Bài 11: Tình bạn cảm động
Khi thu thập tài liệu cho cuốn sách về cựu Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan, anh Đoàn Kiển kể cho chúng tôi nghe về tình bạn cao cả và cảm động giữa ông Nguyễn Đức Phan và ông Nguyễn Nhất Thịnh và giới thiệu với chúng tôi sang Yên Viên tìm gặp bà Nga – vợ ông Nguyễn Nhất Thịnh để tìm hiểu về tình bạn của họ. Quả nhiên, như lời kể của ông Đoàn Kiển, ở họ, không chỉ về tình bạn cao đẹp của hai người đàn ông mà cả về gia đình họ, mà ấn tượng của người viết bài này về bà Nga - một phụ nữ bình dị, phúc hậu, dịu dàng mà cuộc đời đầy dấu ấn về đức hy sinh…
Ông Thịnh và bà Nga thời mới cưới
TÌNH BẠN CAO CẢ VÀ CẢM ĐỘNG
Thái Hà
Khi thu thập tài liệu cho cuốn sách về cựu Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan, anh Đoàn Kiển kể cho chúng tôi nghe về tình bạn cao cả và cảm động giữa ông Nguyễn Đức Phan và ông Nguyễn Nhất Thịnh và giới thiệu với chúng tôi sang Yên Viên tìm gặp bà Nga – vợ ông Nguyễn Nhất Thịnh để tìm hiểu về tình bạn của họ. Quả nhiên, như lời kể của ông Đoàn Kiển, ở họ, không chỉ về tình bạn cao đẹp của hai người đàn ông mà cả về gia đình họ, mà ấn tượng của người viết bài này về bà Nga - một phụ nữ bình dị, phúc hậu, dịu dàng mà cuộc đời đầy dấu ấn về đức hy sinh…
Những trùng hợp thú vị…
Trong ngành Mỏ, nhiều người biết đến mối quan hệ thân thiết giữa đôi bạn tâm giao là ông Nguyễn Đức Phan và ông Nguyễn Nhất Thịnh. Tình bạn giữa họ có từ khi họ cùng công tác ở Mỏ than Mông Dương. Khi ấy ông Thịnh là quản đốc phân xưởng cơ khí còn ông Phan là Phó chỉ huy Công trường xây dựng mỏ Mông Dương (chức vụ tương đương Phó Giám đốc Xí nghiệp). Mặc dù có tiêu chuẩn một căn phòng riêng ở khu tập thểc trên đồi cao nhưng có lẽ do cảm mến một người có hình thể giống mình nên ông Phan không lên chỗ căn phòng dành cho mình mà nhất quyết ở chung với ông Thịnh trong một cái lán ngay gần mỏ. Hai ông to béo như Tây nhưng chỉ có một chiếc giường cá nhân bằng sắt, họ “cạp” thêm tấm bắp gỗ vào một bên thành giường để ngủ chung; cùng nấu nướng ăn uống hàng ngày. Điều làm mọi người lạ là tính cách hai người gần như trái ngược nhau: Ông Phan thì hay “tếu táo” tiếu lâm, còn ông Thịnh thì trầm tĩnh (“nếu không nhìn, chỉ nghe họ nói chuyện với nhau thì cứ tưởng như cãi nhau đến nơi”), vậy mà họ gắn bó với nhau suốt thời gian làm việc đến khi về già, cả khi ông Phan trở thành Thứ trưởng – cấp trên, còn ông Thịnh là giám đốc một xí nghiệp trực thuộc công ty. Cả hai gia đình họ cũng quan hệ thân tình, quý mến, qua lại, quan tâm đến nhau như ruột thịt. Ông Phan có rất nhiều bạn bè, nhưng có lẽ tri kỷ hơn cả vẫn là ông Thịnh. Tiếp xúc với bà Nga, chúng tôi càng cảm nhận rõ nét hơn về điều đó.
Một ngày giữa đợt hoàn lưu cơn bão số 2 năm 2017, trời lúc nắng, lúc mưa, bà Nga hồ hởi tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ tại con ngõ khiêm tốn nằm phía sau trụ sở UBND thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) bên đường 1A. Trên một khu vườn rộng, căn nhà xây tường chịu lực quét vôi khá rộng rãi, sạch sẽ nhưng mang đậm nét một công trình kiến trúc ít tiền của mấy chục năm trước. Phía sau là một đơn nguyên nhà xây cũng đã cũ, là nơi người con lớn của ông Thịnh dùng làm chỗ đậu chiếc ô tô vận tải. Bà Nga cho biết khu đất thổ cư rộng gần 300 mét vuông này là do được địa phương nhượng lại cho bà với giá rẻ từ thời còn chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, ít người thích ở gần đường quốc lộ. Đến cuối thập niên 80 sau khi bà và ông Thịnh lấy nhau mới gom góp xây dần ngôi nhà ở hiện nay. Như đọc được thắc mắc của chúng tôi, bà Nga vui vẻ:
-Nhà các cháu ở quanh đây cả, nhưng đang là giữa tuần nên lũ trẻ đứa thì đi học hè, đứa thì bố mẹ chúng cho về quê chơi. Thường ngày nghỉ cuối tuần mấy bà cháu tôi mới quây quần ở đây.
