Bài 2: Anh cả...

Đó là những cán bộ, công nhân được đào tạo kỹ thuật đào giếng đứng ở Liên Xô do bác Nguyễn Đức Phan dẫn đầu. Về nước, họ là những người đầu tiên cải tạo, xây dựng mỏ than Mông Dương - mỏ than hiện đại đầu tiên ở Việt Nam mở vỉa bằng công nghệ giếng đứng. Sau này, đa số họ trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đơn vị; chỉ huy sản xuất; đào tạo công nhân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng mỏ than Mông Dương và nhiều công trình xây dựng mỏ hầm lò khác. Người anh cả của “những bậc công thần” ấy là bác Nguyễn Đức Phan. Từ năm năm 1985, “Những bậc công thần”đã thành lập Câu lạc bộ những người xây lắp mỏ Mông Dương. Đây là nơi để họ mãi gắn bó với nhau, thương yêu nhau. Chúng tôi đã xuống Cẩm Phả, Mông Dương, nghe các thành viên CLB kể về thời oanh liệt của họ và về người anh cả của mình - bác Nguyễn Đức Phan.

ANH CẢ CỦA NHỮNG “BẬC CÔNG THẦN” XÂY LẮP MỎ MÔNG DƯƠNG

Bài và ảnh: Nguyễn Thịnh

Đó là những cán bộ, công nhân được đào tạo kỹ thuật đào giếng đứng ở Liên Xô do bác Nguyễn Đức Phan dẫn đầu. Về nước, họ là những người đầu tiên cải tạo, xây dựng mỏ than Mông Dương - mỏ than hiện đại đầu tiên ở Việt Nam mở vỉa bằng công nghệ giếng đứng. Sau này, đa số họ trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đơn vị; chỉ huy sản xuất; đào tạo công nhân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng mỏ than Mông Dương và nhiều công trình xây dựng mỏ hầm lò khác. Người anh cả của “những bậc công thần” ấy là bác Nguyễn Đức Phan.

Từ năm năm 1985, “Những bậc công thần”đã thành lập Câu lạc bộ những người xây lắp mỏ Mông Dương. Đây là nơi để họ mãi gắn bó với nhau, thương yêu nhau.

Chúng tôi đã xuống Cẩm Phả, Mông Dương, nghe các thành viên CLB kể về thời oanh liệt của họ và  về người anh cả của mình - bác Nguyễn Đức Phan.

Một thời oanh liệt

Khi nhận nhiệm vụ gặp gỡ, phỏng vấn những người đầu tiên xây dựng Mỏ than Mông Dương, thú thật, tôi đã rất ngần ngại. Lo rằng, các bác đã nghỉ hưu ở mỗi người một nơi, rất khó tìm gặp. Mặt khác, tuổi các bác đã cao, toàn trên dưới 80 mươi, liệu các bác có còn nhớ những sự kiện xảy ra cách đây 50 năm? Nhưng thật bất ngờ: Đa số các bác trong CLB đều nghỉ hưu ở Cẩm Phả, Mông Dương và vẫn đang khỏe mạnh, minh mẫn. Bác Phạm Văn Đọc, hiện ở khu Vũ Môn, gần cầu Trắng, thị trấn Mông Dương, năm nay tròn 80 mà gọng nói oang oang, phong độ như lục tuần vậy.

 

Vợ chồng bác Phạm Văn Đọc

Điều thú vị là đa số gia đình các bác đều có con cháu làm nghề mỏ; trong đó nhiều nhà cha truyền con nối - cha làm thợ lò, sau này con trai cũng theo học nghề hầm lò. Điển hình là bác Vũ Hồng Nghinh, từ thợ lò phấn đấu trở thành Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương. Nay, con trai bác Nghinh là anh Vũ Hồng Khánh là Quản đốc Phân xưởng đào lò chủ lực của Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò I - tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương. Bác Ngô Hồng Khanh (đã mất), cũng từ thợ lò, phấn đấu trở thành Quản đốc rồi Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương. Sau này, con trai bác Khanh là anh Ngô Đức Quảng, kĩ sư hầm lò, từng là Giám đốc Công ty than Thống Nhất…

