Bài 19: Bài PV cựu Bộ trưởng Thái Phụng Nê

Nói về ông Nguyễn Đức Phan, ông Thái Phụng Nê ghi nhận “Anh Nguyễn Đức Phan đã có công lớn với ngành Điện. Khi làm Thứ trưởng Bộ năng lượng phụ trách xây dựng cơ bản, anh Phan là một trong những người đã có công chỉ đạo xây dựng đường dây 500KV Bắc – Nam”.


Ông Phan cắt băng khánh thành công trình diện

 

 

Anh hùng Lao động –Tiến sĩ Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng:

“ANH NGUYỄN ĐỨC PHAN CÓ CÔNG LỚN VỚI NGÀNH ĐIỆN”

Lời Ban biên soạn:

Ông Thái Phụng Nê sinh năm 1936, quê ở tỉnh Phú Yên. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, học tại Trường Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An. Năm 1955, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được sang Liên Xô học khoa Thủy công Trường Đại học Xây dựng  Máxcova. Năm 1961, tốt nghiệp đại học, ông ở lại nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. Năm 1964, về nước, ông tình nguyện lên làm việc tại Nhà máy thủy điện Thác Bà. Sự nghiệp của ông gắn bó với nhiều công trình thủy điện lớn: 7 năm ở Thác Bà, 14 năm ở Hòa Bình, 3 năm ở Yaly, Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi, rồi thủy điện Sơn La, Lai Châu...

Ông Thái Phụng Nê nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, khóa VIII; Đại biểu Quốc hội khóa X; Bộ trưởng Bộ Năng lượng; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên.

Tại công trình  xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu, ông Thái Phụng Nê là Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án công trình quan trọng Quốc gia này. Tại đây, ông  đã tham gia chỉ đạo công tác lập dự án và thiết kế kỹ thuật, tiến độ xây dựng công trình. Ông luôn có mặt tại công trường, góp phần đảm bảo chất lượng và góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, tiết kiệm cho Nhà nước trên 10 nghìn tỉ  đồng.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của ông Thái Phụng Nê với sự nghiệp phát triển ngành Điện lực nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, Đảng và Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông còn được Tổng thống Pháp trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ (Huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp). Hiện, ông là cố vấn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Nói về ông Nguyễn Đức Phan, ông Thái Phụng Nê ghi nhận “Anh Nguyễn Đức Phan đã có công lớn với ngành Điện. Khi làm Thứ trưởng Bộ năng lượng phụ trách xây dựng cơ bản, anh Phan là một trong những người đã có công chỉ đạo xây dựng đường dây 500KV Bắc – Nam”.

Dưới đây là nội dung phỏng vấn ông Thái Phụng Nê về ông Nguyễn Đức Phan:

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết về mối quan hệ giữa ông với ông Nguyễn Đức Phan.

Ông Thái Phụng Nê (Ông T.P.N): Tôi và anh Phan cùng đi học ở Liên Xô năm 1955. Anh Phan học tại trường Đại học kỹ thuật Mỏ Matxcơva còn tôi học ở Trường Đại học Xây dựng. Tuy học khác trường nhưng chúng tôi đều ở cùng khu kí túc xá, cùng sinh hoạt đoàn dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng do anh Trần Anh Vinh (nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Năng lượng - tg) làm Bí thư. Năm 1960, tôi và anh Đinh Văn Lạp (sau này là Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than) được kết nạp Đảng.

Năm 1961, anh Phan về nước, làm việc ở Mỏ than Hà Lầm còn tôi ở lại nghiên cứu sinh, làm luận án phó tiến sĩ. Khi tôi về nước, làm việc tại các công trình thủy điện, còn anh Phan làm việc ở vùng Mỏ Quảng Ninh nên anh em ít có điều kiện gặp nhau. Năm 1987, Bộ Mỏ và Than sáp nhập thành Bộ Năng lượng do anh Vũ Ngọc Hải làm Bộ trưởng, anh Nguyễn Đức Phan, Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than trở thành Thứ trưởng Bộ năng lượng, phụ trách xây dựng cơ bản của Bộ, khi đó tôi đang làm trên công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Dù làm việc cùng một bộ nhưng vì tôi ở xa nên ít khi được tiếp xúc làm việc với anh Phan. Mãi đến năm 1990, tôi về Bộ, làm trợ lí cho Bộ trưởng, sau đó làm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng, khi đó tôi mới được tiếp xúc làm việc nhiều với anh Phan. Đặc biệt, khi tôi làm Bộ trưởng, chúng tôi luôn sát cánh bên nhau cùng chung nhiệm vụ xây dựng phát triển ngành Năng lượng Việt Nam.

