Bài 5: Bài của ông Vũ Văn Quyết
-Cuộc đời của anh Phan rất đáng để viết thành cuốn sách. Anh Phan thuộc thế hệ đàn anh của tôi, nhiều năm làm Thứ trưởng, còn tôi làm việc ở mỏ. Tôi chỉ được gặp gỡ với anh ấy qua công việc khi anh ấy về mỏ công tác. Dù vậy, giữa chúng tôi không hề có khoảng cách. Anh Phan luôn coi tôi như người bạn...
Ông Vũ Văn Quyết
“ANH PHAN LÀM THỨ TRƯỞNG NHIỀU NĂM NHƯNG KHỔ...”
Minh Cao
Từ khi đương chức đến nghỉ hưu, ông Vũ Văn Quyết (nguyên Giám đốc Công ty Than Mạo Khê) vẫn ở trong ngôi nhà cạnh con đường lên Bệnh viện Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) luôn nhộn nhịp và bụi bặm. Khi chúng tôi nói về việc xuất bản cuốn sách về ông Nguyễn Đức Phan, ông Quyết hào hứng:
-Cuộc đời của anh Phan rất đáng để viết thành cuốn sách. Anh Phan thuộc thế hệ đàn anh của tôi, nhiều năm làm Thứ trưởng, còn tôi làm việc ở mỏ. Tôi chỉ được gặp gỡ với anh ấy qua công việc khi anh ấy về mỏ công tác. Dù vậy, giữa chúng tôi không hề có khoảng cách. Anh Phan luôn coi tôi như người bạn...
Chợt, ông Quyết trầm ngâm, giọng ngậm ngùi:
-Anh Phan nhiều năm làm Thứ trưởng nhưng khổ…
-Khổ là khổ thế nào, anh?- Tôi hỏi.
-Anh ấy từng bị tù, các anh biết rồi…
-Vâng. Tôi cũng từng viết báo kể chuyện bác Phan ở tù...
-Đấy. “Một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài”. Nhưng cả khi làm Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than, Thứ trưởng Bộ Năng lượng, rồi Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, suốt mười sáu năm phụ trách xây dựng cơ bản ngành Than và Điện, so với các ông thứ trưởng khác, anh Phan vất lắm.
Đi lò cùng anh Phan
Ông Quyết kể: “Tôi có hơn 30 năm làm phó giám đốc, rồi giám đốc các mỏ hầm lò: Mạo Khê, Vàng Danh, Uông Thượng, Yên Tử. Trong thời gian đó, tôi được đưa nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đi kiểm tra sản xuất trong hầm lò nhưng chưa thấy ai đi lò nhiều, hăng hái như anh Phan. Mỗi lần về mỏ, việc đầu tiên là anh ấy đi lò kiểm tra sản xuất. Vào lò, anh ấy đi nhanh lắm. Thậm chí anh ấy leo lên các lò thượng dốc, chúng tôi khó theo kịp. Các anh đừng tưởng anh Phan to béo mà chậm chạp nhé. Anh Phan từng là cầu thủ bóng chuyền giỏi cơ mà.
Đi lò với anh Phan chúng tôi rất thú vị vì được nghe anh ấy kể nhiều chuyện tiếu lâm. Chuyện anh ấy kể dí dỏm, rất hóm. Ngày tôi mới cưới vợ, anh ấy đặt cho tôi một biệt danh, giờ nhắc lại, thấy ngượng (!).
