Sập hầm, sập cả tình người
*Nhà văn Đặng Huỳnh Thái giới thiệu Bộ tiểu thuyết về Vùng mỏ của Nhà văn Nguyễn Cao thâm, Nxb. Dân trí, 2022.
Bộ Tiểu thuyết "Về Vùng Mỏ" của Nhà văn Nguyễn Cao Thâm dày 948 trang, có 3 tiểu thuyết khác nhau viết về Vùng Mỏ: Sập hầm – 2018; Đa mang – 1993 và Vượt ngục - 2016. Trong hai mươi nhăm năm, anh đã cho ra 7 cuốn tiểu thuyết, trong đó ba cuốn tiểu thuyết về Vùng mỏ; ngoài ra, anh còn cho xuất bản hàng chục đầu sách khác với nhiều thể loại: Phóng sự, kí sự, kịch sân khấu, nghiên cứu lịch sử...Thật đáng kính phục sức lao động của anh. Vùng mỏ Quảng Ninh từ nhiều năm nay có rất nhiều nhà văn nổi tiếng viết về những người thợ mỏ như "Vùng mỏ" của Võ Huy Tâm; "Mở hầm" của Nguyễn Dậu; “Mảnh đời của Huệ” của Võ Khắc Nghiêm; “Thời gian đang đi” của Nguyễn Sơn Hà ”Đất bỏng” của Trần Tâm; “Ánh đèn lò” của Vũ Thảo Ngọc”; “Đất không dấu mặt” của Ngô Xuân Hội... Nhưng chỉ có Nguyễn Cao Thâm là nhà văn duy nhất viết trực diện về thợ hầm lò làm việc dưới hầm sâu hàng trăm mét dưới lòng đất.
Nhà văn Nguyễn Cao Thâm
Nguyễn Cao Thâm là cán bộ kỹ thuật mỏ. Ra trường anh về làm công nhân rồi đốc công, trưởng ca, chỉ huy đào lò ở Xí nghiệp Xây lắp mỏ than Mông Dương. Sau đó, anh làm giáo viên dạy nghề hầm lò ở Cẩm Phả, Quảng Ninh rồi mỏ Làng Cẩm, Thái Nguyên và mười năm làm phó Tổng Biên tập Tạp chí Than – Khoáng sản. Qua nhiều năm “ba cùng” với những người thợ mỏ hầm lò - "Người trần gian, làm việc âm phủ". Cuộc sống đã dạy cho anh nhiều bài học bổ ích. Như trong Lời tác giả đầu sách anh viết: "Những nhân vật trong tiểu thuyết này tôi "gom" từ những mảnh đời thợ mỏ rồi "lắp ghép" lại chứ không có nguyên mẫu".Từ dưới hầm sâu Mông Dương hàng trăm mét so với mặt nước biển, Nguyễn Cao Thâm đã bước lên làm báo, viết văn, với hành trang đã "gom" được ở những mảnh đời thợ mỏ. Vốn sống ngồn ngộn như vậy anh đã viết không nghỉ ngơi, mải miết ở tuổi ngoài sáu mươi. Tuổi này cần sống chậm, nhưng anh đã tăng tốc, để lại cho đời những gì mình đã biết.
Trong bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Cao Thâm, tôi mới đọc được cuốn "Sập hầm". Thập kỷ tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, đất nước mở cửa, các ngành kinh tế tự chủ, người dân tự do sản xuất và buôn bán hàng hóa. Vùng mỏ Quảng Ninh người người, ngành ngành đua nhau làm than. Than ở trong vườn, than ở dưới nền nhà, đào, bán. Dần dần trở thành từ đặc biệt - Than thổ phỉ. Nhiều người đã giầu to từ than thổ phỉ, xây biệt thự, mua nhà tận Sài Gòn, Hà Nội. Nhiều người dân lao động từ quê ra làm "cửu vạn" không biết kỹ thuật, không học an toàn đã bỏ mạng trong lò sâu. Nhiều cán bộ tham lam đã vào tù. Đặc biệt, than thổ phí đã tàn phá môi trường và để lại tai họa nghiêm trọng cho việc khai thác than theo quy hoạch sau này.
