Bài 6: Bài ông Nguyễn Văn Hải

Theo ông Hải thì ông Phan là người học giỏi, rất vững chuyên môn (những chuyên gia Liên Xô làm việc cùng đều quý và tin cậy ông Phan bởi trình độ chuyên môn và tiếng Nga của ông rất giỏi). Trong cuộc sống đời thường ông Phan rất nhiều bạn bè và được mọi người quý mến bới tính cách giản dị, vui vẻ, chan hòa…


Các thầy cô giáo và học sinh Trường Hàn Thuyên gặp mặt tại nhà ông Phan, năm 1999

 

 

 

HỌC SINH TRƯỜNG  HÀN THUYÊN NGÀY ẤY...

Thái Hà

(Theo hồi ức của ông Nguyễn Văn Hải, nguyên Viện trưởng Viện Cơ khí

Năng lượng và Mỏ- cựụ học sinh Trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh).

Ông Nguyễn Văn Hải có cách kể chuyện rất dí dỏm, lôi cuốn nhưng trong câu chuyện về bạn bè ông tỏ ra rất cẩn trọng, chắt lọc. Ông bảo: Nói về người khác, không khéo dễ bị cho là hoặc “tâng bốc”, hoặc “bông phèng” quá mà không đúng với cái “chất” thật của người đó. Ông gặp và biết về ông Nguyễn Đức Phan từ thủa cùng là học trò Trường Hàn Thuyên; sau này có nhiều năm làm việc có liên quan với nhau; quan hệ rất thân tình mặc dù ông Phan mang hàm Thứ trưởng (là cấp trên). Theo ông Hải thì ông Phan là người học giỏi, rất vững chuyên môn (những chuyên gia Liên Xô làm việc cùng đều quý và tin cậy ông Phan bởi trình độ chuyên môn và tiếng Nga của ông rất giỏi). Trong cuộc sống đời thường ông Phan rất nhiều bạn bè và được mọi người quý mến bới tính cách giản dị, vui vẻ, chan hòa…

Ký ức học trò

“Tôi kém ông Phan một tuổi, tuy tôi đã học lớp đệ lục trường công Nguyên Gia Thiều (Hà Nội) nhưng khi vào trường Hàn Thuyên, dù đã nhờ người quen viết thư giới thiệu với thầy Hiệu trưởng Nguyễn Sỹ Thuyết, người ta cũng chỉ xếp tôi học lớp 5, cùng lớp với bà Thu (em gái ông Phan) còn ông Phan và em trai là ông Châu (ông Châu bằng tuổi tôi) thì cùng học lớp 6. Anh em chúng tôi theo học trường Hàn Thuyên vào những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước. Khi đó Trường sơ tán tại các thôn Xuân La, Xuân Phương thuộc xã Đình Cả, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Thời kỳ này trường Hàn Thuyên có cả cấp 1 và cấp 2 với hơn 600 học sinh và cũng là thời kỳ trường đã thành lập Đoàn thanh niên cứu quốc. Điều tôi nhớ rõ là mấy anh em ông Phan ở trường Hàn Thuyên thời ấy đều học giỏi và là những thanh niên rất năng nổ trong mọi hoạt động của thanh niên, học sinh khi đó; sau này đều thành đạt…”

Thời ấy, học trò ở các vùng quê xa theo học được trường Hàn Thuyên ở nơi sơ tán hầu hết đều thuộc diện “gia đình có điều kiện”, chí ít là phải chu cấp được gạo ăn hàng tháng và các thứ đồ thiết yếu. Còn nơi ở thì tùy, người thì thuê trọ, người thì ở ký túc xá, người có điều kiện hơn thì tự dựng lán riêng. Lán tre của  3 anh em ông Phan (Phan – Châu – Thu) với mấy người em họ khác và lán của ông Hải ở bên sườn đồi thông rất gần với nhà của thầy Hiệu phó là Trần văn Truyền và vợ là cô giáo Chương dạy môn văn – địa. Nhà thầy Truyền, cô Chương có hai người con gái cùng trang lứa với đám học trò là Trần Thị Như Quỳnh và Trần Thị như Anh. Cả hai cô gái đều rất xinh đẹp, nết na. Tất nhiên là đám học trò trẻ không tránh khỏi “đầu mày cuối mắt” với hai người đẹp ấy. Ông Hải tiết lộ: “Ông Phan là người sôi nổi, chơi bóng chuyền rất tốt, lại lắm tài lẻ trong học tập cũng như văn nghệ, diễn kịch, chắc là có được người đẹp để ý đến. Riêng tôi, tôi rất có cảm tình với cô chị Như Quỳnh!”. Câu chuyện về bà Trần Thị Như Quỳnh sẽ còn được nhắc đến trong công việc của ông Hải và chuyến công tác của Ông Phan và ông Hải sau này…

