Bài 14: Bài của ông Đinh Quang Vinh
Trong những chuyến tháp tùng anh Phan, chúng tôi còn nghe anh kể chuyện tiếu lâm rất vui, được ăn uống tùm lum dân dã với anh và chứng kiến câu chuyện về vị Thứ trưởng…ngơ ngác trong đời thường. Dưới đây là một số chuyện nhỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan (thứ 5 từ trái sang) với thợ lò
CHUYỆN ANH PHAN BỊ…LỪA!
Đinh Quang Vinh
Nguyên Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn
Đối với Công ty than 3 (sau đó đổi thành Công ty than Nội địa, nay là Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc), anh Nguyễn Đức Phan là người có công chỉ đạo đầu tư cải tạo các mỏ nằm sâu trong nội địa; đầu tư thiết bị cho các mỏ, các nhà máy cơ khí; đầu tư xây dựng đường điện tới các vùng núi như Núi Hồng, Khe Bố v.v. thuộc Công ty.
Ngày ấy tôi làm ở Phòng Kĩ thuật Công ty than 3, sau đó chuyển lên làm việc tại Mỏ than Khánh Hòa nên nhiều lần được tháp tùng anh Phan đi kiểm tra chỉ đạo việc đầu tư xây dựng cơ bản tại các đơn vị trong Công ty. Trong những chuyến đi ấy, chúng tôi đã biết sự sâu sát, tầm nhìn xa của anh Phan trong việc quyết định đầu tư cho các đơn vị. Chẳng hạn, khi kiểm tra năng lực thiết bị khai thác của Mỏ than Khánh Hòa, anh Phan “chê” rằng, thiết bị của Mỏ già cỗi, lạc hậu quá, cần đầu tư đổi mới thiết bị để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Than. Sau chuyến đi ấy, anh Phan quyết định điều cho Mỏ than Khánh Hòa nhiều thiết bị mới, hiện đại, năng suất cao như máy khoan, ô tô. Nhờ vậy, sản lượng bốc xúc đất đá và sản lượng than của Mỏ tăng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng than cho Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn sau này.
Trong những chuyến tháp tùng anh Phan, chúng tôi còn nghe anh kể chuyện tiếu lâm rất vui, được ăn uống tùm lum dân dã với anh và chứng kiến câu chuyện về vị Thứ trưởng…ngơ ngác trong đời thường. Dưới đây là một số chuyện nhỏ.
Ba bò gạo cháo
Ngày ấy tôi làm việc ở Mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên), sống trong khu tập thể của Mỏ. Một hôm, khoảng tầm tám giờ tối, có người tìm tôi bảo lên Nhà khách ngay, anh Phan cần gặp. Tôi phát hoảng. Thời làm việc dưới Công ty Than 3, tôi đã được tháp tùng anh Phan trong một số chuyến công tác, thấy anh ấy cởi mở, dễ gần. Nhưng bây giờ, đang đêm mà anh ấy cho gọi tôi lên chắc có việc gì hệ trọng chăng? Nhưng tôi là anh cán bộ lãnh đạo cấp phòng, có việc gì liên quan đến anh Phan đâu! Dù sao, tôi cũng vội vàng thay quần áo lên Nhà khách mỏ. Căn phòng anh ở tuềnh toàng, cánh cửa mở toang. Thấy tôi thập thò ở cửa, anh bảo:
-Vinh à. Vào đây.
Tôi rón rén ngồi mớm vào chiếc giường đơn đối diện với chiếc giường của anh, rụt rè, hỏi:
-Anh cho gọi em có việc gì ạ?
Anh thản nhiên bảo:
-Này, kiếm gì ăn, mày ơi. Tao đói quá – Anh thường gọi chúng tôi là mày tao, nghe rất thân mật.
Mối lo trong tôi được giải tỏa và một nỗi thương cảm trào lên trong tôi. Một vị Thứ trưởng đi chỉ đạo việc công mà đêm đến kêu đói như…đứa trẻ! Tôi ngập ngừng, hỏi:
-Giờ này anh…vẫn chưa ăn cơm à?
-Tao ăn rồi. Ăn trên Mỏ Núi Hồng. Nhưng cơm nước lèo phèo lại mải nói chuyện, giờ đói quá.
