Nhớ trung thu xưa - tản văn của Bình Yên
Thu lại về. Thu vương nhẹ trên từng con phố. Thu khơi lên trong con người ta nhiều điều để ngẫm nghĩ, và khi đó người ta nhận ra rằng, vậy là dịp trung thu cũng sắp tới. Nhẹ tênh, mà dịu dàng chan chứa. Tầm đó, lá khởi vàng, bay là là trong gió heo may, bưởi căng da mọng nước, hồng chín đỏ như đèn lồng đung đưa trong gió, ngoài đường người ta bán nhiều bánh nướng, bánh dẻo hơn bao giờ hết. Ngày còn bé, với tôi không có gì vui sướng hơn khi mỗi độ Trung thu về, được cầm trên tay chiếc lồng đèn tung tăng cùng với bạn bè, được nhận quà bánh, được phá cỗ dưới ánh trăng tròn... Và có dịp được hát bài hát “Rước đèn Tháng Tám” một cách thích thú: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm…”
Càng lớn, tôi lại mong ước được một lần trở về giây phút đón Trung thu xưa, thời gian đẹp nhất tuổi thơ tôi.
Đến Trung Thu là mẹ tôi mua những chiếc bánh dẻo bánh nướng về bày cỗ trông trăng. Tôi cùng lũ trẻ vác đèn ông sao ra xóm rước đèn phá cỗ chơi đến khuya. Tôi đã từng có những cái Tết Trung Thu vui đến như vậy. Những cái Tết Trung Thu thiếu thốn nhưng đầy ắp tiếng cười. Chẳng phải tự dưng mà tôi lại nhớ đến Trung Thu xưa. Trung thu ngày đó đơn giản nhưng đủ đầy: vài múi bưởi, dăm ba quả hồng cùng đôi chiếc bánh dẻo, bánh nướng thơm ngon mà bọn trẻ chúng tôi chờ cả năm trời. Đứa nào sang thì được cái đèn ông sao, đèn cù; chứ chẳng có những món đồ chơi phát nhạc, đèn sáng đủ màu. Hồi đó trăng sáng lắm, không nhập nhoạng ánh đèn đường rồi mây bụi như bây giờ. Đám trẻ chạy quanh thôn xóm ngắm trăng, khoe đủ thứ, về chuyện mẹ mua cho cái này, mua cho cái kia. Rồi trong những đêm trăng sáng vậy, Mấy đứa con gái tụi tôi lại ước mơ xa xôi, liệu rằng sau này có cùng nhau phá cỗ tùng rinh nữa không? Rồi đến thời tôi đi học Sư phạm, Trung Thu là điều gì đó rất đặc biệt, nó khiến tôi nhớ về quê nhà. Nơi có tiếng dế kêu rít rít, tiếng sóng của dòng sông Lô rì rào, nơi mà những đứa trẻ trong xóm ùa ra vây quanh tôi đòi tôi cho bánh nướng, nơi mà những đứa lớn như tôi tụ tập nói chuyện đến khuya mới thôi. Hơn thế nữa, nơi đó có mẹ tôi chờ. Đi học sư phạm về mua cặp bánh trung thu. Bên mẹ, tôi thích nhấm nháp cái dư vị thơm ngon của miếng bánh nướng ngọt thơm beo béo trong miệng và vui nhất là được đón trung thu cùng mẹ.
Ngày ấy sao mà vui đến lạ, háo hức chờ đón từng ngày đến nỗi chỉ cần nhắc tới thôi là đã thấy chộn rộn. Và trong cái đêm trăng tròn ấy, chỉ mong nó cứ dài mãi và mong sao mẹ đừng có gọi về đi ngủ sớm…
Vẫn là ngày Rằm tháng Tám với ánh trăng sáng tròn lung linh nhưng trải qua thời gian, Tết Trung thu hôm nay đã có nhiều khác xưa. Các loại đèn giấy ngày xưa không còn nhiều, thay vào đó là hàng trăm mẫu đèn với màu sắc và hình thù khác nhau, đa phần chạy bằng pin và điện, còn có thể phát ra các bài nhạc vui tai. Hình bóng chiếc đèn ông sao truyền thống coi như đã đi vào quên lãng.
Bánh Trung thu cũng chẳng đơn thuần là bánh nướng nhân thập cẩm hình con lợn, con cá, bánh dẻo nhân đậu xanh, mà là cơ man biết bao nhiêu hương vị hấp dẫn khác nhau, như bánh trà xanh, bánh hạt sen, bánh trứng muối, bánh than tre...
Vào những ngày này, dù thưởng thức rất nhiều loại bánh trung thu của nhiều thương hiệu khác nhau như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hà Nội…, nhưng tôi vẫn không sao quên được mùi vị những chiếc bánh trung thu cổ truyền của tuổi thơ, rồi cả những chiếc bánh tẻ, bánh đa, những cái kẹo lạc.. quê mùa ngày ấy! Yêu lắm giai điệu tùng rinh rộn ràng. Những chiếc đèn ông sao, món đồ chơi do chính mẹ mua cho đêm rước đèn, phá cỗ! Trung thu về vẫn vằng vặc sáng ánh trăng như xưa nhưng mà sao tôi cảm thấy chênh chao đến lạ. Có lẽ, suy nghĩ của người phụ nữ có tuổi cũng trở nên nhạy cảm! Rằm tháng tám, trung thu vẫn đấy thôi. Trong sân khu đô thị, sân khấu rực rỡ và hoành tráng đấy thôi. Tiếng nhạc tùng rinh nổi lên rộn ràng đấy thôi…ồn ào và náo nhiệt. Trẻ con thích thú những món quà hiện đại nhưng các bạn nhỏ liệu có hiểu những câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội và những nét đẹp truyền thống không nhỉ?
Mỗi người sẽ mang một ánh trăng tuổi thơ theo mình suốt năm tháng cuộc đời; dẫu thời gian và cuộc sống hiện đại có thể làm mờ đi ánh trăng đó nhưng rồi có lúc tâm trí mình lại nỉ non về một Trung thu chẳng còn ý nghĩa như xưa. Trung thu này lại nhớ Tết Trung thu xưa!