Bài 8: Bài của ông Đoàn Kiển (tiếp)

.Trong tôi bây giờ chỉ có “Tình yêu ở lại” –tên tác phẩm của tôi do Nxb. Dân Trí ấn hành năm 2015, tái bản 2017. Trong “Tình yêu ở lại” tôi nhắc tới một người mà trong ngần ấy năm trong ngành và nhiều năm sau khi hoàn dân, tôi có nhiều “điểm giao cắt” cả về công việc và tình cảm, một người mà tôi rất kính trọng, ngưỡng mộ và quý mến. Người đó là anh Nguyễn Đức Phan.

Ám ảnh nghề thợ mỏ

Năm 1976 khi anh Phạm Thế Duyệt về thay ông Nguyễn Quang Phúc ở xí nghiệp mới xảy ra một vụ sự cố sập hầm lò tại ngã ba số 10 tầng âm 97,5m gây tai nạn lao động làm chết một thợ lò giỏi là anh Vũ Văn Khuyết (đã từng thực tập ở Liên Xô trong đoàn của anh Phan). Sau vụ này anh Vũ Hồng Nghinh bị cách chức đội trưởng Đội đào lò 2 và anh Tạ Hữu Ánh bị cách chức Trưởng phòng kỹ thuật. Thời đó Thanh tra Lao động tỉnh Quảng Ninh làm rất gắt gao, hễ có tai nạn lao động chết người là có ai đó bị cách chức.