Ngày đó, cả khu vực Mỏ Khánh Hòa và tận ngoài Gốc Bàng, Sơn Cẩm không hề có quán ăn. Vào giờ này, muốn có cái ăn phải xuống tận Tp.Thái Nguyên, cách Mỏ khoảng tám cây số. Bất chợt, tôi nghĩ đến con gà mà tôi đang nuôi, liền bảo:
-Anh ơi, em nuôi được con gà. Hay em thịt con gà nấu cháo anh ăn, được không anh?
Anh Phan vỗ đùi:
-Tốt quá! Mày mời mấy thằng ở Vụ Kĩ thuật nữa. Chúng nó cũng đói lắm.
Con gà khoảng gần hai kí. Tôi làm thịt, bỏ vào nồi gang to, kèm theo ba bò gạo. Xong, anh Phan cùng chúng tôi mặc quần đùi quay quần bên nồi cháo xì xụp. Nhoằng lúc, ba bò gạo cháo hết sạch.
May có thuốc đau bụng của chị Nguyệt
Chị Ngô Thu Nguyệt là vợ của anh Phan. Chúng tôi biết chị Nguyệt vì mỗi lần đi công tác, qua nhà đón anh Phan, thấy chị ấy thường ra tiễn. Trong một chuyến công tác miền Trung, nhờ có thuốc của chị Nguyệt mà bác Nguyễn Châu khỏi trận đau bụng, “thào tháo” đuổi kịch liệt.
Chuyện rằng, chuyến đi ấy có anh Phan, bác Nguyễn Châu và một số cán bộ ở Bộ và Công ty than 3. Khi đó, bác Nguyễn Châu là Giám đốc Công ty than 3. Tới Cầu Giát (thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), chúng tôi rẽ vào quán ăn. Ở đây gần biển, mực tươi nhiều và rẻ, chúng tôi đề nghị chủ quán luộc ba kí mực, chấm ruốc bể (ngoài Bắc gọi là mắm tôm). Ăn cơm xong, chúng tôi lại rẽ vào quán kem mút. Chừng tiếng sau, bác Châu kêu đau bụng, lúc lúc lại yêu cầu tài xế cho dừng xe. Anh Phan trêu bác Châu, nhất bác, được làm…“quân công”. Nói rồi anh Phan mở cặp lấy ra lọ thuốc dốc mấy viên đưa cho bác Châu. Chúng tôi khen anh Phan chu đáo. Anh Phan bảo:
- Bà Nguyệt chuẩn bị cho đấy. Biết tính tao tầm phào nên mỗi lần đi công tác bà ấy chuẩn bị quần áo, đồ lót, khăn mặt, bàn chải răng rồi thuốc men cẩn thận lắm.
Sau khi uống mấy viên thuốc, bác Châu tươi tỉnh hẳn và không còn yêu cầu tài xế dứng xe nữa.
Thường vụ Đảng ủy quyết định…giết gà đãi Thứ trưởng
Khe Bố là mỏ than mỡ quý hiếm, thuộc xã Tam Quang, huyện Tương Dương –huyện vùng cao miền Tây tỉnh Nghệ An, cách Hà Nội 600 km. Đây là vùng núi khắc nghiệt, như cách li với bên ngoài bởi con phà qua sông. Trước đây, đời sống của đồng bào nơi đây và công nhân mỏ vô cùng khó khăn, chủ yếu là tự cung tự tiêu. Là mỏ than mỡ quý hiếm nên thời kỳ trực thuộc Công ty Than 3, Bộ và Công ty đã quan tâm đầu tư cải tạo mỏ, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có việc đưa điện lưới Quốc gia về Khe Bố. Vì vậy, anh Phan nhiều lần phải vào Khe Bố để khảo sát, kiểm tra chỉ đạo việc đầu tư xây dựng cơ bản. Và khi đó, anh em cán bộ Công ty chúng tôi thường tháp tùng Thứ trưởng.
