Bài 16; Bài của ông Chu Văn Tiến

“Với tôi, bác Nguyễn Đức Phan luôn luôn như một người thầy. Làm việc với bác Phan rất thú vị, sảng khoái mà hiệu quả cao (không bị ức chế như một vài vị “quan” đạo mạo khác – cười) vì vậy tôi rất quý trọng và rất thích đi công tác cùng bác ấy. Bởi bác Phan là người thông minh giỏi nghề, sát việc, cách chỉ đạo công việc rất thoáng, tính tình lại vui vẻ, chan hòa và rất dễ gần…"


Ông Chu Văn Tiến

 

 

 

NGƯỜI KHAI MỞ NHIỀU CÔNG TRÌNH LỚN CỦA NGÀNH ĐIỆN

Thái Hà

(Theo lời kể của ông Chu Văn Tiến, nguyên Trưởng phòng Tổng hợp,

trợ lý Bộ trưởng Bộ Năng lượng; Trưởng ban Tổng hợp EVN)

Ở tuổi U70 nhưng ông Chu Văn Tiến vẫn giữ được phong cách trẻ trung, sôi nổi; nhớ và kể những câu chuyện về nghề, về một thời gắn bó với ngành Năng lượng vẫn…“nhanh như điện”. Ông không giấu được vẻ tự hào: “Với tôi, bác Nguyễn Đức Phan luôn luôn như một người thầy. Làm việc với bác Phan rất thú vị, sảng khoái mà hiệu quả cao (không bị ức chế như một vài vị “quan” đạo mạo khác – cười) vì vậy tôi rất quý trọng và rất thích đi công tác cùng bác ấy. Bởi bác Phan là người thông minh giỏi nghề, sát việc, cách chỉ đạo công việc rất thoáng, tính tình lại vui vẻ, chan hòa và rất dễ gần…

Bác Phan hay “lôi” đi cùng…

Tôi học Trường Đại học Năng lượng Matxcơva từ năm 1966 đến năm 1973. Về nước tôi làm ở nhà máy điện Việt Trì một năm, năm 1974 thì về công tác ở Vụ Kế hoạch Bộ Điện và Than. Bác Phan khi ấy là Phó Cục trưởng Cục Kiến thiết cơ bản của Bộ. Kể cả sau này làm Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than, bác Phan cũng vẫn phụ trách toàn bộ khối xây dựng cơ bản ngành Than và khối cơ khí, điện lực …của ngành than. Vì vậy, toàn bộ các công trình điện phục vụ mỏ, đường dây và trạm các công trình điện dưới 110KV (tức các công trình điện thuộc tài sản của ngành Than), cơ khí than đều do bác Phan phụ trách. Cụ thể hơn, đối với một công trình, dự án điện cụ thể, bác Phan chịu trách nhiệm từ khâu khảo sát mở tuyến, chỉ đạo thiết kế, tính toán đơn giá dự toán, “ký nháy”  hồ sơ thiết kế để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt đến chỉ đạo thi công. Tâm huyết với công việc, rất sát thực tế nên tất cả mọi công trình bác Phan đều trực tiếp lăn lộn ngoài thực địa từ khi khảo sát tuyến cùng anh em cán bộ cấp dưới. Cũng chính vì vậy mà tôi là một trong số cán bộ kế hoạch, sau này làm tổng hợp, giúp việc cho Bộ Trưởng hay được bác Phan “lôi” đi cùng trong các chuyến công tác cùng với anh em cán bộ kỹ thuật, thiết kế …

Trong rất nhiều chuyến đi thực tế như vậy, có một chuyến công tác đặc biệt, vất vả nhất nhưng cũng để lại dấu ấn thú vị nhất – đó là chuyến đi khảo sát tuyến cho công trình đường điện 35KV Bắc Giang – Mỏ than Na Dương. Đây là công trình đưa điện lưới quốc gia về thay thế nguồn điện Diezen tại chỗ để phục vụ cho việc nâng cao sản lượng Mỏ than Na Dương (Lạng Sơn) phục vụ nhu cầu cấp than cho Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn và ngành đường sắt. Công trình yêu cầu phải chọn được tuyến ngắn nhất, dễ thi công nhất với thời gian chuẩn bị cũng…ngắn nhất! Chỉ khi đi vào thực địa mới thấy những yêu cầu trên chẳng dễ dàng chút nào.