PV: Ông có thể đánh giá khái quát vai trò của ông Nguyễn Đức Phan trong thời gian làm Thứ trưởng, giúp việc cho ông?

Ông T.P.N: Không chỉ trong thời gian tôi làm Bộ trưởng mà trong suốt 16 năm làm Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than, Bộ Năng lượng rồi Bộ Công nghiệp, anh Phan chuyên phụ trách lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là vị trí quan trọng của Bộ. Các công trình phát triển của ngành Điện cùng như ngành Than đều có dấu ấn vai trò chỉ đạo của anh Phan. Do nhiều năm phụ trách xây dựng cơ bản của Bộ nên anh Phan đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm. Đến nỗi, khi anh Phan làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, đến tuổi nghỉ hưu, nhưng tổ chức chưa tìm được người thay thế nên yêu cầu anh ấy ở lại làm việc thêm 2 năm.

Tôi nói vậy không có ý quá đề cao vai trò người đồng nghiệp của mình mà thực tế, lĩnh vực xây dựng cơ bản của ngành công nghiệp năng lượng rất nhiều việc, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương. Trước năm 1994, khi các Tổng công ty Nhà nước chưa ra đời, các Bộ giữ vai trò chủ quản. Mọi công trình xây dựng cơ bản đều do Bộ trực tiếp quản lí, đầu tư tập trung. Từ việc lập dự án, dự toán, đơn giá, định mức… tới việc huy động vốn, vật tư, thiết bị v.v. đều do Bộ tổ chức điều hành. Đây là thời kỳ Nhà nước thiếu vốn đầu tư gay gắt. Trong điều kiện ấy, anh Phan đã tham gia chỉ đạo các Cục liên quan giải quyết những khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản, sớm đưa các công trình của ngành Điện và Than đi vào hoạt động đúng tiến độ. Mới thấy, công của anh Phan với ngành Năng lượng lớn lắm.

PV: Được biết, khi ông làm Bộ trưởng, ngành Điện đã lập nên kì tích làm nức lòng nhân dân cả nước, đó là xây dựng thành công đường dây 500 KV Bắc – Nam mạch 1. Ông có thể nêu khái quát về dự án và vai trò của Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan trong dự án trọng điểm Quốc gia này?

Ông T.P.N: Tôi làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng từ tháng 10 năm 1992 và anh Phan được Bộ phân công tiếp tục phụ trách công tác xây dựng cơ bản. Trong thời gian này, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành Năng lượng được Đảng, Nhà nước giao là xây dựng đường dây siêu cao áp 500 KVBắc - Nam. Dự án này đã được lập từ khi anh Vũ Ngọc Hải làm Bộ trưởng. Anh Vũ Ngọc Hải cũng là người chủ xướng lập đề án và đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định xây dựng công trình đường dây 500 KV Bắc – Nam mạch 1.

Ban đầu, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội còn phân vân về tính khả thi của Dự án, cho rằng mạo hiểm, có nguy cơ “ném tiền qua cửa sổ”… Nhưng với chủ trương sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Dự án được được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 1 năm 1992. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt luận chứng kinh tế, kỹ thuật, với quyết định thời gian hoàn thành là 2 năm là thời hạn quá lý tưởng.

Đường dây có chiều dài 1.487 km từ Hòa Bình đến TPHCM được khởi công ngày 5/4/1992. Thời gian đầu, anh Phan được Bộ giao nhiệm vụ phụ trách công tác khảo sát, chỉ đạo thi công. Sau đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng đường điện này. Ban Chỉ đạo gồm 10 người do Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải làm Phó Ban Thường trực. Gần 6 tháng sau (tháng 10 năm 1992) tôi làm Bộ trưởng thay anh Vũ Ngọc Hải, đảm nhận vị trí Phó Ban Thường trực. Đây là đường dây truyền tải điện siêu cao áp đầu tiên tại Việt Nam với kỹ thuật phức tạp, thi công trên những địa bàn rừng núi hiểm trở.

