Bài 4: Bài của ông Trần Xuân Viên

Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan là thế đấy, sống chan hòa với mọi người, không quản ngại gian khổ, làm việc rất thực tế, đi đến tận nơi để giải quyết công việc. Có mấy ai là Thứ trưởng thời đó sâu sát công việc như anh, hòa đồng với cán bộ như anh. Anh Phan còn là “kho” chuyện tiếu lâm, đến nay tôi vẫn thường kể lại những chuyện tiếu lâm của anh cho mọi người nghe…


Ông Phan chỉ đạo sản xuất tại Mỏ than Núi Béo- Tác giả Trần Xuân Viên thứ 4, từ trái sang.

NHỚ VỀ NGƯỜI THỦ TRƯỞNG, NGƯỜI ANH YÊU QUÝ

Trần Xuân Viên

(Nguyên Phó phòng Đầu tư Vụ Kế hoạch – Bộ Điện và Than)

Sau khi làm giỗ đầu cho anh Nguyễn Đức Phan tại quê nhà Đình Bảng Từ Sơn Bắc Ninh được khoảng một tháng, chị Minh Nguyệt (vợ anh Phan) và các con của anh có ý tưởng viết một cuốn sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của chồng, của cha để cho con cháu, anh em ruột thịt, bà con trong họ tộc cũng như những bạn bè thân thiết sau này biết về quá trình sống và cống hiến của anh Nguyễn Đức Phan. Biết ý định của chị Nguyệt và các cháu, tôi gọi điện cho chị và cháu Ninh – con trai út của anh Phan và nói rất mong có cuốn sách đó. Tôi giới thiệu với gia đình về nhà báo Nguyễn Cao Thâm – người đã viết nhiều sách và hồi ký của nhiều nhân vật trong và ngoài ngành Than. Trong cuốn sách “Ký sự nhân vật” của nhà báo Cao Thâm có bài viết về anh Phan với tựa đề: “Từ phạm nhân lên thứ trưởng”. Nghe vậy, chị Nguyệt và cháu Ninh đồng ý ngay và bảo sẽ gọi điện cho chú Cao Thâm, mời chú chủ biên cho cuốn sách này.Tôi gọi điện cho anh Minh Cao (bút danh của nhà báo Nguyễn Cao Thâm) thông báo ý định của gia đình và bảo anh nên liên hệ với gia đình chị Nguyệt để có thông tin cụ thể hơn…

Mới ngày nào…

Với anh Nguyễn đức Phan, tôi không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở thời điểm nào khi kể lại những mẩu chuyện về anh, bởi tôi là người trực tiếp làm việc dưới quyền của anh khoảng 17 năm từ khi tôi về công tác tại Vụ Kế hoạch Bộ Điện và Than (từ 1979 đến 1995), sau đó tôi về công tác ở Tổng Công ty Than Việt Nam mới xa anh trong các chuyến công tác xuống cơ sở. Sau này, khi anh Phan đã nghỉ hưu và chúng tôi cũng lần lượt về hưu, tôi thường xuyên gặp anh ở nhà riêng trong các cuộc họp mặt của những người hưu trí, các cuộc gặp bạn bè thân quen do anh mời hoặc chúng tôi mời anh đi quán hoặc đi chơi xa Hà Nội vài ngày.

Tôi được biết lúc đương thời anh Phan không viết nhật ký, khi về hưu anh cũng khộng viết hồi ký, có chăng những tấm ảnh thời niên thiếu, thời học ở Liên Xô và quãng thời gian dài làm việc ở ngành Than và Điện, đó là hồi ký bằng ảnh của anh. Anh không viết hồi ký giống như một số người khác, có lẽ anh ngại điều gì đấy mà thôi chứ còn văn phong của anh hơn hẳn nhiều người ngang cấp như anh. Bởi tôi biết quá trình anh làm Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than; Bộ Năng lượng, anh không sử dụng thư ký riêng, các công việc trực tiếp của cán bộ dưới quyền sau khi đi công tác về phải tự soạn thảo văn bản để anh ký nên công việc nhanh và chính xác. Những khi anh chủ trì các hội nghị lớn của Bộ cũng như dự tổng kết ở các đơn vị cơ sở, anh thường tự viết lấy lời phát biểu trong lúc ngồi nghe báo cáo. Ai cũng biết anh giỏi tiếng Nga nhất Bộ, có lúc làm việc trực tiếp với chuyên gia Liên Xô anh còn làm thay cả chức năng phiên dịch để đối tác hiểu sâu về thực tế chuyên ngành ở Việt Nam.

