lẻ, cách biệt nhau thành một nguồn mạch thống nhất. Trong những câu thơ đẹp và chân thành này đã chứa biết bao sức tưởng tượng:

Nắng tháng ba giống giấc mơ

Không đỏ

Nếu người vô tình đặt chân lên đó

Sẽ hé lộ thiên cơ. Bật tung đồng cỏ

Nỏ về được mô

Nắng tháng ba như người đàn bà ban trưa vờ ngủ

Để lộ giấc mơ của trời.

(Nắng tháng ba)

Trên nền tảng của sự xúc động, trong khi hòa quyện được cảm xúc và suy nghĩ, Nguyễn Hữu Quyền có những bài thơ hơi nghiêng về sự suy tưởng (Mẫu đơn trong thành cổ Quảng Trị nở hoa, Sao cứ lênh đênh trong hồn ta, Em có về không? Bây giờ là tháng Chạp, Lối về, Nước trời ơi cưa chi mà nhiều thế? v.v…). Ở những bài này, hình tượng trong thơ anh là hình tượng của xúc động và ý tưởng. Cảm xúc và suy tưởng trong thơ anh luôn có khả năng chuyển hóa qua lại như một dòng của tư duy, một nguồn mạch đi về không có sự cách ngăn. Nhiều câu thơ giàu chất triết lý. Nguyễn Hữu Quyền luôn luôn có ý thức đưa người đọc cùng mình bước vào trường ẩn nghĩa chênh vênh, để rồi xuyên suốt tập thơ, anh lúc nào cũng ẩn ý, gợi mở, thổn thức, suy tư và khẳng định vấn đề BẢN THỂ - một trong những vấn đề trung tâm của triết học, vấn đề tính tự nhiên của con người, của sự vật, của cuộc sống. Như chúng ta đã biết, vấn đề bản thể liên quan đến thực tại và bản chất của sự tồn tại. Trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, có bài như là một luận đề triết học, có bài là sự thức tỉnh giàu chất suy nghĩ, có bài tưởng như diễn đạt một cách mơ hồ nhưng thực ra ẩn giấu dưới sự mơ hồ đó là một triết lý… Nhưng dù là hình thức gì chăng nữa, thì thơ Nguyễn Hữu Quyền vẫn luôn luôn trằn trọc, băn khoăn, trăn trở, phát hiện, suy tư để trở về với bản thể. Cuộc sống là nó cũng không phải là nó, nói gì thì nói nhưng cuối cùng lại vẫn trở về với cái trong lành, tinh khiết, nguyên khôi, phồn thực,… trở về với bản thể, với cái tự nhiên như cuộc sống, con người, sự vật… Hành trình đi tìm bản thể là hành trình vô tận, đầy gian nan nhưng lại rất thực. Và Nguyễn Hữu Quyền đã gợi mở phần suy tư cho những độc giả tri âm khi tiếp cận vấn đề bản thể trong những bài thơ đầy ấn tượng (Nụ cười in trên cát, Mùa hoa lau đi qua, Giờ em ở nơi mô, Hoa có nhớ ta hẹn với người, Rét đài, v.v…). Có thể nói Nguyễn Hữu Quyền say mê tìm kiếm, phát hiện và luôn luôn có niềm tin vào vấn đề bản thể. Đọc “Về miền hoa lộc vừng” ta thấy niềm tin ấy chính là động lực sống, động lực của hành trình sáng tạo thơ của Nguyễn Hữu Quyền bởi vì nếu không có niềm tin ấy, thì thơ ca sẽ cỗi cằn, già nua, nứt nẻ, kiệt quệ như cánh đồng bị bỏ hoang đến khô cạn. Có thể nói, viết về vấn đề bản thể là CÁI MỚI NHẤT trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, cũng là nét độc đáo nhất, đóng góp lớn của Nguyễn Hữu Quyền cho thơ Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỷ 21. Cũng cần nói thêm rằng hiện thực và ảo ảnh luôn luôn tồn tại trong thơ anh, chúng xuất hiện nhiều đến mức người đọc cảm nhận anh đã tạo được những tứ thơ riêng, cách diễn đạt cho riêng mình.

Trong “Về miền hoa lộc vừng”, thơ Nguyễn Hữu Quyền là tiếng nói của một tâm hồn sâu nặng yêu thương và cảm nhận sâu sắc. Tâm hồn anh lắng đọng nhiều suy tư, cho nên đọc thơ anh phải đọc chậm, bởi vì nếu đọc nhanh sẽ không cảm nhận được cái hay, cái sâu sắc của thơ. Trong tiếng nhạc âm vang của quá khứ, anh thường nghĩ đến thái độ sống trước hiện tại, muốn bình tĩnh để nghiền ngẫm những vấn đề thuộc về số phận con người:

Có mùi hương như màu nước mắt từ hoa òa ra

Rớt xuống lặn vào đất làm bật

dậy thanh âm cuốc xẻng?