Nhờ sâu sát thực tế mà anh Phan đã đàm phán với Liên Xô đầu tư rất nhiều thiết bị mới cho các mỏ vùng Uông Bí cũng như ngành Than. Thời đó, anh Phan đã chỉ đạo đưa các thiết bị mỏ hiện đại, công nghệ mới vào các mỏ: Vàng Danh, Mông Dương, Cao Sơn, Núi Béo…Riêng ở Mỏ Uông Thượng, do tôi làm Giám đốc đã được anh Phan quyết định điều động chi viện nhiều thiết bị từ các kho của Than Núi Béo, Than 3… Ngày ấy, làm việc xong, ăn bữa cơm đạm bạc ở mỏ; sang lắm là bữa thịt chó dân dã, hay lòng lợn là anh ấy về Hà Nội; không có chuyện phong bao quà cáp như bây giờ…”
Thứ trưởng thích đi xe U-oát
Ông Quyết nói với chúng tôi:
-Anh Phan làm thứ trưởng mười sáu năm nhưng toàn đi xe u oát. Hình như đâu có hai năm anh ấy đi cái xe con của Nhật cũ kĩ, còn lại là đi xe U- oát.
Tôi thừa nhận:
-Vâng. Đúng vậy. Thời làm trong ngành Than, tôi cũng biết bác Phan toàn đi xe U –oát, kể cả đi tới những nơi sang trọng.
U- oát là loại xe con do hãng Ulyanovskiy Avtomobilnyi Zavod của Liên Xô sản xuất (kí hiệu UAZ- người Việt gọi là U oát), trước đây dùng rộng rãi ở Việt Nam. Xe có ưu điểm là động cơ khỏe, hoạt động trên mọi địa hình và chở được nhiều người hơn loại xe bốn chỗ ngồi. Tuy nhiên, loại xe này không gắn điều hòa nhiệt độ, rất nóng và đi rất xóc. Đến đầu thập kỉ 90 thế kỉ trước, hàng ngũ lãnh đạo cấp bộ như ông Phan, thậm chí cả lãnh đạo cấp công ty ít dùng.
Chuyện ông Phan đi xe U- oát thì nhiều người biết và đã thành giai thoại. Chuyện rằng, có lần, ông Phan đánh xe U-oát đến Bộ Kế hoạch Đầu tư làm việc. Thấy cái xe cũ kĩ, thô sơ xuất hiện ở cổng, anh nhân viên bảo vệ không cho vào! Chợt thấy người đàn ông to béo, đường bệ, xách cặp từ trên xe bước xuống, anh nhân viên bảo vệ thoáng nghĩ, không khéo ông này giả khổ để kiểm tra cung cách phục vụ ở Bộ như “Khang Hi vi hành” (tên bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc đang chiếu trên tivi thời đó) liền vội mở cổng cho xe ông Phan vào.
Ông Đoàn Kiển, cựu Chủ tịch Tập đoàn TKV, người nhiều năm gần gũi với ông Phan giải thích, tính ông Phan xuề xòa, không đề cao hình thức nên thường đi xe U-oát vì tiện lợi. Tuy nóng bức, nhưng khi đi công tác, xe chở thêm được cán bộ các vụ của Bộ đi cùng; xe lại khỏe, leo được mọi địa hình, lên khai trường mỏ rất tiện. Mặt khác, khi về Hà Nội, ông nhặt thêm ít đầu gỗ cho vào thùng xe. Đó là những mẩu gỗ thừa do thợ lò gia công vì chống bỏ lại, ông Phan mang về Hà Nội, bổ nhỏ ra, nhóm bếp lò, than bén nhanh lắm. Thậm chí, có lần ông ấy chất lên xe cả bao than mang về đun. Tính anh Phan thế, không sĩ diện hão và luôn nghĩ đến vợ con, đến người khác. Đi công tác nước ngoài, người ta tranh thủ mua hàng mang về nước bán kiếm lời còn ông Phan thì mua những thứ nhỏ nhặt làm quà cho vợ con, bạn bè. Thậm chí, khi ăn miếng ngon, ông Phan cũng nghĩ đến vợ con. Biết tính ông Phan nên có bữa anh em liên hoan chè chén bỗ bã, bạn bè gói riêng thức ăn để ông Phan mang về cho các cháu. Nhưng không phải vì thế mà giảm đi sự oai vệ, cao sang của ông ấy.
