Bài 9. Bài của ông Đoàn Kiển (tiếp theo và hết)

Trong tôi bây giờ chỉ có “Tình yêu ở lại” –tên tác phẩm của tôi do Nxb. Dân Trí ấn hành năm 2015, tái bản 2017. Trong “Tình yêu ở lại” tôi nhắc tới một người mà trong ngần ấy năm trong ngành và nhiều năm sau khi hoàn dân, tôi có nhiều “điểm giao cắt” cả về công việc và tình cảm, một người mà tôi rất kính trọng, ngưỡng mộ và quý mến. Người đó là anh Nguyễn Đức Phan.


Ông Nguyễn Đức Phan với cựu cán bộ Công ty Xây lắp Cẩm Phả- tiền thna của Công ty than Dương Huy

 

 

Đưa điện vào Nông Sơn, Khe Bố

Cho đến năm 1992 hai mỏ Nông Sơn và Khe Bố đều chưa có điện lưới, mỗi mỏ có một máy phát cục bộ 100KVA. Sau khi được Bộ Năng Lượng đồng ý chủ trương, chúng tôi ký hợp đồng với ngành Điện để đầu tư 35 km đường dây 35 KV từ Duy Xuyên vào Nông Sơn, vốn do chủ đầu tư là Công ty Than Nội địa tự thu xếp. Tháng 8 năm 1992 nhân hội nghị Hiệp hội Than họp tại Nha Trang tôi mời tất cả giám đốc các đơn vị trực thuộc bay vào Đà Nẵng rồi thuê 1 xe 15 chỗ ngồi đi thăm Mỏ than Nông Sơn. Ở trong cùng một công ty mà nhiều người chưa biết Nông Sơn ở đâu, chỉ nghe qua thông tin, hội họp thôi. Trên đường vào Nông Sơn nhất là 20 km cuối cùng đường rất xấu, xe lúc thì lắc lư, lúc thì xóc nảy lên, tuy vậy các câu chuyện vui vẫn nổ như pháo rang. Anh Nguyễn Xuyến- Giám đốc Mỏ than Khánh Hòa nói: “Cứ tưởng mình khổ, hóa ra Nông Sơn còn khổ hơn rất nhiều. Thôi chúng tôi hiểu ý anh rồi, anh Kiển ạ, cần gì cho Nông Sơn anh cứ nói chúng tôi sẽ làm, không cần phải bàn nữa đâu anh ạ, đi thế này là biết rồi!”. Mọi người trên xe đều tỏ ra đồng tình. Chúng tôi qua phà sang mỏ, đến thăm công trường khai thác còn đang như cái hồ cạn nhỏ xíu với một cái máy xúc UB – 1212 đã cũ và hai cái máy khoan dộng đang làm việc, rồi về nhà ăn thưởng thức món cá Sông Thu và gà Đèo Le, không hề bàn chuyện làm ăn gì cả. Đi chung với nhau một chuyến xe Đà Nẵng - Nông Sơn - Đà Nẵng, rồi Đà Nẵng - Nha Trang mười mấy anh em hiểu nhau hơn và đã hẹn ước hợp tác tay đôi, tay ba với nhau. Sau chuyến đi ấy tôi điều một máy xúc E - 2503 từ mỏ Na Dương vào Nông Sơn, chiếc máy xúc này lẽ ra Mỏ Na Dương đã bán cho một công ty phát triển kinh tế miền núi, nhưng được giữ lại ở giờ chót trước khi ký hợp đồng. Công ty mua thêm một máy xúc E - 2503 khác đang tồn ở một kho dự trữ, điều thêm xe ủi, mua thêm 4 máy khoan dộng KD - 20 của Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả