Phạm Ngọc San sống và viết và vẽ...

Nhà thơ Phạm Ngọc San còn có bút danh là Thôn Nhân Phạm. Di chứng chiến tranh khiến sức khỏe anh ngày càng hao mòn, mấy chục năm anh chủ yếu sống trên giường bệnh, nhưng anh vẫn làm thơ, vẽ tranh giữa những cơn đau. Sáng tạo nghệ thuật và tình yêu của vợ con, gia đình, bạn bè... là những cái neo vững chắc, neo anh lại với cuộc đời. Ở tuổi 75, anh vẫn viết những câu thơ trẻ trung, tinh tế và giàu khao khát đúng như tâm hồn thầm lặng đầy ý chí chịu đựng của mình. TPM xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Ninh Hồ về hai tập thơ “Hoàng hôn không yên lặng” NXB Văn học 2006 và “Chạng vạng hoa đèn” NXB Hội nhà văn 2011 của Nhà thơ Phạm Ngọc San.


Vợ chồng Nhà thơ Phạm Ngọc San và bạn bè. 28/5/2017.

PHẠM NGỌC SAN SỐNG VÀ VIẾT VÀ VẼ…

 

“Hoàng hôn không yên lặng” đấy là tên tập thơ Phạm Ngọc San cho ấn hành năm 2006. Gần sáu năm sau, cuối 2011, anh cho ra đời tập “Chạng vạng hoa đèn”. Cộng hai tập sau hơn ba mươi năm làm thơ là 108 bài. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên với Thiên can và Địa sát? Trong con số ấy dường như có chứa 81 khổ nạn dọc đường “Thiên sơn vạn thuỷ” thỉnh kinh.
Nhà thơ này làm thơ bằng tình yêu và không ít khổ nạn. Không phải ngẫu nhiên mà trong tên của cả hai tập đều có bóng hình của “hoàng hôn” và “hoa đèn” – bóng hình của mong manh và thậm chí trăng trối!
Xin lỗi bạn đọc khi viết những dòng trên đây chính tôi cũng cảm thấy bi luỵ! Với ai thì điều đó ta nên tránh, nhưng với nhà thơ này thì hình như không cần, bởi nó là sự thật. Một sự thật của đời mà ta né tránh thì cảm thông thế nào với sự thật trong thơ?
“Hoàng hôn” ư? Có biểu tượng nào đúng hơn với một người làm thơ từ thanh xuân cho đến lục tuần mới cho in, nghĩa là khi đã hơn một “hoa giáp”, hai phần ba đời người!
“Hoa đèn” ư? Cái đèn này cơ chừng đã lụi bấc, cạn dầu, lại còn “chạng vạng” nữa! “Chạng vạng” ở đây không chỉ là cái chạng vạng nửa tối nửa sang cuối chiều của một ngày, mà có lẽ cả một đời người nữa! “Chạng vạng” ở đây còn là bóng dáng người đi trong già nua, lão, bệnh. Sinh, Lão, Bệnh, Tử! Với ai thì bốn chữ này chỉ gợi lên cái “Tứ nạn”, nhưng với Phạm Ngọc San thì hình như không chỉ ở mức “gợi lên”, mà là cả một sự  “trầm hà”!
Nhưng, đọc, suy ngẫm và lại đọc, lại suy ngẫm thì “Hoàng Hôn Không Yên Lặng” chút nào! “Hoa Đèn” còn đỏ rực lên chờ đón những tin vui! “Chạng Vạng” không còn là bóng dáng người đi trong già nua, lão, bệnh, tử! Mà chỉ còn một tâm hồn mãnh liệt, lắng sâu trong giờ khắc yên tĩnh nhất của một ngày, của một đời để suy tư về tình yêu, về con người, về quê hương đất nước về cuộc đời đã qua và về cả mai sau.
Vâng, đúng là như thế! Nếu cách đây chừng hơn ba mươi năm, trước một Phạm Ngọc San tươi tắn, nhanh nhẹn; một kỹ sư du học từ nước ngoài về; lại là Phó chánh văn phòng của một Tổng công ty lớn; một ông bố của hai đứa con xinh đẹp, học giỏi; một người chồng của một người đàn bà đầy đặn, hiền dịu… thì làm sao mà hình dung nổi vận nạn?
Nhưng cuộc đời là vậy! Ở một đất nước gần nửa thế kỷ phải gồng mình chống trả với toàn những kẻ thù hung bạo nhất, nham hiểm nhất; Phạm Ngọc San lại là một người lính, mà người lính đi đầu sóng, ở những nơi, làm những việc trong phóng xạ và độc chất hoá học, thì làm sao có thể tránh khỏi vận hạn!
Ấy vậy nhưng mà Phạm Ngọc San vẫn sống!
Cụ thể là Phạm Ngọc San đang ngồi đây, ngay cạnh chúng ta! Chị San thì hình như cũng đang nấp nỏm ở đâu đó để lo cho anh từng bước xa nhà. Khốn khổ, người đâu mà cẩn thận đến nỗi mỗi khi tôi đến thăm anh, bốc đồng lôi anh lên xe để đi dạo chơi thôi, chị ấy cũng dặn dò đủ điều. Đi rồi lại điện thoại theo! Thế là Phạm Ngọc San đã sống, sống trong sự ân cần. Phạm Ngọc San còn sống với hai người con. Một cô giáo thạc sỹ ngữ văn giảng dạy trong một học viện quân sự và một tiến sĩ y khoa là cậu con trai. Những người con này, mỗi khi có khách đến thăm, họ vui mừng hơn cả bố San vì họ thương bố cô đơn, bệnh tật và buồn. Lại còn đàn cháu, tôi không nhớ là ba hay bốn đứa, cứ lít nhít một đàn “ông ơi”, “bà ơi”!
À còn một điều nữa không kém phần quan trọng cho một sự sống cho ra sống. Ấy là Vẽ và Thơ!
Nhà thơ ấy vẽ thế này:

