Bài 15: Bài của ông Vũ Anh Tuấn
…Sự việc xảy ra đã lâu rồi, tôi không muốn đánh giá về việc đúng sai dưới góc độ tư pháp của phiên tòa phúc thẩm xét xử anh Phan ngày ấy. Qua đây, tôi muốn nói rằng, thợ mỏ chúng ta luôn trung thực, yêu chuộng lẽ phải và đoàn kết, thương yêu nhau, đặc biệt trong những lúc đồng đội gặp nạn. Thế mới biết, ngày đó, thợ mỏ đã thương anh Phan, quý trọng anh Phan tới mức nào!...
Ông Vũ Anh Tuấn
“NGÀY ẤY CHÚNG TÔI KÍ ĐƠN…KIỆN, BÊNH VỰC ANH PHAN”…
Minh Cao
(Ghi theo lời kể của ông Vũ Anh Tuấn, nguyên Quyền Giám đốc Mỏ than Mạo Khê, nguyên Phó Giám đốc Công ty than Uông Bí).
Chúng tôi tìm gặp ông Vũ Anh Tuấn vào một ngày mưa tầm tã. Gần 90 tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn và lịch lãm. Thoạt tiên, ông tặng chúng tôi cuốn sách “Đâu là nguyên tác bài thơ Lê Thánh Tông khắc trên vách núi Thuyền Đăng Quảng Ninh, năm 1468”. Sách do Nhà Xuất bản Văn học tái bản lần thứ 2, năm 2013. Đây là công trình nghiên cứu của ông trong hơn 20 năm. Ông Vũ Anh Tuấn từng tốt nghiệpTrường ngữ văn hệ chuyên tu tại Trung Quốc, thông thạo ba ngoại ngữ. Với vốn sống phong phú và niềm say mê, ông Vũ Anh Tuấn đã nghiên cứu tìm ra nguyên tác chuẩn của bài thơ trên.
Thỏ mỏ thương và quý trọng anh Phan
Khi chúng tôi hỏi về những kỉ niệm của ông với ông Phan, ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ:
Tôi với anh Phan là lứa kĩ sư thứ hai được đào tạo về ngành mỏ ở nước ngoài. Tôi được đào tạo ở Trung Quốc còn anh Phan được đào tạo ở Liên Xô. Năm 1961, chúng tôi cùng về vùng Mỏ nhưng không làm cùng đơn vị nên ít gặp nhau. Tuy vậy, tôi được biết, anh Phan có bằng đỏ do Liên Xô cấp. Học đại học ở Liên Xô mà có bằng đỏ là giỏi lắm. Về nước, anh Phan làm ở Mỏ than Hà Lầm, sau đó làm trưởng đoàn thực tập sinh ở Liên xô rồi về làm phó chỉ huy công trường xây dựng Mỏ than Mông Dương thuộc Công ty Xây dựng Than – Điện. Đây là mỏ than đầu tiên ở Việt Nam mở vỉa bằng giếng đứng. Tôi còn biết thêm, thời anh Phan làm ở Mông Dương, vợ anh làm ở Phòng Kế hoạch, cùng Công ty Xây dựng Than – Điện với anh Phan, có trụ sở tại Uông Bí, cách nơi anh Phan làm việc gần 80 cây số. Anh chị ở trong gian tập thể của Công ty gần hồ Yên Trung. Nhà tôi cũng ở Uông Bí nên vào ngày chủ nhật, tôi thường thấy anh Phan về thăm vợ con. Anh ấy chăm chỉ lắm. Về nhà là anh ấy bổ củi, xách nước, dọn dẹp nhà cửa giúp vợ. Với anh Phan, ban đầu tôi chỉ biết có vậy.
Anh Phan “nổi tiếng” từ vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công trường xây dựng Mỏ than Mông Dương. Ngày đó, thông tin báo chí còn hạn chế nhưng chúng tôi đều biết, khi sự cố xảy ra, anh Phan đang họp ở Công ty Xây dựng Than – Điện trên Uông Bí. Tức là, trong ca sản xuất xảy ra tai nạn lao động, anh Phan không trực tiếp kiểm tra giám sát kĩ thuật thi công. Công trường giếng phụ, nơi xảy ra vụ việc, do chuyên gia Liên Xô thiết kế. Như vậy, anh Phan có đủ bằng chứng ngoại phạm. Vậy mà cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Quảng Ninh thời ấy đã ra quyết định khởi tố anh Phan là vô lí. Rõ ràng, anh Phan bị oan? Do vậy, đông đảo kĩ sư, cán bộ trong ngành Than rất bất bình, muốn lên tiếng bênh vực anh Phan.