Toàn tuyến hơn 50 km đều đi qua vùng rừng núi hiểm trở, điểm đầu thuộc huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) nên chuyến đi khảo sát mở tuyến năm ấy là chuyến đi vô cùng gian nan, vất vả. Đi cùng bác Phan chuyến ấy có tôi, hai cán bộ của Viện Quy hoạch thiết kế và một người nữa, tất cả trên chiếc xe Bắc Kinh đã “có tuổi” vượt suối, xuyên rừng gần 20 ngày. Những thứ mang theo ít ỏi đã cạn ngay từ những ngày đầu, thời gian còn lại đoàn phải vào nhà dân để xin lương thực ăn (chủ yếu là sắn, ngô vì những nơi đi qua toàn vùng hẻo lánh, bà con dân tộc còn rất thiếu thốn) và ngủ đêm nhờ. Bác Phan nom “phệ” vậy mà cắt rừng rất khá, chúng tôi trẻ hơn mà theo được bác vẫn “bở hơi tai”. Nhiều đêm chỉ vài mẩu sắn, chúng tôi phải nhờ đến những câu chuyện tiếu lâm ta, tiếu lâm tây của bác Phan để tạm quên đi sự hành hạ của vắt, muỗi rừng và…đói. Với tôi, đây là chuyến đi “nhớ đời”. Nghĩ lại càng thương bác Phan – một cán bộ vào loại “có cỡ” lúc đó, làm việc giữa Hà Nội mà vì công việc sẵn sàng sát cánh, chịu đựng thiếu thốn, gian nan cùng anh em…Và có lẽ nhờ vậy mà thời gian chuẩn bị cho công trình này chỉ mất một năm và ba năm sau thì thi công xong đưa vào khai thác đúng tiến độ yêu cầu và cũng là công trình hoàn thành trước khi Bộ giải thể.

“Nghĩ bụng” và tiểu tiết đơn giá công trình 500KV

Năm 1987, bác Phan làm Thứ trưởng Bộ Năng lượng phụ trách khối xây dựng cơ bản của ngành Than nhưng nhiều công trình điện bác Phan vẫn tham gia. Tôi lúc đó là Trưởng phòng Tổng hợp của Bộ, giúp việc cho Bộ trưởng nên có lúc vẫn tham gia một số chuyến công tác cùng bác Phan. Vẫn phong cách làm việc như trước, sâu sát, trực tiếp từ khâu khảo sát đến giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng, tôi được chứng kiến vai trò của bác Phan với nhiều công trình cấp điện cho nhà máy cơ khí, để cải tạo, mở rộng các mỏ than như Khe Bố, Nông Sơn, Núi Hồng…

Không chỉ đóng góp lớn cho các công trình, thể hiện trách nhiệm cao trong công việc mà quá trình làm việc cũng như sinh hoạt đời thường, bác Phan giản dị, gần gũi, chan hòa với mọi người xung quanh đồng thời cũng cho bạn bè, anh em nhiều lời khuyên, chỉ bảo tận tình, giúp anh em giải quyết nhiều vướng mắc. Qua đó anh em cũng học hỏi được ở bác Phan nhiều điều, vì thế tôi luôn coi bác Phan là người anh, người thầy trong công tác xây dựng cơ bản.

