Bài 18: Bài của bà Nguyễn Thị Thu

Tôi sinh năm 1939, kém anh Phan 3 tuổi, là con thứ 6 trong gia đình. Với tôi, anh Phan không chỉ là người anh mà còn là một người bạn lớn. Từ lúc bé thơ, lớn lên đi học và tới khi trưởng thành, tôi và anh Phan luôn gần gũi; được anh Phan chia sẻ tâm tư cũng như chỉ bảo, giúp đỡ trong công tác và trong cuộc sống gia đình. Những câu chuyện tôi kể dưới đây chỉ phần nào nói lên nhân cách của một người anh lớn mà chúng tôi vô cùng yêu thương và kính trọng.

 

 

 

ANH TÔI

Nguyễn Thị Thu

(Nguyên Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Dược Hà Nội - em  ruột ông Nguyễn Đức Phan)

Tôi sinh năm 1939, kém anh Phan 3 tuổi, là con thứ 6 trong gia đình. Với tôi, anh Phan không chỉ là  người anh mà còn là một người bạn lớn. Từ lúc bé thơ, lớn lên đi học và tới khi trưởng thành, tôi và anh Phan luôn gần gũi; được anh Phan chia sẻ tâm tư cũng như chỉ bảo, giúp đỡ trong công tác và trong cuộc sống gia đình. Những câu chuyện tôi kể dưới đây chỉ phần nào nói lên nhân cách của một người anh lớn mà chúng tôi vô cùng yêu thương và kính trọng.

Mùa đông năm 1946

Mùa đông năm 1946, cuộc kháng chiến Toàn quốc bùng nổ. Ở quê tôi, hầu hết người già và trẻ em đều phải đi tản cư. Gia đình tôi khi đó có 11 người (em Huệ chưa sinh). Bố tôi ở lại tham gia kháng chiến, anh Nguyễn Đức Giao đi bộ đội, chị Nguyễn Thị Sơ là cả, phải ở lại trông coi nhà cửa; đi sơ tán có bà nội, mẹ tôi và năm anh chị em. Tôi mới 8 tuổi, em Cúc 6 tuổi, em Phách 4 tuổi, không phải mang vác gì, lon ton theo đoàn tản cư. Mẹ tôi và chị Xuân mỗi người một đôi quang gánh, trên đó lủng củng nồi niêu, hòm xiểng… Anh Phan và anh Châu lũn cũn mỗi người khoác một chiếc chiếu và đeo chéo vai chiếc ruột tượng gạo, nom rất ngộ. Chúng tôi đi bộ len lỏi theo những con đường mòn, qua những ngôi làng rợp bóng tre. Tôi không biết đoạn đường bao nhiêu cây số, chỉ nhớ rời nhà lúc tờ mờ sáng mà mãi đến chiều tối, mấy mẹ con, bà cháu chúng tôi mới tới được nơi sơ tán.

Nơi chúng tôi đến là một làng quê nghèo nay thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội). Người dân nơi đây hiền lành và tốt bụng. Chúng tôi ở nhờ nhà dân, họ yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi mọi thứ. Tôi nhớ, chuẩn bị tết Nguyên đán năm đó, dân làng nấu bánh chưng, giã bánh dày để sáng mồng 1 Tết dân làng cùng bà con tản cư ra đình làm lễ đón mừng năm mới.  Tôi rất thích thú với không khí chuẩn bị Tết ở làng quê yên bình. Giáp Têt , bố tôi lên thăm chúng tôi rồi đón tôi về nhà để gặp anh Giao và ăn Tết ở quê nhà.

Anh Giao đi bộ đội khi tôi còn rất bé nên tôi rất háo hức muốn về để gặp anh. Nhưng Tết đó anh Giao lại không được về như đã thông báo với gia đình. Cũng từ đó, gia đình tôi bặt tin anh. Cho đến khi gia đình được tin anh Giao đã hy sinh, tôi không nhớ mặt anh Giao, chỉ nhìn thấy anh qua di ảnh.