Dưới hầm lò Mông Dương công việc ngày càng phức tạp bởi lẽ đào qua những đoạn lò đã sụp đổ (nhất là các ngã ba) lại ngâm nước đã hơn ba mươi năm chẳng dễ dàng chút nào. Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Janhiuchin là người giàu kinh nghiệm thực tế và giỏi lý thuyết lắm lúc trầm ngâm ngồi yên trong các cuộc họp A-B-chuyên gia hàng tuần. Phó giám đốc xí nghiệp Trương Văn Hoành bàn đi tính lại với trưởng đoàn Janhiuchin và Trưởng ban kiến thiết Trần Quang Liên cùng các cán bộ kỹ thuật của mỗi bên mà vẫn không thống nhất được biện pháp đẩy nhanh tiến độ. Ông Trần Quang Liên đã từng là một sỹ quan cấp tá xuất thân từ một gia đình tư sản Hà Nội, đã từng đi học lái máy bay, còn lái xe thì tuyệt rồi, ông lanh lợi và rất vui tính, hay bông đùa, trong cuộc họp ông gỡ bí bằng cách “sao ta không động viên để anh em thợ lò người ta làm, ta bàn nguyên tắc thôi, còn cụ thể để anh em họ phát huy tay nghề”. Nghe theo ông, cả Trưởng đoàn chuyên gia lẫn Phó giám đốc Trương Văn Hoành đều đồng tình phát động một cuộc thi đua đẩy mạnh tốc độ đào lò vượt qua các sụp đổ với mục tiêu tiến độ và giải thưởng cụ thể cho từng tổ đào lò. Cả Ban A và Đoàn chuyên gia đều tuyên bố góp giải thưởng cùng Xí nghiệp. Quả thật lúc đứng trước việc khó thì cán bộ phải chuyên cần, dũng cảm và phải nhờ vào “bàn tay vàng” của những người thợ. Khi đã thông tư tưởng những người “thợ to” sẽ biết cách đi qua cái khó mà lắm khi họ không trình bày một cách rõ ràng được. Cái khó trong hầm lò cần vượt qua nhiều khi chính là nỗi sợ hãi cần phải vượt lên trên chính mình. Tại ngã ba số 7 lò xuyên vỉa chính Đông-Tây tầng  -97,5m đất đá đổ sập, xúc dọn vơi đến đâu lại đổ tiếp đến đó, soi đèn lò không thấu tới nóc. Biện pháp đề ra là cần phải xếp “cũi lợn” (lấy các cột gỗ dài 2,5m chồng lên nhau hình cái cũi lợn - hai cái dưới, hai cái trên, cứ thế lần lượt chồng lên nhau có đến khi cao đủ kích nóc lò thì thôi) để kích nóc lò rồi từng bước xúc dọn, đổ bê tông vượt qua. Ở nơi đổ lớn như ngã ba số 7 không phải chỉ xếp một mà đến ba cái “cũi lợn” mới đủ. Vấn đề là ai sẽ là người đứng ở phía dưới chỗ lò đổ ấy mà chồng các cây gỗ cao dần lên, xếp cao đến đâu đóng đinh đỉa (đoạn sắt Φ6 được rèn thành hình chữ U thấp) để liên kết đến đó. Khoảng khắc rủi ro nhất trong lao động của người thợ lò chính là vào những lúc như thế. Cái “cũi lợn” cao bẩy, tám mét, mười mét kia ai sẽ xếp, sẽ chồng nó lên? Ai mà chả muốn bảo mạng cho mình, chả do dự trước khi xung phong? Anh Đậu đã hô quân chuyển gỗ vào cho anh và anh Đào Quang Ký (thợ lò ở Liên Xô về) xếp chồng cao dần lên, hai anh đứng ở trên cùng, ở chỗ được cho là nguy hiểm nhất. Anh em làm theo, cùng các anh chồng cao đến kích nóc lò. Anh Đậu bảo tôi “chú phải chú ý quan sát, nghe ngóng dịch chuyển của đất đá, thế nào cũng có điểm dừng tạm thời rồi nó mới đổ tiếp. Phải biết nhận ra cái thời điểm dừng tạm thời ấy mà tranh thủ “xếp cũi lợn kích nóc”. Nhớ lại trong sách của giáo sư Budryk đã có đoạn ông viết tương tự như vậy. Giáo sư Budryk chỉ ra rằng khi sụp đổ các lớp đá bị gẫy cho đến khi tạo thành một hình vòm mới thôi, đó là thời khắc cần tranh thủ chống giữ, nếu để lâu nó mỏi sẽ đổ tiếp. Chỉ những thợ mỏ giỏi, giàu kinh nghiệm mới nhìn thấu và nghe thấy hiện tượng nói trên. Rồi ở sụp số 1 trên đường lò xuyên vỉa phía Đông cũng vậy, đất đá đổ trên một đoạn dài, xúc đến đâu bùn nước đùn ra đến đấy. Biện pháp kỹ thuật dù có kỹ lưỡng cũng chỉ mang tính nguyên tắc, không thể nào mô tả hết được, dự đoán hết được, phòng ngừa hết được, xảy ra sự cố mà bắt bẻ kỹ thuật thì thật không công bằng. Để đi qua được phải dựa vào sự thông thái, sự dũng cảm và sự khéo léo của những người thợ. Nếu chẳng may xảy ra thiệt hại thì cũng phải biết chấp nhận. Cái gì cũng có giá của nó cả. Tuy vậy nhiều cán bộ kỹ thuật chỉ huy vừa giỏi nghề, vừa có tinh thần đồng đội như anh Phan, anh Ánh, anh Nghinh, anh Đậu đều đã phải trả giá, mà cái giá ấy nhìn mặt này thì đúng nhìn mặt kia lại thấy không công bằng. Vậy nên trong các trường hợp như thế cánh kỹ sư, cán bộ chỉ huy làm mỏ đều buông một câu “tai nạn nghề nghiệp” để vừa ghi nhớ, vừa tự an ủi mình, an ủi lẫn nhau. Bản thân anh Phạm Thế Duyệt cũng đã bị tai nạn lao động gẫy chân trong hầm lò Mông Dương năm 1977.

Anh Phan bảo tôi “sắc cạnh” (?)