Tại Tp. Cẩm Phả và thị trấn Mông Dương, chúng tôi đã gặp các bác: Vũ Hồng Nghinh, Trần Văn Nõn, Đỗ Mạnh Chí, Phạm Văn Đọc, Trương Văn Trước…và một số thành viên ở Hà Nội. Các bác cho biết: Đoàn tu nghiệp tại Liên Xô năm ấy gồm 104 người. Trong đó có 4 phiên dịch và 100 thực tập sinh được chia thành 4 tổ. Mỗi tổ ở 1 thành phố. Hàng tháng, bác Phan xuống các tổ kiểm tra và động viên anh em học tập.Thời gian học tập, lao động tại Liên xô 18 tháng (từ tháng 5/1967 đến 10/1968).

Khi về nước, đoàn tu nghiệp ở Liên Xô và đoàn tu nghiệp ở Ba Lan có nhiệm vụ cải tạo giếng chính do người Pháp để lại và đào thêm giếng phụ cùng nhiều đường lò trong hệ thống mở vỉa ở mức âm 97, 5 mét. Giếng chính do Công ty Than đá Bắc kỳ FSCT của Pháp đào từ năm 1934, đường kính 6 mét, sâu hơn 100 mét, từ mức 9,8 xuống âm 97,5 mét so với mặt phẳng thủy chuẩn. Năm 1944, do Nhà máy điện Cọc Năm bị phá hủy, mỏ ngừng sản xuất. Toàn bộ hệ thống khai thác bị ngập nước. Tháng 3/1965, Chính phủ chủ trương khôi phục Mỏ Mông Dương. Đến năm 1966, ta đã bơm trên một triệu mét khối nước, nhưng do giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, giếng Mông Dương lại bị ngập nước.

Nhiệm vụ khôi phục giếng cũ của Pháp để lại ngày ấy cực kỳ phức tạp.“Những bậc công thần” kể lại, việc cải tạo giếng chính được thực hiện theo các công đoạn: Bơm nước, cắt, phá bỏ toàn bộ hệ thống thiết bị của giếng cũ, chỉ sử dụng vỏ giếng; lắp đặt lại hệ thống thiết bị mới. Các công đoạn đều rất nguy hiểm, bởi giếng bỏ hoang lâu ngày, nguy cơ khí độc, nổ khí, bục nước, v.v. rất cao. Lượng nước bị ngập ở giếng chính và hệ thống lò cũ rất lớn, không ai tính được.Việc bơm nước phải áp dụng phương pháp đặc biệt. Công đoạn cắt bỏ, phá dỡ thiết bị cũ, lắp đặt thiết bị mới trong lòng giếng cũng rất phức tạp. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo kĩ thuật của bác Phan và sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, công nhân Việt Nam đã cải tạo giếng chính nhanh chóng và an toàn.

Việc đào giếng phụ ngày ấy đối với thợ lò ngành Than hoàn toàn mới mẻ và đòi hỏi kĩ thuật công nghệ rất cao. Đặc biệt là đào thân giếng, đào phần sân ga đáy giếng và lắp đặt tháp giếng. Hơn 30 năm sau, ngành Than mới đào giếng đứng tại Công ty than Hà Lầm, nhưng những công đoạn phức tạp do chuyên gia Trung Quốc thực hiện. Một số dự án hầm lò mở vỉa bằng giếng đứng gần đây của Tập đoàn TKV như Núi Béo, Mạo Khê, Khe Chàm 2-4 cũng đều có sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài. Thế mới biết, “những bậc công thần” xây lắp mỏ Mông Dương ngày ấy giỏi như thế nào!

Ngoài khôi phục giếng chính, đào giếng phụ, những người thợ xây lắp mỏ Mông Dương còn đào toàn bộ hệ thống mở vỉa của Mỏ Mông Dương ở mức âm 97,5 mét với khoảng 16 km đường lò, trong đó nhiều hầm, trạm tiết diện lớn và xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ sản xuất trên mặt đất.