Tình bạn chan hòa

Khi mới được điều động từ vùng Mỏ về công tác ở Bộ, ông Phan sinh hoạt cùng với ông Hải ở Vụ Kỹ thuật, sau đó ông Phan chuyển sang Vụ Xây dựng cơ bản. Là người giản dị, tính tình vui vẻ, cởi mở quảng giao nên ông Phan có rất nhiều bạn bè. Gắn với công việc xây dựng cơ bản, ông Phan thích chơi với bạn bè khối xây lắp. Mặc dù có cương vị cao hơn anh em nhưng cách ông Phan chơi với anh em rất thân tình, gần gũi. “Là người hóm hỉnh, yêu văn nghệ, thích thể thao nên ông Phan rất “say” chuyện tiếu lâm. Những lúc rảnh việc, ông Phan thích tụ tập, bù khú với bạn bè, uống rượu với những món ăn dân dã” – Ông Hải chia sẻ.

Theo “tiết lộ” của ông Hải thì khi ông Phan giữ chức Thứ trưởng (ông Hải là Viện trưởng Viện Máy Mỏ) ông Phan “đầu têu” lập một nhóm mấy người bạn thân ở khu tập thể 33 Láng Hạ. Nhóm này cứ luân phiên “đăng cai” tổ chức gặp nhau hàng tháng vào một ngày nghỉ nào đó. “Tất nhiên là những buổi gặp ấy không thể thiếu món “cờ tây” (tay lái xe của cơ quan tôi rất giỏi nấu món này) và những câu chuyện tiếu lâm bông phèng” – Ông Hải cười vui. Khi đã nghỉ hưu, ông Phan cũng hội tụ được nhóm bạn 12 người là cán bộ ngành Than nghỉ hưu ở khu vực Hà Nội. Cũng vẫn hình thức luân phiên gặp nhau hàng tháng nhưng đa phần là tổ chức về thăm quê của nhau mỗi khi nhà ai có giỗ chạp, công việc này nọ, hoặc mời các bà vợ cùng đi tham quan, du ngoạn thắng cảnh, chùa chiền các nơi. Vì ở gần và thuận tiện hơn cả nên nhiều cuộc tụ tập được tổ chức ở quê nhà ông Hải (Thạch Bàn – Gia Lâm) và nhiều hơn cả là nhà ông Phan, nhà em vợ ông Phan ở quê Đình Bảng…

Ông Hải cho biết: “Ông Phan chơi với bạn bè chí tình, phóng khoáng, không có khoảng cách và duy trì quan hệ rất bền chặt. Ông Phan giữ mối quan hệ rất nhiều năm cho đến khi mất với CLB những người thợ lò mỏ Mông Dương (nòng cốt là nhóm thực tập sinh Liên Xô trước đây do ông Phan làm Trưởng đoàn). Hàng năm cứ vào mùng mười Tết là ông Phan lại xuống thăm và tặng quà cho anh em ở CLB này. Ngoài ra ông Phan còn có những người bạn rất gắn bó, thường xuyên giúp đỡ họ trong công việc cũng như cuộc sống”.

