Thượng Đế - Truyện ngắn của Hương Giang
Ảnh minh họa
Có một đôi vợ chồng nghèo, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà vẫn chẳng đủ ăn. Đã thế, sống với nhau hàng chục năm mà vẫn chẳng có lấy một mụn con. Hai vợ chồng buồn lắm, gia cảnh đã nghèo lại thiếu tiếng trẻ ê a, căn nhà cả ngày "im như thóc, lặng như tờ". Ngày qua ngày, trong nhà chỉ có hai vợ chồng quanh quẩn với nhau, buồn tẻ vô cùng.
Cảnh nhà đã nghèo, lại còn neo người nên có hôm đến bữa người vợ sắp mâm cơm ra rồi, hai vợ chồng chỉ nhìn nhau mà chẳng nói với nhau lời nào. Chán đến mức chẳng ai buồn ăn. Mâm cơm để nguội ngắt rồi lại dọn đi.
Một hôm đi làm đồng về, chị vợ nói với chồng trong nước mắt:
- Anh ơi, cái số vợ chồng mình nó vất vả, hay là mình xin một đứa trẻ về nuôi cho nó vui cửa vui nhà. Về già mà cậy dựa vào nó chứ kìa, tóc của anh bạc hết lúc nào rồi mà em không hay.
Người chồng rít một hơi thuốc lào "cháy nõ", vừa nhả khói vừa nói với giọng trầm nặng:
- Ừ... đã đành là thế nhưng xin con nuôi đâu có dễ. Mình lại còn nghèo quá. Nói rồi không biết do lỡ tay hay say thuốc, cái điếu cày lăn lông lốc từ cái đùi qua ống chân xuống đất, lăn tiếp mấy vòng nữa. Chủ nhân của nó cũng chẳng buồn nhặt lên. Khổ thân cái điếu, lăn mấy vòng đổ hết nước ra rồi nằm chỏng trơ trên nền đất.
Cứ như vậy... hai vợ chồng có khi cả tuần cũng chẳng nói với nhau câu nào.
Thế rồi một hôm, chị vợ đi chợ bán buồng chuối, nghe mọi người kể có người làng bên sinh con mà mẹ nó bị cảm lạnh chẳng may qua đời. Thằng bé khát sữa, phải bú chực khắp nơi. Lòng khát khao làm mẹ của chị vợ trỗi dậy, chị mò mẫm tìm đến nhà thằng bé.
Thằng bé được bà ngoại nó bế. Bà ngoại nó cũng chừng gần bảy chục tuổi, nhưng bước chân vẫn còn nhanh nhẹn, gia cảnh cũng nghèo. Ông ngoại thằng bé mất từ khi mẹ nó mới tám tuổi. Mẹ nó lỡ dại mà có mang, lại chẳng may đi sớm nên cũng không biết cha nó là ai. Chị vợ mạnh dạn đề cập với bà ngoại thằng bé về mong muốn xin con nuôi. Phần vì mừng có người hiếm muộn hỏi đến, phần vì gia cảnh khó khăn nên bà ngoại thằng bé đồng ý nhưng có một điều kiện:
- Lớn lên cho cháu đi lại cả hai nơi, phần để nó nhớ về mẹ đẻ của nó, phần cũng là để cho nó có tình thương với nguồn cội, họ mạc nội ngoại của mẹ nó.
Cơn khát có con của chị vợ lúc này như đại hạn gặp mưa rào, chị như bắt được của quí, ôm ngay thằng bé về mà chẳng nhớ cảm ơn bà ngoại nó. Thằng bé lớn lên bằng nước cơm và bú chực quanh làng. Trộm vía, thằng bé cứ như quả bầu đương mùa, ăn tốt và lớn trông thấy. Càng lớn nó càng phổng phao, trắng trẻo như bột nặn.