Ở Đông Anh được gần một năm, gia đình chúng tôi lại chuyển về Thiết Ứng, nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh. Đây là ngôi làng nổi tiếng về nghề mộc chạm các loại sập gụ, tủ chè ...Tại đây có trường tiểu học, tôi học lớp 3, anh Phan và anh Châu cùng học lớp 4 trường này, trường Thiết Bình, cách Thiết Ứng khoảng 1 km. Học ở Thiết Ứng hơn một năm thì anh em chúng tôi chuyển về học ở trường Hàn Thuyên (ở Hoàng Vân).

Ngôi nhà tre ở trường Hàn Thuyên (ở Xuân La, Đình Cả)

Trường Hàn Thuyên – nơi anh em chúng tôi theo học là một ngôi trường nổi tiếng ở miền Bắc. Dưới thời Pháp thuộc, trường trung học Hàn Thuyên có tên gọi là trường Thành Chung, Bắc Ninh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trường Hàn Thuyên sơ tán ở nhiều nơi. Lúc chúng tôi theo học, trường đang đóng tại các thôn Xuân La, Xuân Phương thuộc xã Đình Cả, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Tôi vào học lớp 5 còn anh Châu và anh Phan đã học hết lớp 6. Ban đầu chúng tôi ở nhờ nhà dân, sau đó mấy anh em tôi tự làm lấy một ngôi nhà nhỏ để ở. Vách nhà bằng đất trát, lợp tranh. Trong nhà làm một cái sạp dài bằng tre cho mấy anh em trai nằm. Còn tôi được riêng một căn buồng, cũng nằm sạp tre. Mấy anh em chúng tôi cũng trồng rau, nuôi gà, tự nấu ăn; gạo được mang từ quê lên. Khi đó tôi nhỏ nhất, chưa biết nấu cơm nên các anh thay nhau nấu cơm và kèm tôi làm bữa. Cùng ở ngôi nhà tre đó còn có anh Hợi, anh Chung, anh Cát là anh em họ của chúng tôi.

Trong kháng chiến, phong trào tăng gia sản xuất được phát động rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong các trường học, có chấm điểm thi đua cho học sinh. Những ngày không đi học chúng tôi thường rủ nhau đi cuốc đất, trồng sắn, rau, chuối, nuôi gà để cải thiện bữa ăn. Ngôi nhà của chúng tôi ở chân đồi chùa Tung, đẹp vô cùng. Khi trường chuyển về Bắc Ninh, chúng tôi để lại ngôi nhà tranh, vườn rau xanh, vạt sắn và cả những khóm chuối đã ra buồng chĩu quả. Tuổi trẻ thật vô tư, mỗi người một chiếc balo con trở về quê không mảy may tính toán, sẵn sàng để lại nguyên trạng cho nhân dân địa phương. Khi về, anh Hợi còn ghi lại tờ giấy dán trên cửa liếp: “Chúng tôi xin tặng lại tất cả cho nhân dân địa phương”. 50 năm sau tôi có dịp trở lại nơi học tập cũ, nơi đây đã thay đổi theo thời gian, những vết tích cũ phần lớn không còn. Chỉ còn duy nhất ngôi đình làng và cây lim cổ thụ trước cửa đình. Bọn tôi ôn lại những kỷ niệm xưa như đồi văn nghệ, đồi Sở và lớp học của chúng tôi trong đình. Tuy đã nhiều tuổi nhưng những kỷ niệm xưa không thể nào quên được (Mai đây trên khắp nẻo đường, nhớ làng Đình Cả, nhớ trường Hàn Thuyên).Tôi còn nhớ, tuy học xa nhà nhưng anh em chúng tôi vẫn có món ăn “cao cấp” hơn nhiều học sinh khác, đó là món nước mắm cốt (mua ở vùng địch tạm chiếm, rất mặn, phải pha loãng bằng nước lã đun sôi để nguội). Trong khi bữa ăn của nhóm học sinh cùng trường chỉ có rau muống luộc chấm với…nước rau muống luộc pha muối. Thỉnh thoảng chị Xuân lên chơi, mang thức ăn cho chúng tôi. Anh em chúng tôi lại có bữa ăn tươi vui vẻ và đầm ấm.