Tôi nghĩ có cuốn sách này để tôi cũng như nhiều người khác bày tỏ tấm lòng mình khi kể về anh, những người như tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc, thay đổi cách suy nghĩ, cách làm việc và lối sống thường ngày hay trao đổi một số chuyện về anh, đến bây giờ mới có dịp kể lại trong cuốn sách nhỏ này.

Từ ngày anh Phan về nghỉ chế độ (hưu trí), tôi và một số người khác thường đến thăm anh ở nhà riêng, có hôm ăn cơm cùng vợ chồng anh. Thời gian anh ốm nằm điều trị ở bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô; bệnh viện Quân y 108 hay điều trị tại nhà, chúng tôi vẫn thường xuyên tới thăm và động viên anh. Trước khi anh Phan qua đời 6 ngày, tôi và anh Phạm Ngọc Can đến nhà thăm anh, chị Nguyệt khẽ đập đập vào vai anh nhiều lần thông báo có các chú tới thăm, lâu lắm anh mới cố gắng mở được mắt, chớp chớp mấy lần mới nhìn thấy được hai chúng tôi. Tôi nghĩ có thể anh biết chúng tôi tới vì thấy mắt anh có những giọt lệ trào ra nơi khóe mắt, môi anh rung rung nhưng không thể nói ra lời được. Tôi biết anh mệt lắm và nghĩ anh khó qua khỏi mùa đông năm 2015…

Sau khi đến thăm anh, tôi về quê ở Thái Bình được hai ngày thì sáng ngày 22 tháng 1 năm 2016 âm lịch nhận được điện thoại của cháu Ninh thông báo anh Phan đã qua đời vào sáng nay. Tôi lặng đi, không ngờ anh ra đi sớm như vậy. Cháu Ninh thông báo vậy và hỏi tôi một số việc để tham khảo ý kiến. Tôi vội hỏi cháu: “Ngành Than đã ai biết thông tin bố cháu mất chưa”? Cháu bảo: “Chú là người đầu tiên”! Cháu Ninh có hỏi: “Gia đình mẹ cháu muốn chú Kiển (anh Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam - TKV) đọc điếu văn cho bố cháu ở lễ truy điệu có được không”? Tôi trao đổi với cháu qua điện thoại thế này: “Bố cháu do Bộ Công thương quản lý hồ sơ, Bộ sẽ đứng ra tổ chức tang lễ cho bố cháu, là Trưởng ban lễ tang; Phó ban sẽ là đại diện Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó có thành phần gia đình, đọc điếu văn thường là Trưởng ban. Việc gia đình cháu muốn chú Kiển đọc điếu văn thì phải báo cáo với lãnh đạo Bộ Công thương xem họ có đồng ý không, tránh sự hiểu lầm không hay cho buổi tang lễ”. Cháu Ninh liền nói: “Bây giờ cháu đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến gặp lãnh đạo Bộ Công thương, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam để báo cáo, sau đó cháu sẽ gọi điện lại cho chú”.

Tôi gọi điện thông báo việc anh Phan qua đời và nói ý định của gia đình mời anh Đoàn Văn Kiển đọc điếu văn, tôi nói lại những việc đã trao đổi với cháu Ninh, anh Đoàn Văn Kiển bảo: “Bác nói vậy là đúng. Tôi sẽ làm hết mình việc gia đình bác Nguyệt ủy quyền”.

Hơn 10 giờ sáng hôm đó, cháu Ninh gọi điện lại thông báo mọi việc đều ổn cả, lãnh đạo Bộ Công thương đồng ý để chú Kiển đọc điếu văn. Gần 12 giờ trưa, anh Kiển gọi điện cho biết anh đã gặp gia đình chị Nguyệt và mọi việc đều như ý muốn của gia đình, anh Kiển và cháu Ninh sẽ viết điếu văn cho lễ tang của anh Phan.

