Nhà thơ Trần Quốc Thực

Tiễn nhau một bận qua bậu cửa/ Tiễn nhau lẫn nữa trong chiêm bao/ Xa ngoắt ngõ xanh bạn biến khuất/ Tôi đã gói khăn ở kiếp nào.

NHÀ THƠ TRẦN QUỐC THỰC - BÂY GIỜ MỚI KỂ

Trần Quốc Thực hơn tuổi nhưng trong họ lại phải gọi tôi là cậu. Nhà Thực ở phố Minh Khai và nhà tôi bên kia sông, làng ổi Đình Tràng. Chúng tôi luôn bên nhau trong quãng thời khốn khó và cùng nhau viết cho Hội VHNT Nam Định (Ngày đó là Hà Nam Ninh)…
Mẹ Trần Quốc Thực là bà Lưu Thị Nhung gọi bố tôi bằng Cậu, làm nội trợ và sau đó làm xã viên HTX Tiểu thủ công nghiệp Tiến Lập. Bố Thực là ông Trần Tùng, làm ký ga thời Pháp và sau hoà bình làm ở Ty Tài chính Tỉnh Hà Nam… Thực Lấy cô giáo Yến và sinh ra cháu Diệu Châu… Sau này hai người chia tay và cô Yến, cháu Diệu Châu về làm ở báo Phụ nữ VN.
Những năm 80 Phủ Lý sau chiến tranh vô cùng nghèo khó, chúng tôi đói quay đói quắt. Nhà Thực ở phố nhưng không thể gọi đấy là nhà. Thực nhờ hai đầu hồi nhà bên, gác cây que tạm bợ, nhặt nhạnh vật liệu ở các công trình nhà nước đang xây, đắp lên mái, chỗ thì giấy dầu, chỗ tranh cỏ bái, chỗ lá gồi. Nhìn vào căn nhà ấy y hệt nhà của kẻ ăn mày nhưng có ai ngờ trong ấy chứa 3 con người: Một cô giáo dạy văn cấp 3 rất giỏi chuyên môn, một nhà thơ khá nổi tiếng và một cô bé xinh như búp bê. Tài sản lớn nhất là chiếc quạt con cóc chạy điện 110 vôn nhưng mạng lại là 220 V. Muốn chạy được phải mắc song song 1 bóng 110 vôn nữa.
Ngày Tết mới khổ. Trên ban thờ bằng vỏ hòm đạn chỉ có hộp mứt và mấy bông hoa, không bánh trái. Thực bị ho lao nên ngồi ở một xó nhà bên cái bếp điện hý hoáy nướng bánh đa và có cút rượu con con. Tất cả phần thịt dồn vào cái niêu đất mua 6 hào ngoài chợ để kho thịt với gừng dành cho đứa con gái tội nghiệp. Diệu Châu thích ăn thịt kho gừng nên phần tem phiếu (Loại E là 2,5 lạng) Mẹ Yến vẫn dành tất cả cho con, hai vợ chồng nếm náp qua loa chút bì lợn… Ngày 1 Tết tôi góp thêm cái bánh chưng và 1 chai rượu… Thực ít nói, hai cậu cháu lặng lẽ ngồi bên nhau, lặng lẽ ngắm người ta mặc quần áo đẹp đi chúc Tết đầy đường - Lặng lẽ ngắm lên ban thờ rồi lặng lẽ nhìn lên mái nhà nhiều lỗ thủng… Lặng lẽ thở dài…
Tôi và Thực chơi thân với Phan Cung Việt báo Tiền Phong. Chủ nhật, Việt hay về chơi và đi bơi đò trên sông Châu Giang. 
Tôi nhớ một lần Việt về chơi, nhà không còn hạt gạo. Thực nháy tôi lẻn bán cái quạt cóc cổ lỗ để kiếm gạo nấu cơm. Tôi đi bán mãi không được, ai cũng bảo quạt 110 không mua. Bí quá tôi xuống cơ quan tạm ứng lương và đong được mấy lon gạo nhưng về đến nhà thì cái quạt cóc lại bị mất trộm. 
Thấy tôi thầm thào vào tai Thực. Việt tra khảo, biết chuyện Việt khóc như trẻ con và chiều ấy chính Phan Cung Việt lẻn bán cái Phượng Hoàng xích hộp màu cánh chả để Thực có tiền đong gạo… Việt nhảy ô tô về Hà Nội
