Duyên- Bút kí của Bình Yên

 

DUYÊN…

Bình Yên

Chúng tôi gặp Nghệ sĩ Bảo Cường trong chuyến đi dự Hội thơ Tây Bắc hôm 16/10. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt về ông. Và sau đó, tôi cùng đồng nghiệp ở TÁC PHẨM MỚI cũng đã được ông dành tình cảm lớn với những dự định tốt đẹp đang mở ra. Cũng từ ông, tôi được kết bạn với những văn nghệ sĩ lớn ở Huế, ở Tp. Hồ Chí Minh. Phải chăng, đây là cái “duyên” mà vũ trụ cho chúng tôi gặp nhau! Đọc cuốn sách của nghệ sĩ Bảo Cường gửi tặng, tôi càng thấu hiểu về cuộc đời của ông và hiểu hơn vì sao cuốn sách lại có tiêu đề “Chữ duyên đưa lối” và vì sao nghệ sĩ Bảo Cường lại hay nhắc đến chữ “duyên”.

Cái “duyên” của chúng tôi bắt đầu từ những chuyện nhỏ diễn ra trong hành trình lên Tây Bắc vào một ngày Thu nắng đẹp. Hôm ấy, đoàn chúng tôi tập kết tại văn phòng của nhà xe Sao Việt trong khu nhà chờ ở Bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội). Căn phòng bé nhỏ và ngột ngạt. Tôi pha ấm trà mời mọi người cùng đoàn, rồi bất chợt nhìn ra phía ngoài. Ngay cửa ra vào có một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi bệt xuống sàn nhà, lưng tựa vào tường, dáng điệu mệt mỏi, bên cạnh là hai chiếc túi to. Ồng ăn vận một bộ đồ đơn giản, áo sơ mi hoạ tiết to, quần jean đen, mái tóc dài chớm vai và mang một cặp kính dày cộp. Trong nhà chờ, hành khách nhốn nháo, dửng dưng qua lại trước mặt ông khiến tôi có cảm giác như ông cũng là hành khách đang ngồi tạm nghỉ chân vì mệt nhọc. Tôi mang theo chén nước trà ra mời ông, có nhã ý mời ông vào phòng ngồi ghế. Thấy vậy, nét mặt ông như giãn ra, tươi tắn trở lại. Ông đỡ chén nước và vui vẻ giới thiệu ông là Nghệ sĩ Bảo Cường vừa từ Huế ra dự hội Thơ. Uống xong chén nước trà, tôi chưa kịp mời ông vào bên trong thì bất ngờ, ông rút trong túi xách to ra một quyển sách, hỏi tên tôi và lấy bút ghi tặng. Tôi chăm chú nhìn theo nét bút ông viết. Thật kinh ngạc, nét bút của ông như chữ thư pháp, bay bướm, tài tình.

Một lúc sau, nhà xe thông báo đã có xe đến đón, mọi người hồ hởi ra xe. Theo từng tốp, ai cũng nhanh nhẹn xách túi, va li của mình. Quãng đường di chuyển từ văn phòng ra xe khá xa. Nghệ sĩ Bảo Cường ì ạch xách hai chiếc túi nặng dễ chừng đến vài chục cân. Tôi vốn chậm chân nên cũng đi gần ông rồi xách giúp ông cái túi to. Ông nhìn tôi, đôi mắt ấm áp, thân thiện như chúng tôi đã quen nhau từ lâu. Thấy tôi đi chậm, Tiến sĩ Nguyễn Công Thực, cùng đoàn, xách giúp tôi chiếc túi của ông. Bước chân của ông dường như cũng nhanh hơn. Mọi người lên xe ổn định chỗ và râm ran trò chuyện.

Chuyến xe tròng trành theo giấc ngủ. Gần 12 giờ trưa, xe dừng lại ăn cơm tại điểm dừng nghỉ. Chỉ có 15 phút thôi nên ai cũng vội. Ngồi vào bàn ăn và gọi món xong, tôi đưa mắt tìm ông, nhưng thấy ông đã ăn xong. Mọi người trong đoàn TÁC PHẨM MỚI khi biết ông là nghệ sĩ Bảo Cường lừng danh vừa từ Huế ra dự Hội thơ, ai nấy đều cảm thấy có lỗi và tiếc không kịp mời ông ăn cơm cùng.