Cũng trong sáng hôm đó, tôi gọi điện thông báo cho một số người quen thân việc anh Phan qua đời. Buổi chiều tôi về Hà Nội, điện hỏi chị Nguyệt xem có giúp được gì cho đám tang anh Phan không. Như đã có ý định sẵn từ trước, chị Nguyệt bảo tôi: “Nhờ chú thông báo và giúp gia đình thuê xe ô tô để đưa đón bạn bè đi viếng, tiễn đưa anh Phan đến Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển và an táng anh Phan ở nghĩa trang xã Đình Bảng vào sáng hôm sau”.

Đưa anh Phan đến đài hóa thân chỉ có anh Đinh Văn Lạp nguyên Thứ trưởng Bộ Điện than, Bộ Mỏ và Than, Bộ Năng lượng; anh Đàm Hiếu Cương và tôi. Ngày hôm sau sang Đình Bảng chỉ có hai xe, xe riêng của anh Kiển và xe 16 chỗ ngồi gồm những người bạn thân thiết của anh Phan. Chúng tôi dự lễ an táng ở nghĩa trang xã Đình Bảng quê hương của anh Phan. Vĩnh biệt anh, người con ra đi từ Đình Bảng trở về với quê hương nơi sinh ra lớn lên và thành danh nay trở về với đất mẹ.

Những ngày gia đình chị Nguyệt cùng con, cháu anh em ruột thịt, họ tộc tổ chức 49 ngày và giỗ đầu của anh Phan tôi được chị Nguyệt và các con ủy quyền để đưa các anh em bạn bè thân thiết của anh Phan sang Đình Bảng thắp hương tưởng nhớ anh  và gặp mặt mọi người trong gia đình cùng bà con thân thiết của anh Phan.

Dự đám tang của anh Phan rất đông các đoàn của ngành Than, ngành Điện, các cá nhân, bạn bè, những người cùng thời làm việc với anh. Đến giờ viếng, vì quá đông nên mọi người cứ lần lượt xếp hàng vào viếng, Ban tổ chức không kịp giới thiệu từng đoàn vì ai cũng sợ không đủ thời gian. Trong đoàn người đến viếng có anh Trần Trí Dũng ở Mạo Khê, Quảng Ninh, đang ốm nặng vẫn nhờ anh em dìu lên xe để lên Hà Nội viếng anh Phan. Phải hai người dìu hai bên, vượt hàng trăm cây số chỉ có một nguyện vọng nhìn mặt người bạn quá cố lần cuối cùng. Tôi gặp anh ở ngoài sân nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, anh chỉ nói với tôi một câu: “Anh Phan khỏe thế ai ngờ lại đi trước cả thằng ốm như mình”! – tôi nhìn khóe mắt anh đẫm lệ.

Điếu văn do anh Kiển và cháu Ninh – con trai anh Phan viết rất tỉ mỉ, công phu, giọng người đọc điếu văn rất “có hồn”, ai nghe cũng cảm động. Nhiều nội dung nói về anh nhưng có câu “anh từ một phạm nhân trở thành Thứ trưởng” đến lúc đó nhiều người dự lễ truy điệu mới biết. Có thể nói rằng những người lãnh đạo đất nước thời đó đã không định kiến nên đã quyết định cho người đã từng can án tù được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than năm 1981. Phải nói rằng anh Phan đã phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng bản thân như thế nào để có được thành quả lớn lao như vậy. Có một chi tiết cảm động mà gia đình không bổ sung vào điếu văn, đó là mẹ đẻ của anh Phan là cụ Nguyễn Thị Như (1905 – 1988) đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Những bài học quý

Trong quãng thời gian dài được làm việc với anh Phan, tôi có rất nhiều kỷ niệm về anh. Hầu như tháng nào cũng được anh gọi đi các nơi có công trình xây dựng cơ bản của ngành liên quan đến kế hoạch xây dựng cơ bản. Tôi học được ở anh rất nhiều điều, đặc biệt là cách giải quyết công việc, đối nhân xử thế trong cuộc sống hàng ngày. Anh để lại trong tôi những gì tốt đẹp nhất, chính vợ con tôi đã nhận xét rằng từ khi được làm việc với bác Phan, tôi thay đổi rất nhiều về tính cách, biết quan tâm đến nhiều đến gia đình, vợ con, bố mẹ, bên nội, bên ngoại, anh em họ hàng và bạn bè cùng lứa.

