Shiper
Gã có tầm vóc lực lưỡng, vui tính, trạc 50 tuổi, quê ở Hưng Yên. Gã bảo quê em nông nghiệp thuần túy, khó sống lắm, phải lên Hà Nội kiếm ít tiền rơi vãi của dân thành phố về cho con ăn học. Lên Hà Nội gã làm nghề giao nước uống khắp hang cùng ngõ hẻm, nhưng gã bảo cứ gọi em là Shipper cho oai. Ôi cái gã đặc chất nhà quê, chân tay to bè, lên thành phố một thời gian là lây cái chất tiểu thị dân vớ vẩn, lúc nào cũng thích oai. Nhưng đứng cách gã 10 thước người ta đã nhận ra cái mùi nhà quê đặc quánh của gã, và cả cái vai áo trắng phớ mồ hôi muối cũng tố giác gã là ai rồi. Người ta bảo có thể đem anh nông dân ra thành phố, nhưng chẳng bao giờ đem làng quê ra khỏi anh nông dân được.
Ảnh minh họa
Trên chiếc xe máy Honda cà tàng cũ rích, gã thiết kế một bộ đồ gá kỳ dị để có thể chứa được 15 bình nước lọc. Vị chi mỗi chuyến đi giao nước gã phải đèo chừng ba tạ nước, len lỏi đi giữa phố xá đông đúc. Phải có sức khỏe và khéo léo mới làm được nghề này, gã tự hào khoe với tôi. Gã bảo: bác tính, mỗi bình em giao được trả 8 ngàn, mỗi chuyến được 120 ngàn. Mùa hè nóng nực, ngày có thể chạy từ năm đến bảy chuyến. Kể ra cũng khá vất vả nhưng trừ chi phí xăng xe, ăn uống, nhà trọ... thì cũng kiếm đủ cho con ăn học. Em tính rồi, lao động chân tay có mấy người khá lên được, cứ là phải có cái chữ bác ạ. Dân mình phần đông như vậy, coi chữ nghĩa là phương tiện kiếm ăn chứ không coi chữ nghĩa là thứ quan trọng để làm nên con người.
Trên cái đất Hà Thành hoa lệ này có biết bao dân ngụ cư như gã, bỏ làng vào phố kiếm ăn. Thành phố tiêu thụ này vốn bao dung, có đủ chỗ làm từ nghiêm túc đến kỳ quái cho cả triệu người như gã. Đó là dấu ấn đặc trưng của tiến trình đô thị hóa đang diễn ra rầm rộ từ Bắc chí Nam. Vẫn biết quy luật phát triển của thời đại công nghiệp hóa là thế, nhưng lòng vẫn thấy xót xa. Những người dân ngụ cư không giải trí, không phim ảnh kịch cọt, không được hưởng các dịch vụ công, làm quần quật từ sáng đến tối, về đến phòng trọ là lăn ra ngủ. Gã bảo nhiều khi đàn bà mời mọc mà cũng chẳng nhấc nổi chân tay lên. Mà em nói thật với bác, ở Hà Nội mãi vẫn không quen được cách sống ở đây. Con người sống với nhau y như những chiếc xe máy, chỉ hăm hở còi to đòi vượt trước.
Gã nói chỉ đúng một phần thôi, nhưng là phần rất quan trọng. Khi xã hội lấy tiêu thụ làm trọng, làm thước đo cho sự phát triển và thúc đẩy cái “tôi”của con người bùng nổ, thì nó đã đi lệch về phía chủ nghĩa vật chất, xem nhẹ các giá trị nhân văn, tức là xem nhẹ cái giá trị văn hóa cốt lõi của con người, là thứ làm cho con người trường tồn và đáng yêu, dù khái niệm trường tồn chỉ là “phi vật thể”. Trong cái xã hội coi trọng tiêu thụ ấy, trong cái chốn đô hội phồn hoa phù phiếm này, những người lao động ngụ cư như gã suốt đời chỉ là công dân hạng hai thôi.
Nhưng những người ngụ cư là những người góp phần làm cho thành phố phát triển sống động, góp phần tạo nên lịch sử huy hoàng của thành phố này. Góp phần tạo nên lịch sử nhưng lại bị lịch sử cho ra rìa của dòng chảy bất tận của nó, đó là số phận cay đắng của những người nghèo ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng dù sao gã cũng thật đáng yêu. Bởi những thế hệ thông minh và sáng tạo sẽ có tầm nhìn cao hơn, nhờ được đứng trên đôi vai vạm vỡ và đầy sức chịu đựng kiên nhẫn của gã.