Thời ấy, máy bay của giặc Pháp oanh tạc rất dữ dội. Hàng ngày chúng tôi thấy máy bay bay rất thấp nhìn thấy rõ cả giặc Pháp trên máy bay. Chúng cười hô hố, bắn xả vào mọi thứ chúng nghi ngờ, kể cả trâu bò dưới đồng. Vì thế, ban ngày chúng tôi trốn vào Đồi Thông tự ôn bài, ban đêm mới đến lớp học.

Trong điều kiện như vậy nhưng anh em chúng tôi vẫn cố học tập và có kết quả tốt. Anh Phan và anh Châu thuộc diện học giỏi của lớp và tôi cũng vậy

Anh Phan chăm lo vun vén cho tình yêu của chúng tôi

Năm 1958, tôi vào Đại học Dược Hà Nội, học bổng được 16 đồng 5 hào. Thương tôi, anh Phan và anh Châu thỉnh thoảng cho tôi thêm  tiền để tiêu vặt. Tôi không dám xin nhiều vì lương của các anh còn thấp và còn phải lo cho gia đình, đỡ đần bố mẹ tôi. Hơn nữa tôi đã có chị Xuân chịu trách nhiệm chăm lo cho tôi trong thời gian học đại học.

Trước khi đi Liên Xô, anh Phan cũng học ở trường Đại học Dược Hà Nội, khóa trước tôi; anh Châu vào học Đại học Sư phạm. Năm 1955 anh Phan đi học ở Liên Xô, anh Châu ở lại học xong Đại học Sư phạm Hóa, sau này là Tiến sĩ, công tác tại Viện hóa – Bộ công nghiệp.  Thời gian học ở Hàn Thuyên,  tôi học giỏi, cũng được Nhà trường đưa vào danh sách đi học nước ngoài, nhưng khi về địa phương thẩm tra lý lịch thì bố tôi đang gặp phải nỗi oan trong cải cách ruộng đất nên việc đi học nước ngoài của tôi bị ách lại. Đây là thời kì gia đình tôi gặp khó khăn nhất. Tinh thần mọi thành viên trong gia đình hoang mang, đời sống kinh tế sa sút nghiêm trọng. Anh Phan đi học nước ngoài năm 1955. Suốt thời gian học ở Liên Xô, anh không được về phép, gia đình chỉ biết tình hình sức khỏe, học tập của anh qua những bức thư. Anh cũng hay gửi thư cho tôi động viên và nhắc nhở tôi cố gắng học tập và giữ gì quan hệ đúng mức với bạn bè cùng trang lứa. Thời trẻ tôi cũng khá xinh, học lực vào loại khá giỏi nên cũng có nhiều người cùng trường, trong làng để ý. Nhưng tôi không quan tâm đến vấn đề này vì mục tiêu của tôi là cố gắng học tập để thi đỗ đại học, đền đáp lại công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ. Mãi đến cuối năm học lớp mười tôi gặp lại anh Mạc (sau này là chồng tôi), người hàng xóm cùng quê nhà, anh là em họ của chị Nguyệt. Mối quan hệ của tôi và chị Nguyệt cũng trở nên gần gũi hơn. Chị Nguyệt thường mang thư tay của anh Mạc gửi cho tôi để nhắn gửi và hẹn hò. Cho tới khi tôi thi đỗ đại học Dược, tôi mới chính thức nhận lời yêu thương của anh. Anh là người thanh niên đầu tiên và duy nhất tôi yêu vì anh là người cùng quê (hàng xóm) đang học trường y khoa, giản dị, đảm đang và khéo tay. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, anh ở lại trường, chuyên khoa ngoại. Anh là người rất có trách nhiệm với công việc, hết lòng vì bệnh nhân. Anh được đề bạt làm Phó chủ nhiệm bộ môn ngoại trường Đại học Y Hà Nội và là chủ nhiệm khoa Ngoại nhi và Trẻ  sơ sinh bệnh viện Việt Đức. Anh có nhiều công trình nghiên cứu khoa học và công trình nổi tiếng là nghiên cứu ứng dụng phương pháp tháo lồng ruột cho trẻ sơ sinh bằng bơm hơi, không phải mổ. Công trình này đã được ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc. Anh được phong học hàm Phó giáo sư. Vì mắc căn bệnh hiểm nghèo nên anh đã nghỉ hưu năm 1994.