và 15 xe Kraz 256B từ Công ty 3C của anh Nguyễn Quang A mới nhập khẩu từ Liên bang Nga về với giá 17.000 đô la Mỹ mỗi xe. Anh Xuyến đưa một ê kíp thợ giỏi và vật tư, phụ tùng vào Nông Sơn trợ giúp công tác lắp đặt, chạy thử. Người cán bộ cơ điện giỏi đứng đầu nhóm chi viện của Khánh Hòa cho Nông Sơn sau này đã chuyển sang làm Trưởng phòng kỹ thuật Công ty nhiệt điện Cao Ngạn, anh là Bùi Minh Tuấn. Sau khi bàn giao Mỏ than Làng Cẩm cho Công ty Gang thép Thái Nguyên, anh Nguyễn Thống nhận lời với tôi vào Nông Sơn làm cố vấn cho cho anh Nguyễn Xuân Lữ (đã thay anh Phan Kháng nghỉ hưu) đồng thời là cố vấn của Giám đốc Công ty về phát triển mỏ Nông Sơn, đưa điện vào mỏ, đồng bộ thiết bị, xe máy, thúc đẩy sản xuất, nâng ngay sản lượng than từ năm 1993, vì lúc đó than Nông Sơn đang bán được, có lãi. Năm 1993 Nông Sơn có điện lưới, mọi người phấn khởi từ nay sản xuất được đẩy lên, việc làm, thu nhập sẽ khá hơn và có điện sinh hoạt suốt ngày. Theo đề nghị của xã Quế Trung, chúng tôi cũng lắp cho địa phương một trạm biến áp riêng để phân phối điện sinh hoạt và sản xuất thủ công cho nhân dân. Quan hệ giữa nhân dân và lãnh đạo địa phương với mỏ ngày càng gắn bó. Anh Nguyễn Thống trở lại mỏ công tác lần 2, lần này anh thay anh Nguyễn Xuân Lữ làm Giám đốc mỏ, anh đưa chị Cõn vào cùng, anh chị ở một gian nhà tập thể cùng gánh vác công việc và chia sẻ gian khó với anh chị em, nơi mà anh chị đã có mặt từ thời kỳ đầu khôi phục mỏ những năm 1978 - 1980. Có điện lưới, thêm xe máy lớn hơn và bộ máy điều hành mạnh hơn nên than ra nhiều hơn, tôi phải quyết định đầu tư thêm một phà dự phòng để mùa mưa lũ đưa phà cũ lên sửa chữa lớn. Đến kỳ phát lương công nhân sang Trung Phước “đổ” nhiều khau vàng hơn. Tôi bàn với anh Nguyễn Thống cho sửa chữa lại nhà cửa, cả nhà làm việc lẫn nhà ở, làm hệ thống nước sinh hoạt, khôi phục lại trạm y tế (đã bỏ hoang), nâng cấp nhà trẻ mẫu giáo và trang hoàng lại “Hý trường Nông Sơn” (hội trường, nhà văn hóa). Anh Thống đặc biệt chú ý đến việc dọn vệ sinh hoàn cảnh và mời Trung tâm Y tế (Bệnh viện Than) vào khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Tôi còn nhớ lần đầu tiên chị em phụ nữ, những người yếu sức khỏe được ra Sầm Sơn điều dưỡng 12 ngày họ vui thế nào. Họ nói với tôi “lần đầu tiên trong đời chúng tôi được như thế này đấy anh ạ, trong số chị em chúng tôi có người tăng ba bốn cân đấy, ai ít cũng tăng được một cân!”.