Kỉ niệm với anh Phan ở Liên Xô
Thời Nhà nước Liên Xô chưa sụp đổ, cán bộ ở Việt Nam được sang Liên Xô thực tập sinh hay tham quan học tập kinh nghiệm của nước bạn cũng là dịp “làm kinh tế”. Thời đó, hàng hóa mang từ Việt Nam sang bán kiếm lời thường là đồng hồ điện tử, áo phông Cá Sấu, quần bò…; hàng mang về nước là tủ lạnh, bàn là, dây may so, chậu nhôm…
-Tôi cũng may mắn được sang Liên Xô bốn tháng - ông Quyết chỉ tay lên trần nhà, rồi bật cười:
-Khi về, tôi mang hai trăm cái chậu nhôm. Bán đi tám mươi cái, tôi xây được cái nhà này.
Tôi kinh ngạc:
-Ngôi nhà này, nếu bây giờ xây, ngót tiền tỉ chứ ít à?
-Ngôi nhà này sửa lại rồi. Nhưng ngày ấy xây cũng khá tiền đấy. Chuyến đi Liên Xô ấy, ngoài hai trăm cái chậu nhôm, tôi còn mang về khối thứ.
Ông Quyết lại bùi ngùi:
-Riêng anh Phan, suốt thời gian dài làm Thứ trưởng, đi nước ngoài xoành xoạch nhưng chẳng mang về được cái gì đáng giá đâu. Là vì anh ấy toàn đi công tác ngắn ngày. Lúc thì đi đàm phán kí kết hợp tác với bạn; lúc thì đi hội thảo…Lịch làm việc đã kín đặc, làm gì có thời gian để mua bán, đóng gói, gửi hàng. Với lại, ngài thứ trưởng đường bệ, sang trọng như vậy, ai lại buôn bán ba thứ hàng hóa lặt vặt. Nhục cả quốc thể!.
-Vâng, đúng thế. Tôi cũng nghe bà Thu, em gái ông Phan kể chuyện ông ấy đi nước ngoài. Lần ấy, bà Thu đang học quản lí kinh tế ở Liên Xô. Nhân chuyến công tác ngắn ngày ở Liên Xô, ông Phan tranh thủ đến thăm em gái và mang cả đống quà, gồm táo, bánh kẹo… nhờ bà Thu gửi về nhà. Cái tủ lạnh Saratov mà gia đình ông Phan dùng trong nhiều năm là do bà Thu mua ở Liên Xô mang về tặng.
-Thế nên cả đời, anh Phan vẫn nghèo, khi về hưu không xây nổi cái nhà, phải nhờ em vợ -Ông Quyết tiếp- Nghĩ mà thương anh ấy. Tôi nhớ, chuyến thực tập sinh ở Liên Xô năm ấy, nhân chuyến công tác ngắn ngày, anh Phan cũng đến thăm chúng tôi. Anh nói, vội lắm, anh ấy tranh thủ mua mấy thứ làm quà cho gia đình dùng nhưng chẳng biết làm cách gì để gửi về, đành nhờ chúng tôi gửi hàng chậm. Mở ra mới thấy toàn thứ hàng tiêu dùng không đáng giá. Tôi bảo anh Phan yên tâm, chúng tôi sẽ đóng gói gửi hàng về nước cho anh ấy. Khổ…
…Tôi chợt nghĩ, khổ như ông Phan mà biết trước được sự viên mãn cuối đời của ông thì nhiều người mốn được… khổ. Ông có quyền tự hào vì đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển ngành Than và Điện, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; ông được đông đảo anh em, bạn bè, đồng nghiệp thương yêu kính trọng; ông có đại gia đình hạnh phúc với người vợ hiền thục, đảm đang, các con ngoan, thành đạt, đàn cháu xinh đẹp, học giỏi. Khổ như ông thì nhiều người khó mà…khổ được như thế!...
Uông Bí, ngày30 tháng 6 năm 2017