Với tôi, anh Phan hay kể nhiều chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, trong công việc (trừ những việc tuyệt mật). Có lẽ anh biết tôi không bao giờ kể lại những chuyện nghe được với người khác, không “truyền miệng” lại cho ai, có nghĩa là tôi biết giữ bí mật (?). Bây giờ tôi kể lại một vài mẩu chuyện này chỉ có ý làm phong phú thêm nội dung cuốn sách được coi như gia phả nhánh của dòng họ Nguyễn Đức ở Đình Bảng vậy.

Trong những chuyến đi công tác Quảng Ninh, trong giờ làm việc, anh Phan chủ trì các cuộc họp, giải quyết công việc, còn ngoài giờ làm việc buổi chiều anh thường thay đồ, chỉ mặc áo may ô, quần đùi cùng đánh bóng chuyền với anh em văn phòng. Buổi sáng tập thể dục trong khuôn viên đơn vị. Xuống công tác, gặp chị em lao công quét dọn sân vườn, anh cũng xắn tay áo cầm chổi quét cùng mọi người; gặp lúc xe chở gạo về nhà ăn, anh cũng vác những bao gạo nặng như người khác. Những lúc như vậy có ai biết anh là “Ngài Thứ trưởng” đâu. Anh sinh hoạt giản dị như vậy đó, nhiều người từ khi quen biết anh, thường tỏ rõ tình thân mật như ôm anh, xoa xoa vào cái bụng phệ của anh mà anh chỉ cười cười…Khoảng cách giữa người cán bộ cấp cao và cán bộ, nhân viên cấp dưới ngoài đời hầu như không có ranh giới mà chỉ có tình người, tình anh em thân thiết mà thôi.

Anh kể có lần ở Bộ Năng lượng, anh lên Chính phủ họp bằng xe UAZ, cảnh vệ không cho vào cổng Văn phòng Thủ tướng, anh phải xuống đưa giấy mời, cảnh vệ mới cho vào cổng. Nhưng buổi chiều anh sử dụng xe Von ga, cảnh vệ liền giơ tay chào, mời qua cổng…Họp về, anh kể chuyện này cho nghe, chúng tôi cười ngất, còn anh thì hóm hỉnh: “Cảnh vệ nó chào cái xe chứ có chào mình đâu. Kể ra chế độ đối xử cũng có nhiều điều hay”.

Trong làm việc anh thường nhắc nhẹ chúng tôi một điều mà trải qua công việc mới thấy tác dụng. Anh bảo: “Tớ đã ở cơ sở rồi, ở cơ sở trăm công ngàn việc, cái gì giám đốc và các phòng ban phải thường xuyên giải quyết tớ thấm đòn lắm. Ở cơ sở không giải quyết được mới báo cáo xin ý kiến Bộ, khi công việc đến ai phải xử lý thì nên cố gắng làm nhanh để cơ sở khỏi phải chờ đợi lâu. Cán bộ không giải quyết được đã có cấp Vụ, Vụ không giải quyết được thì đến Thứ trưởng, Thứ trưởng không được thì đến Bộ Trưởng, trong Bộ không giải quyết được thì có Nhà nước sẽ giải quyết được. Việc làm hợp tình, hợp lý giúp đỡ cơ sở thế mới là những người cán bộ xứng đáng ngồi ghế ở các Vụ, Ban của Bộ chứ”!

Bây giờ, đã nghỉ hưu lâu rồi, gặp lại anh chị em công tác cũ ở các công ty, thường được nghe các anh, các chị nhớ lại thế này: “Thời các anh làm việc thật vô tư, có việc là giải quyết ngay, không gây phiền hà, không đòi hỏi bất cứ một điều gì. Bao giờ lại trở lại ngày ấy?”.

Lần đầu gặp và…bị mắng!

