Bài 12: "Quan phó Thượng thư"

"...Những lúc tôi được đi công tác cùng ông Nguyễn Châu tháp tùng ông Phan, khi nói chuyện người dân ở nội thành Huế, họ cứ gọi ông với Chức danh kèm theo tên một cách trìu mến là ông “Phó Thượng thư Nguyễn Đức Phan”!


Ông Phan tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công trình điện tại tỉnh Bình Trị Thiên

 

 

 

“QUAN PHÓ THƯỢNG THƯ” NGUYỄN ĐỨC PHAN

 

Nguyễn Quang Tình

Tháng 9 năm 1986, tôi có dịp đi công tác cùng các nhà báo ở Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam qua tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình, Quảng Trị  và Thừa Thiên-Huế) và có đến thăm  nhà bà má ở huyện Hương Phú. Bà là người có công chôn cất và trông nom phần mộ Liệt sĩ Nguyễn Đức Phách, em của ông Nguyễn Đức Phan. Liệt sĩ Nguyễn Đức Phách hi sinh năm 1968 tại đây. Bà má kể;  “ Buổi sáng tôi ra đồng cắt cỏ thì gặp anh bộ đội giải phóng người miền Bắc bị thương nặng chắc cố bò về đến đây thì chết. Tôi vội vàng lấy rơm, rạ, cỏ khô vùi giấu tạm, đến đêm tôi mang cuốc xẻng ra đào cát và chôn anh ở sau nhà. Từ đó tôi vừa trông nom và cúng giỗ cho anh. Sau ngày Giải phóng miền Nam đã lâu mới thấy trên huyện và tỉnh về hỏi thăm thì tôi báo lại, họ điều tra rất cẩn thận và kỹ càng lắm. Từ đó mới nhận biết rõ anh bộ đội giải phóng  đó là em trai của ông Phan tên là Phách. Tôi nghe cán bộ xã ấp nói ông Phan làm quan to lắm ở ngành Điện - Than ngoài Hà Nội. Ông phụ trách việc xây dựng và phát triển hệ thống điện lưới Quốc gia. Tỉnh Bình Trị Thiên còn nghèo nên ông hay về khảo sát, xem xét và tạo điều kiện giúp đỡ địa phương đưa điện về nông thôn. Gia đình ông biết em trai ông là Nguyễn Đình Phách hi sinh ở Quảng Trị hoặc Thừa Thiên, nhưng không biết ở cụ thể chỗ nào. Tỉnh cũng quan tâm tìm kiếm ở tất cả các nghĩa trang liệt sĩ nhưng không thấy nên đã phát động nhân dân để cùng giúp đỡ gia đình ông Phan. Được tin, tôi đã báo cho xã, ấp...thế là có đoàn cán bộ đến ngay. Tôi vừa mừng nhưng lại buồn và thương anh bộ đội giải phóng ấy. Tôi có biết tên tuổi chi mô. Khi làm lễ để đưa hài cốt anh bộ đội ấy về quê, tôi nghe ông Chủ tịch trịnh trọng: Thưa là ngài “Phó Thượng thư Nguyễn Đức Phan” thì tôi mới biết anh bộ đội giải phóng là em ruột của ông. Gia đình ông Phan rất tử tế đến thăm gia đình, cho quà và cảm ơn. Mỗi khi có về tỉnh làm việc, ông lại xuống thăm làm cho tôi cũng cảm thấy đỡ buồn vì phải xa anh bộ đội giải phóng và mừng cho anh đã được về  “đoàn tụ” gần gia đình và quê hương...”!

Nghe bà má nói đến đây thì tôi chợt nghĩ: Chắc có lẽ gia đình ông Nguyễn Đức Phan là một trong những gia đình  tìm được hài cốt của liệt sỹ chống Mỹ hy sinh ở miền Nam sớm nhất? Tôi chạnh lòng và tự nhiên nước mắt lại chảy ra không kìm được vì gia đình tôi cũng có người thân hy sinh năm 1972 tại miền Nam mà cũng không biết được hài cốt nằm ở đâu trên vùng đất phương Nam xa xôi bây giờ...? (Và cho đến tận hôm nay đã 45 năm khi ngồi viết những dòng này vẫn chưa tìm được...)