Sau gần 14 năm khôi phục và xây dựng mỏ mới (tính từ năm 1969), đến ngày 28/12/1982, khu vực cánh Tây của mỏ ra tấn than đầu tiên. Đến năm 1986, hoàn thiện toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Thắm tình anh em

Những người có công lớn trong việc cải tạo xây lắp mỏ Mông Dương gồm nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân. Các ông: Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Đức Phan, nguyên Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than; Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Tập đoàn TKV... từng làm Giám đốc, Phó Giám đốc Xí nghiệp, chỉ đạo xây dựng mỏ Mông Dương.

CLB những người xây lắp mỏ Mông Dương thành lập năm 1985; thành phần chính là đoàn tu nghiệp ở Liên Xô và đoàn đi Ba Lan. Hàng năm, CLB tổ chức gặp mặt, sinh hoạt vào ngày mồng 10/1 âm lịch. Hoạt động của CLB là thăm hỏi anh em khi ốm đau; khi tứ thân phụ mẫu qua đời có vòng hoa viếng và thắp hương… Hiện nay CLB có hơn 65 người do bác Đỗ Mạnh Chí làm Chủ nhiệm.

Từ khi thành lập, kỳ gặp mặt của CLB năm nào “anh Cả” Nguyễn Đức Phan cùng các bác Đoàn Văn Kiển, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương; bác Phan Đào Nguyên, nguyên thợ vận hành máy nâng, nguyên Giám đốc Nxb Lao động…đều xuống dự. Mỗi lần xuống dự, bác Phan, bác Kiển, bác Nguyên đều ủng hộ kinh phí cho CLB hoạt động.

Nói về bác Phan, bác Trương Văn Trước, sinh năm 1940, nguyên là Đội phó đội đào lò giếng Mông Dương, hiện ở Cọc 6, kể: “Tôi cùng đoàn tu nghiệp nghề mỏ tại Liên Xô do bác Phan dẫn đầu. Về Mông Dương, bác Phan làm lãnh đạo đơn vị, phụ trách kĩ thuật còn tôi làm công nhân cơ điện sau đó làm đội phó phụ trách cơ điện của đội đào lò, do bác Vũ Hồng Nghinh làm đội trưởng. Dù là lãnh đạo nhưng bác Phan ăn ở sinh hoạt gần gũi, chịu vất vả, thiếu thốn như chúng tôi. Những năm đó, do thiếu chỗ ở và do máy bay Mĩ bắn phá nên có thời gian tôi và anh Phan phải ở trong cái hầm chứa tài liệu của đơn vị. Căn hầm chật, ngột ngạt, không có lỗ thông hơi. Bác Phan sống giản dị và tình cảm lắm. Bác ấy luôn gần gũi chia sẻ với với anh em. Thời bao cấp đất nước còn nghèo, có củ khoai, củ sắn cũng chia nhau…”.

Bác Phạm Thị Bản, sinh 1946, hiện ở tổ 4, phường Cẩm Tây, Tp. Cẩm Phả, chia sẻ:

Bác Phan Thị Bản

“Tôi là vợ anh Huyền (người hi sinh trong vụ tai nạn ngày 19/8/1971). Chúng tôi cùng quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Khi lấy nhau, anh Huyền làm ở Công trường Xây dựng Mỏ than Mông Dương còn tôi làm ở Công ty sửa chữa đường bộ Quảng Ninh.Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 19/8/1971 dương lịch nhằm ngày 29/6/1971 âm lịch làm chết 2 người. Anh Nguyễn Văn Thảo, quê Thanh Hóa, sau khi chết đưa về quê. Còn chồng tôi bị thương nặng, đưa ra Bệnh viện Cọc 7 cấp cứu.Thời đó phương tiện cứu chữa của Bệnh viện còn lạc hậu; trình độ kỹ thuật ngành y chưa cao nên không cứu được anh Huyền.

Khi anh Huyền mất, con trai tôi là Phạm Thanh Bình mới được 2 tuổi; tôi đang mang thai đứa thứ 2. Tháng 2/1972, tôi sinh ra con gái đặt tên là Phạm Hồng Tĩnh. Thời đó cả nước còn khó khăn, anh Huyền mất, gia đình chẳng được hưởng chế độ gì ngoài tiền mai táng, 3 mẹ con nuôi nhau quá khó khăn. Năm 1987, tôi được nghỉ hưu, lương 3 triệu đồng. Hiện nay, con trai Phạm Thanh Bình của chúng tôi cùng con dâu công tác tại Công ty than Khe Chàm. Cuộc sống của chúng tôi hiện nay cũng tạm ổn.