Bông hoa hồng trên miệng hố bom không biết của ta hay của địch?

Bao sinh linh bị vùi trong đất

Chẳng biết thức hay ngủ?

Tôi cúi xuống nhặt cánh mẫu đơn màu trắngg rơi cất vào tim

Ngước nhìn.

(Mẫu đơn trong thành cổ Quảng Trị nở hoa

Trong tập thơ “Về miền hoa lộc vừng”, cái tôi trữ tình được bộc lộ ở nhiều dạng thức. Có khi cái tôi trữ tình được thể hiện ở dạng trực tiếp của những kỉ niệm, những tình cảm gắn với cuộc đời riêng tác giả. Thường thì trong trường hợp này, cái tôi trữ tình rất gần hoặc cũng chính là cái tôi của tác giả (Anh về nhà đi, Em lại vào thăm anh đây, Sao rơi, Sao cứ lênh đênh trong hồn ta, Ta già rồi ư?...). Có khi cái tôi trữ tình không bộc lộ trực tiếp nhưng qua những cách diễn đạt, người đọc vẫn thấy rõ cái tôi trữ tình, trong trường hợp này, cái tôi trữ tình là cái tôi của tác giả đã được nghệ thuật hóa trở thành nhân vật trữ tình trong thơ (Nắng tháng ba, Lối về, Tháng tư này người bao nhiêu tuổi, Vì sao đậu trên hoa chua me, Chim ngói bay đi rồi, Hẹn làm chi,…). Cái tôi trữ tình ấy có khi đắm chìm trong cảm hứng về quá khứ (Mẫu đơn trong thành cổ Quảng Trị nở hoa, Anh về nhà đi,…), có lúc thiết tha trong tiếng nói yêu thương (Em có về không?), có khi chất chứa những băn khoăn (Bùa mê, Sao cứ lênh đênh trong hồn ta?), có lúc ngông cuồng (Ngày mai bão về, Nghe mùa về), lúc thì tỉnh táo trong chiều sâu suy nghĩ (Người ta là hoa đất), v.v… Qua những biểu hiện của cái tôi trữ tình, người đọc thấy rõ thơ Nguyễn Hữu Quyền chủ yếu là nơi gặp gỡ của hai nguồn thi cảm: nẻo về hiện tại với nhiều trăn trở, suy tư, lối về quá khứ với nhiều kỷ niệm nao lòng.

Trong tập thơ “Về miền hoa lộc vừng”, thơ Nguyễn Hữu Quyền có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật diễn đạt. Anh luôn luôn có ý thức tự làm mới mình. Anh có những từ ngữ gây ấn tượng mạnh:

Chợt nhớ sau vụ chạm va vũ trụ từ đỉnh trời, rơi xuống viên ngọc

thở hổn hển

(Lơ ngơ nghe tiếng vọng từ sông)

Có những so sánh độc đáo:

Nắng tháng ba như người đàn bà ban trưa vờ ngủ

Để lộ giấc mơ của trời.

(Nắng tháng ba)

Sức sáng tạo bền bỉ của Nguyễn Hữu Quyền đã tạo được cái mới trong hình ảnh.

Chúng sinh bởi trong đói rét lụt lội

(Người tìm chi tôi)

Và:

Anh rời quê cầm trong tay giấc mơ đỏ hỏn

(Giờ em ở nơi mô?)

Phép nhân hóa tinh tế:

Sáng nay gió Lào về. Biển thản nhiên thở

Mùa thu chạm bờ.

(Ta già rồi ư?)

Cách diễn đạt lạ mà thú vị:

Ta đếm một. Hai

Đêm ngậm trăng lưỡi liềm

Trật yếm

(Ta không đợi ngày mai)

Hoặc:

Tiếng trống trường kết thúc năm học chạm vào hồn ta

làm vỡ thời gian đứng ngồi

lớp lớp

(Sao cứ lênh đênh trong hồn ta?)

Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ, không thể nói hết về thơ Nguyễn Hữu Quyền trong tập “Về miền hoa lộc vừng". Những vấn đề khác của thơ anh sẽ được đề cập trong một bài viết tiếp theo. Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh và khẳng định là thơ Nguyễn Hữu Quyền luôn luôn lấy cái tình làm trọng, lấy cái chân thật, mộc mạc làm nên. Với anh, cảm xúc là cái gốc của hồn thơ. Hy vọng rằng Nguyễn Hữu Quyền sẽ cống hiến cho đất nước, cho bạn đọc những vần thơ hay hơn nữa./.