Trong những chuyến đi dã ngoại, bên mâm cơm dù đạm bạc, khi nghỉ ngơi thoải mái hay khi xông pha thực địa, bác Phan thường cho mọi người thưởng thức những câu chuyện tiếu lâm vui vẻ mà thâm thúy để quên đi những mệt nhọc, chịu đựng thực tại. Có lần, trong chuyến về Mỏ than Núi Hồng. Đường xấu, bụi, xe xóc làm người nghiêng ngả, quần áo, đầu tóc mọi người bám đầy khói và bụi than, bác Phan vẫn để ý thấy công đoạn vận chuyển than từ mỏ về bãi còn nhiều bất cập, tốn kém mà hiệu quả không cao. Ngâm ngợi thế nào, tự nhiên bác hỏi mọi người về sự khác biệt về cách nghĩ, cách làm giữa người phương Đông và người phương Tây. Không ai hiểu ý và góp chuyện. Bác Phan liền túc tắc kể một câu chuyện tiếu lâm làm cho mọi người cùng hiểu ra vấn đề (và rồi nhiều người cứ suy nghĩ mãi về ý tứ trong câu chuyện ấy). “Người châu Á thường nghĩ bằng bằng bụng nên bụng nó mới bé. Còn người châu Âu nghĩ  bằng đầu nên đầu họ thường bị hói. Người Việt ta thường nói “nghĩ bụng” chứ có “nghĩ đầu” đâu, phải chăng vì thế mà bụng dạ thường hẹp hòi, đố kỵ…”.

Năm 1992,  khi công trình đường dây 500KV khởi động, thời gian đầu Thứ trưởng  Nguyễn Đức Phan tham gia kiểm tra đơn giá, dự toán do Vụ xây dựng cơ bản trình. Sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu phải thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia thì Thứ trưởng Lê Liêm và 5 Vụ trưởng tham gia Ban chỉ đạo. Năm 1993, Bộ trưởng Thái Phụng Nê được Thủ tướng giao trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan nhận trách nhiệm giúp Bộ trưởng xem xét về đơn giá, dự toán; chỉ đạo Vụ xây dựng cơ bản kiểm tra trình duyệt thiết kế, dự toán. Ngoài ra, bác Phan còn phụ trách một số nhiệm vụ liên quan khác.

Với vai trò của mình, Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan đã góp phần giải quyết vướng mắc về đơn giá vận chuyển cự ly ngắn và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ chế tạo, cung cấp các cột thép cho đường dây 500KV, giúp cho tiến độ công trình thế kỷ này đảm bảo đúng hạn. Nội dung mấu chốt của vấn đề đơn giá vận chuyển cự ly ngắn là ban đầu tính toán cự ly vận chuyển chỉ từ 1,5 – 2 km để áp đơn giá tiền công. Nhưng khi thi công thực tế cự ly vận chuyển hầu hết đều dài hơn, từ 3 – 4 km; lại đi qua địa hình khó và phức tạp, thậm chí phải đi vòng xa hơn và vận chuyển thủ công nên giá thành đội lên cao, đơn giá ban đầu không hợp lý, các đơn vị thi công đều khiếu nại, phản ứng. Thấy rõ bản chất của vấn đề do sâu sát thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan rất băn khoăn và đưa ra bàn trong lãnh đạo Bộ. Mặc dù trước áp lực yêu cầu của công trình 500 KV là không được vượt dự toán, nhưng cuối cùng lãnh đạo Bộ đồng ý thay đổi đơn giá vận chuyển cự ly ngắn theo giải pháp đề xuất của đơn vị thi công và Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan là dùng đơn giá cự ly vận chuyển bình quân để vận dụng vào thực tế.

Dấu ấn Luật Điện lực

Trong công tác chuyên môn, bác Nguyễn Đức Phan đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo từ cơ sở tới Bộ. Có một thời gian giữ chức Cục phó Cục kiến thiết cơ bản Bộ Điện và Than và sau đó do tách nhập Bộ, bác Phan giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than; Thứ trưởng Bộ Năng lượng; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Rất nhiều công trình, dự án lớn của ngành có vai trò đóng góp lớn của bác Phan nhưng có lẽ ít người để ý tới một đóng góp không nhỏ vào một công việc đòi hỏi trình độ tổng hợp cả chuyên môn và học thuật. Đó là công trình soạn thảo Luật Điện lực mà bác Phan trực tiếp phụ trách, chỉ đạo thời gian ban đầu.