Mẹ con chúng tôi có được cuộc sống hôm nay một phần nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các bác, các chú làm việc với anh Huyền và Công ty Xây dựng Hầm lò I (tiền than là Công trường xây lắp mỏ Mông Dương). Tết năm nào đại diện lãnh đạo Công ty cũng đến thắp hương cho anh Huyền và động viên tặng quà cho gia đình. Có thể sự giúp đỡ về vật chất không lớn, nhưng sự quan tâm động viên các cháu là rất lớn. Ngày còn làm việc ở Bộ, mỗi lần xuống Mông Dương, bác Phan đều đến thắp hương cho anh Huyền, động viên tôi và các cháu.Tôi cũng tham gia vào CLB những người xây lắp mỏ Mông Dương. Các bác quý nhau lắm”.

Nhắc lại vụ tai nạn lao động năm ấy, các bác đều cho rằng, ngày ấy bác Phan vì tình nghĩa mà nhận hết trách nhiệm về mình. Khi bác  Phan ở tù, nhiều anh em đến nhà tù thăm bác ấy. Có năm, áp Tết Nguyên đán, những người đào lò giếng Mông Dương xin một chuyến xe ca vào nhà tù thăm bác Phan. Họ mang bánh chưng, giò, thịt, thuốc lá, chè tàu cho bác Phan ăn Tết. Vào thăm bác Phan mới biết, ở tù nhưng bác ấy được ở phòng riêng. Thường ngày, bác Phan quản lí phạm nhân sản xuất gạch, làm lán và bác ấy còn thiết kế trại tù. Anh em Mông Dương vui mừng vì bác Phan khỏe mạnh, đi tù nhưng không phải cải tạo lao động nặng nhọc. Họ nói vui, bác Phan đi tù thiết kế nhà giam để giam…mình!

Sau này lên Bộ làm Vụ trưởng rồi Thứ trưởng, mỗi lần về Mông Dương công tác, bác Phan vẫn tranh thủ vào thăm anh em. Tiện bữa, anh em có gì ăn nấy, chuyện trò bỗ bã như ngày nào, không hề có khoảng cách. Năm 2015, bác Phan bị tai biến,  những người làm lò giếng Mông Dương có cử 5 người lên thăm tại nhà riêng ở Hà Nội. Khi biết tin bác Phan mất, anh chị em trong CLB vô cùng đau đớn. Vì đường sá xa xôi, tuổi đã cao nên CLB  xin 1 chuyến xe chở 20 người lên viếng. Các bác lên Hà Nội, nơi nghỉ ngơi, ăn uống do vợ chồng bác Nguyên - Thọ  (bác Phan Đào Nguyên hiện sinh sống ở Hà Nội – cùng tham gia sinh hoạt với CLB) lo.

Tình nghĩa của bác Phan đối với công nhân mỏ nói chung và những người thợ xây lắp mỏ Mông Dương rất đằm thắm và cao đẹp, nhiều người đã biết. Nhưng ít người biết, vợ con bác Phan cũng coi những người thợ xây lắp mỏ Mông Dương thân mật như người nhà vậy. Bác Nguyệt, vợ bác Phan từng xuống Cẩm Phả dự sinh hoạt với anh em CLB. Sau khi bác Phan qua đời, bác Nguyệt cùng anh Nguyễn Đức Ninh, con út, đến nhà bác Đoàn Văn Kiển nhờ trao cho CLB 30 triệu đồng. Bác Nguyệt rưng rưng: “Tôi tuổi đã cao, dạo này càng yếu mệt, không thể xuống Cẩm Phả thăm các bác được, nhờ chú mang số tiền này trao cho Câu lạc bộ để chia sẻ với anh em. Đây là lộc của anh Phan …” – bác Đoàn Văn Kiển kể lại như vậy.

Những người cùng bác Phan đã vượt qua gian khổ, chia ngọt sẻ bùi đều luôn nghĩ rằng, người anh Cả đã của họ ra đi nhưng tình cảm của Anh luôn sống mãi trong lòng anh chị em - những người thợ xây lắp mỏ Mông Dương./.