Bài 7: Bài của ông Đoàn Kiển

Những gì tôi có được sau 35 năm làm việc là nhờ hòn than, hòn quặng và nhờ các thế hệ cán bộ công nhân ngành Than – Khoáng sản. Trong tôi bây giờ chỉ có “Tình yêu ở lại” –tên tác phẩm của tôi do Nxb. Dân Trí ấn hành năm 2015, tái bản 2017. Trong “Tình yêu ở lại” tôi nhắc tới một người mà trong ngần ấy năm trong ngành và nhiều năm sau khi hoàn dân, tôi có nhiều “điểm giao cắt” cả về công việc và tình cảm, một người mà tôi rất kính trọng, ngưỡng mộ và quý mến. Người đó là anh Nguyễn Đức Phan.


Từ trái sang: Ông Nguyễn Đức Phan (thứ 2) và ông Đoàn Kiển (thứ 5) với bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước

 

 

 

“Điểm giao cắt” với người anh

tôi rất kính trọng, ngưỡng mộ và quý mến

Đoàn Kiển

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn TKV

 

Những gì tôi có được sau 35 năm làm việc là nhờ hòn than, hòn quặng và nhờ các thế hệ cán bộ công nhân ngành Than – Khoáng sản. Trong tôi bây giờ chỉ có “Tình yêu ở lại” –tên tác phẩm của tôi do Nxb. Dân Trí ấn hành năm 2015, tái bản 2017. Trong “Tình yêu ở lại” tôi nhắc tới một người mà trong ngần ấy năm trong ngành và nhiều năm sau khi hoàn dân, tôi có nhiều “điểm giao cắt” cả về công việc và tình cảm, một người mà tôi rất kính trọng, ngưỡng mộ và quý mến. Người đó là anh Nguyễn Đức Phan.

Mông Dương – “Điểm giao cắt” đầu tiên

Mỗi sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về nước đều đến Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ở số 9 Hai Bà Trưng – Hà Nội nộp hồ sơ. Ở đó người ta phát cho mỗi sinh viên một tờ giấy biên nhận để chờ quyết định phân công công tác “đi về đâu” và ba tháng tem gạo (3 x 15kg) cùng ba tháng sinh hoạt phí (3 x 18 đồng). Bộ Đại học đã quyết định phân công cho tôi về công tác ở Bộ Điện và than, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu than nhưng Giám đốc công ty xây dựng mỏ than đã trực tiếp kiến nghị Bộ trưởng điều một số kỹ sư mới tốt nghiệp ở nước ngoài về tăng cường cho Công ty Xây dựng mỏ than.

Sau Tết Giáp Dần 1975 tôi nhận được quyết định của Giám đốc Công ty điều đi Mông Dương cùng đợt với Vương Văn Đốc mà trước đó Công ty đã điều về Xí nghiệp Xây lắp 4 – Mạo Khê. Nguyên do là từ anh Nguyễn Đức Phan, nguyên là Phó Chỉ huy trưởng Công trường xây lắp mỏ Mông Dương mới ở “lán 14” ra (lúc anh Phan mới ra tù do liên đới trách nhiệm trọng một tai nạn ở Công trường xây lắp mỏ Mông Dương trước đó), được giao làm Trưởng phòng Hầm lò Công ty (nơi anh Hiệp phó phòng đang tạm thời phụ trách phòng và tôi vừa nhận công việc chưa đầy hai tháng) đã đề xuất với giám đốc Nguyễn Văn Lang điều động một số kỹ sư (mà ông Lang mới xin Bộ điều về) về Mông Dương để tăng cường công tác kỹ thuật xây dựng mỏ. Thế là không chỉ anh Bài, anh Đốc và tôi mà sau đó ba kỹ sư ở Rumani về (học sau tôi một năm) là Vũ Ngọc Thăng, Nguyễn Nguyên Hoài, Nguyễn Hồng Nhật đều có mặt tại Mông Dương.