Ngày Thực được kết nạp vào Hội VHNT Hà Nam Ninh tôi còn nhớ mãi. Bữa đó là ngày làm việc tại cơ quan nên tôi không đi được. Đi cùng Thực có Đỗ Quốc Thuấn cũng là nhà thơ. 
Chiều ấy từ Nam Định về, Thực ghé vào cơ quan tôi thông báo tin vui. Thực đưa 2 kỳ nhuận bút của tôi, tất cả góp vào đi lên hoan. Quán chúng tôi đến là quán Cụ Hiến, cả 3 người ăn hết hơn 10 cái bánh chưng (loại nhỏ cắn vài miếng chưa thoả) uống nửa lít rượu và mấy gói lạc rang… Ấy vậy mà vẫn không đủ tiền trả, tôi phải ký sổ lại (bà Hiến quen tôi)
Khi ra về cả 3 thằng say ngất ngưởng. Ra khỏi quán một đoạn bỗng Thực nắn túi hốt hoảng quay vào. Thực quên cái máy lửa “tàu bò” Trung quốc trên bàn, (loại bật lửa đánh bằng xăng, nhiều khi phỏng tay mới ra lửa). Thuấn cũng vào theo. Hai ông nhà thơ, ai cũng nhận là của mình và cãi nhau chí choé. Cãi nhau chán hai người xông vào vật nhau, vật nhau chán rồi ôm nhau khóc. Tôi cứ đứng mà nhìn không biết làm sao.
Ngày Thực đi học trường viết văn Nguyễn Du. Tôi là người làm hồ sơ ma. Lúc ấy hội VHNT Nam Định không cho Thực đi và không làm thủ tục giới thiệu hội viên… Ở phố, Thực chỉ là thợ ảnh chết đói của HTX nhiếp ảnh Biên Hoà. Tôi là người giữ con dấu của Đoàn TN và của Công Đoàn nên nhờ người đánh máy công văn sau đó “ma mèo” đóng dấu mờ mờ ảo ảo… Thực học cùng khoá với Trần Đăng Khoa (sau đó Khoa đi Liên Xô).
Biết chuyện hội VHNT Nam Định kiện khi Thực đang học năm thứ 2. Thực bị Tổ chức nhà trường gọi lên xuýt bị đuổi học vì giấy tờ giả… Thực chạy đến nhà Thứ trưởng Cù Huy Cận thú tội và khóc với Thứ trưởng: "Người ta cần nguyên tắc còn cháu chỉ cần học, xin Nhà thơ tha cho cháu"… Thứ trưởng Nhà thơ Cù Huy Cận can thiệp thế là qua khỏi. Nhắc lại chuyện này chắc các cơ quan Pháp luật không nỡ hạch tội tôi vì tôi đã bao che, man trá để sau này Hội Nhà văn VN có một Nhà thơ lớn, rất thành danh… Khi học xong, Thực về làm ở báo Văn nghệ và là biên tập báo Dân tộc và miền núi. Trước khi qua đời, Trần Quốc Thực là Biên tập thơ của Hội Nhà văn VN. Chính Thực đã nâng đỡ, phát hiện cho đất nước bao nhân tài và tự tay biên tập nhiều tập thơ lớn cho các tác giả tên tuổi.
Trần Quốc Thực – Nhà thơ lớn của đất nước đã qua đời. Bao nhiêu bài báo, bao nhiêu ngợi ca của văn nghệ sĩ cả nước như nén tâm nhang kính tặng một nhân tài. Riêng tôi cùng là huyết nhục, cùng là bạn viết, bây giờ tôi mới bật mí những điều mà các nhà thơ, nhà văn chưa hề biết. Xin chia sẻ bài thơ Thực viết trước khi mất.


TIỄN
Bạn đi nhé, thôi không tiễn nữa
Một tay nâng chén dâng ngang mày
Bạn đi nhé, thôi, không giấu nữa
Một tay còn bận giấu khăn tay
Ngày mai bạn đã phương xa lắc
Ngẫm nhau, nắng se sẽ ngả màu
Ngày mai tôi đã khung trời khác
Muốn nhắn gì sang không dễ đâu

Tiễn nhau một bận qua bậu cửa
Tiễn nhau lẫn nữa trong chiêm bao
Xa ngoắt ngõ xanh bạn biến khuất
Tôi đã gói khăn ở kiếp nào.