Điện lưới vào Khe Bố thuận lợi hơn, anh Nguyễn Đức Phan lúc này phụ trách xây dựng cơ bản cả than lẫn điện bảo tôi “Khe Bố, chú chờ chút, cuối năm 1993 Bộ cho kéo đường dây 35KV qua Tương Dương, chú chỉ cần đấu một đoạn từ bên này sông Lam sang mỏ là được, đỡ tốn kém cho Công ty.” Cuối năm 1993 Khe Bố có điện lưới như anh Phan đã nói. Đêm cả khu mỏ sáng bừng lên, tuần nào trong hội trường cũng có phim video, nhiều gia đình đã bỏ ắc quy chơi đài hay ti vi vì đã có điện lưới 24/24 giờ, không còn bị ba cái nhấp nháy báo cắt điện cục bộ như trước nữa.

Na Dương – “Vạn sự khởi đầu nan”.

Chuyện về Than làm Điện bắt đầu từ khát khao có nhà máy điện để tiêu thụ than cho hai mỏ Khánh Hòa và Núi Hồng (Thái Nguyên) vốn có nhiệt lượng thấp hơn than Quảng Ninh, lưu huỳnh lại cao đến 2,5 hay 3,0%. Khi mới thay bác Nguyễn Châu làm giám đốc Công ty Than 3, vào ngày 20 năm 5 năm 1992 tôi đã kiến nghị Bộ Năng lượng cho khôi phục Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn hoặc xây dựng ở Thái Nguyên một nhà máy nhiệt điện mới. Điều mà tôi mong muốn, đúng hơn là mơ ước là có được một nhà máy nhiệt điện đốt than Núi Hồng, Khánh Hòa ở Thái Nguyên và một nhà máy khác được xây dựng tại Mỏ than Na Dương. Ai làm cũng được, ai là chủ đầu tư cũng được miễn là có nhà máy điện. Tôi đã gặp lãnh đạo Công ty điện lực Miền Bắc nhưng công ty này chưa quan tâm. Tôi nghĩ đến đầu tư nước ngoài, tìm kiếm một công ty nào đó vào đầu tư làm điện theo hình thức Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT). Mình nghèo, chưa có tiền góp vốn liên doanh thì tạo điều kiện cho họ đầu tư 100% còn mình thì bán được than, giữ được mỏ, giữ được việc làm cho cả ngàn người lao động. Đến năm 1994 Bộ Năng lượng đã giao cho Công ty than Nội địa nghiên cứu việc dùng than Na Dương phát điện và tìm kiếm hợp tác đầu tư nước ngoài.

Công ty tư vấn PH (của mấy bạn trẻ người Việt Nam) đã giới thiệu cho chúng tôi các nhà đầu tư Hoa Kỳ và thu xếp cuộc gặp đầu tiên vào 18 tháng 10 năm 1994 tại trụ sở Công ty Than Nội địa 30B Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Cuộc gặp đó đã diễn ra đúng 4 ngày sau khi Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê chủ trì họp công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Việt Nam và tôi được giao nhiệm vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam. Thế là dịp may đã đến, cơ hội đã mở ra cho Than làm Điện. Ngày 21 năm 10 năm 1994, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nguyễn Đức Phan cùng Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (anh Phóng) đã tiếp các nhà đầu tư Hoa Kỳ gồm Jay Golding và Ron Gerber, đồng ý chủ trương để Tổng công ty Than Việt Nam hợp tác với các nhà đầu tư Hoa Kỳ làm dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện tại mỏ than Na Dương. Ngày 9 tháng 12 năm 1994 khi làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Than Việt Nam Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê đã xem xét đề nghị và giao cho Tổng công ty xúc tiến lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Tổ hợp Than – Điện Na Dương. Anh Nguyễn Thành Sơn lúc đó đang là cán bộ của Công ty Than Nội địa đã giúp tôi nghiên cứu và chuẩn bị các tài liệu, làm việc với Công ty tư vấn Điện I để chuẩn bị báo cáo tiền khả thi (PFS). Ngày 3 tháng 3 năm 1995 tôi gặp anh Lê Liêm-Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam để bàn về 2 dự án nhiệt điện Na Dương và Cao Ngạn. Anh Liêm thống nhất công suất vận hành của Nhà máy điện Na Dương là 100MW, còn Cao Ngạn thì xem xét khả năng khôi phục hoặc xây dựng mới. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã thành lập Công ty VEP để đầu tư vào Việt Nam trước hết là dự án Tổ hợp Than – Điện Na Dương. Hai bên đã bàn và đi đến thống nhất thành lập một công ty liên doanh giữa Tổng công ty Than Việt Nam (TVN) và VEP để thực hiện dự án Tổ hợp Than – Điện Na Dương theo hình thức BOT với Chính phủ Việt Nam.

Ngày 24 tháng 4 năm 2004 đã đi vào lịch sử Ngành Than Việt Nam như một cái mốc quan trọng không kém phần lãng mạn. Vào hồi 18 giờ 55 phút dòng điện của tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Na Dương đã hòa vào lưới điện quốc gia an toàn. Nhà máy nhiệt điện đốt than Na Dương cho dù công suất nhỏ (110MW công suất đặt hay 100MW công suất tinh) nhưng mà là “bé hạt tiêu” vì là nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường – (công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn), đặt nền móng cho sự phát triển của một chuỗi các nhà máy nhiệt điện đốt than xấu với công suất lớn hơn của Ngành Than Việt Nam.

“Hoàn dân” – nối tiếp - nhớ anh

Năm Kỷ sửu 2009 tôi bước vào tuổi 60, tròn một hoa giáp với 35 năm liên tục làm việc trong Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam kể từ sau khi tốt nghiệp đại học nghề mỏ ở Ba Lan trở về đất mẹ. Cả cuộc đời làm việc của tôi gắn với các thăng trầm của Ngành Than, rồi Than - Khoáng sản trên khắp đất nước. Nay đứng trước gương than, đối diện với chính mình mà soi, mà nhìn lại thì có thể rút gọn như sau: một nghề làm mỏ - hai lần bị kỷ luật đảng – ba lần đổ xe không chết – ba huân chương – bốn giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) và một niềm tin.