Xe đến Văn Yên lúc khoảng 3h chiều. Chúng tôi nhanh chóng xuống xe và lấy phòng nghỉ. Nghệ sĩ Bảo Cường đi sau với 2 túi đồ to, căng phồng, Tôi và tiến sĩ Thực lại gần để xách đồ giúp ông. Khách sạn không có thang máy. Nghệ sĩ Bảo Cường lấy phòng ở tầng 3. Chà chà, ông đứng ở cầu thang và băn khoăn nhìn cái độ cao đáng sợ với 2 cái túi đồ nặng như cái gánh đồ của Sa Tăng vậy. Tôi đến gần, xách giúp cái túi nặng của ông về phòng của tôi. Khi biết ông đã về đến phòng nghỉ, tôi hỏi thăm phòng ông và xách túi đồ trả cho ông. Ông cảm ơn tôi, chất giọng Huế trầm trầm, dễ thương và ẩn chứa một sự ấm áp lạ thường. Tôi hỏi ông có túi gì nặng vậy? Ông cười hóm hỉnh, trả lời: “Có gì trong này đâu, chỉ là sách truyện, thơ của tôi thôi mà!” Rồi ông mở ba lô cho chúng tôi xem. Trong đó ước chừng có khoảng đôi ba chục cuốn sách cả văn và thơ. Bằng giọng cởi mở ông nói: “Đem theo thế này, hễ thấy ai thích đọc sách, quý sách thì đề tặng cho họ để họ xem cho vui”.

Trả túi đồ xong, chúng tôi chạy ào đi chuẩn bị quần áo dự lễ hội và ăn tiệc. Lúc đi dự hội, qua phòng của Nghệ sỹ Bảo Cường, tôi chào ông. Ông gật đầu lơ đãng chào tôi và hỏi “Em ở đoàn nào?”. Tôi hơi ngạc nhiên vì ông không nhận ra tôi mặc dù tôi đã mấy lần xách đồ giúp ông và cũng vừa xách mang trả. Có thể ông không nhận ra tôi vì lúc này tôi đã hoá thân thành một người phụ nữ Thái, váy áo xúng xính, tóc búi cao trên đỉnh đầu.

Đêm Hội thơ Văn Yên, tôi rất vui vì được giao lưu với các nhà văn, nhà thơ và các thành viên trong Hội. Tôi cũng náo nức muốn xem nghệ sĩ Bảo Cường biểu diễn. Rồi cũng đến tiết mục của ông. Tiếng sáo của Nghệ sĩ Bảo Cường hòa quyện với nhịp điệu hò mái nhì, hò Huế dàn trải, chậm rãi, khoan thai, êm ái buông lơi, rồi cao vút… Tôi đặc biệt ấn tượng với tiếng sáo và giọng ca Huế “không đụng hàng” của người nghệ sĩ đầy khí chất và tài hoa Bảo Cường.

…Kỉ niệm của tôi với Nghệ sĩ Bảo Cường trong chuyến đi Tây Bắc chỉ có vậy. Thế nhưng, sau Hội thơ, tôi hết sức ngạc nhiên khi ông đã viết về tôi và các thành viên của đoàn TÁC PHẨM MỚI trong chuyến đi Tây Bắc với những dòng tâm sự chân tình, cảm động. Ông kể với bạn ông - nhạc sĩ Võ Phương Anh Lợi về chúng tôi. Có lẽ, ông và những người bạn của mình đã đọc rất kĩ ấn phẩm của TPM nên Nhạc sĩ Võ Phương Anh Lợi cũng yêu mến chúng tôi như ông. Nhạc sĩ Võ Phương Anh Lợi đã phổ nhạc một bài thơ ngắn của tôi bằng cả một cảm xúc chân tình và thương mến. Ngoài ra, ông còn gửi tặng tôi hai cuốn sách nữa. Thật là cảm động về tình cảm mà những nghệ sỹ Miền Trung dành cho các thành viên trong đoàn chúng tôi và dành cho mảnh đất mà ông đã đến.

Đọc những tác phẩm mới của nghệ sĩ Bảo Cường, tôi lại càng khâm phục sức viết, hiểu về sự trải nghiệm và những cảm xúc tột bậc đã khiến những con chữ của ông cứ tự nhiên bật ra: “Có phải em vầng trăng thu huyền hoặc/ Để hồn anh mơ mộng chết mê say”. Ông kể với tôi qua điện thoại: “Thường ngày tôi thích dậy sớm, pha trà nhâm nhi rồi khi "bắt” được cảm hứng thì ngồi vào bàn viết như có ai nhập. Mỗi khi gặp ai, tôi thường quan sát, để ý họ nhằm khi sáng tác, biết đâu họ sẽ trở thành một nhân vật trong sách của tôi”. Biết đâu đấy, những con người giản dị ở vùng núi phía Bắc lại là nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ Bảo Cường có thêm nhiều tác phẩm hay để lại cho cuộc đời này. Với ông, thơ văn như mạch nước ngầm, ai khơi đúng nguồn thì nước mới chảy ra. Ông đã tạm biệt miền Tây Bắc, nhưng có lẽ những mạch nước ngầm thơ văn của ông vẫn đang còn ầm ào cuộn chảy.

Từ cuộc gặp ngắn ngủi, từ những cử chỉ ân cần, thân thiện, tôi đã có những người bạn lớn đáng để thương yêu và quý trọng, làm cho tôi càng thấy yêu cuộc đời này hơn bao giờ hết. Đây chẳng phải là cái “duyên” đó sao!