Nó phải vất vả từ bé. Đó là câu đầu tiên mọi người khi nhận xét về nó. Năm nó lên bốn, bố nuôi nó chặt lá cọ sơ ý ngã từ ngọn cọ xuống đất. Thế là nó đã mồ côi nay lại tiếp tục mồ côi. Rõ khổ, ai nhìn thấy nó cười tươi, khuôn mặt đầy đặn đều thích nhưng khi biết được nó là con nhà ai, biết hoàn cảnh của nó thì đều khó mà cầm được nước mắt.
Vài năm sau, khi mẹ nó chuẩn bị cho nó đi học thì bỗng quay ra ốm "thập tử nhất sinh". Người nhà đưa mẹ nó vào viện, nó đi theo mà chẳng hiểu mẹ nó ốm thế nào. Nó lặng thinh không nói gì, nhưng khuôn mặt ngây thơ, đầy đặn như bột nặn kia vẫn gợi lên một vẻ buồn khó tả. Chỉ có thể nói nôm na là nó không biết buồn phần vì dại, phần vì nét thánh thiện toát ra từ cái thần thái của nó.
Một hôm, nó nghe loáng thoáng bác sỹ nói với nhau khi khám cho mẹ nó:
- Rõ khổ, hoàn cảnh éo le như thế mà lại mắc bệnh hiểm nghèo. Bệnh này chỉ có thượng đế may ra cứu được thôi...!
Nó chẳng biết thượng đế là ai nhưng trong đầu nó lờ mờ đoán rằng thượng đế chắc là thuốc tốt sẽ cứu được mẹ nó. Mẹ nó đang truyền dịch, mọi khi nó ở đấy với mẹ nhưng hôm nay nó về nhà. Nó bới tung ngăn bàn đồ chơi của nó mà tìm, trí nhớ non nớt của nó chợt nhắc nó rằng có một lần ai đó cho nó tiền. Nó không biết mệnh giá tiền nhưng tờ tiền thì nó biết và nó đã cất vào ngăn kéo đồ chơi. Đây rồi, nó cầm tờ tiền trên tay và đi vào với mẹ nó. Mẹ nó hôm nay sao truyền nước lâu vậy vẫn chưa dậy. Nó đi xuống quầy thuốc và hỏi người bán thuốc:
- Cô ơi, bán cho cháu thượng đế.
Không biết bao nhiêu người bán thuốc không trả lời nó, hoặc trả lời không có. Có người còn trố mắt nhìn nó vì tưởng rằng nó có vấn đề về thần kinh. Thằng bé đi mỏi chân, nó không nhớ đã đi đến bao nhiêu quầy thuốc nữa. Chợt nó đứng trước một hiệu thuốc và cũng hỏi câu hỏi mua thượng đế, tay nó chìa tờ tiền ra cho người đàn ông trung tuổi mặc áo blu trắng.
Ông ta nhìn thằng bé, nhìn tờ tiền trên tay nó rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Thế cháu mua thượng đế để làm gì?
- Cháu mua thượng đế để chữa bệnh cho mẹ cháu.
Rồi ông ôn tồn hỏi tên mẹ thằng bé và đưa cho nó chai nước và bảo nó cầm về cho mẹ nó uống. “Đây chính là thượng đế đấy” – ông nói với nó. Thằng bé vui mừng cảm ơn ông rồi cắm đầu chạy một mạch đến với mẹ nó. Nó không hề biết sau lưng mình là ánh nhìn thương cảm của ông bác sỹ già, người vừa đưa cho nó chai nước.
Niềm tin mãnh liệt của thằng bé đã được thượng đế biết đến. Ông bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị miễn phí cho mẹ thằng bé và thượng đế đã mỉm cười với niềm tin mãnh liệt, vô tư của thằng bé. Thượng đế đã ban ơn lành cho mẹ con nó qua tay người bác sỹ tốt bụng và thầm lặng. Nửa tháng sau, mẹ nó ra viện. Khuôn mặt hồn nhiên, ngây thơ và thánh thiện kia của nó không còn phải hằn thêm dấu vết của một nỗi đau khổ, mất mát nào nữa./.