Biết được lỗ hổng của xí nghiệp là công tác tài chính kế toán, tôi đã cử một số người còn trẻ có triển vọng đi học Đại học Tài chính, trong đó có Nguyễn Thành Long, Long học giỏi và mỗi kỳ gửi báo cáo kết quả học tập về tôi đều gửi tiền thưởng (như còn đang đi làm) cho. Tôi cũng đã tiếp nhận hai nữ kế toán viên mới ra trường là chị Thiết và chị Mến để đào tạo. Nhưng để lấp nhanh “lỗ hổng” tôi đã xin Công ty điều cho một Kế toán trưởng có kinh nghiệm. Một hôm anh Nguyễn Đức Trắc “rỉ tai” tôi “Công ty định điều em vào chỗ anh, nhưng xin anh giúp cho, em đang muốn chuyển vùng”. Tôi biết nếu có Trắc hỗ trợ thì rất tốt, song thông cảm với anh ta, cũng có nguyện vọng như tôi (“cò” cũng như “chim” thôi mà), tôi đã chuyển sang tiếp nhận anh Lê Văn Cạnh Kế toán trưởng Xí nghiệp Xây lắp mặt bằng. Không biết ai đó đã viết thư cho anh Nguyễn Xâun Tý đang học ở Liên xô nói gì đó. Anh Tý viết thư thăm tôi và có hỏi “người ta bảo rằng cậu sợ “chơi dao sắc bị đứt tay” nên không dám nhận cậu Trắc vào làm kế toán trưởng, có phải vậy không?”. Một điều rất quan trọng là tôi đã yêu cầu các nhân viên kế toán, tài vụ phải tự học thêm, tự nâng cao trình độ, chi phí học tập sẽ do Xí nghiệp đài thọ và Xí nghiệp sẽ tổ chức sát hạch để sắp xếp lại. Trước đó trong năm 1982 Bộ Điện và Than đã mở các lớp “bồi dưỡng kiến thức” cho các giám đốc trong đó có chương trình 12 ngày “đọc và phân tích bảng tổng kết tài sản” của Trường Đào tạo cán bộ (Trường Quản trị kinh doanh-Vinacomin bây giờ) do thầy Vũ Văn Chính giảng. Thầy giảng thật tuyệt vời, cụ thể và sinh động, chỉ mấy ngày thôi đã làm cho học viên phân biệt rõ thế nào là vốn, thế nào là nguồn vốn và các tài khoản chứ “T”, “bên nợ, bên có” nó chuyển dịch thế nào, phân tích và định khoản các “nghiệp vụ kinh tế phát sinh” ra làm sao… Vương Văn Đốc học lớp trước và tôi học lớp sau đều được miễn thi. Năm 1983 tôi liên hệ với trường mời thầy Vũ Văn Chính và thầy Tảo về Xí nghiệp dậy cho tất cả cán bộ chủ chốt, các trưởng phó phòng, các quản đốc, phó quản đốc, các đội trưởng để giúp họ “làm khoán sản phẩm” được tốt hơn. Tôi trở thành “phụ giảng” của thầy Chính. Anh chị em học rất tốt vì đó là cái thứ họ cần, và do thầy giỏi nữa. Đến mức anh Nguyễn Văn Cư lái xe con ngồi “dự thính” học lỏm mà nhớ, hiểu được nhiều ra phết. Anh lái chiếc xe con màu xanh cánh chả Xí nghiệp mới nhận từ kho A mang biển số 14A-50-99, anh bảo đó là xe chở hai tài khoản “tiền mặt” (TK 50) và lỗ lãi (TK 99). Sau khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam tôi đã mời thầy Chính dạy cho tất cả giám đốc, phó giám đốc các đơn vị thành viên và trực thuộc để “xóa” mù “kế toán” cho họ, để họ không còn phải sợ “cái boong ke” kế toán - tài vụ nữa. Chiếc xe con “tiền mặt” và “lãi lỗ” (50-99) gắn với tôi suốt mấy năm, tôi và anh Nguyễn Dậu phải dùng “mẹo vặt” mới có được nó. Hồi đó Bộ cho đưa vào đơn hàng thiết bị toàn bộ của Mỏ Mông Dương 20 chiếc xe UAZ-469, khi hàng về Bộ định điều hết cho các đơn vị khác mà không cho Ban Kiến thiết và Xí nghiệp tôi cái nào, trong khi cả hai đơn vị xe con đã cũ, dùng từ năm 1976. Biết tin anh Phan Thứ trưởng xuống làm việc (anh Phan chuyên đi xe UAZ-469) có vào kiểm tra Mỏ Khe Chàm, anh Dậu và tôi bảo nhau dùng xe tải tháp tùng Thứ trưởng. Xe anh Phan đi trước, anh Dậu ngồi trên một xe ZIL-130 đi sau, cuối cùng là tôi, cưỡi một xe gấu ben (KrAz-256). Vào đến Khe Chàm anh Phan xuống xe rồi mắng anh Dậu và tôi “các cậu định làm loạn hay sao mà cưỡi xe tải đi với tôi?”. “Xe con cũ quá hỏng cả rồi, anh không cho cái mới thì chúng tôi phải dùng xe tải chứ” anh Dậu trả lời. “Thôi được rồi, chỉ được cái sắc cạnh” anh Phan cười hà hà và nói vậy.

Tránh đi học AON Liên xô.