“Duyên phận chi giữa một chiều mưa

 

Trời trở lạnh nuốt chùm tia nắng ấy

 

Anh lại ngây ngô bàn tay run rẩy

 

Và mặt toan mưa đổ nét vô bờ!”
Anh vẽ cảnh sắc hay vẽ cuộc đời khi anh viết:

“Nước đưa mây về đâu

 

Sau chặng đường phiêu lãng …

 

Sông chở hoàng hôn về đâu

 

Sau phút hôn hoàng toả sáng”
“Nay hoàng hôn lại ngày mai hôn hoàng”, hình như  Nguyễn Du đã viết thế. Nhà thơ Phạm Ngọc San học cụ một cách đầy mới mẻ. Anh đảo từ “hoàng hôn” mà như đảo một buổi chiều số phận: “Sau phút hôn hoàng toả sáng”. Nhìn thấy hoàng hôn toả sáng ở phía cuối đời người phải là một người yêu đời đến thế nào?
Yêu đời cả những khi đã bệnh tật đến mức “bất động”: “Bất động lâu mới hiểu/ Ầm ỳ vọng đêm ngày/ Tiếng đời ôi xa thế / Nặng trĩu mà nhẹ bay.”
Ngẫm cái tiếng vọng của đời đến mức cảm thấy “Nặng trĩu mà nhẹ bay” thì quả là một tâm tình quý giá. Và chỉ có thế mới có thể đón bạn đến thăm bằng cả cảm – giác – trời – đất  như anh.