Chủ trì thiết kế phần nhất thứ cho công trình là Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1) phối hợp với các Công ty Khảo sát Thiết kế điện 2 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2), Phân viện Thiết kế điện Nha Trang (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4). Khối lượng khảo sát của công trình rất lớn với khoảng 2000 km khảo sát đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc, 500 km lập mặt cắt dọc pha; 200ha phục vụ đo bình đồ tỉ lệ 1/200 tại các góc lái; 5200m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15000 mẫu đất đá... trên tổng chiều dài 1487 km đường dây và 5 trạm biến áp.Thiết kế của công trình đã được phản biện bởi nhiều cơ quan trong nước và nước ngoài.

Công trình huy động khoảng 20.000 người ngành điện và các lực lượng khác tham gia. Ngày 27/5/1994, sau 2 năm thi công xây dựng, công trình hoàn thành với tổng giá trị thực hiện quyết toán là 5.488,39 tỷ đồng (tương đương 544 triệu đô la Mỹ) bằng nguồn vốn trong nước, tiết kiệm 400 tỷ đồng so với luận chứng kinh tế kỹ thuật được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt.

Việc hoàn thành đưa vào vận hành công trình đường dây 500KV Bắc - Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Điện thương phẩm tăng trưởng của toàn quốc (từ 5-6% giai đoạn 1990-1992) đã lên đến 18,2% giai đoạn 1993-1997 và tăng trưởng đỉnh điểm là 21% năm 1995, trong đó khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%.

Thắng lợi của dự án siêu cao áp Bắc- Nam đã được báo chí trong nước và nước ngoài cho rằng: Đây kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20; là công trình được xây dựng bằng sức mạnh, trí tuệ và sự quyết tâm của người Việt Nam. Thắng lợi này là thành tích chung của toàn ngành Năng lượng mà công đầu là anh Vũ Ngọc Hải, sau nữa là các anh Lê Liêm, Trần Viết Ngãi... Nhưng anh hỏi về vai trò của anh Phan trong công trình đường dây 500 KV Bắc -Nam thì tôi nói thế này: Tham gia chỉ huy xây dựng công trình này có nhiều tư lệnh đặc trách từng lĩnh vực như anh Lê Liêm, anh Trần Viết Ngãi…Trong đó, anh Nguyễn Đức Phan là tư lệnh, trực tiếp phụ trách Vụ Xây dựng Cơ bản – cơ quan tham mưu cho Bộ trong việc phê duyệt thiết kế, lập dự toán, lập đơn giá định mức vật tư, nhân công… của công trình và giám sát việc thi công công trình. Nói tóm lại, đây là “binh chủng” hết sức quan trọng, đảm nhận các công việc chuẩn bị đầu tư và quản lí đầu tư…

Công trình được Chính phủ đặt ra 4 yêu cầu rất ngặt nghèo: Không được chậm tiến độ; Không được vượt dự toán ban đầu và việc quyết toán không vượt quá 6 tháng. Đây là công trình rất lớn và chưa có trong lịch sử xây dựng các công trình ngành Điện trước đó. Các khâu: Tư vấn thiết kế, lập dự toán, đơn giá định mức… đều mới mẻ và do các đơn vị ngành Năng lượng thực hiện. Các yêu cầu này đều liên quan đến nhau, ảnh hưởng đến nhau. Chẳng hạn, nếu lập đơn giá, định mức, tiền lương không sát, công nhân lương thấp, dẫn đến chán nản “kêu” lên lãnh đạo cấp trên. Khi đó, lãnh đạo cấp trên  “gõ” xuống các Vụ liên quan, trong đó đặc biệt là Vụ Xây dựng Cơ bản do anh Phan phụ trách. Nếu điều chỉnh đơn giá lương…sẽ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư, vượt hạn mức yêu cầu của Chính phủ đề ra. Dù vậy, công trình đã đạt tiến độ và tiết kiệm 400 tỉ đồng so với dự toán ban đầu như đã nêu trên.

Yêu cầu của Chính phủ sau 6 tháng phải quyết toán công trình cũng là áp lực rất lớn đối với chúng tôi. Bây giờ, nhiều công trình hàng năm không quyết toán xong. Vậy mà ngày ấy, công trình đường dây siêu cao áp lớn như vậy; các công việc đều mới mẻ, khó khăn như vậy; huy động sức người sức của lớn như vậy mà chúng tôi quyết toán trong 6 tháng là xong…Chính điều này càng khẳng định vai trò to lớn của “tư lệnh” Nguyễn Đức Phan trên “mặt trận” chuẩn bị đầu tư và quản lí đầu tư xây dựng công trình.

PVTrân trọng cảm ơn ông.

Minh Cao (thực hiện)