Cuối quý 3 năm 1983, anh Tân từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh đến Xí nghiệp gặp tôi mang theo một ít giấy tờ và truyền đạt ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đại và Ban Tổ chức Tỉnh ủy giao cho tôi làm hồ sơ để chuẩn bị đi học Trưởng đảng AON Liên Xô hai năm. Ngày ấy được đi học AON Liên Xô là vinh dự lắm, tôi biết vậy và cũng biết ý định của Bí thư Tỉnh ủy muốn cho tôi đi học rồi về địa phương công tác. Cũng làm hồ sơ đợt ấy có anh Hà Văn Hiền lúc đó là Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty than Hòn Gai. Tôi yêu nghề làm mỏ, lại nhớ lời bố đã dặn năm nào nên một mặt yên lặng làm hồ sơ để nộp theo chỉ đạo, mặt khác tìm cách nào đó để né tránh. Tôi mang chuyện này ra “tâm sự” với anh Nguyễn Đức Phan, anh Phan bảo “sao chú dại thế, bao nhiêu thằng mơ chả được mà chú lại muốn tránh”. “Em chỉ muốn làm mỏ thôi, lúc nào được thì anh cho em về Hà Nội nhé, còn bây giờ anh giúp em đi!” tôi khẩn khoản. Anh Phan Bảo “ừ, được rồi, bây giờ thế này nhé, sắp tới có đợt đi Liên Xô thực tập về xây dựng mỏ mới trong 6 tháng để chuẩn bị cho Mỏ than Khe Tam, anh định phân công cho Công ty Than Hòn Gai 3 người, Xây lắp Cẩm Phả 3 người và một phiên dịch. Chú đi đi và làm trưởng đoàn nhé. Để anh nói với anh Điểu đã. Tôi, Phạm Văn Sáu và Đinh Tùng Việt được cử đi cùng Nguyễn Văn Kham (Phó giám đốc Mỏ Mông Dương), Lê Thưởng (Trưởng phòng Kỹ thuật Mỏ Mông Dương), Nguyễn Văn Quyên (Cơ điện trưởng máy nâng Mỏ Mông Dương và Bùi Văn Khanh (chuyên viên Ngành xây dựng cơ bản than Hòn Gai) làm phiên dịch.

“Để anh lựa thời cơ” – Tôi về Than 3

Từ lâu tôi đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng với lãnh đạo Công ty Xây lắp Cẩm Phả (anh Phạm Thế Duyệt, anh Phạm Hồng Kỳ, anh Trương Công Điểu) và lãnh đạo Bộ (Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan, Thứ trưởng Trần Anh Vinh và Bộ trưởng Nguyễn Chân) xin được chuyển công tác về Hà Nội vì không muốn vợ một mình nuôi con vất vả. Các anh không mắng mà còn động viên tôi cố gắng công tác khi nào có điều kiện sẽ giải quyết sau. Anh Phạm Thế Duyệt hồi đó đã từ Mạo Khê về làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở G-9 Trung Tự gần với nhà tôi ở D-3, thỉnh thoảng anh đi bộ sang thăm và động viên vợ con tôi. Anh bảo “cô cứ chịu khó khắc phục khó khăn, nuôi các cháu khôn lớn để cho chú ấy yên tâm công tác, thế nào rồi cũng có lúc người ta điều chú ấy về Hà Nội. Anh đây này, có bao giờ anh nghĩ được về Hà Nội đâu, thế rồi đùng một cái cụ Hoàng Quốc Việt xuống cho về”. Đã có lần vợ chồng tôi đến thăm nhà anh chị Nguyễn Đức Phan, vợ tôi nói với anh Phan “Bác giúp cho nhà em về Hà Nội đi, một mình em nuôi hai cháu vất vả lắm hai bác ạ!” Chị Nguyệt vợ anh Phan làm việc ở Thanh tra Bộ cũng bảo: “đúng là cô Loan một mình nuôi hai đứa thì khổ rồi!”. Anh Phan cười bảo “cô cứ yên tâm khắc phục cái đã, để anh lựa thời cơ”. Cái thời cơ ấy đã đến vào đầu năm 1986, sau khi Xí nghiệp tôi bàn giao mỏ Khe Hùm - Tân Lập vào sản xuất. Những nhiệm vụ khác như bàn giao Mỏ than Khe Chàm, Cánh Đông Mỏ than Mông Dương hay đào lò Khe Bố đều đã xong trước đó, Khe Tam thì mới bắt đầu làm đường xá, nhiệm vụ đào lò sau năm 1985 có vẻ như được giãn ra, đành rằng vẫn có khối lượng đào lò xây dựng cơ bản cho cả hai mỏ Mông Dương và Khe Chàm. Anh Nguyễn Đức Phan nói với tôi “anh đã nói với anh Chân Bộ trưởng, anh Chân đã đồng ý cho chú về và bảo anh thu xếp. Anh thấy về Bộ thì khó vì không có chỉ tiêu mặc dù anh Hường (Vụ phó Vụ xây dựng cơ bản) muốn chú về Vụ Xây dựng cơ bản, anh đã bàn với anh Châu Giám đốc Công ty Than 3, anh Châu đã đồng ý rồi.” Tôi mừng quá, “Em cám ơn anh nhiều!”. Anh Phan lại bảo: “Chú cứ chuẩn bị đi, chắc sẽ có quyết định trong quý 1 này thôi, nhưng dù gì cũng phải làm đường nước Bản Tài cho Mỏ Cao Sơn đã nhé!”. “Vâng ạ, em sẽ cố gắng, việc đó không lớn nhưng các anh ấy cần xong sớm!”