Trong quá trình yêu nhau, tôi luôn viết thư trao đổi với các anh tôi và đều được các anh quan tâm giúp đỡ. Năm 1960 anh Phan về nước, chúng tôi rất vui vì tôi có thêm chỗ dựa vững chắc để tham vấn mỗi khi có khó khăn.

Cuối năm 1961, chúng tôi tổ chức đám cưới ở quê nhà. Hai bác (bố mẹ chị Nguyệt) đã lo tổ chức rất chu đáo, làm mọi thủ tục của quê nhà cho đám cưới của chúng tôi trọn vẹn. Vợ chồng tôi luôn ghi nhớ trong lòng và coi hai bác như bố mẹ của mình. Đối với chị Nguyệt, sau khi lấy anh tôi thì tifh cẩm của chúng tôi với chị Nguyệt càng đằm thắm, gần gũi hơn.

Tình yêu và hôn nhân của chúng tôi luôn được bố mẹ và các anh chị trong gia đình ủng hộ, vun đắp. Riêng anh Châu và các em tôi, lấy chồng, lấy vợ không cùng quê nên thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với con gái. Không biết từ bao giờ, ở quê tôi có “luật bất thành văn” là trai gái không được lấy chồng lấy vợ ngoài làng. Bố tôi là cán bộ địa phương nhưng vẫn không vượt qua tập tục phong kiến đó. Và chính anh Phan đã khéo léo, mềm dẻo, thuyết phục bố mẹ tôi để các em vượt qua “rào cản”, yêu nhau, sống với nhau hạnh phúc.

Trong số anh chị em tôi lấy vợ, lấy chồng  không cùng quê bị gia đình ngăn cản quyết liệt là mối tình của em Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1940, kề tôi, với người chồng hiện nay của Cúc là trắc trở nhất. Em Cúc tốt nghiệp Đại học sư phạm, dạy học ở Hà Nội, yêu em Thạch, quê ở ở Sơn Tây. Chàng rể hiền lành tử tế, học hành đỗ đạt, gia đình cơ bản. Nhưng khi em Cúc đưa người yêu về giới thiệu với gia đình, bố tôi đùng đùng nổi giận tuyên bố từ mặt…mặc cho anh Phan và các chị ra sức thuyết phục. Bất lực trước thái độ quyết liệt của bố, anh Phan cùng chúng tôi động viên các em. Mãi đến khi hai em có con 7 tuổi, bố tôi mới nguôi giận đón chàng rể, con gái và cháu ngoại về nhà.

Ngày đó, Huệ đang Đại học Bách khoa, đem lòng yêu em Hải, người Hà Nội, mẹ là nghệ nhân nổi tiếng. Hay tin, bố tôi cử anh Phan đi…điều tra lí lịch.  Anh Phan về báo cáo, Hải và gia đình Hải đều rất tốt nhưng bố mẹ tôi cũng không đồng ý. Được  anh Phan và các anh chị em trong gia đình thuyết phục, kết hợp với gia đình bên nhà Hải kiên trì thuyết phục, tình yêu của hai em không bị bố mẹ tôi phản đối gay gắt như trước. Nay, hai em Huệ và Hải đã lên ông lên bà, gia đình hạnh phúc.