Suốt buổi, bà Nga rất ít nói về bản thân mình mà câu chuyện chỉ xoay quanh tình cảm về ông Thịnh – người chồng bà rất mực yêu thương và mối quan hệ với gia đình ông Phan. Đã ở tuổi U70 nhưng ở bà Nga vẫn phảng phất những nét xinh đẹp, thùy mỵ thời con gái. Trong câu chuyện nhiều vui buồn về một thời đã qua, kể cả những tình tiết cảm động về chồng, con, bạn bè, bà vẫn giữ được cảm xúc bình tĩnh, nhẹ nhàng.
Bà Nga quê Từ Sơn nhưng gắn bó nhiều với mảnh đất Yên Viên và có nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Viên. Bà Nga không có con, thời trẻ, vì nhiều lẽ bà đã định không lấy chồng. Nguyên do là bà có một người anh trai, không may bị mất trong một trận bom B52 vào năm 1972. Người chị dâu trẻ sau đó đã đi bước nữa. Thương 6 đứa cháu lít nhít, bơ vơ, bà đón tất cả về nuôi dưỡng. Ngoài đồng phụ cấp ít ỏi từ chức vụ, bà làm thêm nghề may và dành tất cả tình thương yêu cũng như tuổi trẻ của mình nuôi dạy 6 đứa cháu đến khi chúng trưởng thành.
Bà gặp ông Nguyễn Nhất Thịnh khi đã ở tuổi 42. Ông Thịnh được điều động từ vùng Mỏ về Yên Viên xây dựng và trực tiếp làm giám đốc một xí nghiệp có cái tên rất lạ là “Xí nghiệp thu hồi”. Khi ấy người vợ đầu của ông Thịnh đã mất, để lại cho ông 4 đứa con, trong đó đứa bé nhất mới 13 tuổi. Qua quan hệ công tác, một người là cán bộ doanh nghiệp đóng trên địa bàn, một người là cán bộ chính quyền sở tại, đều có hoàn cảnh riêng khá éo le, mọi người đều vun vào, thế là ông bà đến với nhau. Bà Nga đón cả 4 đứa con ông Thịnh về cùng chung sống. Cũng từ đó bà biết người bạn thân của chồng là ông Nguyễn Đức Phan.
Ông Thịnh hơn ông Phan 1 tuổi, còn bà Nguyệt vợ ông Phan lại hơn bà Nga 5 tuổi. Cả 4 người đều cùng quê Bắc Ninh (ông Thịnh ở huyện Quế Võ). Đặc biệt hơn, bà Nguyệt và bà Nga đều cùng họ Ngô và nhìn hai bà khá giống nhau như chị em ruột vậy.
Vòng tay bè bạn
Bà Nga kể tình thân của hai người đàn ông đã đưa lại mối quan hệ thân tình gắn bó giữa hai bà vợ và cả hai gia đình. Mọi công việc vui buồn trong cuộc sống họ đều có nhau. Bà Nga là người chứng kiến ông Phan giúp đỡ ông Thịnh rất nhiều…
-Chính ông Phan “đưa” ông Thịnh về làm Giám đốc Xí nghiệp thu hồi ở Yên Viên là ngầm ý tạo điều kiện giúp người bạn có vợ yếu, con đông về gần quê. Sau này, khi tôi và ông Thịnh tình cờ gặp nhau cũng chính ông Phan là người “tác thành” mạnh nhất cho chúng tôi nên vợ nên chồng.
Trong công việc của ông Thịnh, ông Phan đã tác động để cấp trên đáp ứng vật tư, tiền vốn cho xây dựng cơ sở vật chất cũng như đảm bảo hoạt động cho xí nghiệp lúc ban đầu mới hình thành. Tạo điều kiện cho ông Thịnh mua than ở Quảng Ninh về làm hàng hóa trao đổi vật tư với địa phương…
Lúc còn làm việc, lần nào về thăm quê ông Phan cũng đều rẽ vào thăm và động viên vợ chồng ông Thịnh cố gắng xây nhà để cuộc sống sinh hoạt đỡ tạm bợ:
-Cô chú làm nhà hết bao nhiêu tiền?