Năm 1995, Bộ Năng lượng giải thể, Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập (sau này là Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN). Bác Nguyễn Đức Phan là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (sau này là Bộ Công thương), phụ trách toàn bộ mảng Điện và Than liên quan tới xây dựng cơ bản và quy hoạch. Mặc dù các Thứ trưởng khác phụ trách các mảng thủy điện và nhiệt điện nhưng Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan vẫn chi phối nhiều tới hoạt động của các mảng này do liên quan tới các trình tự thủ tục đầu tư, đơn giá, dự toán. Vai trò chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan thể hiện rất rõ trong việc xây dựng Tổng sơ đồ Quy hoạch Điện 5 và những điều chỉnh về giá điện (khi là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp). Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ quyết định xây dựng Luật Điện lực, Bộ trưởng Đặng Vũ Chư giao cho Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan phụ trách Ban chỉ đạo soạn thảo Luật này (do Ngân hàng Thế giới WB tài trợ).

Tổ soạn thảo Luật được thành lập do Viện sĩ Trần Đình Long (Phó Chú tịch HĐQT Tập đoàn EVN) làm Tổ trưởng cùng 10 người khác, trong đó có tôi – làm nhiệm vụ Thư  ký biên soạn. Có lẽ do nhiều lần kéo tôi đi làm việc cùng, biết được sở trường viết lách của tôi nên bác Phan đã đề nghị đưa tôi vào Tổ soạn thảo Luật (lúc này, tôi đang công tác tại EVN sau khi đi học 1 năm ở Bỉ về).

Sau một năm rưỡi soạn thảo, chỉnh lý, hiệu đính, bác Phan tổ chức Hội thảo 3 miền đợt 1 với tất cả cán bộ có trách nhiệm trong ngành để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật. Tôi được bác Phan giao nhiệm vụ ghi chép, tổng hợp ý kiến và làm cơ sở giúp bác Phan kết luận Hội thảo.

Tại Hội thảo này, trong dự thảo Luật nổi lên nhiều vấn đề lớn lần đầu tiên được đề cập, được các đại biểu chất vấn, thắc mắc và tranh luận, yêu cầu làm rõ. Đó là vấn đề về “Thị trường điện”; “Bán buôn”, “Bán lẻ”, “Điều tiết” (điện – ông Chu Văn Tiến). Chỉ đến khi Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan thay mặt Tổ soạn thảo giải thích thì mọi người mới hiểu rõ và đồng tình giữ như dự thảo (sau này có một số người nói thật với tôi rằng “trước khi nghe bác Phan giải thích, họ chẳng hiểu gì cả” – cười). Qua đó, bác Phan yêu cầu Tổ soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, làm sáng tỏ các khái niệm, thuật ngữ trong dự thảo Luật. Cũng sau Hội thảo đợt 1, chuẩn bị nghỉ chế độ, bác Phan bàn giao phần việc xây dựng Luật cho Thứ trưởng Hoàng Trung Hải. Vì nhiều lý do, đến năm 2004 Luật Điện lực mới được ban hành. Từ đó đến nay, Luật Điện lực mới qua 1 lần sửa đổi, bổ sung (năm 2013) một số nội dung cho phù hợp thực tế, còn nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên như Luật ban hành năm 2004. Cho thấy tầm tư duy vượt thời gian được kết tinh trong Luật đã mang lại cho Luật Điện lực có năng lực điều chỉnh trong khoảng thời gian dài…

…Những gì tôi biết và ngưỡng mộ về “Thầy” của tôi – Nguyễn Đức Phan còn là bác Phan có một gia đình hạnh phúc với người vợ tuyệt vời là bác Ngô Thu Nguyệt và 3 người con thông minh, hiếu thảo. Cả ba người con của bác Phan hiện đều trưởng thành, là những cán bộ có năng lực và đều gắn bó với ngành điện./.

22/8/2017