Lần đầu tiên, ở Bộ Điện và Than, tôi bị anh Phan mắng, chuyện như này. Đầu một buổi chiều tháng 9 năm 1979, lúc đó chưa tới 13 giờ, tôi vừa nghỉ trưa dậy thì có chuông điện thoại (bàn làm việc của tôi có đặt chiếc máy điện thoại chung của cả phòng 10 cán bộ). Tôi nhấc máy và “chỉnh”: “Gọi gì mà gọi sớm thế? Đã đến giờ làm việc đâu, tý nữa gọi lại nhé”. Ai ngờ  đầu dây bên kia lại là anh Phan – lúc đó là Phó Cục trưởng Cục xây dựng cơ bản của Bộ, anh nói với giọng có vẻ bực bội: “Cậu là ai mà nói vậy. Tớ là Phan đây! Nếu cơ sở người ta cần công việc mới gọi lên Bộ mà cậu trả lời như vậy là không được đâu nhé, cần phải sửa ngay thái độ và cách trả lời nhé”. Anh bảo tiếp: “Ai phụ trách kế hoạch xây dựng cơ bản của Vụ Kế hoạch (phần Than) cho tôi gặp”. Tôi trả lời tôi là Viên, phụ trách kế hoạch này, anh có vẻ bớt nóng, bảo: “Cậu lên Cục Xây dựng cơ bản gặp tớ ngay nhé”. Tôi vâng và chuẩn bị tài liệu, đi ngay tới tầng 4 nhà 54 Hai Bà Trưng.

Bước vào phòng, tôi thấy đã có mấy người ngồi đó rồi, người tôi quen, người không quen. Anh Phan vào việc ngay: “Đây là kế hoạch XDCB của mỏ than Khe Tam do Liên Xô thiết kế”. Rồi anh quay sang hỏi tôi tại sao Vụ Kế hoạch ghi vốn cho công trình trọng điểm này không đủ để thực hiện trong năm, làm sao mà hoàn thành kế hoạch được? Tôi xin phép trả lời vắn tắt như sau: “Đây là công trình trọng điểm của ngành Than do Nhà nước trực tiếp ghi vốn, nếu thiếu vốn thì cuối năm Bộ làm văn bản xin bổ sung. Cũng có phương án tự điều chỉnh vốn trong nội bộ của Bộ, điều chỉnh vốn từ công trình không có khả năng thực hiện hết vốn sang công trình còn thiếu, vẫn còn thiếu thì xin bổ sung nhưng tất cả phải có văn bản được Nhà nước chấp thuận (là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Việc này Vụ Kế hoạch thường xuyên năm nào cũng phải làm như vậy, không ách tắc đến công tác xây dựng, các anh đừng lo”. Nghe tôi trình bày xong, anh Phan bảo: “Cậu hứa đấy nhé, nếu sai với cơ sở cậu chịu trách nhiệm”! Tôi vâng và trả lời các anh cứ yên tâm về thực hiện đi, việc này tôi làm được. Anh Phan liền kết luận: “Mọi việc đã rõ, các anh về cứ triển khai tối đa để làm việc, vốn không phải lo nữa nhé. Cậu Viên Vụ Kế hoạch đã hứa, vướng gì về kế hoạch cứ trao đổi với Vụ Kế hoạch và báo cho tôi biết”. Tôi xin phép ra về với rất nhiều ấn tượng về anh.

Đấy là lần đầu tiên tôi được gặp và làm việc với anh. Trước đây, năm 1968, lớp khai thác hầm lò (Trường đại học Mỏ và Địa chất) xuống mỏ than Hà Lầm vừa học, vừa làm một năm, tôi chỉ được nghe nhiều người ở mỏ kể về anh. Anh có tên Phan “phệ” (vì bụng anh to), người Đình Bảng gần Hà Nội, học ở Liên Xô về làm việc ở mỏ, ở đây có công trình -50 (ngầm âm 50 mét) do anh Phan thiết kế và chỉ huy thi công. Ngày ấy anh béo và trắng, nom rất thư sinh. Nghe nói thời đó có nhiều cô gái nhan sắc ở Hà Lầm cũng như vùng Hòn Gai “mê” anh lắm nhưng anh chẳng “chấm” ai cả. Ở Hà Lầm một thời gian, anh được Bộ Điện và Than điều xuống Cẩm Phả để khôi phục lại mỏ than Mông Dương. Tôi chỉ biết có vậy. Mãi đến năm 1978 về công tác ở Vụ Kế hoạch Bộ Điện và Than tôi mới trực tiếp làm việc với anh lần đầu tiên như đã kể trên.