Đường vào Khe Bố vừa xa, vừa xấu. Chúng tôi thường ngồi ké chiếc xe U oát của anh Phan. Xe không gắn điều hòa, người lại đông, ngột ngạt, xóc kinh người. Đi đường xa vất vả đã đành, điều kiện ăn uống trong những ngày làm việc ở Mỏ cũng vô cùng kham khổ. Trước đó, mỗi lần vào Mỏ làm việc, chúng tôi thường được Mỏ thết đãi cơm đạm bạc, chủ yếu là bằng tép khô, cá mắm. Anh em công nhân ăn uống còn kham khổ hơn. Bữa ăn thường là rau muống luộc chấm với nước mắm pha loãng, dốc thêm muối, mặn tê lưỡi. Thời làm Giám đốc Công ty than Nội địa, mỗi lần vào làm việc ở Khe Bố, anh Đoàn Kiển vẫn ăn cơm ở nhà ăn tập thể công nhân. Có lần, nhìn thấy chân các song sắt cửa sổ nhà ăn bị dỉ sét ăn mòn, có người thắc mắc, vì sao dỉ sét chỉ ăn mòn phía dưới các song sắt? Anh Kiển giải thích, là bởi thợ lò ở đây ăn mắm mặn. Ăn không hết đem hắt qua cửa sổ…
Đoàn cán bộ của Bộ và Công ty do Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan dẫn đầu vào Khe Bố lần này không phải ăn cơm với tép, cá khô, dùng nước mắm mặn cháy lưỡi mà được Mỏ thết đãi thịt gà và thịt lợn. Sau, chúng tôi mới biết, để có bữa ăn thịnh soạn này, từ hôm trước, Thường vụ Đảng ủy đã họp bàn và quyết định mua gà, thịt lợn thết đãi Thứ trưởng!
Kể lại chuyện này tôi càng ngậm ngùi thương anh Phan Đình Bài và anh em cán bộ công nhân Than Khe Bố thời ấy. Anh Phan Đình Bài tốt nghiệp Đại học mỏ ở Ba Lan, về nước làm việc ở Xí nghiệp Xây lắp Mỏ Mông Dương, sau đó tình nguyện vào Khe Bố làm Giám đốc. Là Giám đốc nhưng anh Bài chịu đựng nhiều gian khổ như anh em, chịu nhiều áp lực. Anh ra đi khi tuổi đời còn trẻ, các con chưa trưởng thành và anh Bài chưa được sống trong thanh thản, đủ đầy.
Thứ trưởng bị…lừa!
Chuyến công tác ấy, trên đường về, chúng tôi rẽ vào chợ Lường thuộc huyện Đô Lương để mua quà cho gia đình. Chợ Lường nổi tiếng về buôn bán trâu bò, chè xanh và hàng nông sản. Trong bài dân ca “Giận mà thương” nổi tiếng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong có câu “Chính thương anh nên em bàn với mẹ/ Phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường”. Dân miền xuôi xứ Nghệ gọi đi chợ ở miền núi là “đi ngược”; “ngược Lường” nghĩa là đi chợ Lường. Chợ Lường nhiều hàng nông sản nhưng chúng tôi thường mua lạc nhân. Lạc ở đây chắc hạt và rẻ.
Xe dừng trước cổng chợ, chúng tôi tìm tới hàng lạc. Khi ra, thấy anh Phan vẫn ngồi trên xe, nhìn chúng tôi cười hơ hơ. Anh Phan có điệu cười vô tư, thân thiện và ấm áp. Nhìn chúng tôi ai nấy lỉnh kỉnh mang xách những túi, những đùm, mồ hôi nhễ nhại, anh Phan hỏi:
-Chúng mày mua lạc bao nhiêu?
Ý anh Phan hỏi chúng tôi về giá lạc. Khi biết giá lạc chúng tôi mua, anh Phan lại cười hơ hơ:
-Vậy là chúng mày mua đắt rồi! Tao chả phải vào chợ chen chúc mặc cả vẫn mua được lạc rẻ mà ngon. Chúng mày xem này…
Nói rồi anh mở miệng bao tải ra. Quả nhiên, lạc anh mua hạt đều, chắc. Anh nói:
-Thấy rẻ, tao mua hai yến về biếu hàng xóm và cho các cháu ăn dần.
Chúng tôi đều khen lạc của anh đẹp, chắc hạt nhưng trong bụng ai cũng nghĩ, có lẽ anh Phan đã bị lừa. Chúng tôi đã nhiều lần vào Khe Bố, trên đường về dừng lại mua lạc ở đây nên không lạ gì mánh khóe của mấy bà buôn lạc. Khi xe dừng, anh Phan cứ đủng đỉnh, tưởng không có nhu cầu mua lạc nên không ai mách cho anh mánh khóe của bọn con buôn để anh cảnh giác. Biết là anh Phan bị lừa nhưng không ai dám nói ra vì sợ anh mất vui. Quả nhiên, hôm sau, chúng tôi hỏi chị Nguyệt về số lạc ấy được mấy cân? Chị Nguyệt bảo, được 14 cân! Vị chi, bọn buôn lạc ở chợ Lường đã móc túi của anh Phan 6 cân lạc nhân mà anh vẫn cười hơ hơ…
16/8/2017