Bài 13: Tiếp bài của ô Nguyễn Quang Tình

Bây giờ anh Phan đã đi xa nhưng những kỷ niệm và những mẩu chuyện vụn vặt mà tôi biết về anh, tôi viết ra đây để coi như một nén nhang tưởng niệm về một người cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhưng luôn luôn gần dân, mến dân, quý dân, trọng dân...Trong tôi và cả nhiều người thợ mỏ Việt Nam, anh Nguyễn Đức Phan luôn sống mãi...

KỂ TIẾP CHUYỆN NHỎ VỀ ANH NGUYỄN ĐỨC PHAN

Nguyễn Quang Tình

 

Tháng 9 năm 1980, tôi lên Phổ Yên để giúp cho Bệnh viện Than III làm thủ tục đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Mọi việc cho lễ đón đã dần đi vào hoàn tất. Ngày lễ được tổ chức rất long trọng vào một buổi sáng trong Hội trường của Viện. Vì được phân công lo khánh tiết và đón khách, tôi nói với các anh bảo vệ : “Nếu thấy xe Volga và Lada thì các anh ưu tiên mở cổng và đón vào cửa hội trường và cho xe đỗ gần đó. Các xe khác như Uaz, Gaz 69, Bắc Kinh...thì cho đỗ ngoài cổng dọc theo đường và mở cổng cho khách đi bộ vào hội trường. Tôi đang bận đón và hướng dẫn thì thấy có 2 người to lớn xuống xe Uaz đi bộ từ cổng, nhìn kỹ thì thấy ông Nguyễn Đức Phan – Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than và ông Đàm Quang Trung – Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu I, tôi vội vàng bảo bảo vệ mở cổng nhưng ông Phan xua tay: “Đã quy định thì cứ làm như thế, đi bộ cũng không sao!” Hai ông vào hội trường, mọi người đều đứng lên chào hỏi và chúc mừng. Bữa tiệc hôm ấy to lắm, có thịt trâu và thịt lợn do ông Nguyễn Như Ngôn – Phó Giám đốc Bệnh viện đi ngoại giao và mua được tận Bắc Cạn, đầu bếp đón ở Hà Nội lên nấu nướng và chế biến, chỉ có khách và lãnh đạo Bệnh viện được ăn và ở lại tiếp... số cán bộ và bác sỹ, y sỹ, y tá, công nhân viên được chia thức ăn về gia đình để liên hoan.

Mấy chục năm tiếp sau, thi thoảng tôi vẫn đi cùng ông Nguyễn Châu tháp tùng ông Phan đi kiểm tra sản xuất ở các mỏ Làng Cẩm, Núi Hồng, Khe Bố...và các xí nghiệp xây lắp. Đường giao thông đều nhỏ, xấu, xe xóc... nhưng cứ xuống đến mỏ là đã thấy ông nhanh nhẹn xuống xe, tôi thấy ai cũng gọi sau lưng ông là ông “Phan phệ” vậy mà cử chỉ, tác phong của ông nhanh nhẹn hơn cả thanh niên. Tôi để ý các cán bộ ở các Vụ, Cục...ở Bộ và Công ty theo ông cũng mệt. Ông đi kiểm tra hầm lò, các hạng mục xây dựng... chỗ nào cũng cho ý kiến chỉ đạo chính xác, kịp thời. Sau khi đi hiện trường về họp, ông rất chú ý lắng nghe các ý kiến và hoan nghênh các sáng kiến đề xuất mới. Khi ông kết luận thì mạch lạc, khúc triết và bao giờ cũng có thêm chút “tiếu lâm” hiện đại. Ông Châu là người kỹ tính, ít vui cười... mà cuộc họp nào có ông Phan chủ trì, ông cứ kích ông Châu để đến nỗi ông Châu và mọi người đều phải cười rũ ra. Nhớ lại những ngày xưa ấy, cả nước đói kém, nhất là thanh niên ai cũng thèm ăn, tôi làm ở văn phòng mà khi có điện VTĐ của Văn phòng Bộ thông báo “ Anh Phan xuống làm việc” là mừng lắm, mấy đứa tháp tùng thế nào cũng được bữa no nê thịt chó hoặc thịt dê (đó là những món ăn khoái khẩu của ông Phan). Điều vui và đáng nhớ nhất là nếu bữa ăn nào có ông Phan ở đó thì không khí vui vẻ, rộn ràng, cán bộ nhân viên ăn, uống thoải mái không phải để ý, dè chừng mấy ông giám đốc Công ty, Xí nghiệp cùng ngồi ở đó.

Tiếp đến những năm 1990, tôi đi công tác cùng anh Thẩm, anh Kiển sang văn phòng Bộ làm việc. Các anh thường bảo tôi rủ anh Phan đi ăn trưa trên phố cổ, nếu anh Phan không bận tiếp khách hoặc đi công tác thì anh vui vẻ nhận lời. Ngồi ăn với anh, anh cứ động viên mọi người ăn nhiều vào, mấy cán bộ có ý ngại thì anh lại trực tiếp chia thức ăn vào bát cho từng người. Anh nhắc là ăn cố, đừng bỏ phí, thịt và bánh mỳ ngon lắm...phải ăn cho hết. Sau này khi tôi có được một tý chức vụ cỏn con có thể ký sao một số văn bản liên quan đến đất đai, nhà cửa...anh Phan đã nghỉ hưu ở đường Bạch Đằng, anh thỉnh thoảng vẫn gọi điện cho tôi. Cứ khi cầm máy nghe tiếng thân thương “ Anh Phan đây...”là tôi lại xúc động! Khi tôi ký sao toàn bộ 2 bộ hồ sơ có liên quan đến việc làm sổ đỏ mới tách ra từ mảnh đất chung và gửi cho anh qua người cháu. Anh điện lại để cảm ơn và cũng qua tôi để thăm hỏi sức khỏe của ông Nguyễn Châu – Thủ trưởng cũ của tôi.

Anh Phan đã đi xa nhưng những kỷ niệm và những mẩu chuyện vụn vặt mà tôi biết về anh, tôi viết ra đây để coi như một nén nhang tưởng niệm về một người cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhưng luôn luôn gần dân, mến dân, quý dân, trọng dân...Trong tôi và cả nhiều người thợ mỏ Việt Nam, anh Nguyễn Đức Phan luôn sống mãi...

 

Xứ Đoài, tháng 8 năm 2017