Bài 3: “Anh Phan đã vì anh em...”

Đó là chia sẻ của hai nhân chứng quan trọng trong vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra năm 1971 tại Công trường xây dựng Mỏ than Mông Dương khiến ông Nguyễn Đức Phan phải vào tù. Trong kí sự “Từ phạm nhân lên Thứ trưởng” in trong tập sách “Kí sự nhân vật” (Nxb. Hội Nhà văn, 2010 và đăng dài kì trên Báo Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam), Nhà báo Nguyễn Cao Thâm cũng đã kể lại vụ việc này. Theo đó, khi xảy ra vụ tai nạn lao động, ông Phan đang dự họp tại Uông Bí, cách Mông Dương hơn 70 cây số, không trực tiếp chỉ đạo thi công. Tuy nhiên, trước tòa, ông Phan đã nhận hết trách nhiệm về mình và đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.


Ông Vũ Hồng Nghinh

 

 

“ANH PHAN VÌ ANH EM MÀ NHẬN HẾT TRÁCH NHIỆM VỀ MÌNH..."

Bài và ảnh: Nguyễn Thịnh

Đó là chia sẻ của hai nhân chứng quan trọng trong vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra năm 1971 tại Công trường xây dựng Mỏ than Mông Dương khiến ông Nguyễn Đức Phan phải vào tù. Trong kí sự “Từ phạm nhân lên Thứ trưởng” in trong tập sách “Kí sự nhân vật” (Nxb. Hội Nhà văn, 2010 và đăng dài kì trên Báo Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam), Nhà báo Nguyễn Cao Thâm cũng đã kể lại vụ việc này. Theo đó, khi xảy ra vụ tai nạn lao động, ông Phan đang dự họp tại Uông Bí, cách Mông Dương hơn 70 cây số, không trực tiếp chỉ đạo thi công. Tuy nhiên, trước tòa, ông Phan đã nhận hết trách nhiệm về mình và đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhân dịp xuất bản cuốn sách này, chúng tôi gặp những nhân chứng quan trọng trong vụ tai nạn lao động nêu trên. Vụ việc xảy ra đã lâu, chúng tôi không đề cập tới vấn đề đúng sai của bản án ngày ấy mà qua đây đề cao phẩm chất của ông Phan, đã vì đồng đội, vì tình hữu nghị Việt –Xô mà chấp nhận ngồi tù.

Hai nhân chứng quan trong vụ việc xảy ra năm ấy là ông Vũ Hồng Nghinh và ông Trần Văn Nõn. Hai ông đều được đào tạo kỹ thuật đào giếng đứng (thuật ngữ chuyên môn hầm lò – khai thác than) tại Liên Xô trong đoàn thực tập sinh do ông Phan dẫn đầu. Khi xảy ra tai nạn lao động, ông Trần Văn Nõn là Đội trưởng (tương đương chức vụ quản đốc phân xưởng), chỉ huy sản xuất ca trước; ông Vũ Hồng Nghinh cũng là Đội trưởng, chỉ huy sản xuất ca sau.

Ông Trần Văn Nõn, sinh năm 1937, đã qua các chức vụ: Đội trưởng sản xuất, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty. Hiện ông nghỉ hưu tại phường Cẩm Phú, Tp. Cẩm Phả. Ông Vũ Hồng Nghinh, sinh năm 1943, đã qua các chức vụ: Đội trưởng, Phó Giám đốc, Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương (tiền thân của Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò I-TKV). Hiện ông Vũ Hồng Nghinh thường trú tại Km 7, phường Quang Hanh, Tp. Cẩm Phả.

 

Ông Trần Văn Nõn

Ông  Đỗ Mạnh Chí

Dù tuổi đã cao (ông Nõn 80, ông Nghinh 74), sự việc xảy ra cách đây 46 năm, nhưng hai ông vẫn nhớ chi tiết ngày giờ, diễn biến của vụ tai nạn lao động. Hai ông cho biết: Vụ tai nạn xảy ra vào ca 2, ngày 19/8/1971 tại Công trường đào giếng phụ. Mỏ Mông Dương có hai giếng đứng. Giếng chính do người Pháp đào từ năm 1934. Đến năm 1967, ta khôi phục lại, dùng để vận chuyển than. Giếng phụ, do Liên Xô thiết kế, Công trường Xây dựng Mỏ than Dương, thuộc Công ty Xây dựng mỏ than - Bộ Điện và Than thi công. Giếng phụ có đường kính 6m, đào từ mặt bằng +6 xuống âm 97,5 mét, dùng để chở người và vật liệu.