Một nhân cách lớn

Năm 1981, khi Nhà nước tách Bộ Điện và Than thành hai bộ (Bộ Mỏ và Than, Bộ Điện lực) anh được đề bạt làm Thứ trưởng và được Bộ Trưởng phân công phụ trách công tác xây dựng cơ bản. Từ đó mỗi khi có công việc liên quan đến kế hoạch xây dựng, tôi thường được anh gọi đi công tác cùng với cán bộ ở các vụ khác xuống các cơ sở của ngành Than, ngành Điện cũng như làm việc với các địa phương có công trình xây dựng của ngành.

Cả một thời gian dài anh xem tôi như một người em, việc gì liên quan anh cũng bảo ban, giao việc và kiểm tra kết quả công việc. Vì những tình cảm quý như vậy nên thời gian ở Bộ, được làm việc dưới quyền anh, tôi đã thực hiện xuất sắc mọi công việc được giao, cố gắng phấn đấu trở thành  một người cán bộ tốt, người chồng, người cha hết mực yêu thương vợ và con, cháu.

Trong cuộc sống và làm việc ở cương vị lãnh đạo, cũng như đã nghỉ hưu, anh Phan không phân biệt cán bộ hay nhân viên, nếu gia đình ai có việc ốm đâu, hiếu hỷ,  biết được anh đều đến thăm hỏi, động viên, cho quà. Riêng đối với lái xe riêng của anh, anh rất quan tâm, những lúc đi công tác ở các nơi anh thường bảo tôi ngủ cùng với lái xe, anh bảo tính mạng của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe của lái xe. Những ngày giáp tết anh thường cho lái xe về nghỉ để ăn tết với gia đình. Anh bảo người ta cũng có vợ con, gia đình bố mẹ, bà con nội ngoại, những ngày tết là ngày đoàn tụ, sum họp như chúng ta. Tôi biết, trước khi cho lái xe về nghỉ tết, bao giờ anh chị Phan cũng gửi quà cho lái xe đưa về quê cho gia đình.

Từ năm 1989 tôi có chiếc xe máy nên những buổi trưa làm việc ở văn phòng Bộ (18 Trần Nguyên Hãn) anh thường bảo tôi dùng xe máy chở anh đi ăn trưa. Có hôm tôi bảo anh đi như thế này không sợ người ta cười cho à – anh bảo ra khỏi cổng Bộ ai biết gì mình, chỉ biết hai thằng “béo” đi ngoài đường mà thôi!

Cũng từ khi có xe máy, hàng năm cứ vào sáng mồng ba Tết, lúc anh còn công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, anh bảo tôi dùng xe máy chở anh đi chúc tết anh em, bạn bè. Lịch trình đi chúc tết bao giờ anh cũng đến thăm anh Thảng và anh Châu đầu tiên vì trước đây hai anh là cấp trên của anh Phan. Sau đó đi qua khu Nhân Chính thăm các anh ở “Làng Than” (khu này mới có từ khi các anh chuyển từ Quảng Ninh lên Hà Nội), rồi vào Thanh Xuân thăm anh em ở Công ty Thiết kế Than (ở 556 Nguyễn Trãi). Trên đường về nhà ghé vào quán mỗi người một tô bún riêu cua nhưng ăn nhiều rau sống hơn cả bún – anh bảo ăn thế cho mát ruột.

Làm Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than, Bộ Năng lượng có tiêu chuẩn xe tốt nhưng anh chỉ sử dụng chiếc xe UAZ do Liên Xô chế tạo. Có người cho là anh “gàn”, có tiêu chuẩn mà không biết hưởng. Anh cười và bảo đi xe này chở được nhiều cán bộ cùng đi, vừa làm được việc vừa vui, lại có lúc tiện chở được ít củi, ít gạo về “cải thiện”. Đi công tác ở cơ sở thời bao cấp, nếu cơ sở nào thân quen có biếu anh hộp bia thì về gần đến Hà Nội là anh chia đều cho tất cả mọi người trên xe, nháy mắt bảo “lộc” bất tận hưởng một mình!