Mông Dương hồi đó vừa bắt đầu xây dựng lại từ cuối năm 1973 sau hai lần bơm nước tháo khô mỏ. Mỏ hầm lò giếng đứng Mông Dương đã được Công ty Pháp Mỏ than Băc Kỳ (FSCT) xây dựng và đưa vào khai thác từ đầu thế kỷ XX, đến năm 1941 thì bị ngập nước do Nhà máy điện Cọc 5 Hòn Gai bị Phát xít Nhật bỏ bom phá hủy. Liên Xô đã giúp Việt Nam khôi phục lại mỏ bằng cách cung cấp thiết kế, thiết bị toàn bộ và chuyên gia. Theo hồ sơ và các nhân chứng kể lại thì năm 1971 Công trường xây lắp mỏ Mông Dương tiến hành bơm nước tháo khô mỏ. Khi bơm cạn ở đáy giếng đứng sâu 115m còn thấy có mấy bộ xương người và dây xích sắt có lẽ bị chủ mỏ hành hạ đến chết rồi vứt xác xuống đó. Tháng 8 năm 1971 một sự cố kỹ thuật xảy ra khi công nhân đang đổ bê tông cổ giếng phụ (giếng này đường kính trong 6m, sâu 106m) thì dàn giáo bị sập làm chết hai người. Từ sự cố này mà ông Trương Công Minh chỉ huy trưởng công trường và anh Nguyễn Đức Phan – Phó Chỉ huy trưởng công trường phải ngồi tù trong trại giam được gọi là “Lán 14 Hà Lầm” ở Thị xã Hòn Gai, Quảng Ninh mặc dù đã có nhiều đơn thư của các kỹ sư mỏ, của Công ty Xây dựng than điện (sau gọi là xây dựng mỏ than) và ý kiến của Bộ Điện và Than đề nghị giảm nhẹ hình phạt không phải ngồi tù. Ông Trương Công Minh ra tù về quê Quảng Ngãi sống rồi qua đời tại đó, còn anh Nguyễn Đức Phan về làm Trưởng phòng Hầm lò Công ty Xây dựng mỏ than ít lâu rồi về Bộ Điện Than làm Phó vụ trưởng Kỹ thuật, rồi vụ trưởng Xây dựng cơ bản, đến cuối năm 1982 được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than. Chiến tranh phá hoại ác liệt đã làm cho Mỏ Mông Dương bị ngập trở lại và đến năm 1973 cuộc bơm nước tháo khô mỏ lần thứ hai được thực hiện.