-Chúng em chỉ có 1 cây vàng thôi!
-Thế thôi à, tôi tưởng phải có hơn chứ?
“Không biết bác Phan có ngầm giúp đỡ tiền bạc gì không vì bác ấy cũng nghèo, chứ thực tình lúc đó ông Thịnh nhờ mua được vài tạ sắt, còn tôi chỉ dành dụm được một ít tiền. Ông Phan và ông Thịnh bàn nhau nhờ thợ của cơ quan, tranh thủ làm dần. Cứ thế, cả năm mới xong căn nhà” – bà Nga chia sẻ.
Mỗi khi đi công tác nước ngoài về, bao giờ ông Phan cũng có quà cho bạn, khi thì chai rượu, bận thì lọ nước hoa - “Ông Thịnh nhà tôi thích dùng nước hoa mà!”. Thời còn công tác, hai ông thường cùng đi với nhau họp hành, nghỉ mát. Hay qua lại thăm nhau, ông Phan cũng thường ăn cơm ở nhà bà Nga ông Thịnh. Hai bên gia đình có giỗ chạp hoặc công việc gì thì cả hai nhà đều cố thu xếp thời gian để có mặt đông đủ cùng với bạn bè của nhau. Những khi ấy ông Thịnh và ông Phan thường vui đùa, đối đáp với nhau thân mật, bỗ bã như thời trai trẻ vậy.
Bà Nga vừa cười vui vừa kể lại câu chuyện nhân một bận nhà ông Phan có giỗ ở quê, anh em bạn bè về khá đông. Trong bữa rượu, ông Thịnh liên tiếp đòi ông Phan phục vụ hết thứ nọ đến thứ kia, tít mù từ quả ớt, đến đôi đũa, bát canh…Mọi người xung quanh thấy vậy tỏ ra ái ngại, thắc mắc. Ông Thịnh nói gọn lỏn:
-Ông ấy sai việc mình mãi rồi. Hôm nay tôi phải sai lại ông ấy cho hả!
Biết bạn “lỡm” mình, ông Phan cũng giả vờ cáu, “văng”:
-Sai cái…gì mà sai lắm thế?
-Ừ đấy! Hôm nay ông phải “hầu” tôi mới được.
Khi bà Nguyệt “lỡ kế hoạch” đứa con út đúng giai đoạn kinh tế khó khăn, ông Phan thì đang “gặp hạn” ở mỏ Mông Dương nên hai ông bà định “bỏ” nhưng ông Thịnh kiên quyết bắt giữ lại. Bởi thế nên đôi khi hai gia đình quây quần vui vẻ ông Thịnh thường bảo cu Ninh – con trai út của ông Phan bà Nguyệt:
-Có tao thì mới có được mày đấy!
Bà Nga cho biết, do bị bệnh cao huyết áp, năm 1990 ông Thịnh xin nghỉ hưu trước tuổi. Nghỉ được vài năm, ông Thịnh bị tai biến, nằm liệt trên giường bệnh 8 năm, tới năm 2006 thì mất. Suốt thời gian ấy, vợ chồng ông Phan bà Nguyệt thường xuyên qua lại thăm nom bạn, động viên bà Nga.
“Lúc ông Thịnh nhà tôi mất, bác Phan là người có mặt đầu tiên. Cả thời gian sau này, vào dịp lễ, tết hai vợ chồng bác vẫn đến thăm tôi, chơi với các cháu. Khi bác Phan ra đi, một người bạn nhà tôi điện báo tin cho biết, không kịp ra Hà Nội viếng, tôi gọi được hai cặp vợ chồng con trai, con gái ở gần và mấy đứa cháu vội vã về Đình Bảng tiễn bác Phan…”.
Ghi lại câu chuyện này, chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ tình bạn chí thiết của hai người đàn ông mà còn bày tỏ niềm cảm phục về hai người vợ khả kính của họ - thứ keo làm cho tình cảm giữa họ thêm tỏa sáng. Cho đến bây giờ bà Nguyệt và bà Nga vẫn luôn có nhau, dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, trân trọng quý mến nhau cả lời nói lẫn việc làm cho nhau. Nhắc tới bạn của chồng, bà Nguyệt xúc động chia sẻ: “Một người phụ nữ như bà Nga thật quý hóa. Gần chục năm trời chăm sóc chồng ốm liệt tại chỗ mà không hề trễ nải, than phiền; sự tận tâm, chu đáo thể hiện ở chỗ cả căn nhà và người bệnh lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Không có con riêng nhưng cả đời cưu mang cháu, nuôi dạy, lo công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng cho con chồng chu toàn”./.