Bài 10: Bài của ông Nguyễn Quang Tình
Mấy chục năm làm Chánh Văn phòng Công ty, rồi Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Nhà báo Nguyễn Quang Tình biết nhiều chuyện về ông Nguyễn Đức Phan khi ông là Thứ trưởng đến làm việc với đơn vị. Những chuyện Nhà báo Nguyễn Quang Tình kể dưới đây toàn chuyện nhỏ, đời thường của ông Phan nhưng phản ánh nhân cách lớn của vị lãnh đạo cao cấp của Đảng.
Ông Phan- tứ 4 từ trái sang - với chuyên gia Liên Xô
Chuyện thứ nhất: Ông Phan làm hiên dịch tiếng Nga bất đắc dĩ
Đầu và giữa những năm 1980 khi Liên Xô còn hùng mạnh... tất cả các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước trong đó có ngành công nghiệp Than đều nhận viện trợ của Liên Xô. Nhiều chuyên gia Liên Xô mang cả vợ, con sang Việt Nam ở và làm việc. Công ty than III hồi đó có các mỏ Núi Hồng, Làng Cẩm và sau đó là Na Dương có chuyên gia cùng thiết bị mỏ của Liên Xô. Tất cả cán bộ, nhân viên của cơ quan đều phải học tiếng Nga để đọc bản vẽ và giao dịch với chuyên gia. Công ty than III thiếu một phiên dịch nên đã chọn N. V. T, là công nhân học nghề ở Liên Xô làm phiên dịch nhưng do trình độ chưa tới nên không đạt. Ông Nguyễn Châu có một người bạn chiến đấu ở chiến khu Việt Bắc, bà là nghệ sỹ múa có một cô con gái út tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ tiếng Nga tên là M.Ng. Ông Châu đã tiếp nhận cô Ngọc vào cơ quan làm phiên dịch. Một hôm có cuộc họp rất quan trọng của lãnh đạo Công ty và các nhóm chuyên gia tại Trụ sở Công ty ở Đông Anh, lãnh đạo Bộ Mỏ và Than có các Vụ, Cục... do ông Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan về dự và chỉ đạo. Sau lời khai mạc của Giám đốc công ty Nguyễn Châu, phiên dịch bắt đầu dịch sang tiếng Nga, những câu đầu tiên là những lời chào mừng và xã giao thăm hỏi sức khỏe... các chuyên gia và đại biểu thì phiên dịch có vẻ “lưu loát”! Khi sang phần tranh luận về các thiết bị đã viện trợ và xin thêm phụ tùng thay thế thì không khí trở nên sôi động, vì thế phiên dịch “mất điện” luôn và ú ớ không biết dịch thế nào nữa. Học sư phạm thì biết sao được các cụm từ kỹ thuật? Không khí cuộc họp chùng xuống vì ai nói người ấy nghe, chả ai nghe được ai! Thấy thế đang từ một người lãnh đạo Bộ về dự họp để quyết sách nhiều việc quan trọng, ông Phan đứng lên phiên dịch, ông dịch trơn tru, trầm bổng, tôi chỉ biết ít và chưa nghe để hiểu được nhưng thấy ông Phan nói hay đến mức các chuyên gia Liên Xô cứ gật đầu lia lịa, rồi có lúc lại cười ồ, rồi vỗ tay tán thưởng. Cuộc họp thành công tốt đẹp, ông Phan kết luận bằng hai thứ tiếng Việt và Nga rồi kết thúc phiên họp!
Vẫn là chuyện tiếng Nga, có đôi lần đi công tác cùng ông Châu tháp tùng ông Phan về mỏ Làng Cẩm và Núi Hồng, đường đi gian nan, vất vả, xe xóc tung người. Ông Nguyễn Châu là người “khó tính” nên lúc nào không khí cũng căng thẳng. Ngược lại ông Phan thì vui vẻ, đi lò giếng nghiêng còn đang ở giai đoạn xây dựng cơ bản mỏ Làng Cẩm về mọi người nghỉ ngơi chờ cơm trưa. Anh em cán bộ, kỹ sư cứ quây quanh ông Phan để nghe ông kể chuyện. Nhân nói về tiếng Nga, ông bảo: “Anh đố chúng mày dịch được từ Con Voi và cả cụm từ Con voi, con vỏi, con vòi ra tiếng Nga? Cả lũ nhìn nhau cười chả đứa nào dám nói! Tôi thì võ vẽ và nhanh nhảu đọc “ Sờ lôn, sờ lổn, sờ lồ...”! Tất cả cười ầm, ông Phan khen “Thằng này dịch được! Hay...”! Khi về ngồi cùng xe với ông Châu, ông hỏi : “Mày nói cái gì mà để ông Phan và mọi người cười ghê thế?”! Tôi không dám nói lại với ông Châu cái câu mình đã dịch bậy, tôi vừa đi vừa suy nghĩ: Ông Phan làm lãnh đạo cao thế mà vui vẻ, dân dã, hòa đồng! Mình mà nói câu ấy trước mặt ông Châu thì chắc chết...!!!
Chuyện tiếp theo: “Ngài Phó Thượng thư Nguyễn Đức Phan ở tỉnh Bình –Trị - Thiên”
Xứ Đoài, ngày Thu mưa 04-8-2017