"Rồi cuối cùng cũng đến mùa thu"

Đó là tên tập thơ của Đinh Quang Vinh, nguyên Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên). Tập thơ do tôi thực hiện các khâu trong quy trình xuất bản và viết lời giới thiệu; Nxb. Dân Trí ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc.


Khi nhận bản thảo, tôi hỏi anh, sao không là “Rồi cũng đến mùa thu” mà cứ phải là “Rồi cuối cùng cũng đến mùa thu”?  Anh giải thích, mùa thu ở miền Bắc là mùa thu hái chính. Những sản phẩm thu hái trong mùa thu cho ta một hương vị riêng, bởi sự tích lũy rất sâu cái nắng cái gió cái không khí thanh tao riêng có của mùa thu, vừa có tính quy luật lại vừa sâu sắc trầm lắng đặc biệt. Đời người cũng thế, mùa thu cuối cùng cũng đến, để ta thu lượm trái ngọt do mình tạo dựng. Có người mùa thu đến sớm, có người mùa thu đến muộn, không phụ thuộc tuổi tác. Dù sao mặc lòng, rồi cuối cùng mùa thu cũng đến…”.

Đây là tác phẩm thứ ba mà anh tin tưởng nhờ tôi xem xét đánh giá và giới thiệu.

Tôi với Đinh Quang Vinh vốn là đồng nghiệp thợ mỏ, là bạn văn chương gần hai mươi năm nay. Dẫu anh bảo anh chỉ là tay tài tử, viết văn làm thơ như một thú chơi, nhưng xem kỹ thơ anh ta thấy ở đó có dấu ấn của những tìm tòi trăn trở của một kẻ sĩ nặng lòng với đời, thấy dấu ấn của những dòng tự bạch chân thực và mạnh mẽ.

Đọc thơ anh, ta có cảm tưởng như anh có ý tổng kết kinh nghiệm cá nhân, nhưng thực ra đó cũng là cái mẫu chung cho những kẻ đam mê nghệ thuật(trong đó có văn chương), đã cháy hết mình cho những đam mê của mình, dù thành danh hay không thành danh, dù kiếm được tiền tỷ hay không một xu dính túi. Phần lớn thơ anh viết do nhu cầu bên trong, những cảm xúc thăng hoa, những rung động về tôn giáo, triết học, tâm lý hay vấn đề đạo đức nào đó. Chỉ có điều, sự từng trải, vốn sống, vốn kiến thức và đôi lúc sự thăng hoa có tính minh triết cho phép anh tạo ra một diện mạo riêng. Vừa bình dị gần gũi, vừa sâu sắc cổ điển, lại vừa mang tính đột phá táo bạo trong hình tượng thơ, như trong “Vàng và Gươm”, như trong “Đối Thoại”. Tuy nhiên những bài như vậy không nhiều, nó phản ánh cái góc cảm thụ và tư duy mang tính ổn định của anh nhiều hơn, sau nhiều năm tháng lao động miệt mài, gắn bó sâu sắc với nghề mỏ, với những người lao động cần lao.

Sự phong phú trong trải nghiệm sống cũng như sự phong phú trong tư duy cho phép anh tiếp cận nhiều thể tài khác nhau, mà không hề cảm thấy sự khiên cưỡng nào. Chính điều đó làm cho tập thơ 108 bài này mang lại cho ta cảm giác dễ đọc, đa tầng đa nghĩa, nhiều ý tưởng lạ và khá thú vị. Bao trùm hơn cả là niềm tin yêu vào sự thiện lương của con người, vào sự lao động chăm chỉ và tinh thần tự do sẽ đưa con người tới những thang giá trị mới, cao đẹp hơn. Hãy tin ở con người, tin vào sự tốt lành bẩm sinh của họ, như “Tin ở hoa hồng”, dù ta đôi khi không thực sự hài lòng với chính cuộc sống của chúng ta. Đó là điều làm ta sống có ý nghĩa và đáng tồn tại trên cõi đời này.

Tôi cho rằng khá nhiều điều anh viết rất gần gũi với chúng ta, có những điều chạm được đến trái tim và tâm hồn chúng ta. Vì vậy tôi sẽ không bàn nhiều về thơ anh, mà để bạn đọc cảm thụ từ góc nhìn của mỗi người.

Hà Nội 10/7/2022

Nhà văn – Nhà báo Cao Thâm