Bà má vừa kể chuyện vừa lau nước mắt trên khuôn mặt già nua lại sống trên một mảnh đất cát khô cằn của xứ miền Trung đầy nắng, gió...Bà nói tiếp: “Cũng may nhờ có ông “Phó Thượng thư” quan tâm giúp đỡ nên bà con nhân dân chúng tôi đã có điện thắp sáng và chạy quạt, nghe đài... nhà ai cũng coi ông như người thân và ân nhân của mình. Ông làm quan to như vầy mà khi về với dân ông vui vẻ chào hỏi mọi người, hỏi thăm sức khỏe, tặng quà! Khi ông và gia đình đưa hài cốt em trai về quê cũng không tổ chức nhiều xe đón rước mà chỉ thấy cái xe của ông vẫn đi đặt em cùng trên đó về quê...”!

Một buổi chiều mùa đông qua nhanh, trời xẩm tối, tôi chia tay bà má tốt bụng để về nhà khách huyện Hương Phú nghỉ. Trên đường nghĩ về những tình cảm vô cùng chân thành và ấm áp giữa nhân dân hai miền Nam, Bắc và cả những tình cảm thân thương coi nhau như ruột thịt giữa bà má miền Nam phúc hậu và gia đình ông Phan có “may mắn” sớm tìm được người thân là liệt sỹ đã hy sinh thân mình góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!

Nhớ lại vào khoảng giữa những năm của thập kỷ 80 thế kỷ XX, đất nước mới vừa đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc chưa lâu với hậu quả để lại vô cùng nặng nề, lại bị bao vây cấm vận từ nhiều phía. Khó khăn cứ chồng chất khó khăn, việc đi lại, giao thông lại càng khó, vậy nên Quốc hội mới nhập các tỉnh lại thành “40 pháo đài” tức là chỉ có 40 tỉnh và thành phố. Ông Nguyễn Đức Phan là Thứ trưởng Bộ Năng lượng phụ trách xây dựng cơ bản trong đó có việc phát triển mạng lưới điện quốc gia. Ông cứ tất bật, vất vả ngược xuôi vào Nam, ra Bắc... Như một vị “Thần đèn”, ông Phan  đã đặt chân đến địa phương nào là hầu như ở đó sớm hay muộn một chút là sẽ có đường dây lưới điện quốc gia đưa ánh sáng của Đảng và Chính phủ đến. Vì địa bàn hoạt động của các mỏ than Khe Bố thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh, mỏ than Nông Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trực thuộc Công ty than III và tỉnh Bình Trị Thiên cũng là tỉnh có sự liên kết vùng được sự quan tâm của ông nên đã sớm có đường dây cao thế đi từ Quảng Bình vào Quảng Trị đến Huế. Những lúc tôi được đi công tác cùng ông Nguyễn Châu tháp tùng ông Phan, khi nói chuyện người dân ở nội thành Huế, họ cứ gọi ông với Chức danh kèm theo tên một cách trìu mến là ông “Phó Thượng thư Nguyễn Đức Phan”! Tôi kể chuyện này cho ông Châu nghe, ông bảo: “ Thế cậu có biết là chức ấy tương đương ngày nay là gì không?” Tôi thưa: “Người Huế phần đông là người dòng dõi hoàng tộc, trâm anh, hay chữ, trọng nhân cách... người ta gọi anh Phan như vậy nếu so với bây giờ thì là Phó Bộ trưởng đấy bác à”! Ông Châu gật gù, ra chiều đồng ý và tán thưởng... Với trình độ của một nhân viên quèn thì tôi lại nghĩ: Ông Nguyễn Đức Phan là một con người thông minh, học hành tử tế, trí tuệ sáng láng, kiến thức uyên bác. Tác phong đàng hoàng, đĩnh đạc...khiêm tốn gần dân, được đồng nghiệp tin yêu kính trọng...Ông đúng là một “Vị quan” mẫu mực với bất cứ một chế độ nào người dân đều cần đến ông...!!!

Chiều Thu ở xứ Đoài, ngày 8/8/2017

Ng. Q. T

 

Câu chuyện kể tiếp: Chuyện đi xe ô tô và các món ăn bình dân khoái khẩu của ông Phan mà tôi biết.