Phiên chợ vùng cao (Phần 1)

Ảnh minh họa

Tác giả: Hương Giang

Thật may mắn cho tôi đã có ít nhất một lần được đi chợ vùng cao. Đó là những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, tôi có dịp đi chợ phiên của thị trấn Hoàng Su Phì. Hoàng Su Phì là một thung lũng phía bắc của tỉnh Hà Giang, bốn bề  núi bao bọc, giữa là một lòng chảo. Đặc biệt, thị trấn này không có xe đạp. Mọi phương tiện ngoài đôi chân ra là dựa vào con ngựa. Con ngựa ở đây nó gắn liền với đời sống của người bản xứ.

Hoàng Su Phì có khá nhiều tộc người: Kinh, Tày, Nùng, H'mông, La chí, Dao... nhưng có lẽ đông nhất là người H'mông. Chợ vùng cao thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc. Khi chưa đến Hoàng Su Phì tôi đã được nghe kể về người phụ nữ H'mông với cái đức tính nhẫn nại, chịu thương chịu khó. Hôm nay đây, tôi được tận mắt chứng kiến sự nhẫn nại của người thiếu phụ H'mông bên người chồng, một hình ảnh khó quên trong trí nhớ của tôi.

...Giàng A Chú sinh ra ở nơi có cái lòng chảo này. Có điều không ở dưới thấp mà tận lưng chừng trời. Chú lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhờ vào những bữa "mèn mén" như những đứa trẻ khác nhưng có điều Chú hơi khác người: Mới chưa đầy hai mùa lúa Chú đã nói thạo tiếng mẹ đẻ. Lớn lên Chú đi học. Càng học, Chú càng tỏ ra biết hơn người nhưng ở đời cái gì cũng vậy cứ theo một cái nết lại kèm theo một cái tật. Chú mải chơi chưa từng thấy, mẹ cha buồn phiền vì cái tật hay chơi của Chú. Năm học lớp bốn, Chú bỏ nhà đi bắt khướu, lang thang hết quả núi này sang quả núi nọ. Cha mẹ Chú lúc đầu còn đi tìm con, dần dần việc đi khỏi nhà của Chú trở thành thường lệ nên chẳng mấy ai để ý đến nữa. Năm 13 tuổi, Chú không đi học nữa. Cha của Chú tuy là người H'mông nhưng ông công tác ở Ủy ban nhân dân huyện, hết lòng khuyên bảo nhưng Chú chỉ cười. Bất quá, người cha thỉnh thoảng lại lên lớp cho Chú một bài "tử tế". Tưởng rằng, Chú sẽ nghe những lời giáo huấn từ cha, ai ngờ Chú bỏ học đi theo người lớn bắt chim, tìm ong rừng. Chú như con sóc muốn trở về đời sống hoang dã. Chú có biệt tài thổi khèn, làm khèn. Những ống nứa dưới tay Chú như có phép "thần thông", tiếng khèn của Chú véo von, trầm bổng, vi vu khoáng đạt như tiếng họa my hót lưng trời. Năm Chú 19 tuổi, tiếng khèn của Chú mỗi phiên chợ đã làm phiền sầu, rạo rực nhiều cô gái vùng sơn cước. Chú cứ sống như thế, như con linh miêu tự do mà không hề bị ai kèm cặp, ràng buộc. Tiếng khèn của Chú lan dần. Nó là nỗi nhớ, là niềm đam mê của một số người con gái H'mông trong vùng nơi có cái lòng chảo của vùng núi phía bắc này.

Một phiên chợ, sau khi bán được hai ống mật ong rừng, Chú vào quán rượu gọi một bát thắng cố và một chai rượu. Sau một vài lần rót, chai rượu đổ nghiêng. Sau một số lần gắp, bát thắng cố đã hết. Chú chuếnh choáng hơi men đi về. Một thói quen đi chợ, sau khi uống rượu xong, thổi khèn. Tiếng khèn của Chú cất lên véo von, vi vu giữa thung lũng của vùng núi u tịch.

...Vàng Seo Mỷ cũng như bao cô gái ở vùng cao quanh năm chỉ biết làm nương, trồng lanh, xe sợi dệt vải và thỉnh thoảng xuống chợ. Nhà Mỷ nghèo nên học hết lớp hai thì nghỉ học và theo mẹ đi nương. Bù lại, Mỷ như nhánh lan rừng càng lớn càng tỏa sắc rực rỡ. Đêm đến, chó nhà Mỷ cắn mỏi mồm. Mỷ hiền thục nết na, dịu dàng và nhan sắc mặn mà. Bà mụ không khắt khe chút nào với Mỷ. Nghe bạn bè kể, dưới chợ có tiếng khèn hay lắm. Mỷ khao khát được nghe tận nơi một lần. Hôm nay, tiếng khèn đó đã lọt vào tai của Mỷ rồi. Như có hẹn trước, tiếng khèn hôm nay hình như giành cho Mỷ, nó thôi thúc, hồi hộp, nó vi vu, dập dờn như đi trên mây. Sự thật lời đồn quả là không ngoa. Mỷ rạo rực bước chân vô định, đi theo tiếng khèn không vào chợ. Như tiền định, tài tử gặp giai nhân bên bờ suối đến lúc mặt trời xuống núi mới chợt nhớ là phải về nhà. Họ hẹn nhau phiên chợ tới.

Dập dìu như trong mộng đến phiên chợ thứ tư, tiếng khèn đã theo về đến chân cầu thang nhà Mỷ. Cha mẹ gặng hỏi, Mỷ chỉ cười không nói. Mỷ lẳng lặng xe sợi chăm hơn, dệt vải nhiều hơn. Một hôm, trời mưa mẹ Mỷ vào buồng con gái thấy Mỷ đang thêu đôi chim vào chiếc gối trắng tinh. Mẹ dò hỏi:

- Con định đi lấy chồng phải không?

Chỉ chờ mẹ hỏi, Mỷ kể lể tỷ mỷ cho mẹ nghe về cuộc tình của mình với người có tiếng khèn theo về đến tận cầu thang. Mẹ Mỷ dặn dò:

- Con ở trên núi quen rồi, hạ sơn theo nhà chồng có được không? Liệu nhà chồng có chấp nhận không? Rồi khi sinh con đẻ cái mẹ không giúp được gì đâu.

Phiên chợ đến, Mỷ nói với Chú không về làm dâu dưới huyện. Chú nói lạnh tanh:

- Mình từ lâu đã ở một mình rồi. Đấy là nhà bố mẹ thôi. Ta cứ như người H'mông chỗ nào giáp mây trắng dựng nhà, sinh con. Mà Mỷ quên mất mình cũng người H'mông mà.

Nói là làm, Chú về nói với bố mẹ sẽ lấy vợ ở tít trên núi cao. Bố mẹ Chú khuyên can:

- Chú ơi, con đã mải chơi chẳng chịu học hành. Bây giờ lại lấy vợ ở tít trên núi. Mày muốn thành con hươu con nai thật rồi.

Chú chẳng nói chẳng rằng ra khỏi nhà đi tiếp. Biết tính con, cha mẹ Chú đành lo liệu công việc xây dựng gia đình cho Chú để yên ấm cửa nhà...

(Còn tiếp)