Ân nhân của môi trường
Với bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng, hai tiếng “môi trường” dường như đã ngấm vào máu...
Bà Nguyễn Ngọc Lý(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trong một buổi chiều muộn ngày cuối năm tại phòng làm việc ở khu Ngoại giao Đoàn Trung Tự (quận Đống Đa, TP Hà Nội), người phụ nữ ngồi trước mặt tôi trông trẻ hơn nhiều so với tuổi lục tuần.
Câu chuyện bắt đầu bằng thời tuổi trẻ mải mê theo đuổi học thuật ở các nước. Từ năm 1983, sau khi tốt nghiệp kỹ sư hóa thực phẩm của ĐH Hóa kỹ thuật Praha (Tiệp Khắc cũ), bà Nguyễn Ngọc Lý về nước, giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm năm sau, bà bắt đầu học thạc sĩ công nghệ môi trường ở Viện Công nghệ châu Á tại Thái Lan. Học xong, bà Lý về nước làm việc rồi tiếp tục qua Mỹ học lấy bằng thạc sĩ khoa học thông tin và thư viện của ĐH Maryland. Còn tấm bằng thạc sĩ quản trị công của ĐH Harvard (Mỹ), bà nhận được lúc 50 tuổi.
Bảy năm trước, bà Nguyễn Ngọc Lý rời vị trí làm việc mà nhiều người mơ ước ở cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam để dồn hết tâm sức thành lập Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR). Ban đầu, CECR chỉ vỏn vẹn 2 người: bà và một sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tại trung tâm này, bà bắt đầu công trình khoa học đầu tiên bằng việc đi đếm hồ Hà Nội. Đó là năm 2009 - thời điểm truyền thông đang lên tiếng mạnh mẽ về sự “bức tử” các hồ ở thủ đô chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
“Thực sự tôi cứ băn khoăn không biết Hà Nội có bao nhiêu cái hồ, hỏi thì không có một số liệu thống nhất của các cơ quan liên quan” - bà Lý nói.
Khi bắt tay vào việc đếm từng cái hồ rồi xem nó “sống” hay “chết” nhằm xây dựng một bộ dữ liệu đầy đủ, bà không ngờ công việc lại nhọc nhằn đến thế. May mắn là ý tưởng này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều giảng viên, sinh viên với 150 người tham gia, hoàn toàn tự nguyện và gần như làm không công. Đến đầu tháng 10-2010, cuốn sách báo cáo thông tin nền về hồ Hà Nội hoàn thành. Đến bây giờ, nhiều người vẫn nhận xét đó là một cuốn sách đầy ý nghĩa, có sự đóng góp của cộng đồng và là cẩm nang cho nhiều cơ quan, tổ chức cũng như giới truyền thông khi viết về hồ Hà Nội.
“Tôi không thể quên hình ảnh một nữ giảng viên tên là Hương ở Trường ĐH Bách khoa. Hôm ấy, nhà đài báo bão nhưng Hương đã ở các hồ suốt từ 7-19 giờ để lấy mẫu nước phân tích. Đến khi xong việc trở về, chợ đã đóng cửa, chẳng mua được cái gì tươm tất nấu bữa tối cho gia đình” - bà Lý kể.
Từ câu chuyện hồ Hà Nội, bà Lý nhận thấy người dân ít quan tâm đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Sau gần 80 nghiên cứu khác nhau về môi trường ở nhiều tỉnh - thành, bà Lý kết luận nếu không có luật kiểm soát ô nhiễm nước thì câu chuyện Formosa sẽ quay trở lại và hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây sẽ tái diễn.
“Thời điểm ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai) năm 2008, nhiều người nghĩ rằng sẽ không để trường hợp lớn hơn thế xảy ra. Thế nhưng, bây giờ, câu chuyện như sông Thị Vải trở nên quá nhỏ bé so với thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung” - bà Lý cho biết.
Bảo vệ môi trường vẫn luôn là thách thức, không những với Việt Nam mà của cả thế giới. Không một chính phủ nào có thể làm được nếu thiếu sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp hay cộng đồng. Muốn tạo sự thay đổi, cần gieo được ý thức trong chính mỗi người dân; chúng ta không làm thay mà giúp họ thay đổi nhận thức để đồng thuận tham gia.
“Người Việt rất dễ xúc động. Cá chết ở hồ Tây, báo chí và mạng xã hội loan tin rất nhanh. Thế nhưng, chỉ sau 2 tuần, khi cá chết được dọn hết, nỗi xúc động đó không còn nữa. Chúng ta phải đưa ra được các bài học sau những sự việc ấy hơn là nỗi xúc động nhất thời” - bà Lý nhìn nhận.
Rồi bà đến nhiều nơi bị ô nhiễm nặng để xem xét, nghiên cứu, rỉ rả đưa khuyến nghị. Bà mừng vì đã được nhiều nơi ủng hộ. Tại Bình Dương, bà đề xuất ý tưởng cứu suối Bưng Cù - một con suối “chết” trong một thời gian dài bởi ô nhiễm chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Chính quyền đã họp dân và mọi người đồng thuận cùng bắt tay vào làm. Bây giờ, tình trạng ô nhiễm ở suối Bưng Cù đã được cải thiện. Hay mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ hồ Đền Lừ ở Hà Nội do Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) khởi xướng từ năm 2010. Hội đã tổ chức giám sát chéo, nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi, trồng hoa và cây cảnh quanh hồ, tạo dựng thói quen, nếp sống cho các cộng đồng quanh hồ về ý thức tự giác bảo vệ.
Quá trình vận động để thay đổi nhận thức cộng đồng có thể thành công hay thất bại nhưng cần tính kiên nhẫn. “Ít nhất, mình là người khởi xướng, ít nhất người ta đã nghĩ đến và bắt đầu thay đổi nhận thức để giám sát ô nhiễm cũng như bắt tay vào việc” - bà Lý nói.
Mọi thứ với người phụ nữ đạt nhiều danh vị này dường như đã đủ đầy, vậy mà bà vẫn ngược xuôi hết Nam lại Bắc, hết trong nước lại nước ngoài, suốt ngày rong ruổi trên hành trình dài bất tận. “Nghỉ ngơi tức là không làm gì à? Thế thì chỉ có chết mới nghỉ thôi. Còn mình thấy như bây giờ là mình đang nghỉ ngơi đây” - bà cười hóm hỉnh.
Khi bạn bè cùng trang lứa phần lớn đã nghỉ ở nhà để trông cháu, bà lại có toàn thời gian để làm việc mình thích; được sáng tạo, truyền cảm hứng và thổi bùng ngọn lửa đam mê cho những cộng sự và cộng đồng. Với bà, đó chính là hạnh phúc.
Theo Người Lao động