Kể chuyện này tôi không có ý chê trách bố mẹ mà càng thương bố mẹ tôi hơn, đã sống qua chế độ phong kiến với biết bao luật lệ lạc hậu hà khắc đè nặng. Suy cho cùng, bố mẹ cũng chỉ vì thương các con, lo cho hạnh phúc cho các con. Lại càng thương nhớ anh Phan -  người con hiếu nghĩa với bố mẹ; người anh nhân hậu, vị tha và thương yêu các em hết mực.

Trụ cột của gia đình

Bố mẹ tôi sinh được 9 người con. Trước anh Phan là chị Sơ, chị Xuân và anh Giao. Anh Giao đi bộ đội chống Pháp, hy sinh năm 1947. Vì vậy, anh Phan thứ tư nhưng là trụ cột của gia đình. Đặc biệt, sau khi bố mẹ tôi và anh Châu qua đời, chị Sơ và chị Xuân già yếu, mọi công to việc lớn trong gia đình đều do anh Phan, chị Nguyệt chủ trì gánh vác. Tôi luôn tự hào gia đình tôi đông anh chị em nhưng đoàn kết, thương yêu nhau. Các anh rể, em rể, chị dâu, em chồng đều thương yêu như ruột thịt.  Mỗi khi nhà có việc lớn, anh chị  đều bàn bạc  với chúng tôi để thống nhất và cùng nhau thực hiện. Từ đó mọi việc đều được thực hiện trôi chảy, đoàn kết, vui vẻ. Trong sinh hoạt, anh Phan xuề xòa nhưng trong tình cảm anh ứng xử tinh tế. Hai chị gái tôi thiệt thòi. Thời trẻ, hai chị làm lụng buôn bán giúp bố mẹ nuôi chúng tôi ăn học. Các chị không được học hành đỗ đạt như chúng tôi. Thực lòng, tôi mang ơn các chị, các anh rể. Tôi không thể quên, khi tôi đi học, anh Bảo. chồng chị Xuân đã chăm sóc tôi khi tôi từ Bắc Ninh ra Hà Nội học. Anh đưa tôi đi mua sắm các đồ dùng cần thiết và quần áo phục vụ cho học tập và cuộc sống của người học sinh thành thị. Hàng tuần anh đưa tôi đi xem phim ở rạp. Những năm học đại học, anh chị đều cho tôi tiền để tiêu vặt. Bây giờ, khi điều kiện kinh tế ổn định tôi và anh Phan muốn bù đắp cho các chị. Chúng tôi thường để ý đến mong ước của các chị để thực hiện, mang lại niềm vui nho nhỏ cho cuộc sống của các chị bên con cháu. Tôi bảo anh đừng lăn tăn về tiền bạc. Anh bảo, vấn đề không phải là tiền mà tình cảm của anh em mình đối với các chị.

Trong đại gia đình chúng tôi, anh Phan là trụ cột, hiếu thảo với bố mẹ, chăm lo vun vén cho các em. Bên cạnh anh Phan là chị Nguyệt-chị dâu trưởng hiền lành, chất phác, thật thà,kính trọng, thương yêu bố mẹ chồng, các chị em bên chồng.

Anh chị là người sống có trách nhiệm với bố mẹ, các chị, các em trong gia đình, tôi không thể kể hết trong mấy trang giấy này. Tôi chỉ nói rằng, anh chị thật mẫu mực, chúng tôi vô cùng kính trọng và thương yêu.

Giờ đây anh đã đi xa, nhưng cuộc sống của anh, tình cảm của anh đối với chúng tôi vẫn còn mãi mãi. Bố mẹ ơi, các anh, các chị, các em ơi, từ trái tim con luôn nhớ tới mọi người, lòng biết ơn đã cho con cuộc sống hôm nay. Lúc nào con cũng nghĩ tới bố mẹ và các anh, các chị, các em, đến không khí vui vẻ, ấm cúng của gia đình ta để có thêm nghị lực trong cuộc sống. Con xin được cầu chúc cho vong linh của bố mẹ, các anh, các chị được thanh thản ở thế giới bên kia.

19/6/2017

N.T.Th