Người đề xướng “phong trào” này là anh Nguyễn Xuân Tý. Thời đó anh Tý là cán bộ phòng Kĩ thuật Công ty than Hòn Gai. Sau này anh Tý là tiến sĩ, từng làm Giám đốc Công ty Xây lắp Cẩm Phả (nay là Công ty than Dương Huy) rồi Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Thiết kế mỏ (nay là Công ty CP. Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp-TKV). Anh Tý thảo xong đơn rồi trực tiếp đưa tới các công ty thuộc ngành Than, đề nghị các anh kĩ sư, cán bộ xem, ai nhất trí với nội dung đơn thì kí vào.Thời ấy đi lại khó khăn, các công ty cách xa nhau, vậy mà anh Tý đi khắp các mỏ thu thập được hơn 100 chữ kí đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho anh Phan. Tôi cũng kí vào lá đơn này. Đơn được nhanh chóng gửi tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Bộ điện và Than và các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi gửi đơn, anh Tý bị tổ chức phê bình, chúng tôi cũng bị nhắc nhở.
Cứ tưởng, đơn của chúng tôi được các cấp các ngành xem xét, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho anh Phan, nào ngờ, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm tuyên mức án nặng hơn mức án sơ thẩm. Tòa sơ thẩm tuyên phạt anh Phan một năm tù giam thì Tòa Phúc thẩm tuyên phạt anh Phan 18 tháng tù giam!
Phiên tòa Phúc thẩm xét xử anh Phan và anh Trương Công Minh (Chỉ huy trưởng) ngày ấy tổ chức ở Cọc 5, Hòn Gai. Đó là ngày mưa bão dữ dội. Dù vậy, anh em ở các mỏ tới dự khá đông, đặc biệt là cán bộ, công nhân Công trường Xây dựng mỏ Mông Dương. Hội trường chật, người tới dự phiên tòa đứng cả ngoài hành lang. Tại tòa, có người không am hiểu về kĩ thuật ngành hầm lò nên hỏi anh Phan những câu ngớ ngẩn khiến cả hội trường ồ lên.
Kết thúc phiên tòa, đa số cán bộ công nhân ngành Than đều bất bình nhưng cuối cùng anh Phan vẫn phải chịu mức án tù giam 18 tháng.
…Sự việc xảy ra đã lâu rồi, tôi không muốn đánh giá về việc đúng sai dưới góc độ tư pháp của phiên tòa phúc thẩm xét xử anh Phan ngày ấy. Qua đây, tôi muốn nói rằng, thợ mỏ chúng ta luôn trung thực, yêu chuộng lẽ phải và đoàn kết, thương yêu nhau, đặc biệt trong những lúc đồng đội gặp nạn. Việc anh Tý mang đơn đi khắp nơi vận động mọi người bênh vực anh Phan, nếu là bây giờ, anh Tý sẽ vi phạm pháp luật và vi phạm quy định Những điều đảng viên không được làm (cười). Thế mới biết, ngày đó, thợ mỏ đã thương anh Phan, quý trọng anh Phan tới mức nào!...
Chúng tôi biết rõ công lao của anh Phan…
Nhân đây tôi cũng nói thêm với các anh về vai trò của anh Phan đối với sự phát triển của vùng Than thuộc khu vực miền Tây tỉnh Quảng Ninh:
Sau khi mãn hạn tù, anh Phan được Công ty Xây dựng Than – Điện tiếp nhận trở lại làm việc và bổ nhiệm chức Phó phòng Kĩ thuật của Công ty. Thời gian này tiến độ xây dựng mỏ Mông Dương rất chậm nên Công ty điều anh Phan trở lại Mông Dương, sau đó về làm Trưởng phòng kĩ thuật của Công ty. Đến tháng 12 năm 1975, anh Phan được Bộ Điện và Than đều động về Bộ nhận nhiệm vụ mới thì tôi được Bộ điều động từ Mỏ than Mạo Khê về thay anh Phan làm Trưởng phòng Kỹ thuật mỏ Công ty Xây dựng Than-Điện. Trong thời gian này, dù anh Phan làm việc trên Bộ, còn tôi làm ở Công ty nhưng chúng tôi được làm việc với nhau nhiều hơn. Ở Bộ, từ Trưởng Phòng kỹ thuật Vụ Kỹ thuật, rồi lần lượt qua các chức vụ tới chức Thứ trưởng, anh Phan chuyên phụ trách công tác xây dựng cơ bản. Tôi cũng nhiều năm làm công tác này nên tôi biết rõ công của anh Phan đối với việc đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp khu vực miền Tây tỉnh Quảng Ninh như Mạo Khê, Uông Bí, Vàng Danh rất lớn. Cả đời tôi gắn bó với các mỏ khu vực miền Tây Quảng Ninh nên tôi chỉ nói những điều tôi biết rõ. Tôi biết rõ, anh Phan là người đàm phán với chuyên gia Liên Xô giúp ta khôi phục giếng nghiêng ở Mạo Khê sau nhiều năm bị ngập nước do chuyên gia Trung Quốc rút về nước. Anh Phan có công trong việc đầu tư xây dựng các mỏ mới vùng Uông Bí, sau này phát triển thành các công ty than: Nam Mẫu, Hồng Thái, Đồng Vông…Tôi biết rõ, anh Phan có công trong việc đầu tư cải tạo nâng công suất các mỏ than: Vàng Danh, Mạo Khê…và đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất của ngành Than như đường giao thông, đường điện cùng các công trình sàng tuyển, trường học nghề…
Tháng 7/2017