Chuyện dân gian
Ảnh minh họa
Có một viên quan đầu tỉnh vốn xuất thân từ thợ thuyền, một phần nhờ cố gắng phấn đấu, một phần nhờ cầm cố nhà cửa đầu tư tiền bạc đúng lúc đúng chỗ, và may mắn được cơ cấu mà có được vị trí hiện tại. Ông ta nhờ đám đệ tử học hộ, thi hộ, bỏ thêm ít tiền nữa thế là có cái bằng tiến sỹ, nên ngày càng tự phụ.`Vợ ông khuyên: Chàng có vị trí hiện nay thì cũng nên bỏ ra một chút lộc trời, đến các đình chùa cảm ơn thần phật phù hộ. Nghe lời vợ, thi thoảng ông trích từ của biếu xén, làm lễ vật linh đình, lên chùa cúng bái. Một lần nhằm ngày rằm, ông sắm một mâm xôi thịt to đùng, phong bao dày dặn, đến cúng ở một ngôi chùa thiêng. Khi ông đến nơi thì đã thấy một đĩa ngô luộc, của một bác nông dân ăn mặc nhầu nhĩ, đặt ở bàn thờ Phật trước rồi.
Ông liền sai người mang đĩa ngô luộc ra chỗ khác rồi đặt mâm lễ của mình lên. Khi bác nông dân phản đối thì ông bảo Phật tổ chẳng bao giờ nhận đồ lễ xoàng xĩnh này, mà Phật tổ sẽ nhận đồ lễ hoành tráng của ông. Đúng giây phút đó có một vầng hào quang trùm lên đĩa ngô luộc và khi vầng hào quang biến mất, trên đĩa ngô giờ đây sáng lấp lánh một đĩa đầy vàng. Cũng đúng giây phút đó, một quầng khói đen bao trùm lên mâm lễ đầy xôi thịt, và khi làn khói tan đi thì trên mâm lễ là một đống đất đen sì.
Viên quan đầu tỉnh bèn kêu với Phật tổ: Tại sao lễ vật của con hậu hĩnh thế mà ngài lại không nhận, trong khi đó ngài lại nhận một đĩa ngô luộc xoàng xĩnh. Phật tổ trả lời: Mâm lễ của ngươi hậu hĩnh thật nhưng đó là từ của cải bất chính mà ngươi có, chứ không phải từ lòng chân thật của ngươi. Còn đĩa ngô luộc của bác nông dân là từ chính lao động của bác làm ra, trong đó có sự thành tâm làm cảm động cả đất trời, ta không nhận sao được!
Nhiều người biết chuyện liền đem ngô luộc, khoai luộc, sắn luộc.v.v. đến chùa này để cúng bái mong tìm vận may. Sư cụ trụ trì cười bảo: Cứ 100 năm Phật tổ mới đến chùa này một lần. Một trăm năm nữa các người hãy quay lại đây.
Phật tổ khi đó vẫn ngự trên bàn thờ liền trách sư cụ: Ta lúc nào cũng hiện diện khắp nơi, sao ngươi nỡ lừa dối chúng sinh như vậy.
Sư cụ trả lời: Ngài giáo hóa chúng sinh hơn hai ngàn rưởi năm, con theo Ngài giáo hóa chúng sinh cũng hơn sáu mươi năm rồi, mà lòng tham-sân-si của chúng sinh đâu có đổi thay!
Phật tổ nghiêm giọng nói: Khi nào kẻ trên ngay ngắn thì kẻ dưới ắt cũng sẽ ngay ngắn.
Sư cụ lại hỏi: Vậy khi nào thì kẻ trên ngay ngắn.
Phật tổ mỉm cười bí hiểm, không nói gì, khoát tay một cái biến vào hư vô.
Đinh Quang Vinh