Làm việc hiệu quả

Cách quan hệ gần gũi không câu nệ khoảng cách của ông Phan được thể hiện không chỉ trong các cuộc gặp gỡ bạn bè mà cả ở cách giúp đỡ bạn bè, cấp dưới trong công việc. Ông Hải kể: “Lần ấy, tôi (là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cơ khí Mỏ) và một số cán bộ Ban quản lý dự án của Bộ tháp tùng Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan vào Tây Nguyên dự lễ khởi công công trình đường dây 500 KV. Chúng tôi đi máy bay vào Đà Nẵng rồi dùng xe ô tô của Tổng Công ty Điện lực III (một tình cờ thú vị là khi đó bà Trần Thị Như Quỳnh đang là Phó Tổng Giám đốc) để lên Kon Tum. Trong các cuộc tiếp tân dù là tiệc rượu cần Tây Nguyên giữa rừng núi công trường; khi tiếp xúc với lãnh đạo các tỉnh hay ở các đơn vị bộ đội Trường Sơn khi Đoàn tới thăm, ông Phan đều thể hiện phong cách giản dị, cởi mở, “mặc” cho anh em trong Đoàn vui vẻ hết mình…Vì thế chuyến đi ấy rất hay và có nhiều chuyện vui!”.

Trong công việc, cách giải quyết của ông Phan rất uyển chuyển và hiệu quả. Khi ông Hải là Viện trưởng Viện Máy Mỏ, gặp khó khăn về vốn xây dựng cơ bản. Mặc dù Viện đã được ghi kế hoạch vốn nhưng việc giải ngân cứ bị trục trặc, trì hoãn. Ông Phan “mách nước” cho ông Hải nên đi gặp gỡ trình bày, “tranh thủ” sự ủng hộ của các Vụ Kế hoạch, Xây dựng cơ bản và Tài vụ. Ông Hải đã qua hết các “cửa” này rồi mà việc vẫn chưa xong liền vào gặp Thứ trưởng Phan và sẵng giọng:

-Ông có giải quyết được cho tôi không thì bảo?

Thấy ông Hải có vẻ găng, ông Phan “hạ hỏa” bạn bằng cách phì cười, hất đầu, đánh mắt về phía phòng làm việc của Vụ Kế hoạch:

-Mày lại uống rượu ở đâu rồi chứ gì? Cứ bình tĩnh, từ từ giải quyết!

Một lần nữa, ông Hải tỏ thái độ kiên quyết với cơ quan Kế hoạch:

-Tôi đang vội, các anh giải quyết ngay để tôi về kết thúc công việc!

Cuối cùng, công việc khó khăn ấy cũng được giải quyết ổn thỏa dưới sự tác động của ông Phan.

Một lần khác, ông Hải được ông Phan “cứu nguy” và giải quyết được một việc lớn. Số là năm ấy đã tới thời điểm cuối tháng 12, chỉ còn chục ngày nữa là hết năm mà một công trường thủy điện lớn của cả nước chưa triển khai hết tiền vốn theo kế hoạch, trong khi Viện của ông Hải có kế hoạch vốn nhưng lại chưa có tiền. Được anh em ở cơ quan tham mưu của Bộ “mách”, ông Hải đã lên gặp Thứ trưởng Phan và số bạn thân ở các cơ quan chức năng, xin ứng trước số vốn “thừa” của công trình thủy điện. Rất may là chỉ trong mấy ngày năm cùng tháng tận ấy, ông Hải đã rút được vốn đủ mua khu nhà nhiều tầng E1 khu Thanh Xuân Bắc dùng làm khu tập thể cho cán bộ của Viện.

-“Tôi may mắn “chộp” được cơ hội này nhờ bạn bè nhưng không thể thiếu sự giúp đỡ hiệu quả của ông Phan!” – Ông Hải khẳng định và nói thêm: “Ấy vậy mà trong cuộc sống thường nhật, ông Phan đôi khi cũng gặp lúng túng phết! Trong chuyến đi Tây Nguyên năm ấy, tôi mua được cặp sừng hươu rất đẹp, mang khoe với ông Phan, không ngờ ông Phan ngượng ngùng thú nhận: -Tớ cũng mua được một cặp nhưng không đẹp bằng! Có lần bà Nguyệt (vợ ông Phan) đi công tác vắng dài ngày, ông Phan lạch cạch đạp xe đạp từ khu 33 Láng Hạ sang tận Khu tập thể Cát Linh, gãi đầu, nhờ bà Khang (vợ ông Hải) đi chợ, mua thực phẩm giúp bố con ông. Dù đã làm tới chức Thứ trưởng nhưng ông Phan vẫn sống thuộc diện…bình dân. Mãi đến khi nghỉ hưu, ông Phan mới có được căn nhà của riêng mình. Cái mà ông Phan giàu có nhất chính là tình cảm bạn bè!”./.