Vụ tai nạn xảy ra khi đang đào cổ giếng ở độ sâu 13,6 m. Ông Trần Văn Nõn kể, ca 1 hôm đó, Đội đào lò I do ông chỉ huy đến công trường chuẩn bị đổ bê tông phần cổ giếng thì trời mưa rất to, không thể thi công được. Đến ca 2, trời ngớt mưa, Đội đào lò 2 do Vũ Hồng Nghinh chỉ huy, tiếp tục thi công. Khi đang đổ bê tông thành giếng ở độ sâu 13,5 mét thì xảy ra sự cố. Lúc đó khoảng hơn bốn giờ chiều. Ông Vũ Hồng Nghinh kể: Trước khi xảy ra tai nạn lao động, một nhóm thợ đào lò của Đội 2 đang làm các công việc chuẩn bị để đổ bê tông ở dưới giếng. Để đảm bảo an toàn cho thợ làm việc, trên miệng giếng có sàn bảo hiểm che chắn rất kiên cố. Chỉ huy sản xuất ca này còn có ông Trương Văn Trước, Đội phó, phụ trách cơ điện. Biện pháp đổ bê tông trong quá trình đào giếng được thực hiện theo quy trình: Ô tô chở vữa bê tông đến miệng giếng, sau đó nâng ben rót vữa xuống máng rót bên sàn bảo hiểm. Vữa bê tông từ máng rót tuồn xuống theo đường ống bên thành giếng trôi xuống vị trí đổ bê tông.

Biện pháp đổ bê tông này do chuyên gia Liên Xô thiết kế, đảm bảo tối ưu và an toàn và được áp dụng trong suốt quá trình đào giếng. Tuy nhiên, do sàn bảo hiểm được hàn bằng sắt I240; sau mưa, trên miệng giếng lầy, xe ô chở nặng lùi đi, lùi lại nhiều nên các mối hàn bị nứt. Khi xe lùi vào đổ bê tông thì sàn bảo hiểm bị sập, làm chết 2 người, bị thương 2 người. Hai công nhân tử nạn là Nguyễn Văn Thảo và Phạm Văn Huyền.

Sau vụ tại nạn xảy ra, các cơ quan chức năng của tỉnh đến điều tra nguyên nhân và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị bị can là ông Trương Công Minh, Chỉ huy trưởng Công trường và ông Nguyễn Đức Phan, Phó Chỉ huy trưởng Công trường, phụ trách kĩ thuật. Thời đó đang chiến tranh, tòa án phải hoãn nhiều lần. Ông Phan bị tòa triệu tập nhiều lần, đến lần thứ 5 mới xét xử phúc thẩm. Hôm tòa xét xử phúc thẩm, mưa bão rất to. Dọc quốc lộ 18, cây đổ ngổn ngang. Dù vậy, đông đảo  cán bộ và anh em thợ đào lò giếng Mông Dương vẫn tới dự. Nhìn hai thủ trưởng đã cùng anh em chịu đựng gian khổ, ra sức khôi phục, xây dựng mỏ Mông Dương nay đứng trước vành móng ngựa ai cũng thương nhưng không cách gì bảo vệ cho cho ông Minh và ông Phan. Hàng trăm kĩ sư, cán bộ tại các mỏ: Mạo Khê, Vàng Danh, và các mỏ vùng Hòn Gai, Cẩm Phả đã kí vào đơn kiến nghị các cơ quan chắc năng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Phan và ông Minh nhưng không được các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh giải quyết. Tại phiên tòa này, kĩ sư, cán bộ, công nhân các mỏ cũng tới dự rất đông, rất nhiều ý kiến thuyết minh các chi tiết kỹ thuật hầm lò than được đề đạt tới các cơ quan tố tụng nhưng cũng không thể làm thay đổi được phán quyết về trách nhiệm của ông Phan và ông Minh. Tranh tụng tại phiên tòa diễn ra khá gay gắt nhưng cuối cùng, Tòa tuyên phạt ông Phan 18 tháng tù giam và ông Trương Công Minh 1 năm tù giam. Ai cũng tiếc, ngậm ngùi thương ông Phan, ông Minh. Chỉ vì thương anh em mà ông Phan đã nhận mọi trách nhiệm về mình.

Trong cuộc sống hôm nay, bên cạnh muôn vàn những điều tốt đẹp, những tấm gương hết lòng vì công việc, vì mọi người thì đâu đó đã và đang tồn tại không ít câu chuyện “tranh công, đổ lỗi”; “chạy chọt” đủ thứ…Ghi lại câu chuyện trên, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ cùng bạn đọc một điều: Sự thật – dù là phũ phàng và khắc nghiệt đến đâu nhưng để tôn trọng và chấp nhận sự thật đòi hỏi phải là người có tâm và có bản lĩnh tuyệt vời. Và một thời, những người trong câu chuyện kể trên đã chứng minh điều đó./.