"Sập hầm" của Nguyễn Cao Thâm là câu chuyện nhằm vào nỗi đau ấy!
Chuyện xảy ra tại Công ty Thành Đạt do Văn Chèo - một gã "trùm than thổ phỉ" làm Tổng giám đốc. Đây cũng là "sân sau" của ông Quán Triệt, Giám đốc Sở Tài nguyên. Vì lòng tham, họ đã bỏ Mỏ than Dương Sơn đi khai thác than thổ phỉ, vơ vét thật nhiều than và tiền bạc. Thời Pháp thuộc, chủ mỏ cũng không dám làm thế. Than ở trong lòng đất, tưởng của trời cho, cứ đào lên là lấy được sao? Chủ mỏ đã phải ngậm đắng luốt cay, cúi đầu chịu tội để lò Mông Dương ngập nước dìm chết hơn trăm người. Thế mà, gã nhà quê, văn hóa thấp kém tên là Văn Chèo, chuyên đi mò đến các cầu ao và nhà xí để xem phụ nữ tắm, ị, làm Tổng Giám đốc! Việc sập lò và các tai họa sẩy ra là tất nhiên. Ông Thạch Ngầu, công nhân lò lâu năm đã có tấm lòng dũng cảm, cầm búa chém chặt đứt ống chân của Văn Chèo bị đá to đè: "Thà mày mất một chân còn hơn cả ba cùng chết". Không những ba người chết mà cả đường lò sập xuống, cả mỏ vùi trong hầm sâu. Đọc đến đây tôi rùng mình, ngòi bút của Nguyễn Cao Thâm táo bạo thế? Chi tiết này quá đắt, đã nâng cao giá trị cho cuốn sách. Trong một cuốn sách, hay một câu chuyện, chi tiết là rất quý. Người đọc có thể quên hết hàng trăm trang sách, nhưng nói đến "chặt chân", là nhớ ngay đến "Sập hầm" của Nguyễn Cao Thâm. Tác giả đã khôn khéo đẩy các nhân vật cần xử lý, “nhốt” vào một đoạn hầm sập để lột tả hết tính cách của từng nhân vật "Tại đoạn hầm vững chắc diễn ra cuộc tranh cướp và trả thù man rợ". Tôi tự hỏi, tại sao cảnh này không diễn ra ở nơi xa hoa, lộng lẫy? Ông Quán Triệt, Giám đốc Sở Tài nguyên thế lực trong tay, quyền sinh quyền sát, muốn giết ai mà chẳng được, mà lại rủ nhau vào con đường hầm không lối thoát?. "Trước cái chết cận kề, Ca thiết lập cuộc sống bầy đàn. Ca độc chiếm can nước, ít bánh...". Cái tài của tác giả là ở đây. Những kẻ tham lam, tàn ác vô độ thì kết cục như thế đó.
Cũng rất may cho những số phận hẩm hưu, các lực lượng cứu hộ của Công ty và mỏ bạn cùng lực lượng cứu hộ của ngành Than đã kịp thời chi viện: "Chiếc thùng sắt từ từ đu xuống lòng đất, đám đông căng thẳng hồi hộp nhìn thùng sắt mất hút trong mầu đen ngòm..."Ai cũng hiểu rằng, cuộc cứu nạn bắt đầu.
Qua tiểu thuyết "Sập hầm", Nhà văn Nguyễn Cao Thâm đưa ra một triết lý: "Tôi tin rằng, dục vọng tham lam của mọi cá nhân, cũng như dục vọng của mọi quốc gia sẽ bị trừng phạt vì sự tàn phá điên cuồng của họ, dẫn đến sự sụp đổ lớn hơn, tai họa với loài người khủng khiếp hơn! Chỉ có sự kiềm chế dục vọng và tình thương yêu giữa con người với con người mới cứu được thảm họa thế giới".
Còn hai cuốn nữa tôi sẽ cố gắng đọc tiếp, để cùng Nhà văn tìm đến triết lý cao đẹp này.
Nhà văn Đặng Huỳnh Thái