Trong nhiều chuyến cùng anh Phan đi khảo sát thực địa, lội ruộng, băng rừng để tìm tuyến xây dựng đường giao thông, đường điện ở các tỉnh có công trình xây dựng của ngành Than, ngành Điện, tôi nhớ nhất về một kỷ niệm không thể nào quên. Vào khoảng tháng 9 năm 1984, anh Phan, tôi và anh Thái ở Vụ Xây dựng cơ bản của Bộ Mỏ và Than cùng một số anh em ở Công ty Xây lắp Cẩm Phả đi khảo sát để xây dựng tuyến đường ô tô, đường sắt vào mỏ than Khe Tam. Xung quanh đó có 3 công trình mỏ (gọi tắt là TAM – KHE – MÔNG) là mỏ than Khe Tam, mỏ than Khe Chàm và mỏ than Mông Dương. Lộ trình đi từ Ngã Hai Quang Hanh, Cẩm Phả, luồn rừng đi vào trung tâm mỏ Khe Tam. Ban đầu quần áo còn chỉnh tề, đi được khoảng 1 giờ thì ai nấy quần áo đẫm mồ hôi, phải bỏ quần áo dài, chỉ mặc quần đùi, may ô nhưng lại đi ủng. Vào đến khu vực giữa rừng thì tất cả đều rất mệt và khát, may quá gặp đội công nhân lâm nghiệp đang đi tu bổ rừng có thùng nước gạo rang, cả đoàn khát quá nên uống gần cạn thùng nước của đội công nhân. Anh Phan to béo, cởi trần, ngực phơi hai “quả bồ đào” nom rất ngộ, mọi người cứ nhìn vào anh mà liên tưởng đến tượng…di lặc. Tạm biệt đội công nhân lâm nghiệp, xếp lại bản đồ có vạch tuyến, chúng tôi lại lên đường, vào gần trung tâm mỏ, nóng quá, cả đoàn ào xuống suốí tắm…tiên, quần đùi, may ô phơi trên các bụi sim, bụi mua hoặc cành cây trên bờ suối. Tắm xong lại mặc các thứ đó vào đi về công trường xây dựng mỏ Khe Tam. Ở đây anh em đã chuẩn bị đồ ăn, trời quá nóng nên mọi người cứ đánh trần, ăn uống ngon lành. Biết tính anh Phan thích “RTC” nên dù ở công trường trong rừng nhưng anh em vẫn bố trí có thịt chó với rượu nút lá chuối chiêu đãi đoàn của Thứ trưởng.

Thứ trưởng Phan là thế đấy, sống chan hòa với mọi người, không quản ngại gian khổ, làm việc rất thực tế, đi đến tận nơi để giải quyết công việc. Có mấy ai là Thứ trưởng thời đó sâu sát công việc như anh, hòa đồng với cán bộ như anh. Anh Phan còn là “kho” chuyện tiếu lâm, đến nay tôi vẫn thường kể lại những chuyện tiếu lâm của anh cho mọi người nghe…

Tôi được hạnh phúc hơn nhiều anh em khác ở Văn phòng Bộ là được về quê anh Phan ở Đình Bảng nhiều lần, biết được bố mẹ, anh chị em, bà con ruột thịt của gia đình anh và của chị Nguyệt. Nhiều lần được ăn cơm ở cả hai quê khi gia đình anh chị có giỗ chạp hay công việc quan trọng. Anh chị coi tôi như một thành viên trong nhà.

Với tôi, những kỷ niệm về anh Phan kể bao giờ cho hết, do dung lượng sách có hạn và cũng muốn để nhiều người cùng góp thêm kỷ niệm về anh nên tôi xin tạm ngừng ở đây. Tôi không bao giờ quên anh dù anh đã đi xa cõi đời này. Gia đình vợ con tôi cám ơn anh rất nhiều vì tôi trong những năm tháng làm việc dưới quyền anh đã được anh giúp đỡ trưởng thành trong công việc và cuộc sống như ngày nay.

Vính biệt anh, tôi nhớ mãi những gì anh để lại cho đời, những công trình của ngành Than, ngành Điện và các ngành khác. Anh là cán bộ cao cấp của Đảng nhưng anh bình dị, gần gũi quần chúng, luôn thương yêu tất thảy mọi người và được tất thảy mọi người yêu mến, khâm phục anh một nhân cách làm người.

Tôi chỉ biết thắp nén tâm hương trên bàn thờ anh. Vĩnh biệt người thủ trưởng, người anh vô cùng đáng quý./.

Hà Nội ngày 4.7.2017