Lần cuối cùng tôi phát biểu trước đông đủ công nhân cán bộ Tập đoàn các công ty Than  - Khoáng sản Việt Nam là vào ngày 10 tháng 11 năm 2009 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội sau lễ tuyên dương các tập thể và cá nhân xuất sắc. Tôi đã nói lên lời tri ân, cám ơn tới toàn thể công nhân, cán bộ trong Tập đoàn đang làm việc, hay đã nghỉ hưu đã đồng hành cùng tôi, giúp đỡ tôi thực thi nhiệm vụ. Tôi cũng đã nói lời xin lỗi về những thiếu sót, khuyết điểm đã xảy ra; về những gì tôi chưa làm được; về những việc có thể đã làm tổn thương ai đó. Tôi đã chúc các đồng nghiệp đoàn kết, siết chặt đội ngũ, luôn nêu cao tinh thần sáng tạo, mài sắc ý chí để đương đầu và vượt qua không chỉ những nguy cơ, thách thức mà cả các cạm bẫy ngày một nhiều.

Tôi tham gia một số Câu lạc bộ hưu trí, nào là các cựu lãnh đạo Công ty Than Nội địa mỗi năm gặp mặt hai lần vào dịp kỷ niệm thành lập Công ty 1 tháng 7 và ngày truyền thống 12 tháng 11. Nào là Câu lạc bộ giám đốc Vùng Than Cẩm Phả nghỉ hưu tại Hà Nội do anh Bùi Trung Thành chủ trì, anh Hoàng Lâm Chính làm “Tổng thư ký” cứ hai tháng gặp nhau một lần do một thành viên chủ chi. Khi xuất hiện thành viên mới thì có “hội nghị bất thường” để họ “ra mắt”. Hội hưu trí Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc, Hội hưu trí Ngành Than tại Hà Nội và Hưu trí cơ quan Tổng công ty Than/Tập đoàn Than – Khoáng sản mỗi năm cũng gặp nhau một lần để hỏi thăm sức khỏe, mừng thọ các bác 70, 75, 80, 85 tuổi và từ 86 trở lên. Năm 2012 anh Nguyễn Đức Phan do “tuổi cao sức yếu” đã bàn giao chức Chủ tịch “Câu lạc bộ Xây dựng Cơ bản Ngành Than” cho tôi. Cùng anh Phạm Ngọc Can, anh Trần Xuân Viên chúng tôi đã tổ chức cho các bác, các cụ gặp nhau ở Vùng mỏ Cẩm Phả giữa tháng 9 năm 2013. Nhiều bác xúc động sau nhiều năm mới gặp lại nhau, lại được mừng tuổi cho nhau. Nhiều bác nói không ngờ bây giờ Ngành Than có được cơ ngơi như thế, không chỉ làm than mà làm điện cũng giỏi. Đầu tháng 11 năm 2003 Câu lạc bộ giám đốc TKV nghỉ hưu tại Hà Nội tổ chức họp mặt kỷ niệm 5 năm thành lập tại trụ sở Tổng công ty Hóa chất mỏ nơi mà 5 năm trước Câu lạc bộ đã ra đời với hơn 30 thành viên nay đã có trên tám chục. Anh Nguyễn Viết Hòe, Nguyễn Văn Long đã quyết định đổi mới 100% nhân sự Ban liên lạc và đề nghị giao cho tôi cùng các anh Bùi Thế Ninh, Trần Văn Thành, Nguyễn Xuân Thùy, Phạm Quang Tình và chị Vũ Thị Hòa đảm nhiệm. Phạm Quang Tình trẻ nhất (nghỉ hưu tháng 9 năm 2013) sẽ làm “Tổng thư ký”. Các Câu lạc bộ hưu trí là nơi gặp nhau giao lưu, phổ biến cho nhau kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe, tặng cho nhau niềm vui… Nó thật có ích nhưng phải nhiệt tình tự nguyện thì mới duy trì được, và anh Phan luôn là người như thế ở các CLB. Anh Nguyễn Đức Phan đã đi xa nhưng chúng tôi luôn nhớ tới anh, chúng tôi vẫn thường nhắc đến anh với tất cả sự trân trọng, quý mến./.