Những ngày đó ở Mông Dương gian khổ lắm, nước sinh hoạt không có mà dùng, hàng ngày phải dùng xe bồn chở nước từ “giếng 12 cửa” ở Cửa Ông vào, mọi người chia nhau nước bằng xô, bằng chậu. Anh Phan kể lại rằng đã có lần anh đi họp đột xuất cùng giám đốc mà trong xí nghiệp chả có phương tiện gì đành phải chui vào trong bồn của xe chở nước. Đứng trong bồn được mở nắp, đường xấu xe chạy lắc bên này sang bên kia với tiếng động “ong ong” khó chịu lắm. Khi tôi về Mông Dương công tác (đầu năm 1975) tình hình đã khá hơn, đã có nước máy được bơm từ suối Quan Cụ cách đó 3 cây số về, dù là nước thô, có cả rong rêu. Trạm xử lý nước đã được xây dựng nhưng lọc được ít hôm lại thôi. Giếng phụ đang được đào do anh Vũ Hồng Nghinh làm đội trưởng, phía giếng chính đang dọn dẹp, khôi phục các hầm trạm, đường lò cũ ở mức âm 97,5m (mặt đất mức dương 6,0m, có nghĩa là mức -97,5m nằm sâu dưới mặt đất 103,5m). Các tổ thợ lò chủ lực ở đây đều rất tinh nhuệ vì có tới trên 100 người đã được sang vùng Kuzbat Liên Xô thực tập đào lò đá trong hai năm (1967-1969). Họ là các cán bộ kỹ thuật, thợ lò từ các mỏ được điều động về và do anh Nguyễn Đức Phan chỉ huy thực tập các nghề đào lò, cơ điện lò, lái và bảo trì máy nâng… Bên cạnh đó lại có trên 100 thợ mỏ trẻ được đào tạo cẩn thận từ Ba Lan về năm 1973 cùng với hàng trăm thọ lò được đào tạo trong nước. Lực lượng cơ khí cũng khá mạnh, có nhiều người được các chuyên gia Trung Quốc đào tạo tại Công trường xây dựng Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên, sau được đổi thành Công ty Xây dựng công nghiệp rồi Công ty này lại tách ra làm Công ty Xây lắp Luyện kim và Công ty Xây dựng Than - Điện (Xây dựng mỏ than từ 1974). Các công trình trên “sân công nghiệp mỏ” cũng đang lác đác được xây dựng. Mấy chục năm đã qua đi nhưng năm nào các anh thợ mỏ Đoàn anh Phan (được gọi là thợ đào lò giếng Mông Dương) cũng gặp nhau tại Mỏ vào ngày mồng mười tháng giêng ngay sau tết nguyên đán. Hầu như không có năm nào vắng mặt anh Phan, còn tôi được mời nên có năm đến được có năm không. Ở Mông Dương tôi được nghe câu chuyện về “mười hai ngày đêm” hoàn thành kế hoạch xây lắp của xí nghiệp vào cuối năm 1974. Mấy anh ở Phòng kỹ thuật kể lại rằng “ông Phúc đi học Nguyễn Ái Quốc ba tháng, ông Hoành (Phó giám đốc) ở nhà chỉ huy rất “tài tình” hơn mười một tháng không hoàn thành kế hoạch thế mà chỉ bằng một “chiến dịch 12 ngày đêm” đã hoàn thành vượt mức, đạt 101% kế hoạch giá trị xây lắp. Mười hai ngày đêm ở đây là 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1974 học theo “12 ngày đêm trận Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội hai năm trước đó. Sự “tài tình” mà các kỹ sư bóc ra đó là đưa các đường cáp lực, các đường ống công nghệ, các máy móc chưa cần lắp đặt vào lắp đặp trước để tính khối lượng và giá trị, để hoàn thành kế hoạch, để có đủ lương và thưởng theo chế độ. Sau “chiến dịch 12 ngày đêm” thắng lợi đầu năm 1975 ông Trương Văn Hoành Phó giám đốc Xí nghiệp đi học 6 tháng tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Hà Nội. Công việc ở Xí nghiệp đang bận rộn nên mùa hè năm ấy Công ty Xây dựng mỏ than “biệt phái” anh Nguyễn Đức Phan về Mông Dương làm trợ lý cho ông Phúc 6 tháng. Anh Phan tốt nghiệp Đại học mỏ Matscơva năm 1962 cùng các anh Trương Văn Hoành, Trần Lợi, Chế Ân, Nguyễn Thành Hường. Anh được điều về Mỏ than Hà Lầm công tác, sau làm quản đốc lò rồi về Mông Dương dẫn đoàn cán bộ, công nhân hơn 100 người sang miền tây Sibêri Liên Xô (vùng than Kuzbat) thực tập đào lò giếng đứng. Anh đã chỉ huy công tác bơm nước tháo khô mỏ, đào giếng mỏ và bị “sự cố” ở Mông Dương nên rất hiểu việc và đặc biệt là hiểu người Mông Dương. Anh trở lại Mông Dương mang theo một luồng gió mới thúc đẩy công việc chạy nhanh, chạy đều hơn. Anh Phan to béo nên mọi người thường gọi là “anh Phan phệ” ở chung phòng và ngủ chung một giường sắt cá nhân có kê thêm một mảnh ván với anh Thịnh quản đốc xưởng cơ khí (cũng phệ không kém gì anh Phan) suốt 6 tháng từ hè sang thu. Anh làm việc cụ thể, dứt khoát nhưng lại sống rất bình dị, hài hòa, anh nói Tiếng Nga rất sõi và còn kể cả chuyện tiếu lâm cùng chuyên gia Liên Xô nữa. Các chuyên gia Liên Xô, cán bộ, công nhân ở xí nghiệp và Ban kiến thiết đều quý mến Anh. Có lần anh đi họp đến tối chưa thấy về, mấy anh em kỹ thuật bắt gà do anh Phan, anh Thịnh nuôi trong chuồng đem sang phòng khác làm thịt, nấu cháo. Đợi anh Phan về thì “mời anh sang ăn cháo gà với chúng em!”. “Gà ở đâu mà các cậu nấu cháo thế?”. “Gà chúng em mua!”. Ăn xong mới tiết lộ “gà của anh đấy!”. Thế là cả mấy anh em đều cười vang nhà. Khi anh kết thúc thời hạn “biệt phái”, Tổ chuẩn bị kỹ thuật của chúng tôi làm bữa liên hoan “đãi anh”. Tôi còn nhớ Vương Văn Đốc đã cắt tiết 12 con vịt đánh 12 bát tiết canh đều đông cả. Suốt hơn hai mươi năm tôi có may mắn được nhiều lần làm việc với anh Phan, được anh dìu dắt, chỉ bảo cả về chuyên môn lẫn đạo đức, tư cách của người làm mỏ. Anh cũng là người tạo điều kiện, giúp đỡ cho tôi được chuyển vùng về Công ty than 3 đầu năm 1986. Không chỉ cá nhân tôi mà cả vợ con tôi đều biết ơn anh.