Cuối tháng 2 năm 1986 Bộ Mỏ và Than họp “Hội nghị Xây dựng cơ bản toàn ngành”, tôi về dự, đến chào anh Nguyễn Châu - Giám đốc Công ty Than 3 trong giờ giải lao, anh thân mật bắt tay và bảo “anh Phan đã nói chuyện với tôi rồi, anh thu xếp về trên này đi!”. “Vâng ạ, xin cám ơn bác”. Anh Nguyễn Châu lớn tuổi hơn cả anh Phan nên tôi hay gọi bằng “Bác”.

“Vắng như Chùa Bà Đanh”.

Đầu tháng 3 năm 1990 trời vẫn còn se lạnh, thứ trưởng Nguyễn Đức Phan và các cán bộ Vụ Xây dựng cơ bản, Vụ Kế hoạch lên kiểm tra thi công ở Mỏ than Làng Cẩm. Biết anh Phan lên Mỏ Làng Cẩm anh Xuyến nhắn tôi mời anh Phan về qua Mỏ Khánh Hòa thăm anh em. Khoảng hơn ba giờ chiều chúng tôi về đến trụ sở Mỏ than Khánh Hòa, anh Xuyến, anh Tôn và mấy anh lãnh đạo mỏ ra đón anh Phan và anh em cùng đi lên phòng khách ở tầng 2. Anh Phan hỏi thăm tình hình sản xuất, tiêu thụ than của mỏ, nhân thể anh hỏi 5 cái xe Bellaz 27 tấn anh điều từ Công ty Than Uông Bí về cho mỏ có chạy tốt không. Anh Xuyến đáp lời: “Buồn lắm các anh ạ, mấy tháng nay ở mỏ cứ “vắng như Chùa Bà Đanh” ấy, chả có khách khứa gì cả, nên hôm nay tôi mới nhờ anh Kiển mời các anh vào thăm mỏ một tý”. Thăm hỏi một lúc anh Phan đứng dậy xin phép về Hà Nội.

- Ấy, các anh ở lại ăn với anh em chúng tôi bữa cơm đã, anh Xuyến mời vồn vã.

- Bây giờ còn sớm, ăn làm sao được, vừa mới ăn ở Làng Cẩm rồi. Anh Phan trả lời một cách thật thà.

- Biết các anh đến tôi đã bảo anh em nó làm thịt con chó rồi, thôi các anh ở lại với anh em chúng tôi nhé.

- Làm thịt rồi thì để cho anh em họ ăn có sao đâu.

- Không được đâu anh ạ, thôi ăn nhiều ăn ít tùy các anh, các anh ở lại đi để cho anh em nó được “té nước theo mưa” một tý. Anh Xuyến nói với vẻ buồn rầu, thấy thế tôi chen vào:

- Anh Phan ơi, anh Xuyến anh ấy nói đúng đấy, anh em mình ở lại đi, bây giờ còn sớm ta ra thăm công trường mỏ một tý rồi về “đánh chén” là vừa.

- Thôi được rồi, chú Kiển đã nói thế thì anh em mình ở lại các anh nhé.

Nghe anh Phan nói thế anh Tôn, anh Xuyến phấn khởi ra mặt. Anh Xuyến quay ra nói với anh em ở mỏ: “Bây giờ tôi đưa các anh ấy ra công trường, các anh ở nhà chốc nữa gặp lại ở nhà ăn nhé, còn anh Văn (Chánh văn phòng mỏ) bảo anh em nó làm nhanh hơn một tý nhé”. Vậy đấy, chưa ăn mà đã thấy no đầy tình nghĩa và cả vui lần buồn đan xen trong tôi.