“Lúc bạn bè ào đến

 

Căn phòng ngập gió mây

 

Đa tạ cùng bạn hữu

 

Mang trời đất vào đây” (trang 10, Hoàng hôn không yên lặng)
Tôi cũng đã viết nhiều về gió, và cũng đôi lúc cảm thấy vẫn còn nhiều bất lực trước gió :

“Tôi không viết cho em…chao ơi

 

Nhưng mà gió…Tôi bàng hoàng không biết phải làm chi”
(tuyển tập thơ Trần Ninh Hồ)
Nên rất thèm những  câu thơ về gió của Phạm Ngọc San trong “mênh mang giao thừa phố”:

“Mưa bay mờ phố nhỏ

 

Lối cũ nhoà mênh mông

 

Lạnh tay chạm gió bấc

 

Thầm tính tuổi mùa đông”
“Thầm tính tuổi” là cũng đã sốt ruột lắm về sự trôi một đi không trở lại của thời gian rồi, nhưng lại “tính tuổi  mùa đông”, cái mùa cuối của một năm, hay cái mùa cuối của cuộc đời, thì sẽ còn sốt ruột đến bao nhiêu.
Ấy vậy mà nhà thơ này vẫn chưa dừng sự sốt ruột ấy lại đâu khi anh nhìn ra cây bàng :

“Góc phố bàng trụi lá

 

Qua mùa tự đốt mình”
“Tự đốt mình”  là “tự hoả thiêu” mới thực sự là “về” (sống gửi, thác về), mới thực sự đắc đạo! Đắc đạo sống, đắc đạo vẽ, đắc đạo thơ. Thơ hay đến đâu, không thể biết, nhưng dám sống như bàng thế này thì chỉ có ở những người yêu đời lắm! Yêu qua cả hạnh phúc và khổ đau!
Yêu đời thế nên đời “đãi” anh  không ít bài thơ hay. Tất nhiên đời “đãi” anh, nhưng anh cũng phải là người biết “đãi cát tìm vàng” thì mới gặp, mới đến, mới nên như bài “Yên bình” (trang 5, Chạng Vạng Hoa Đèn) với những câu “Một thời khói lửa đã qua/ Vết thương thức ngủ như là gió mưa”. Ấy là cái đau cái lo của thời chiến. Còn cái lo khi “yên bình” cũng thật là dễ sợ khi “dạ trống, đồng không ”: “Bây giờ gió rít đồng không/ Nghe như đạn réo bom rung chiến trường”. “Đổi mới hay là chết!”, đấy không chỉ là một khẩu hiệu!…
Sốt ruột tìm hơi ấm của tình người nữa dẫu phải chắt chiu đến mức: “Xoè tay chắt nắng tìm hơi ấm/ Hứng chút hương thầm ngọn gió bay/ Cứ gội mưa cho lòng nguội lửa/ Thầm thì với lá để cùng say” Không chỉ có người, mà lá cũng là tri kỷ!
“Bóng chính ngọ” (trang 10,Chạng Vạng Hoa Đèn) thế là sắp hoàng hôn. Lại  nóng ruột và khao khát ân tình! “Chính ngọ ư? Cả bóng và tôi/ Muốn đối diện mặt không thấy mặt” Và cái giờ “Ngọ” ấy quả là “mốc giữa thời gian” khiến “Bóng lặn mất và hình như hoá đá/ giữa bụi hồng ta, đá đơn côi”!
Đi và vấp, nhớ và quên, tất nhiên rồi, nhưng không khi nào rơi vào nhạt nhẽo: “Lối đi, lạc lối/ Vấp vào ngày xanh/ Lối về, quên – nhớ / Sương muối mặn cành” (Khúc giao mùa trang 11, Chạng Vạng Hoa Đèn )
Nghĩ thế, sống thế, cho nên truân chuyên nhiều mà có những khoảnh khắc thanh thản đến lạ lùng:

“Lý ngư vọng nguyệt mơ màng

 

Còn ta vọng dấu thời gian vơi đầy

 

Thả hồn mặt nước, chân mây

 

Câu thơ thả sóng, lòng đầy bóng trăng”.
“Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa”. Đây cũng lại không phải chỉ là một khẩu hiệu.
Quý biết bao những cuộc đời như thế, có bạn ta –  nhà thơ Phạm Ngọc San, đang ngồi kia, đang bước đi từng bước chật vật quá chừng sau những năm tháng chiến tranh!